06 juin 2020

Nghịch Cảnh


Thiện Tùng


Xóm Tre, tên gọi tự thuở nào. Một cái xóm mà trước đây dân làng trồng tre thành lũy. Nó nằm giữa hai con lộ Lý Thường Kiệt hướng đông (Giồng Nhỏ); Lộ Dừa hướng tây (Giồng Lớn). Hai con lộ nầy cách nhau hơn ngàn thước. Xóm Tre cách nội ô thành phố Mỹ Tho cũng chỉ chừng một ngàn thước. Ấy thế mà,những năm 1954-1975, nơi đây là chỗ dựa, là bàn đạp cho những người kháng chiến thâm nhập vào nội thành Mỹ Tho.




Tôi yêu mến xóm Tre, đúng hợn là tôi yêu bần dân Xóm Tre, họ nghèo nhưng không hèn, gan góc và thủy chung.

Thiếu sót lớn đối vời bất cứ ai khi nghĩ hay nói về Xóm Tre mà không đề cập đến gia đình ông năm Lý Quảng. Lý Quảng nghe có vẻ Tàu, nhưng không đâu, ông là người Việt rặc. Mới đây, hôm đầu tháng 08/2014, tình cờ tôi gặp Ông ốm như que củi dẫn xe đạp qua đường. Mời vào quán, tôi đãi ca-phê và hỏi cho biết thêm về gia cảnh hiện tại của ông. Động lòng, tôi viết bài nầy.

Vợ ông Lý Quảng là bà Lê thị Cường. Xứng với cái tên của mình, ngoài đảm đang việc nhà, bà Cường còn tiếp tay cho lực lượng kháng chiến chẳng ngại khó khăn, không màn nguy hiểm, hai lần bị đối phương bắn bị thương nhưng khí phách của bà không thay đổi.

Những năm tháng chiến tranh, ngoài công việc được giao, ông bà Lý dồn hết tâm lực lo ăn, lo bảo bộc cho cán bộ tới lui, ăn ở trong nhà mình. Nhà ông Lý bao giờ cũng là nơi chấm chân, nơi trụ và nơi xuất phát của những ai hoạt động cách mạng ở vùng nầy.

Sinh con ra mong nó nhơn hậu, ông bà đặt tên cho chúng Hiền, Lành. Khi sinh ra, Hiền èo uột khó nuôi, gia đình luôn gặp tai bai họa gởi, ông bà Lý đem Hiền bỏ ngoài đường rồi nhờ người ta đến ẩm về, đặt lại cho nó cái tên ngộ nghĩnh Lượm – xem như ai bỏ mình lượm về nuôi.

Qua “cái đốt”, Hiền khỏe, lớn nhanh, học hành thông minh. Những năm 1967-1972, Hiền dấn thân vào phong trào sinh viên, học sinh “chống can thiệp Mỹ và quân sự hóa học đường”. Đúng là “hỗ mẫu sinh hổ tử”, bao lần bị khủng bố, đánh đập, cầm giam, Hiền luôn là một trong những ngòi nổ của phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn-Chợ Lớn lúc bấy giờ.

Vừa tốt nghiệp đại học, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa chộp Hiền thảy vào trường huấn luyện sĩ quan Thủ Đức.

Khi Hiền bị cưỡng vào trường sĩ quan Thủ Đức cũng là lúc nền mống xã hội gia đình anh (ông Lý, bà Cường) bị đảo ngược, sụp đổ. Là người luôn tôn thờ Cách mạng, có quá khứ cung phụng Cách mạng vẻ vang như ông bà Lý thì chẳng có nỗi đau nào hơn khi con bị đối phương bắt đi lính, dẫn đến bị phía Cách mạng nghi kỵ, bà con thôn xóm xa lánh!

Bị phân biệt đối xử, buồn vì gia cảnh, năm 1973, bà Cường lâm bịnh qua đời, hưởng dương 47 tuổi.

Bà Cường chết đã an phận, thương cho ông Lý rơi vài đỉnh điểm khổ đau về thể xác lẫn tinh thần. Từ ấy, ông Lý không muốn giao thiệp với ai. Ông bỏ, đúng hơn là người ta không mời ông sinh hoạt đảng nữa, ngày lại ngày ông lủi thủi trong khu vườn, trong ngôi nhà vắng vẻ; đêm đêm, ông hết ngồi đối bóng bên chiếc đèn dầu, nhìn khói nhang uốn lượn từ chiếc bàn thờ của người vợ bạc mệnh, đến nằm gát tay lên trán nghe tiếng dế nỉ non. Nỗi đau cùng cực ấy, theo dòng thời gian, nó bào mòn nhựa sống trong người ông. Chẳng khác cây bị sâu đụt thân, thể xác ông mỗi lúc một héo gầy, khối tóc bạc của ông đã ngã màu vàng tơ.

Thằng Lành nghỉ học, tham gia du kích rài đây mai đó, để cho đỡ cô đơn, đầu năm 1975, ông Lý kết hôn với nữ cán bộ Nguyễn thị Bé, một góa phụ vừa mới ra tù. Nhà ông Lý có phụ nữ như đăng có đó, ấm cúng hơn, những chuyện buồn đau theo ngày tháng cũng vơi đi.

*

Tháng 3/1975, Hiền ra trường, được phong quân hàm chuẩn úy. Họ tổ chức cho Hiền mặc quân phục viếng trường, thăm gia đình. Quả là thâm độc, một cú ly gián chẳng những Hiền đối với phong trào học sinh, sinh viên, còn cả gia đình anh đối với Cách mạng. Rồi sau đó, họ giao cho anh chức việc quản trị viên trường sĩ quan Thủ Đức.

Hiền phải lòng cô gái Hoa lai Việt ở Chợ Lớn. Anh được phép về Sài Gòn làm lễ cưới. Sau lễ cưới mấy hôm, quân Cách mạng tràn vào Sài Gòn (30/04/1975). Không còn cách nào khác, Hiền chui rút trong nhà vợ mới cưới chờ xem tình thế. Ít lâu sau, anh vọt về Mỹ Tho. Ông Lý bảo Hiền ra trình diện và đăng ký “học tập cải tạo” theo lịnh của Ủy ban Quân quản tỉnh Mỹ Tho (Tiền Giang nay).

Sau 20 ngày học tập cải tạo, Hiền được trả quyền công dân cho về nhà làm ăn. Sở dĩ anh học tập cải tạo ngắn như thế là do: anh bị bắt buộc đi lính; do có một thời anh hoạt động trong phong trài học sinh, sinh viên; do anh là con gia đình có công với Cách mạng; do anh có người em là Lành đang làm trưởng Công an khu vực.

Hiền kết hôn “môn không đăng, hộ không đối”, đàng gái chăm chước ở chỗ anh là một sĩ quan. Giờ đây, Hiền là sĩ quan thua cuộc thì phải cam phận “kèo dưới”. Biết thân phận mình, Hiền sỉ diện, không về sống bên vợ và cũng chẳng rước vợ về sống bên mình. Thế là nhà ai nấy ở, thỉnh thoảng họ lui tới với nhau và sinh được 2 con trong những năm sau đó.

Hiền cố sức cùng ông Lý cải tạo lại khu vườn, mong một vài năm cuộc sống khắm khá, sửa lại ngôi nhà rồi rước vợ con về cùng chung sống.

Năm 1980,  đột nhiên vợ Hiền đến Mỹ Tho gọi anh về Sài Gòn để cùng đi với gia đình cô ta sang Úc (Australia) theo phương án “Người Hoa di tản”.

Hết mềm rồi cứng, cô ta lắm lời nhiều lẽ nhưng không thuyết phục được Hiền, anh quyết ở lại với quê hương. Khoảng tuần sau, Hiền về bên vợ (Sài Gòn) thám thính thì hỡi ôi “nhà cũ chủ mới”. Thế là “cạn tàu rào máng” là đoạn giao!… Hiền đủ can đảm đoạn giao với những người khác chớ không thể đoạn giao với hai đứa con trai thân yêu của mình. Chuyện đã vậy, anh chỉ còn ngậm ngùi thương xót cho hai đứa trẻ còn nhỏ dại phải nổi trôi nơi đất khách quê người! .

Kế hoạch sửa nhà, rước vợ con về Mỹ Tho của Hiền coi như bị sụp đổ. Phải một cú xốc lớn, người anh như bị hẩng, chẳng biết làm gì và bắt đầu từ đâu. Anh cam phận trong ngôi nhà lụp xụp với người cha bất hạnh, với bàn thờ người mẹ vắn số.

Dầu là kế mẫu, bà Bé xem Hiền và Lành như con ruột của mình, ngược lại cũng thế. Rõ ràng, những mảnh đời không may đang quyện vào nhau để sinh tồn. Tất cả trong số họ, dường như ai cũng tạm vừa lòng với thực trạng đó.

**

Một chiều mưa, mình ướt đẫm, hai tay cầm hai chiếc dép, Hiền chệnh choạng bước vào nhà. Với giọng không hài lòng, ông Lý nói:

– Nay mầy sinh tật nhậu rồi sao?!

Hiền quăng đôi dép, chồm đến nắm hai tay ông Lý, nói giọng lè nhè:

– Chẳng mấy khi vui một bữa mà ông…

Ông Lý càng bực, gở tay Hiền ra, giằn giọng:

– Vui cái nỗi gì?!

– Vui chớ ông. Tin giựt gân đây: Con được người ta nhận vào làm việc ở xí nghiệp cơ khí quốc doanh thành phố Mỹ Tho rồi. Quyết định đây, ông đọc xem có đúng không hay thằng nầy nói ẩu.

Ông Lý xem qua, cố giấu niềm vui, nhẹ giọng:

– Xin được việc rồi nhậu say thế sao!?

– Không phải vậy đâu ông ơi, nhậu rồi mới xin được việc đó chớ. Nhưng cũng không hẳn như vậy: Cái chính là nhờ cha mẹ và thằng Lành, nếu không thì chuẫn úy Ngụy nầy muôn thuở đừng hòng xin với xỏ.

– Mầy nói thế tao chưa hiểu?

– Có gì mà không hiểu, con nói y chang (trang) như cán bộ vừa nói với con khi nảy: “Lẽ ra chúng tôi không được nhận anh, nhưng xét về quan hệ gia đình, ông bà Lý xưa nay luôn tốt với Cách mạng. Đặc biệt, chú Lành em anh là trưởng Công an Khu vực, đang học ở trương Công an Tỉnh, tương lai Lành sẽ là sĩ quan Công an. Thế nên, chúng tôi châm chước mà nhận anh…” Như vậy đó, chẳng phải con xin được việc là nhờ hồng phúc của người thân sao?

– Có thể thế. Như vậy từ nay mầy phải tu tâm dưỡng tánh, làm lại cuộc đời, làm tốt mọi việc các chú, các anh giao.

– Ông không phải lo, con chấp nhận ở lại với quê hương là “chịu chơi”, chịu tu tâm dưỡng tánh rồi. Còn làm tốt việc hả, cũng khỏi lo luôn, con là kỷ sư cơ khí mà…

Thế là bao mặc cảm như tan biến, sinh khí gia đình rộn hẳn lên, niềm vui tái hiện trên nét mặt mọi người.

 Niềm vui chưa trọn vẹn, hơn tuần sau đó, Lành về quăng cuộn giấy trên bàn, nằm thở ra. Ông Lý hỏi:

– Có việc gì mà mầy như người thất trận, mặt như bánh bao chiều vậy?

– Ông xem tờ giấy ấy khắc biết.

Ông Lý vội mở giấy ra xem. Rõ ra là quyết định cho Lành nghỉ nghề Công an, tự đi tìm việc khác. Lý do cho Lành nghỉ làm Công an vì Lành có người anh nguyên là chuẩn úy Ngụy. Sau giây phút thẩn thờ, ông Lý nói với giọng mệt mõi: Cũng tại thằng “nghịch tử”  Hiền nữa rồi! Nó làm “giăng miểng” cho cả gia đình – hết tao và mẹ mầy, giờ đây đến lượt mầy!….

Biết được em mình lâm cảnh như vậy, Hiền buồn nản. Biết làm gì hơn, ngoài thời gian làm việc ở xí nghiệp, Hiền cố sức cùng ông Lý chăm sóc khu vườn để sống đắp đổi qua ngày.

Từ khi bị cho thôi việc, thất nghiệp, Lành trở thành “lãng tử”, ngày đêm ít khi về nhà rồi bặt tâm bặt tích luôn. Gia đình cố tìm riết oải, đành bỏ xụi luôn. Hơn 1 năm sau (đầu 1982), Lành gởi thư về. Thế là Lành trốn vượt biên sang Úc.

Vui vì Lành còn sống, buồn vì gia đình phải nhận lấy thêm “một vết nhơ”. Ông Lý cho thư Lành vào bao gởi cho chính quyền phường sở tại – Ông không đem trực tiếp vì đến đó chẳng biết ăn làm sao nói làm sao với anh em.

Một lần nữa, gia đình ông Lý thêm một vết đen. Còn Hiền chắc rồi cũng chẳng được yên vì có người em vượt biên. Biết được thân phận mình, Hiền chủ động xin thôi việc ở xí nghiệp cơ khí quốc doanh về tham gia tập đoàn sản xuất nông nghiệp. Đại hội toàn thể bầu cử Ban lãnh đạo Tập đoàn, Hiền trúng cử làm Tập đoàn trưởng. Hiền làm Tập đoàn trưởng được 2 vụ mùa trong năm. Để kiện toàn tổ chức, lãnh đạo Phường yêu cầu anh từ chức, với lý do “không đủ tiêu chuẩn chính trị trong chức vụ nầy”. Nản quá, Hiền rời Tập đoàn, xin vào làm kế hoạch cho cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp tư nhân dệt Sai Mai. Hiền làm được nhiều việc, giúp cho cơ sở nầy phát triển không ngừng: từ chỗ vài chục lên hàng trăm công nhân, từ chỗ mười mấy máy dệt lên gần trăm máy. Đột niên Hiền xin nghỉ việc mà không nói lý do. Ngày đêm Hiền thơ thẩn như người mất trí. Nhiều lần bắt gặp anh ôm gối khóc. Hỏi ra mới biết, trong thư Lành mới gởi về có nói: Vợ Hiền có thêm 2 đời chồng, người thứ nhất góc Thụy Điển, người thứ hai góc Ba Lan. Chị ta bỏ hai đứa con với Hiền thân sơ thất sở, Lành đang vất vả cưu mang chúng.

Suốt mấy năm trời trằn trọc, khổ đau, Hiền bỏ nhà đi biệt tăm. Biết đâu mà tìm, ông Lý cắn răng chịu đựng. Giữa năm 1990, ông Lý nhận thư từ Úc gởi về. Ông đinh ninh là thư của thằng Lành, không ngờ lại của Hiền. Không tin mắt mình, nhìn đi nhìn lại rõ là thư của Hiền, ông thở phào nhẹ nhõm. Chẳng những ông mừng vì Hiền còn sống, còn mừng cho hai đứa cháu nội của ông nơi đất lạ trời xa từ nay hôm sớm có người cha bên cạnh. Thư Hiền viết dài, ông Lý chú ý nhất đoạn “…Con cố tìm cách trốn sang Úc, đến lần thư 11 mới thoát được. Con đến Úc tháng 5/1989. Con đã tìm được Lành và hai đứa con của con. Con vừa học bổ sung đại học, vừa cố gắng làm để có tiền nuôi hai đứa nhỏ ăn học. Cuộc sống đầu hôm sớm mai còn khó khăn, con chưa hẹn ngày về, xin Ba và Dì hiểu và thông cảm cho con…”.

Ông Lý đem thư Hiền trình báo với Phường, thế mà Công an mỗi tháng đến “viếng” nhà ông ít nhất 2 lần, họ hỏi câu quen thuộc “Hiền Lành đang ở đâu?”. Bực quá ông Lý dùng sơn viết trên tường “Hiền và Lành đang ở bên Úc, ai muốn tìm qua đó tìm”. Thế là Công an lơi dần và có đến cũng không hỏi.

***

Ông Lý và bà Bé chắp nối với nhau cốt để vá lại vết rách gia đình, dựa vào nhau sống những năm tháng cuối đời. Nhưng giờ đây ông Lý lẫn bà Bé chẳng một ai yên lòng khi thấy chỗ dựa của mình ngày một mỏng manh, đã đến hồi rệu rã: trên 70 tuổi đời, luôn nhọc nhằn về thể xác, khổ đau về tinh thần, ông Lý chỉ còn bộ da trổ đồi mồi bộc bộ xương mà những mối nối cùa nó luôn biến chứng khi trái gió trở trời. Và cũng hơn 60 tuổi đời, dầm mưa dãi nắng, ngủ đất nằm hầm, vào tù ra khám, bà Bé luôn trong tình trạng da thịt bủng beo, nay đau mai ốm.

Cuộc sống của ông Lý và bà Bé giờ đây chỉ dựa vào “sự hảo tâm” của mấy gốc dừa lão thân đầy vết đạn, cũng như chủ chúng, không biết ngã đổ lúc nào; và một ít cây cam, cây mận quanh nhà còi cọc vì lòi rể, đói phân…

Đêm đêm, ông bà thường ngồi lại với nhau trao đổi sự đời. Có lần ông Lý hỏi:

– Có khi nào bà ân hận vì về với gia đình tôi mà mất chỗ đứng trong xã hội?

– Đã làm lươn thì đâu sợ lấm đầu… Nhưng ông đâu phải là người xấu?

– Mũi dại lái chịu đòn chớ bà ?

– Đầu ai chí nấy chớ. Tụi nó lớn hết rồi chớ bộ. Tụi nó tự đi chớ đâu phải ông xúi. Bí quá chúng cũng phải chạy chỗ kiếm sống chớ ? Ông quên rồi sao, cách đây cũng không lâu,  đoàn thiếu nhi hát múa của VN mình đi thi ở nước ngoài, chúng hát múa bài “Trái đất nầy của chúng em” được thưởng huy chương đó sao? Ông làm như hai thằng Hiền và Lành phản bội Tổ quốc không bằng. Khi đi, nhiều lắm vài bộ trang phục, chớ chúng có lấy gì của đất nước đem theo đâu, chẳng qua chúng tha phương cầu thực – đi bớt miệng ăn chớ có hại gì ai?!.

Ngồi tư lự giây lâu, ông Lý lẫm bẫm:

– Sống một phút cũng là một kiếp, sống trăm năm cũng chỉ một đời !

– Bộ ông hết muốn sống sao nói vậy ?

– Chết vinh hơn sống nhục.

– Nữa rồi, ông lại rơi vào bể sầu ! Mình chỉ nhận cái nhục khi mình làm bậy?

– Bà khéo lắm. Tôi chịu thua bà.

– Nói để cùng gẫm chớ không có chuyện hơn thua ở đây.

****

Hực mấy tiếng, lũ chó ùa ra chặn khách ở cửa rào. Ông Lý đang nằm lồm cồm ngồi dậy, chậm rải bước ra. Ba con chó căng hàng ngang, cụp đuôi, hướng về phía khách gầm gừ. Qua cử chỉ của chó, ông Lý biết khách lạ. Ông che tay nhìn, chưa đoán ra, giọng nam trầm từ ngoài dội vào: “Con là Hiền nè ba ! ”

Ông Lý vừa mở cửa rào, Hiền chồm tới ôm chặt lấy ông, sục sùi: “Từ bên Úc con về thăm ba và dì. Con không ngờ ba đã xuống sức đến thế nầy!.”

Mặc cho Hiền nói, rờ rẫm, ông Lý đứng trơ như trời trồng, những giọt nước từ khóe mất ông rịn ra, đọng trên khuôn mặt đầy dấu vết thời gian. Khi thấy ông Lý nhìn thằng bé, Hiền kéo nó lại và nói:

– Thằng nhỏ của con đấy ba. Thưa ông nội đi con.

Thằng nhỏ khóm nóm, vòng tay, cúi đầu:

-“Chau thua ong noi” – thằng bé nói tiếng Việt không dấu nghe lơ lớ rất lạ tai.

– Cháu phải “thua” ông nội chớ sao ? – ông Lý vò đầu thằn bé, nói đùa cho vui.

Thấy chủ khách đề huề, coi như làm xong bổn phận, lũ chó vẫy đuôi, dạt ra hai bên đường, tó hai chân ngồi xổm, dõi theo từng cử chỉ của mọi người.

Hiền đi trước, ông Lý nắm tay thằng bé theo sau. Thấy ba con chó lót tót chạy theo, thằng bé níu chặt tay ông nội đi thụt lùi, mắt không rời mấy con chó. Ông Lý trấn an thằng bé: “Đừng sợ, coi vậy chớ chúng hiền lắm”.

Vừa lọt vào nhà, thằng bé gở tay ông nội, phóc lên ván, ngồi chồm hổm nhìn theo mấy con chó. Thấy vậy, ông Lý gọi cả ba con chó lại, cầm tay thằng bé rà vào mũi từng con chó. Phiên con nào được rà con ấy uốn mình, ngoắc đuôi, lè lưỡi liếm tay thằng bé. Vừa phón, vừa nhột, thằng bé rúm người, hiếp mắt. Từ đó trở đi, thằng bé quen dần và trửng nhau với mấy con chó không biết chán.

*****

Có cha con thằng Hiền về, giỗ bà Cường năm nay ông Lý làm nới hơn những năm trước. Lần nầy, ngoài mời chòm xóm lân cận, ông còn mời dàn lãnh đạo Phường. Sau đãi tiệc chính lúc 11 giờ đối với mọi người,  những người “chịu chơi” có thể ở lại lai rai đến đêm. Đêm đã khuya, với giọng lè nhè, trưởng Công an Phường đưa ra sáng kiến:

– Ông Năm nuôi chi đến ba con chó cho tốn cơm, hay là trước khi cha con anh Hiền lên đường ta thịt 2 con nhậu một bữa cho thỏa chí tang bồng ?.

– Gì chớ việc ấy không được đâu ! Vợ chồng tôi thương chúng như thương con.

– Ông không nghe người ta nói “vật dưỡng nhơn” sao?

– Nhơn cũng phải dưỡng vật nữa chớ? – ông Lý vặn lại.

Để có sự cảm thông, ông Lý giải bày với giọng trầm buồn: Nuôi con gì cũng vậy, khi đã mến tay mến chân thì không nỡ nào thịt nó. Mấy con chó nhà nầy khôn và trung thành đúng mực, ngoài bắt chuột, chúng còn giữ nhà, giữ vườn…, hễ nghe tiếng động, chúng bung ra săn lùng, gầm gừ nhưng không hề cắn ai. Con nào cũng vậy, bảo ăn thì ăn, chưa bảo đứng đó liếm mép. Người ta thường nói “giành ăn như chó”, nhưng chó nhà nầy không hề giành ăn, phần con nào nấy ăn, không ăn con kia không hề rớ. Ngay cả ngủ, chỗ con nào nấy nằm không hề chen lấn. Con mẹ của chúng đã chết còn khôn gấp mấy: Có lần tôi với bả bịnh, bả nằm giường trong, tôi nằm ở bộ ván nầy, nó luôn chạy tới chạy lui thăm chừng, thấy ai nhắm mắt nằm im, nó chồm lên liếm chân, mở mắt ra nó mới chịu xuống – có lẽ nó sợ người ấy chết. Cả 2 ngày, tôi và bả nằm liệt, lo mình không xong, có cho nó ăn thứ gì đâu, thế mà nó không hề rời nhà. Những ngày tôi với bả bịnh, vẻ mặt nó buồn hiu, khóe mắt ghèn mới chồng lên ghèn cũ. Thương xót hơn, nó đẻ mới mươi bữa, bịnh bỏ ăn nằm thoi thóp. Tôi rờ đầu nó ráng nhướng mắt ra, ứa lệ. Nó chết để lại 3 con vừa mở mắt. Tôi với bả gói xác nó đem chôn sau vườn. Nước cơm với đường thay sữa mẹ, tôi với bả cực khổ nuôi dạy chúng lớn khôn như ngày hôm nay”.

Ngồi lặng giây lâu, chẳng ai nói gì, ông Lý nói tiếp: Theo tôi được biết, “chó không ăn thịt chó, người ăn thịt chó chớ chó không ăn thịt người – trừ khi thêm gia vị cho bán mùi. Người đối với người đôi khi còn vật đổi sao dời, chớ chó đối với người một mực chung thủy – dầu chủ mạc lộ. Không như thời kháng chiến, thời đô thị hóa nầy, những nơi hẻo lánh như ở đây, chẳng mấy ai lui tới. Tôi với bả sống như ông bà từ ở chùa, khi rảnh nhờ có mấy con chó, giỡn chơi với chúng cũng khuây khỏa.

Có lẻ không muốn nghe “Ông gìà Ba Tri” (1) thuyết về chó nữa, những người có mặt lần lược cáo lui.

******

Đêm nầy nữa thôi, sáng mai cha con Hiền lên đường, Hiền thỏ thẻ với ông Lý:

– Con và Lành đã lỡ đi thì quyết bám bên ấy – xem như đã an bày. Có điều, “con chân trời, Ba và Dì góc biển!”. Trước khi về đây, tụi con đã bàn với nhau, nếu Ba và Dì thuận ý, tụi con bảo lãnh, rước Ba và Dì sang bên ấy cho gần gũi, tiện bề phụng…

– Không ! – ông Lý cắt lời Hiền, nói: Các con lỡ đi thì đành vậy, ba và dì không thể đi được, ở đây còn mã mồ người thân, hơn nữa, đi hết để kiếng họ nhà ta vĩnh viễn lìa bỏ cội nguồn sao con?!. Dù cho ngịch cảnh thế nào, ba và dì cũng sống chết tại đây. Khi trở qua bên ấy, con nói với thằng Lành khỏi phải lo, tình làng nghĩa xóm, người ta không bỏ ba và dì đâu. Sợ không còn dịp, hôm nay ba thấy cần dặn dò, khuyên bảo con cháu – xem như lời trăn trối cũng được: “Bất kỳ ở đâu, lúc nào, các con cũng phải xứng đáng với những cái tên cha mẹ đặt cho; các con dạy cho lũ nhỏ học và nói tiếng Việt. Trước đây ba và dì định sau khi chết hỏa táng cho gọn, bây giờ đổi ý địa táng, chôn cạnh mộ mẹ Cường của con – Nếu hỏa táng, tụi con xách hủ tro đi thì coi như cả gia tộc vong bổn. Ba và Dì cũng yếu lắm rồi, khi thấy không thể “qua khỏi”, ba sẽ báo cho các con. Nều về kịp thì tốt, không kịp thì các con cũng phải về làm mộ ba, mẹ và dì – làm nhỏ, khiêm tốn nhưng phải chắc chắn, chịu đựng lâu dài nắng mưa để các con yên lòng nơi đất khách. Những ngôi mộ sẽ là cái gạch nối giữa các con với quê hương xứ sở.

Kéo hộc tủ lấy ra gói nhỏ, ông Lý đưa cho Hiền và nói: Đây là băng nhạc “Chuyến đò quê hương” ba tặng cho con cháu, xem nó như món quà lưu niệm. Hầu hết những bài hát trong nầy theo làn điệu Dân ca. Ba thấm thía nhất bài Quê Hương – Quê hương là chùm khế ngọt cho ta trèo hái mỗi ngày… Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi. Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lón nổi thành người. Quê hương là vậy đó.

Sáng sớm hôm sau, ông Lý, bà Bé và cả 3 con chó tiễn cha con Hiền ra trước cửa rào. Bốn người châu vào nhau thành một khối. Trong cảnh sinh ly hàm chứa nội dung tử biệt nầy, họ nghẹn ngào, nức nở… Mấy con chó thủ vai quan sát viên, tó hai chân trước ngước nhìn, có lẽ chúng cũng muốn chia buồn với chủ.

Với giọng khàn khàn, run run, ông Lý nói: “Nhớ nghe, nơi Xóm Tre nầy còn có ba, dì và mộ phần của mẹ con!”.

14/02/2015
     T.T

Chú thích

(1) Xưa có ông già ở Huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre đội sớ đi bộ hàng ngàn cây số từ Ba Tri ra triều đình Huế kiện quan lại địa phương. Áp dụng cụm từ “Ông già Ba Tri” đối vớt bất cứ ai là khen sự kiên trì, dũng cảm của họ – khen chớ không phải chê

 --------

Văn Tuyển – Hiệp Hội Văn chưng Toàn cầu

Posted on Tháng Một 12, 2016 by VietnamDaily.News in Thiện Tùng, Truyện ký // 0 Comments