06 juin 2020

DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC, CÀNG “CHỦ ĐẠO” CÀNG HƯ HỎNG !


HOÀNG HẢI VÂN

Trải qua nhiều kỳ Đại hội Đảng, doanh nghiệp nhà nước vẫn được xác định giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Thế nhưng trừ Viettel và một số rất ít doanh nghiệp khác làm ăn có hiệu quả hay Tập đoàn Dầu khí hút tài nguyên quốc gia lên bán không tính, còn lại phần lớn không đủ sức cạnh tranh và nhìn đâu cũng thấy sai phạm. Tiếp theo vụ Vinashin ai cũng biết, một lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước được thăng tiến đến Ủy viên Bộ Chính trị vẫn không thoát được trách nhiệm như ông Đinh La Thăng đã vào tù cùng một loạt các cựu quan chức ngành dầu khí. Một doanh nghiệp nhà nước khác là Mobiphone hư hỏng dẫn tới 2 cựu Bộ trưởng và một loạt quan chức lũ lượt nhập kho. Tập đoàn Điện lực chưa đổ vỡ chẳng qua là nhờ độc quyền nhà nước áp đặt giá bán điện. Tập đoàn Xăng dầu thì hoạt động mù mờ nhưng được nhà nước ưu ái cho “lãi định mức” vào giá bán, tức là không bao giờ để lỗ, bất chấp nhà nước không kiểm soát được chi phí đầu vào của xăng dầu.


Cơ quan quản lý nhà nước theo ngành là các Bộ. Lẽ ra các chính sách và luật pháp do các bộ tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội phải bảo đảm sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, nhưng vì các Bộ hiện vẫn giữa vai trò chủ quản đối với nhiều doanh nghiệp nhà nước, cho nên các chính sách và luật pháp do một số Bộ tham mưu vẫn tạo lợi thế cho các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ mình.

Nhìn Bộ Xây dựng thì biết. Tổng Công ty Sông Đà là doanh nghiệp trực thuộc Bộ này (Bộ Xây dựng là cơ quan chủ quản của 15 Tổng Công ty, tính đến năm 2017) làm ăn không hiệu quả đang nợ nần như chúa chổm, không có khả năng trả nợ gốc và lãi vay. Riêng đối với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổng công ty này còn nợ tới 114,8 triệu USD đến nay không có khả năng trả nợ gốc và lãi vay đến hạn. Với tư cách là cơ quan chủ quản, lẽ ra không để cho doanh nghiệp của mình rơi vào tình trạng bê bết này, thì Bộ Xây dựng cứ để cho nó bê bết, rồi đề nghị Thủ tướng cho Tổng Công ty Sông Đà được CHỈ ĐỊNH THẦU làm đường cao tốc Bắc-Nam để giải quyết khó khăn, đồng thời đề nghị Bộ Tài chính miễn chi phí cho vay lại và gia hạn trả nợ đối với doanh nghiệp này.


Bộ Xây dựng là cơ quan quản lý nhà nước theo ngành của quốc gia chứ đâu phải nhà nước đẻ ra Bộ này chỉ để làm lợi cho các doanh nghiệp của Bộ, bất chấp những khó khăn của các doanh nghiệp khác. Nếu Chính phủ đồng ý đề xuất của Bộ xây dựng thì môi trường cạnh tranh sẽ tiếp tục bị méo mó, gây tác hại nghiêm trọng cho nền kinh tế. Đó là chưa nói đến việc chỉ định thầu sẽ làm đội giá công trình một cách vô tội vạ, làm tăng chi phí cho ngân sách, dung túng cho tham nhũng.

Vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước dường như là một nguyên tắc được đặt lên bàn thờ không ai dám bê xuống. Tôi biết mặc dù trong thâm tâm nhiều Ủy viên Trung ương cũng như nhiều đại biểu qua các kỳ đại hội Đảng vẫn thấy nó rất vô lý nhưng không ai dám phát biểu, người ta sợ bị đánh giá là “chệch hướng”, rất khó còn cơ hội thăng tiến. Nhưng các vị cũng nên nhớ còn có một nguyên tắc khác, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang lấy làm một trong những nền tảng. Nguyên tắc cao nhất mà cụ Hồ dạy cho các hậu bối rất là dễ hiểu : “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm; việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh”. Bám vào cái nguyên tắc không ai hiểu nổi để duy trì, dung túng cho việc làm ăn bê bết thua lỗ triền miên của doanh nghiệp nhà nước là có hại hay có lợi cho dân thì không nói ai cũng biết. Và không làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì có "chệch hướng" hay không ?


HOÀNG HẢI VÂN