15 septembre 2020

Không phải ai, mà thể chế chính trị nào?

 Thiện Tùng

 15/9/2020

 Người dân quanh năm suốt tháng đầu tắt mặt tối lo việc mưu sinh, họ ít quan tâm đến thời sự / Cứ sắp đến mùa bầu cử, quan chức chạy đôn chạy đáo  chẳng những kiếm ghế, giữ ghế cho bản thân còn lo cho phe cánh của mình / Còn các cụ nghỉ hưu rảnh công rỗi việc tha hồ  võ đoán về quan chức ai lên, ai xuống, ai nghỉ hưu, hết cấp Cơ sở, Địa phương đến cấp Trung ương.  

Ảnh minh họa

 Ở cuộc trà đàm hôm nay, các cụ bàn sôi nổi về phẩm hạnh cán bộ rồi xếp ghế: Ai nên/sẽ làm Bí thư; ai nên/sẽ làm Chủ tịch; ai còn ai mất… Nói chung là họ có ý tốt, muốn có người tài đức lên nắm quyền để cải thiện tình hình. Họ say sưa bàn, tôi say sưa nghe. Một nhà giáo nhìn tôi nói:

-  Nãy giờ tôi thấy anh Tùng “bóc lột” chúng tôi quá đáng rồi đó, có ý kiến gì đi chớ?

Bị  ép, tôi định nói đáp lễ cho qua: 

-  Muốn cải thiện tình hình, không phải ai, mà là thể chế chính trị nào?”.

- Ý anh là sao nói rõ hơn xem? – Một đảng viên lão thành gạn hỏi tôi.

 Thế là tôi  sa lầy  vì câu “bắn bỗng” chung chung ấy, buộc phải lý giải:

-  Nhập gia phải tùy tục” hay vào chùa phải kính Phật? Nếu vẫn thể chế chính trị Độc tài thì dù ai lên cũng phải tuân thủ những nguyên tắc của thể chế ấy. Cũng như, còn là đảng viên, phải tuân thủ 20 điều đảng viên không được làm.

- 19 điều đã nghẹt thở mà anh lại cho thêm một điều nữa! – Một lão đảng viên chỉnh tôi.

- 19 điều là trước đây - tôi nói: Mới đây Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ta họp trực tuyến căn dặn đảng viên “không được xem thông tin ngoài luồng”. “Không được” đồng nghĩa với cấm chớ còn gì? Vậy là 20 chớ đâu còn là 19 nữa?

Thấy mọi người tỏ đồng tinh, tôi hứng nổ tiếp:

- Dân ta đang khổ và bực bội vì nạn bè phái, tham nhũng. Chúng từ đâu ra nếu không phải từ thể chế chính trị Độc tài? Tham (tham lam) thì có thể bất cứ ai, còn nhũng (nhũng nhiễu)  phải là người có quyền. Đảng cầm quyền thì lãnh đạo các cấp, các ngành từ Trung ương cho đến Cơ sở  phải đều là đảng viên.  Ai mà không thấy lạ, một đất nước mà Dân sai phạm thì xử lý theo Pháp Luật, còn đảng viên sai phạm thì xử lý theo điều lệ Đảng, nhẹ nhứt là phê bình, cao nhứt chỉ là khai trừ Đảng. Bỏ phiếu tín nhiệm trong nội bộ Đảng thì định ra 3 mức: “tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp” – rốt cuộc tất thảy đều được tín nhiệm. Lạ hơn nữa, đảng viên sai phạm cho nghỉ  lãnh lương hưu, cách hết các chức mà họ không còn giữ..v.v… Từ đó, cho phép ta khẳng định: ngày nào còn giữ thể chế chính trị Độc tài thì ngày ấy còn nạn bè phái, tham nhũng. Phải khẳng định rằng: không có nghề nào giàu nhanh bằng nghề tham nhũng, họ sẵn sang hy sinh đời bố để củng cố đời con. Vậy vấn đề đặt ra không phải là ai, mà thể chế chính trị nào - Độc tài hay Dân chủ, hãy chọn một trong hai. 

  Nghe tôi nói vậy, một đảng viên phỏng đoán:

- Vậy la sắp tới đây Đảng ta phải chọn thể chế Dân chủ để cứu nguy thôi.

Tôi lắc đầu, nói:

- Chưa chắc đâu,Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi ý với Tiểu ban soạn thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII: “Cũng phải dựa vào Cương lĩnh, Điều lệ của Đảng và Hiến pháp hiện hành mà viết ra thôi”. Với tư cách trưởng Tiểu ban Văn kiện, ông Trọng nhứt quyết và được Ban soạn ghi vào tập Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII sắp tới ( ở trang 11): “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa Xã hội; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI (2050) nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng XHCN”. 

Chắc các anh còn nhớ, khi đương quyền Chủ tịch nước, ông Nguyễn Minh Triết nói “Đảng bỏ điều 4 trong Hiến pháp là tự sát”. Có lẽ ông Trọng cũng cùng quan đểm với ông Triết nên căn dặn Tiểu ban soạn thảo văn kiện Đại hội XIII phải bám sát: “ Cương lĩnh, Điều lệ Đảng và Hiến pháp hiện hành” ( điều 4  Hiến pháp 2013) ?. 

 Không ngờ, việc tôi trích dẫn những gợi ý của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Ban soạn thảo văn kiện như vừa kể, lại làm cho những đảng viên có mặt trong cuộc trà đàm này chuyển trạng thái từ cao hứng sang cụt hứng. Sẵn trớn, tôi  lập luận gợi suy thêm với các cụ:

-  Độc tài và Dân là hai thể chế chính trị đối lập, chúng không thể “ăn chung mâm, ngủ chung mùng”. Cuộc đấu tranh giữa Độc tài và Dân chủ không khoan nhượng, mang tính chất “một mất một còn”, chỉ đang lựa chọn hình thức đấu tranh sao cho có lợi nhứt, từ thấp đến cao, làm thay đổi về lượng dẫn đến thay đổi về chất?.  

Một sự thật không thể chối cãi, hiện nay, phía “Đảng ta” muốn giữ cho còn  thể chế chính trị Độc tài để đại diện quyền lợi  cho cục bộ; còn phía đa số Nhân dân Việt Nam muốn thể chế chính trị Dân chủ để đại diện quyền lợi cho toàn bộ. Cuộc đấu tranh “ai thắng ai” nầy chỉ kết thúc khi nào thể chế chính trị Dân chủ, đại diện quyền lợi cho toàn bộ, lên nắm quyền.

 

Khi thấy mọi người không nói gì, tôi đứng dậy nói: “Do các anh khai khẩu, tôi mới nói búa xua ra như thế, loại nào không xài được vứt vào sọt rác. Các anh cứ tiếp tục trà đàm thế sự, tôi phải đến Ban bảo vệ sức khỏe xin thuốc chống dị ứng, ngứa sần da hết rồi nè ?!”.  -/-