04 septembre 2020

Giáo sư Trần Ngọc Vương: Tôi sốc khi đọc được cẩm nang thủ đoạn chính trị của Trung Quốc


Giáo sư Trần Ngọc Vương
PNO - Hơn bốn mươi năm qua, Trung Quốc là thế lực duy nhất đe dọa độc lập chủ quyền, xâm phạm lãnh thổ nước ta. Giáo sư Trần Ngọc Vương - người đã miệt mài nghiên cứu về Trung Quốc từ tuổi đôi mươi đến nay - nhận định: “Người Trung Quốc, đặc biệt là giới cầm quyền, luôn tin vào não trạng của mình. Họ luôn giương đông kích tây, trong đầu luôn có các loại mưu kế. Thậm chí, họ còn tưởng tượng các tình huống có thể xảy ra và luôn có sẵn “bài” để đối phó với từng tình huống tưởng tượng đó. Đây là đặc điểm kinh hoàng nhất của giới chính trị Trung Quốc”.
Báo Phụ Nữ TPHCM đã có cuộc trò chuyện với ông.


Họ muốn nhanh chóng hiện thực hóa “Trung Quốc mộng”

Phóng viên: Năm 2009, Trung Quốc xuất bản cuốn Trung Quốc mộng, tác giả là đại tá Lưu Minh Phúc, một giáo sư của Đại học (ĐH) Quốc phòng Bắc Kinh. Những hành vi quấy phá của Trung Quốc ở Biển Đông cũng tăng dần đều từ năm 2009. Nhân vật này có vai trò gì trong việc Trung Quốc đẩy mạnh các hành vi phi pháp đó không, thưa giáo sư?

Giáo sư Trần Ngọc Vương: Có hai cuốn sách của Trung Quốc cần được nhắc đến, là Tô tem sói (Lang đồ đằng, tác giả Khương Nhung) và Trung Quốc mộng. Cả hai cuốn đều được quảng cáo và phát hành hết sức rầm rộ. Tô tem sói được viết dưới dạng tiểu thuyết nhưng thực chất đó là khảo cứu mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa.

Tác giả xác định căn tính của người Trung Quốc là căn tính sói - một loài ranh mãnh, thủ đoạn, độc ác nhất trên cả thảo nguyên, bình nguyên và cao nguyên. Nhiều năm liền, Trung Quốc cho in đi in lại cuốn Tô tem sói. Bấy giờ, họ đang muốn tuyên truyền một tinh thần khác, một không khí khác, đó là tính chiến đấu và tinh thần quật cường của người dân nước họ. 
Còn Trung Quốc mộng là hướng tuyên truyền của quân đội. Hai cuốn sách tuyên truyền hai hướng khác nhau. Xưa nay Trung Quốc là vậy, luôn đưa ra khả năng này, khả năng kia. Trung Quốc mộng vẫn trên tinh thần vừa thừa tiến, vừa uốn nắn tinh thần của Tô tem sói. Song, viết Trung Quốc mộng, Lưu Minh Phúc mới chỉ tiếp cận một góc tham vọng của nhà cầm quyền. Đọc kỹ thì góc tuyên truyền của Lưu Minh Phúc là duy trì cảm hứng chủ đạo trong tư tưởng của Đặng Tiểu Bình “thao quang dưỡng hối” (che đi khoảng sáng, nuôi dưỡng cái tù mù, không muốn minh bạch, rõ ràng với thế giới) và “trỗi dậy một cách hòa bình”.

* Với xuất phát điểm không ít khó khăn, việc Trung Quốc vươn lên, trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thực sự là kỳ tích. Trong “thiết kế” của Đặng Tiểu Bình, “trỗi dậy một cách hòa bình” là một trong những cảm hứng chủ đạo. Nhưng những gì Trung Quốc hành xử trên Biển Đông trong hơn 10 năm qua cho thấy rõ là họ đã cách ly từng bước “thiết kế” của ông Đặng?

- Sau hai thập niên tham gia định hình những chính sách quan trọng nhất của Trung Quốc và được ủng hộ, nhà tư tưởng của Trung Quốc hiện nay là Vương Hỗ Ninh. Đây là một nhà nghiên cứu chính trị chuyên nghiệp, hiện là một trong bảy Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông ta thiết kế một đường hướng khác Đặng Tiểu Bình, vừa tiếp tục nhưng lại vừa điều chỉnh, thay đổi. Từ năm 2007, trên đỉnh cao nhất của nhóm làm chiến lược, đã bắt đầu thay đổi. Sự thay đổi từ Giang Trạch Dân, qua Hồ Cẩm Đào, tới Tập Cận Bình dựa vào Vương Hỗ Ninh là sự điều chỉnh có kế hoạch. Vương Hỗ Ninh thấy, phát triển theo cách Đặng Tiểu Bình đề nghị thì chậm. Ông ta muốn “đi” nhanh hơn, muốn thu hoạch nhiều hơn từ nhiều hướng khác nhau, do đó chấp nhận sự đa tạp của tình hình. 

Người Trung Quốc, đặc biệt là giới cầm quyền luôn tin vào “trực giác định hướng” của mình. Họ thường giương đông kích tây, trong đầu luôn có các loại mưu kế. Thậm chí, họ còn tưởng tượng các tình huống có thể xảy ra, và luôn có sẵn “bài” để đối phó với từng tình huống tưởng tượng đó. Đây là đặc điểm phức tạp nhất để hiểu giới làm chính trị cực quyền, thượng đỉnh của Trung Quốc.


Con người không được mang ý thức về sinh mệnh


* Mô hình ông vua - thiên tử độc nhất thế giới, cùng căn tính sói của dân tộc (như họ tự nhận) khiến chính quyền của Trung Quốc có những đặc điểm gì riêng biệt, thưa giáo sư?

- Mô hình quyền lực tối cao ở Trung Quốc hầu như không có yếu tố tôn giáo mà chỉ duy trì biểu tượng thần quyền (đến một ngưỡng cần thiết cho tuyên truyền ở một mức độ nhất định). Nói cho cùng, mọi tôn giáo đích thực đều có giá trị cứu rỗi cho con người, kể cả những người cầm quyền tối thượng (như việc hoàng đế Napoléon Bonaparte vẫn cần sự có mặt của Giáo hoàng trong lễ lên ngôi).

Nhưng thể chế truyền thống của Trung Quốc thì khác, hoàng đế lên ngôi, tự lập đàn tế trời, tự công bố với thiên hạ, hành xử hoàn toàn nhân danh trời và đồng nhất trời với bản thân. Quyền lực của hoàng đế Trung Quốc không chịu “lép” bởi quyền lực tôn giáo, không có tín ngưỡng, cho nên mục đích của thể chế ấy cũng như phương tiện của họ là tính hiện thế. Tinh thần cực quyền của họ thể hiện rất rõ.
Tô tem sói và Giấc mơ Trung Quốc (Trung Quốc mộng) là hai hướng tuyên truyền phục vụ tham vọng bá chủ thế giới của nhà cầm quyền Trung Quốc
Người Trung Quốc có những chuyện kỳ dị mà nếu không phải người cầm quyền tối cao, không phải là những người tột cùng tham vọng thì không thể hiểu được, hoặc không đủ sức để đảm đương gánh nặng tâm lý ấy. Những người như Phạm Lãi (công thần của Câu Tiễn, ông vua nước Việt tại vị từ năm 496 - 465 trước Công nguyên) xưa hay Chu Ân Lai hiện đại đều không thể đeo đẳng mẫu người đó.

Sở dĩ Phạm Lãi sống được là do ông ta không theo mô hình đó (sau khi không khuyên được Câu Tiễn, Phạm Lãi bỏ đi biệt tích). Sở dĩ trong mấy trăm người từng là lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc bị thanh trừng, một mình Chu Ân Lai tránh được, là bởi ông ta thuyết phục Mao Trạch Đông chỉ ở một điểm, đó là tiếng “nói thầm” luôn được nhắc đi nhắc lại: “Tôi không tranh, không bao giờ định tranh vị trí độc nhất với ông”. 

Đặc điểm quyền lực bằng mọi giá của thiết chế chuyên chế này cũng là đặc điểm hàng đầu. Một đặc điểm không nơi thứ hai nào có nữa, đó là sự coi rẻ, vô hiệu hóa mạng người, vô nghĩa hóa thân phận mỗi người và bất cứ cá nhân nào. Không cần nói đến những chuyện cả thế giới hiện nay đang lên án, chỉ cần nói về nguồn gốc chiếc bánh bao trong lịch sử của họ: tiến xuống phía Nam là khó khăn lớn với những người sống ở Trung Nguyên. Cuộc hành quân của họ vấp phải những sơn hệ - thập vạn đại sơn, đặc biệt là Ngũ Lĩnh.

Người Trung Quốc luôn e ngại khi phải vượt qua năm ngọn núi đó. Đánh phương Nam là một trong những nỗi kinh hoàng cay cực của lính phương Bắc. Người lính của họ được giáo dục, tuyên truyền chuẩn bị tinh thần sẵn sàng giết, đồng thời cũng sẵn sàng chết. Cái chết thì được tô vẽ bằng chủ nghĩa anh hùng, “da ngựa bọc thây”, “nhẹ tựa lông hồng”. Còn đối thủ, đối phương thì cần bị “ăn gan, uống máu”. 

Để “Nam chinh”, vì không biết phương tiện, điều kiện ra sao nên họ phải tích trữ lương khô mang theo. Nấu ăn cũng khó, nên loại bánh phổ biến họ làm là lương khô, vừa gọn nhẹ, vừa dễ sử dụng. Ngay từ thời ấy, họ đã giáo dục cho người lính phương Bắc của họ tinh thần vừa căm thù, vừa quyết tâm: ăn bánh “man đầu” (tức bánh bao) là ăn đầu người Nam man, tức cộng đồng Bách Việt.

Trong lịch sử chiến tranh ở Trung Quốc xưa, số binh lính thường được huy động lên tới vài chục đến vài trăm vạn. Vậy mà, như một nhà thơ đời Đường đã “ráo hoảnh”: “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” - xưa nay ra trận mấy ai về. Phong cách thực thi chiến tranh nổi tiếng của Trung Quốc, nổi tiếng từ xưa trên toàn thế giới, là “chiến thuật biển người”, “lấy thịt đè người”.

Mạng người, bất kể là mạng của ai, trừ người nắm quyền tối cao, đều có thể trở nên vô nghĩa. Kể từ ngày lập nên nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949, nghĩa là “thời bình”, không loạn lạc, không chiến tranh, mà theo nhiều nhà nghiên cứu cả trong lẫn ngoài Trung Quốc, số người chết không phải tự nhiên, mà chết do “nhân tai” - lỗi của người cai trị - lên đến cả trăm triệu người. Riêng nạn đói xảy ra vào những năm 1958-1961 trong và sau phong trào Đại dược tiến (đại nhảy vọt), theo nhiều tài liệu khác nhau, đã làm chết từ 37 - 43,5 triệu người.

* Không chỉ nghiên cứu Trung Quốc, giáo sư còn có nhiều thời gian giảng dạy ở ĐH Bắc Kinh. Đặc điểm nào của con người sống trên đất đó khiến ông nhớ nhất?

- Thân phận con người! Sau hơn 20 năm nghiên cứu Trung Quốc, năm 1998, lần đầu tiên, tôi mới có những ngày sống trên đất nước này. Tôi sang dạy ở trường đại học lớn nhất của họ với tư cách là chuyên gia hàng đầu, hưởng bậc lương rất cao. Nhưng cách xử sự của họ thì… kể ra cho hết, thật lắm chuyện khôi hài.

Nói vậy để thấy rằng, một vị trí như mình, khách mời (mà là “quốc khách”, vì bấy giờ tôi sang dạy bằng giấy mời của Quốc vụ viện, đóng dấu quốc huy hẳn hoi) như mình mà còn vậy. 
Ở Bắc Kinh, quan sát thì cảm nhận rất rõ rằng, con người ở đó không có ý thức về sinh mệnh hay thân phận

Tôi dạy ở Bắc Kinh, sống ở Bắc Kinh và quan sát thì cảm nhận rất rõ rằng, con người ở đó không có ý thức về sinh mệnh hay thân phận. Cái gọi là “nhân thân” ở đây vô nghĩa. Không ai quan tâm, không ai muốn, không ai cần biết anh là ai; anh cũng chỉ như cái cây, ngọn cỏ ven đường. Họ chỉ cần biết người đó là da đen hay da trắng, là người giống họ hay không. Đó là lần đầu tiên tôi đến một cộng đồng mà cảm giác sự vô nghĩa của thân phận cá nhân rõ ràng đến vậy.


Bí mật về cuốn kỳ thư 

* Ông tiếp xúc với cuốn Phản kinh, chính là trong chuyến đi đó?

- Sang Bắc Kinh, tôi đi lang thang xem sách thì cuốn sách có tiêu đề Phản kinh đập vào mắt. Đó là lần đầu tiên tôi biết có cuốn đó. Tôi cầm lên, thấy chữ khó đọc, giấy xấu, tên tác giả lại không đọc được, chữ rất lạ (họ Triệu thì đọc được), lại của một nhà xuất bản (NXB) hầu như không có tên tuổi gì - NXB Nội Mông.

Tôi đọc phần giới thiệu, họ viết rất rõ: “Lịch đại thống trị giả hành nhi bất ngôn dụng nhi bất tuyên đích kỳ thư”. Có nghĩa, đây là cuốn kỳ thư mà kẻ thống trị các đời làm theo nhưng không nói, dùng nhưng không công bố. Tôi giật mình, sách này là sách cấm, riêng phần giới thiệu đã thấy kinh hoàng. Hơn một ngàn năm, sách chỉ dành cho tầng lớp cao nhất của bộ máy cai trị. Dưới thời Minh, Thanh, ai đọc sách cấm mà bị phát hiện là phạm tội đại hình, bị giết. Và đó cũng là lần đầu tiên, người Trung Quốc biết đến Phản kinh một cách rộng rãi.

Tôi chép tên tác giả ra giấy mang đi hỏi một giáo sư của ĐH Bắc Kinh, ông này không biết. Ngày ĐH Bắc Kinh tổ chức kỷ niệm 100 năm thành lập ở Đại lễ đường nhân dân, riêng ô tô chở chuyên gia của họ là 80 xe. Ông ấy mang đi hỏi khắp, cũng không ai biết, vì người giỏi chữ Hán nhất Trung Quốc cũng chỉ biết đến 85% lượng chữ. Ông rất tức, dành mấy ngày để tra các loại từ điển thì tìm được tên tác giả là Nhuy (chữ Nhuy thực ra là phần đuôi của một từ có tính chất từ láy nên hiếm gặp). Tác giả đỗ tiến sĩ thời Trung Đường. Viết xong bộ sách này, Triệu Nhuy vào gặp vua một lần, dâng cho vua bộ sách và từ chối tất cả những lời ban khen, phong tặng, xin lui về quê rồi biệt tăm không ai biết. 

Từ đời Đường, qua Tống, Nguyên, Minh, Thanh, cuốn sách ấy chỉ được nằm trong bí thư các (gác chứa sách) của vua, cũng không đưa xuống tứ khố toàn thư. Đến tận đời Càn Long, ông mới sai những đại học sĩ sao chép ra vài bản, phân hạng mục trong tứ khố toàn thư nhưng vẫn không lưu hành ra ngoài. Đích thân Càn Long đề tựa cho cuốn sách và đổi tên. Đại học giả nổi tiếng nhất của đời Càn Long là Kỷ Hiểu Lam hiệu đính cuốn sách. Và văn bản cuối cùng đó chính là văn bản mà NXB Nội Mông in.

* Vai trò, tính chất của Phản kinh đối với nhà cầm quyền Trung Quốc là gì thưa giáo sư?

- Tôi đọc và thấy tác giả đã cảnh báo rất đích đáng. Bộ sách này không phải nhà cầm quyền tối cao nào cũng đọc được, mà phải là người cực giỏi, nếu không thì rất tai hại. Vì đó là những thủ đoạn kinh khủng nhất của giới cầm quyền. Cũng vì thế mà khi từ Bắc Kinh về, tôi đã tìm mọi cơ hội để dịch cuốn sách đó, nhưng tiếc là hầu như không ai quan tâm. Giờ thì đã có bản dịch rồi.

* Khi tiếp cận Phản kinh, cảm giác của ông ra sao?

- Tôi sốc. Triệu Nhuy kể theo lối nửa hư nửa thực, có nhiều yếu tố như Trang Tử, huyễn hoặc biến ảo, thật giả lẫn lộn. Anh đọc, anh tin có thật thì nó là thật, bởi những chuyện ông ấy kể không ai xác minh được. Tôi nhớ nhất câu chuyện kể về Phạm Lãi, với những chi tiết rất lạ. Việc Phạm Lãi bỏ đi, có những lời đồn thổi khác nhau. Nào là ông “cộng Tây Thi phiếm chu du Ngũ hồ” (cùng đại mỹ nhân Tây Thi rong ruổi Ngũ hồ), nào là lời đồn ông ấy đến một nơi, lập nơi đó thành Đào Nguyên rồi trở thành một thương gia vô cùng giàu có.

Và Triệu Nhuy kể theo hướng này: Phạm Lãi sống độc lập, không theo một “chủ mới” nào. Ông có ba đứa con. Đứa thứ hai sang nước Sở, ở đó đã phạm tội đại hình, bị bắt giam, xử chết. Phạm Lãi có một người bạn ở nước Sở rất được vua Sở tin nghe, nên ông nghĩ đến việc cầu cứu bạn. Phạm Lãi chuẩn bị một lượng tiền vàng lớn cho việc gặp người bạn kia.

Con cả và con út của Phạm Lãi đều đòi đi. Ông muốn giao việc cho con út nhưng người con cả bảo nó lớn hơn, khôn hơn, nó lại là trưởng, chịu trách nhiệm gia tộc nên phải để nó đi. Phạm Lãi không đồng ý, cậu cả dọa tự tử vì cho rằng bố không tin mình là việc ảnh hưởng đến thanh danh, và Phạm Lãi phải nhượng bộ.

Người bạn của Phạm Lãi nhận thư, trả lời sẽ giúp. Cậu cả về quán trọ chờ. Ông kia vào nói với vua: “Việc thi hành những án lớn là chấn động đến cả tâm linh, cả thiên hạ; nếu làm phúc, đại xá được thì rất tốt”. Vua nghe. Hôm sau ban bố đại xá thiên hạ. Cậu cả nghe tin đó lẳng lặng mang hết tiền về quán trọ, không vào gặp ông kia nữa.

Ông bạn Phạm Lãi chờ mấy ngày không thấy cậu ta quay lại, biết ngay cậu này tiếc của (trong thư, Phạm Lãi viết rõ việc cảm ơn). Ông ta thay đổi cách ứng xử, vào nói lại với vua: “Hôm trước, tôi có tâu với chúa công việc đại xá, giết nhầm người đúng là oan, nhưng không trừng phạt đúng người phạm tội đại nghịch, đại ác cũng là họa”. 

Và ngày hôm sau, cậu cả đi nhặt xác em đưa về. Về đến nhà, đã thấy Phạm Lãi chuẩn bị đầy đủ để làm ma cho đứa con thứ hai. Cậu cả hỏi vì sao cha biết, ông không trả lời, tỏ ra buồn rầu. Sau, ông cho một số người tâm phúc nhất biết, khi họ hỏi “thằng cả đi, thằng hai còn chết, thì làm sao thằng út đi mà cứu được?”. Phạm Lãi nói: “Khi tôi buộc phải cho thằng cả đi, tôi đã biết nó sẽ thất bại và thằng thứ hai phải chết. Là vì thằng cả sống với tôi từ thuở hàn vi, nó biết khổ, biết nhục, biết thiếu tiền là như thế nào, nên nó tiếc tiền. Còn thằng út sinh sau, khi tôi đã giàu, nó lớn lên trong nhung lụa nên nó sẽ mang ngay tiền đến nhà ông bạn tôi mà không do dự”.

Người ta lại hỏi, bạn ông như thế là không chí tình? Phạm Lãi trả lời: “Ông ấy biết, nếu thằng thứ hai không gặp biến cố này thì kiểu gì nó cũng là thằng hư hỏng, nên phải có sự trừng phạt. Ông ấy cũng biết thằng anh tham lam, bỉ lậu, nếu không có bài học xương máu đúng nghĩa này thì nó sẽ không thể tỉnh. Tôi nhờ ông ấy là quan hệ tình thân, nhưng còn cái gọi là thiên lý, ông ấy cũng không vì tình thân mà làm trái lẽ trời”. Tất cả mọi người nghe xong đều ngỡ ngàng, vì mọi sự xảy ra như thế nào, từ lâu đã nằm trong sự tính toán của Phạm Lãi. 

Khi đọc xong chuyện đó, tôi thấy kinh hoàng! Mới thấy tư duy của Trung Quốc lạ và biến ảo khôn lường.

* Cảm ơn giáo sư! 

Thế kỷ XIX, dưới thời nhà Thanh, Trung Quốc bị tám cường quốc của thế giới đánh phá, chia nhau đô hộ. Trung Quốc trở thành nước bán thuộc địa. Họ gọi đó là thế kỷ quốc nhục, bị xâu xé, các khu vực hay thành phố bị chia thành các khu tô giới (là phần đất nằm trong một quốc gia có chủ quyền nhưng lại bị một thực thể khác quản lý, Thượng Hải là trường hợp điển hình). Do đó, họ phải khẳng định lại khát vọng thống trị thế giới chứ không bao giờ chịu để người khác thống trị.

Đội ngũ các nhà nghiên cứu của họ đã nhìn nhận lại toàn bộ lịch sử của cả Trung Quốc và lịch sử thế giới. Họ nhận ra, tám cường quốc chia nhau xâu xé họ chủ yếu là đánh vào từ đường biển. Và họ cũng đủ tri thức để dần dần nhận ra được rằng, từ thế kỷ XVI, quốc gia nào muốn phát triển chủ nghĩa tư bản, trở thành cường quốc kinh tế, trở thành thực dân thì trước hết phải là cường quốc biển. Đây cũng là một trong những lý do khiến Trung Quốc quyết thực hiện bằng được dã tâm biến Biển Đông thành ao nhà của họ.

28/08/2020

Uông Ngọc (thực hiện)