23 septembre 2020

Bầu cử Mỹ và bầu cử Việt Nam

 
Trần Mai Trung

Thùng phiếu

Mỹ là quốc gia giàu mạnh nhất thế giới hiện nay. Tổng thống Mỹ là người có nhiều quyền lực, các quyết định của ông ta ảnh hưởng đến tương lai nước Mỹ và nhiều nước khác. Tổng thống có quyền mời hoặc sa thải những người làm việc trong chính phủ, nhưng ông ta không có quyền quyết định sẽ được tiếp tục làm Tổng thống hay không.


Mỗi 4 năm, người dân Mỹ lại chọn lựa người sẽ làm Tổng thống để điều hành quốc gia, ngày 3-11-2020 là đến ngày đó. Tổng thống Mỹ hiện nay là Donald Trump, ông ta muốn tiếp tục làm Tổng thống thêm 4 năm nữa. Theo thăm dò thì cơ hội ông Trump được tái đắc cử là 50/50, và khả năng ông bị mất chức cho người khác là 50/50, rất khít khao. Phải tới ngày bầu cử mới biết được người dân sẽ bỏ phiếu cho ông Trump được ở lại hay là phải ra đi. Đây là một thí dụ cụ thể của dân chủ, một nét đẹp của dân chủ.

Nước Mỹ và các nước dân chủ Pháp, Đức, Nhật, Úc đã có mấy chục lần bầu cử như vậy. Có những cuộc bầu cử, Tổng thống, Thủ tướng được người dân bỏ phiếu tín nhiệm làm việc tiếp. Có những cuộc bầu cử, Tổng thống, Thủ tướng bị người dân bỏ phiếu cho đảng đối lập thay thế. Việc thay đổi lãnh đạo chính phủ ở các nước dân chủ là bình thường, không phải là trời sập. Cuộc sống của người dân vẫn tiếp tục, guồng máy chính phủ vẫn chạy đều vì nhân viên chính phủ làm việc theo luật lệ chứ không theo một người lãnh đạo nào, quân đội vẫn ở đó vì quân đội phục vụ cho Tổ quốc chứ không phục vụ cho một đảng.

Mỗi công dân có một lá phiếu bằng nhau, không phân biệt nam nữ, màu da, tôn giáo, đảng phái. Lãnh đạo của chính phủ là do người dân bầu lên, và cũng có thể bị người dân cho đi xuống bằng cách bỏ phiếu cho đảng khác. Do đó, chính phủ thường đưa ra những chính sách hợp với lòng dân để được người dân tín nhiệm, chứ không dám bắt người dân phải hi sinh cho các chính sách của đảng cầm quyền.

Việt Nam có chức Chủ tịch nước, tương đương với Tổng thống, nhưng chức vụ này không do người dân VN bầu lên mà do đảng cộng sản (CS) chỉ định. Trong các buổi họp nội bộ của đảng CS, họ sắp xếp và chỉ định đảng viên nào làm Chủ tịch nước, đảng viên nào làm Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng, Tỉnh trưởng, xuống tới Thôn trưởng. Những quan chức này không cần người dân bầu lên cho nên họ xem người dân như cục đất, họ vo tròn, bóp méo người dân cũng phải chịu, họ chỉ làm theo lệnh của đảng CS là người cho họ chức vụ.

Người Việt Nam muốn chính phủ tôn trọng ý kiến của mình thì phải giành lại quyền tự do bầu cử và ứng cử, nếu không thì suốt đời chỉ là công dân hạng 2 trên quê hương của mình, không có quyền chọn lựa người điều hành đất nước, thấy quan chức tham nhũng thì chỉ biết chửi trên bàn nhậu vì không có một tờ báo để tố cáo, con cháu của nhân dân dù có khả năng cũng không vươn lên được với con cháu quan chức CS.

Chế độ độc tài tạo nên sự chống đối và bất ổn, phải trả nhiều tiền cho các lực lượng an ninh kiểm soát người dân. Chỉ riêng Bộ công an, hàng tháng họ trả lương cho hơn 1 triệu người, như là công an viên, tình báo viên, nhân viên nhà tù, cộng thêm các chi phí về cơ sở vật chất và phương tiện làm việc của họ. Số tiền to lớn này thay vì dùng để kiểm soát người dân thì đúng ra nên được sử dụng để phục vụ người dân. Tăng lương cho Giáo viên, xây thêm trường học, tăng ngân sách giáo dục để phụ huynh không phải trả thêm phí này phí kia khi đưa con đến trường. Tăng lương cho Y tá, xây thêm bệnh viện, tăng ngân sách y tế để bệnh nhân không phải trả thêm tiền này tiền kia khi vào bệnh viện. Nhân dân VN không có tiếng nói nào trong việc sử dụng số tiền đóng thuế của mình.

Có người nói rằng thay đổi chế độ từ cộng sản độc tài sang tự do dân chủ thì đất nước bị rối loạn "12 sứ quân". Các nước ở Đông Âu như Ba Lan, Hungary bị đảng CS cai trị 44 năm, đến năm 1989 thì nhân dân xuống đường giải tán đảng CS và chuyển sang thể chế dân chủ. 30 năm qua, các nước đó phát triển ổn định, không có rối loạn.

Người dân muốn phát triển đất nước trong hòa bình, muốn thay đổi chính phủ trong hòa bình qua thùng phiếu như các nước dân chủ. Đảng CS lấy mất quyền tự do bầu cử và ứng cử của người dân, lấy mất các phương tiện hòa bình để thay đổi xã hội, đảng CS ép buộc nhân dân VN phải biểu tình, phải làm cách mạng thì mới thay đổi được chính phủ.

Trần Mai Trung