03 septembre 2020

Chặng đường đen tối từ 2 triệu còn 16.000 khách của du lịch Việt


Đào Loan

(TBKTSG Online) - Tháng 1-2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn tiếp tục tăng, đạt gần 2 triệu lượt khách nhưng đến tháng Tám này chỉ còn hơn 16.000 lượt. Dự báo, thời kỳ đen tối sẽ còn kéo dài trong rất nhiều tháng tới và sẽ là một cuộc sàng lọc cực kỳ khốc liệt với doanh nghiệp du lịch.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm liên tục trong 7 tháng qua. Đồ họa: Đào Loan


Từ đỉnh cao đến vực sâu
Mảng du lịch quốc tế, nơi đóng góp đến hơn 55% tổng thu từ du lịch của Việt Nam tăng trưởng rất cao trong nhiều năm qua. Trong giai đoạn 2015-2019, lượng khách đến tăng khoảng 2,3 lần, từ 7,9 triệu lượt lên 18 triệu lượt, đạt mức tăng trưởng bình quân lên đến 22% mỗi năm.
Sự tăng trưởng cao liên tục nhiều năm liên đã kéo theo dòng đầu tư lớn cho du lịch. Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, tính đến cuối năm ngoái, cả nước có 2.667 doanh nghiệp lữ hành quốc tế; 30.000 cơ sở lưu trú với 650.000 phòng. Số lượng phòng khách sạn tăng bình quân 15,1%/năm trong giai đoạn 2015-2019.
Du lịch phát triển nhanh cũng giúp ngành hàng không tăng trưởng tốt. Đến cuối năm ngoái, có 71 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng hàng không Việt Nam khai thác gần 140 đường bay quốc tế, đi và đến 28 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với thị trường nội địa, các hãng hàng không khai thác trên 50 đường bay đi, vận chuyển trên 55 triệu lượt hành khách, chiếm gần 50% tổng thị trường vận chuyển hàng không Việt Nam.
Ngành du lịch từng kỳ vọng sẽ lập thêm một kỷ lục mới về đón khách quốc tế trong năm nay, với dự định sẽ  đón 20,5 triệu lượt khách nhưng mọi dự định tiêu tan khi Covid-19 xuất hiện. Từ cuối tháng 1-2020, đại dịch bắt đầu ảnh hưởng đến mảng quốc tế và kéo dài mãi cho đến hiện tại.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, nếu như tháng 1-2020, cả nước đón hơn 1,99 triệu lượt khách quốc tế thì đến tháng Tám này chỉ còn hơn 16.300 lượt, giảm 98,9% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 8 tháng, lượng khách quốc tế chỉ đạt gần 3,8 triệu lượt người, giảm 66,6% so với cùng kỳ.
"Mảng du lịch quốc tế của chúng tôi từ 160 nhân viên nay chỉ còn 10 người. Có những nhân viên là người nước ngoài vừa sang làm việc vào cuối năm ngoái nay chẳng những không có việc để làm mà còn bị kẹt lại Việt Nam vì đường bay quốc tế tạm ngừng", câu chuyện của doanh nhân Ngô Minh Đức, Chủ tịch HG Group cho thấy Covid-19 đã tác động đến du lịch lớn như thế nào.
Một góc hoang vắng của phố du lịch Hàm Tiến, Phan Thiết trong đại dịch. Ảnh: Đào Loan

Chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm
Mấy ngày qua, thông tin về nhiều điểm đến trên thế giới mở cửa trở lại cùng với ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành... xem xét, đề xuất việc mở các đường bay thương mại tới một số quốc gia có hệ số an toàn dịch bệnh cao đã khiến nhiều doanh nghiệp tiếp tục hy vọng về mở cửa thị trường du lịch quốc tế.
Tuy nhiên, khi nhận định về tình hình kinh doanh trong thời gian tới, hầu hết ý kiến đều cho rằng, sẽ không có hy vọng trong nhiều tháng tới. Với mảng du lịch quốc tế, khi các đường bay thương mại được kết nối trở lại thì việc phục hồi hoạt động kinh doanh vẫn hết sức yếu ớt. Có thể, từ giữa năm sau thì mới có thể đón được một ít du khách nước ngoài. Thời gian để phục hồi hoàn toàn phải tính vài năm.
"Thị trường vẫn sẽ khó đến hết năm nay và còn còn xấu hơn nhiều vào quí 1 và quí 2 năm sau vì có thể biên giới vẫn chưa thể mở cửa vào giai đoạn đó", ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh nói.
Nhiều doanh nhân cũng có ý kiến tương tự, cho rằng doanh nghiệp mảng này khó có cách xoay xở tốt cho đến khi thị trường được mở cửa trở lại. Để tồn tại, biện pháp mà các nhà điều hành đang áp dụng triệt để là tiết kiệm, giảm chi tiêu đến mức tối thiểu để chờ đợi, chỉ một số doanh nghiệp có tiềm lực mới có thể tính đến việc tiếp tục kêu gọi tăng vốn hoặc dùng nguồn quỹ vẫn còn để đầu tư vào một số mảng chiến lược trong tương lai như công nghệ.
"Chúng tôi phải tạm dừng hầu hết các mảng, chỉ còn mảng công nghệ là không dừng. Chúng tôi tiếp tục đầu tư để thực hiện một số kế hoạch mới cho trang web du lịch trực tuyến", ông Đức của HG Group nói và cho biết, tập đoàn này dự định đến tháng Sáu, thậm chí đến cuối năm 2021 mới có thể đón khách quốc tế trở lại.
Trong khi đó, trên thị trường hiện cũng đã xuất hiện tình trạng nhiều chủ dự án du lịch, khách sạn phải rao bán vì quá khó khăn. Doanh nghiệp cho rằng, trong bối cảnh thị trường suy giảm sâu và kéo dài như thế này thì những nơi có ý định gắn bó lâu dài với du lịch hoặc nơi có cơ cấu vay vốn cao sẽ cực kỳ khó khăn. Dịch sẽ thổi bay các doanh nghiệp có cơ cấu vốn vay cao cũng như sẽ tạo nên một cuộc sàng lọc khủng khiếp trên thị trường du lịch.
Số liệu về việc 90-95% số doanh nghiệp lữ hành ở TPHCM đã phải tạm dừng hoạt động sau đợt bùng phát dịch thứ hai cũng như hàng loạt nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp lữ hành ở các địa phương khác phải tạm dừng, thậm chí phải đóng cửa hoàn toàn sau 7 tháng suy giảm khách là cơ sở để các nhà điều hành đưa ra nhận định đó.

29/8/2020