(Thương chiến Mỹ Trung qua minh họa của Financial Times) |
LTS: Tháng 5 năm 2020, chính phủ Hoa Kỳ công bố báo cáo “Tiếp cận chiến lược của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc” (“United States strategic approach to the People’s republic of China”). Tiếp theo, nhiều chính khách Hoa Kỳ liên tục có bài phát biểu dường như xác lập một cuộc chiến tranh lạnh mới của Hoa Kỳ với Trung Quốc, như Robert C. O’Brien, Cố vấn An ninh Quốc gia, phát biểu bài “The Chinese Communist Party’s Ideology and Global Ambitions” , ngày 24 tháng 6, 2020, Christopher A. Wray, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang, phát biểu bài “The Threat Posed by the Chinese Government and the Chinese Communist Party to the Economic and National Security of the United States,” ngày 7 tháng 7, 2020. Ngoại trưởng Mike Pompeo có bài phát biểu “Communist China and the Free World’s Future” tại Bảo tàng và Thư viện Tổng thống Richard Nixon, như muốn đánh dấu bước ngoặt chính sách đối với China của Hoa Kỳ được thiết lập từ thời Tổng thống Nixon năm 1972.
Việt Nam có xuất hiện đây đó trong các diễn ngôn chính sách nói trên của Hoa Kỳ đối với China. Tạp chí Nghiên cứu Việt Mỹ đại học Oregon xin giới thiệu bài phỏng vấn nhanh với ông Vũ Tường, Giáo sư Trưởng khoa Chính trị học Đại học Oregon, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giáo sư huân công Đại học George Mason, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam, về quan hệ Việt Mỹ Trung trong bối cảnh hiện nay.
Dưới đây là bài phỏng vấn TS Nguyễn Quang A.
————-
Ngoại trưởng Pompeo kêu gọi đoàn kết chống lại chế độ độc tài của Trung Quốc. Theo ông, chính quyền Trump có thể đi xa đến đâu để thực hiện mục tiêu này?
Hoa Kỳ sẽ không làm gì được nhiều để thực hiện những lời nói của ông Pompeo.
Chính Hoa Kỳ đã vô tình giúp tạo ra con quái vật Trung Cộng suốt mấy chục năm qua do các chính sách của nó dựa vào một sự hiểu sai quan hệ giữa hiện đại hoá và dân chủ hoá: họ cứ đinh ninh rằng giúp Trung Quốc phát triển kinh tế và hội nhập vào nền kinh tế thế giới (tức là biến nền kinh tế Trung quốc thành một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa thì sẽ dẫn đến sự mở cửa về chính trị theo hướng dân chủ hơn).
Không học giả đáng kính nào của thuyết hiện đại hoá kinh điển đã nói vậy, ngay cả S. M. Lípset. Đấy là một sự hiểu sai, thô thiển, chết người của hầu hết các nhà chính trị Tây phương trong mấy thập niên qua. Đúng là kinh nghiệm lịch sử cho thấy không nền dân chủ bền vững nào mà không có một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển cả (nói cách khác nền kinh tế tư bản chủ nghĩa có thể được xem như điều kiện cần cho dân chủ nhưng không phải là điều kiện đủ).
Tuy vậy, Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác có thể làm nhiều, nhất là có thể sửa sự hiểu sai của chính mình và có những chính sách phù hợp đối với Trung Quốc; việc này hiện nay về cơ bản đang xảy ra.
Tiếp đến Hoa Kỳ nên củng cố và phát triển các liên minh của mình chứ không phải làm rệu rã chúng như trong mấy năm qua. Cuối cùng Hoa Kỳ nên tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ hơn sự phát triển xã hội dân sự ở các nước khác nhất là ở Trung Quốc. Tôi nghĩ đấy là những việc Hoa Kỳ nên làm với Trung Quốc.
Giả sử vào tháng 11 năm 2020, ông Trump thất cử và ông Joe Biden của Đảng Dân chủ nắm quyền tổng thống thì chính sách đối với China và Việt Nam của Hoa Kỳ sẽ thế nào?
Nguyễn Quang A
Do Hoa Kỳ và phương Tây nói chung đã thức tỉnh về “con quái vật” Đảng Cộng sản Trung Quốc và có sự nhất trí cao giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hoà về vấn đề này. Cho nên tôi nghĩ chính sách đang đúng hướng hiện thời của Hoa Kỳ với Trung Quốc và Việt Nam sẽ không thay đổi nhiều dù ai sẽ được bầu làm Tổng thống vào 3-11-2020.
Tổng thống Trump từ khi lên nắm quyền đã thực thi nhiều chính sách gây đổ vỡ quan hệ với các đồng minh truyền thống. Hoa Kỳ không chỉ gây chiến tranh thương mại với China mà còn với Nhật Bản, Tây Âu và Canada. Hoa Kỳ cần làm gì để các nước ở Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia, Philippines tin rằng Hoa Kỳ sẽ giúp họ chống lại cuộc xâm lược của China trên biển Đông?
Nguyễn Quang A
Chiến tranh thương mại không có lợi cho bất cứ nước nào (tuy có lợi cho nhóm này nhóm nọ) cho nên Hoa Kỳ nên chấm dứt chiến tranh thương mại (kể cả với Trung Quốc) nói chi đến với các đồng minh lâu năm và đồng minh tiềm năng.
Hoa Kỳ nên quay lại TPP (hay CPTPP) và mở rộng, tăng cường các liên minh cũ và phát triển các liên minh mới trên thế giới và quan trọng nhất chính sách đối ngoại không mang tính “đồng bóng” mà phải coi việc tạo dựng, củng cố niềm tin là rất quan trọng.
Chỉ có thế may ra các nước trong khu vực mới tin vào những gì các lãnh đạo chính trị Hoa Kỳ nói. Sự tin cậy, sự tin cậy và sự tin cậy (phá rất dễ với chính sách không nhất quán và đồng bóng) là yếu tố cốt lõi.
Ông nhận xét như thế nào về gợi ý “chọn một bên” (“pick a side”) giữa tự do và chuyên chế của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo đã phát biểu tại Bảo tàng và Thư viện Tổng thống Richard Nixon ngày 23/7/2020?
Nguyễn Quang A
Nếu ông Pompeo nói thật lòng, tức là chọn bên không có nghĩa là chọn Hoa Kỳ hay Trung Quốc mà là chọn bên chính nghĩa, bên đúng về mặt đạo đức để thúc đẩy phát triển và bảo vệ hoà bình thì tôi nghĩ tất cả các nước nên chọn bên đúng như ông Pompeo đã giải thích. Đấy là một điều hết sức quan trọng.
Thế nhưng, lại chữ “nhưng” mà lịch sử rất không thích, hiểu thế nào là “chính nghĩa”, thế nào là đúng về “đạo đức”, thế nào là để thúc đẩy “phát triển” và “bảo vệ hoà bình”? Vì bên nào cũng bảo mình chính nghĩa, mình hợp đạo lý, mình thúc đẩy phát triển và bảo vệ hoà bình và nói bên kia là quỷ dữ làm điều ngược lại. Nghệ thuật tuyên truyền hay nhẹ đi “spinning” luôn được sử dụng từ cổ đến nay và trong thời internet, kỹ thuật số, dữ liệu lớn và AI thì tuyên truyền và “spinning” vô cùng hiệu quả.
Phải thống nhất với nhau một tập các giá trị cốt lõi mà tuyệt đại đa số người dân trên thế giới có thể dễ thống nhất và phải dựa vào các giá trị ấy để đánh giá thế nào là đúng, thế nào là sai (và rất nhiều khi tư duy nhị phân đúng-sai, 1-0, thiện-ác,.. không thể sử dụng được), vân vân.
Cách suy nghĩ khẳng định (positive) này chưa chắc đã hiệu quả bằng cách suy nghĩ phủ định (negative), tức là loại dần những cái mà đại đa số coi là XẤU (vì số lượng hay lực lượng của tập hợp của những cái xấu (B) có thể nhỏ hơn số lượng hay lực lượng của tập hợp những cái TỐT (G), dùng ngôn ngữ toán tọc |B| << |G|); do tư duy của chúng ta là hạ chế khi làm việc với tập hợp B dễ hơn với tập hợp G. Như thế chúng ta không hướng tới một hệ thống hoàn hảo, toàn cái tốt mà xuất phát từ thực tế phát hiện ra các yếu tố thuộc B và tìm mọi cách loại bỏ nó, tức là cải thiện từ từ. Thay cho việc cố xây dựng càng nhiều yếu tố của G. Vấn đề là cả B và G thay đổi theo thời gian.
Có thể đánh giá việc đứng về (các) hệ thống nào có khả năng cải thiện liên tục như thế hay hệ thống cứng nhắc hơn một cách dễ dàng hơn nhiều và ít bị tuyên truyền hay “spinning” tác động. Nhất quyết nên chọn phe theo kiểu như vậy. Theo đánh giá của tôi nếu quay lại sự phân loại Hoa Kỳ-Trung Quốc (hay Phương Tây-Trung Quốc) thì rõ ràng Phương Tây có khả năng thích nghi hơn, có khả năng cải thiện hơn vì nó tôn trọng các quyền tự do. Và như thế quanh đi quẩn lại vẫn là nên chọn theo kiểu Mỹ hơn là theo kiểu Tàu.
Nhìn lại lịch sử Việt Nam, rất đáng tiếc các lực lượng chính trị có vai trò quyết định ở Việt Nam đã liên tục có những sự chọn bên sai: Bất bạo động (Phan Châu Trinh) vs bạo lực (Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh và ĐCSVN); dân chủ vs cộng sản; vân vân. Những vấn đề hệ trọng như thế này phải được thảo luận kỹ càng để các ý kiến khác nhau đụng độ nhau và hình thành một sự đồng thuận nào đó giữa những người Việt.
Sách trắng Quốc phòng mới nhất của Việt Nam được công bố vào tháng 12 năm 2019 có nhiều cách diễn đạt khá chung chung như thường lệ, chẳng hạn, khẳng định Việt Nam hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc vì “đại cục”, dù thừa nhận hai nước có “tranh chấp” chủ quyền ở Biển Đông. Sách trắng Quốc phòng không coi Trung Quốc là kẻ thù mà khẳng định kẻ thù là “những thế lực thù địch” và “phản động”. Đối với cuộc cạnh tranh giữa China và Hoa Kỳ, Sách trắng coi đây là một mối nguy hiểm đối với hòa bình và ổn định trong khu vực (Đông Nam Á nói chung và Biển Đông nói riêng). Từ đó, Sách trắng khẳng định chính sách 3 không: không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam, không dựa vào nước này để chống nước kia và cả không kiện China ra tòa án quốc tế.
Ông đánh giá như thế nào về nhận thức về quốc gia và thế giới của chính phủ Việt Nam, cũng như chính sách thực thi trên cơ sở nhận thức đó, như được thể hiện trong Sách trắng này?
Nguyễn Quang A
Tôi không quan tâm quá đến lời văn của Đảng Cộng sản Việt Nam mà chú tâm hơn nhiều đến hành động của họ. Không chỉ vì chuyện “nói một đằng, làm một nẻo” mà trong đối ngoại chúng ta nên chú ý cả đến hành văn và nhất là đến hành động.
Quan hệ Việt-Trung và Việt-Mỹ là các mối quan hệ tối quan trọng đối với Việt Nam, dù đảng chính trị nào nắm quyền cũng phải đánh giá như thế nếu muốn Việt Nam tồn tại và phát triển.
Những lời nói đôi khi mơ hồ trong Sách trắng, nếu nghĩ kỹ không mơ hồ lắm đâu. Tôi chưa thấy Sách trắng hay bất cứ tuyên bố nào của Đảng Cộng sản Việt Nam là không kiện Trung Quốc cả. Không dựa vào nước này để chống nước kia hoàn toàn KHÔNG LOẠI trừ khả năng dựa vào hay liên minh với người khác để CHỐNG XÂM LƯỢC.
Đây là một vấn đề hết sức quan trọng chứ không phải chỉ “nhạy cảm” hay “tế nhị” và chắc cần một bài phân tích dài chứ khó có thể trình bày trong một câu phỏng vấn nhanh.
The Bureau of Political-Military Affairs của chính phủ Mỹ ngày 27 tháng 7 năm 2020 đã có một bài viết liệt kê các hoạt động gắn kết Hoa Kỳ và Việt Nam, như chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ tháng 3 năm 2020, các viện trợ quân sự khoảng 200 triệu dollars cho Việt Nam từ 2015 đến nay, Việt Nam lần đầu tham gia cuộc tập trận quân sự U.S. Global Peace Operations Initiative (GPOI) năm 2018… Tuy nhiên, chúng ta thử theo dõi một loạt động thái của Việt Nam đối với Mỹ trong thời gian gần đây: Năm 2018, Việt Nam hủy bỏ 15 hoạt động giao lưu quốc phòng với Hoa Kỳ đã được lên kế hoạch cho năm 2019, từ chối tham gia Diễn tập quân sự Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC- the Rim of the Pacific Exercise) ở đảo Hawaii tháng 8 năm 2020. Trên báo Quân đội Nhân dân, cho đến gần đây, các tuyên truyền chống “diễn biến hòa bình” vẫn đều đặn. Ngược lại, các bản tin về China không cho thấy hình ảnh một China đang xâm chiếm biển đảo Việt Nam là nghiêm trọng. Đầu năm 2019, tạp chí “Xây dựng Đảng” cho biết: Ban Tổ chức Trung ương “chủ trì tổ chức 29 đoàn với 569 lượt cán bộ đi nghiên cứu, học tập ở nước ngoài, đào tạo cán bộ cấp cao giữa Đảng ta và Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Theo ông, những sự kiện trên có ý nghĩa chính trị gì hay không? Ông đánh giá như thế nào về tương lai quan hệ Việt Mỹ?
Nguyễn Quang A
Đảng Cộng sản Việt Nam đã chọn bên sai ngay từ đầu (nhà văn Nguyên Ngọc nói là từ năm 1920). Những sự kiện nêu trên là hệ quả tai hại cho dân tộc mà chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả.
Đảng Cộng sản Trung Quốc có chính sách nhất quán là mua vua, mua quan và bắt elite chính trị ngoan ngoãn theo nó. Từ trước đến nay vẫn thế. Để chui ra khỏi cái bẫy này của Đảng Cộng sản Trung Quốc cần những nỗ lực to lớn về khai dân trí và nhất là quan trí, và người dân phải cất lên tiếng nói của mình.
Sau khi Việt Nam chấp nhận đền bù (theo Bill Hayton là lên đến 1 tỷ USD) để huỷ hợp đồng thuê tàu khoan Noble Clyde Boudreaux, do sức ép của China, thì lại có một thông tin khác: công ty Hoa Kỳ là Exxon Mobil đang “khẩn trương hoàn tất đàm phán giá khí” với các đối tác Việt Nam. Ông có cho rằng có “ngoại giao dầu mỏ” giữa Việt Nam và Hoa Kỳ hay không? Chúng có tác động đến quan hệ chính trị giữa hai nước như thế nào?
Nguyễn Quang A
Chắc chắn có “ngoại giao dầu mỏ” giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Nhưng đừng hiểu “ngoại giao x” (trong đó x có thể là bóng bàn, bóng rổ,… ) theo kiểu giữa các nước Cộng sản với Tây phương trước kia, vì về phía Cộng sản họ có thể điều khiển 100% “đối tác ngoại giao” của nó, còn phía công ty dầu thì chính phủ Mỹ không điều khiển được.
Thậm chí còn có nguy cơ bị Đảng Cộng sản Trung Quốc “mua cổ phần” để tạo ảnh hưởng như với Rosneft. Công ty dầu khí Nga Rosneft phải dừng các kế hoạch dầu khí ngoài khơi Việt Nam. Rosneft có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc hơn Việt Nam. Công ty dầu khí tư nhân của Trung Quốc là CEFC China Energy sở hữu 14.16% tập đoàn dầu khí Nga Rosneft. Còn tập đoàn tài chính của chính phủ China là Huarong mua lại 36% của CEFC China Energy. Chiếm 14,16% cổ phần là có ảnh hưởng rất lớn. Lưu ý rằng doanh nghiệp ở Trung Quốc rất khác với các doanh nghiệp ở Tây phương, tất cả đều nghe lệnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc. CEFC China có thể chỉ là tư nhân trên danh nghĩa. Còn thêm nữa chủ tịch của Rosneft là cựu thủ tướng Đức Gerhard Schröder là một “lão bằng hữu” của Đảng Cộng sản Trung Quốc, rất thân với Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính sách của nó.
Đã có nhiều phản hồi đối với bài phát biểu của ông Pompeo và trong đó có nhiều phản hồi không tích cực. Trong số các bài phê bình ông Pompeo, có bài phủ nhận sự nguy hiểm của Trung Quốc, như bài “What Mike Pompeo doesn’t understand about China, Richard Nixon and U.S. foreign policy” của Richard Haass trên Washington Post, cho rằng họ không tiến hành chiến tranh từ 1979, không dùng vũ lực để chống lại Đài Loan. Còn ông đánh giá như thế nào về bài phát biểu của ông Pompeo và các bài phản biện nói trên?
Nguyễn Quang A
Trung Quốc đã nuôi dưỡng được những mối quan hệ rất mật thiết với một số chính trị gia và học giả Hoa Kỳ, cho nên không lạ là có những ý kiến như vậy.
Nó cũng phản ánh cả cái yếu của các tổ chức đã để cho Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể thao túng, nhưng cũng thể hiện cái mạnh của Mỹ về tự do ngôn luận và báo chí, mà cũng đang bị tấn công dữ dội trong vài năm qua.
Các chính trị gia và học giả khác nên phản pháo lại những ý kiến như vậy. Tôi ủng hộ phát biểu của ông Bộ trưởng và mong lời nói của ông trở thành hành động.
Tạp chí Nghiên cứu Việt Mỹ xin chân thành cảm ơn TS. Nguyễn Quang A.