23 juillet 2021

CHIẾN LƯỢC CHỐNG COVID-19 HIỆN NAY Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH LÀ KÉM KHOA HỌC, KHÔNG HIỆU QUẢ, TRẢ GIÁ QUÁ ĐẮT

TS. Nguyễn Đức Thắng

Đó chính là hai gọng kìm mà UBND Tp. HCM đã quyết định triển khai, được sự ủng hộ của Bộ Y tế như dưới đây:

1) Lấy mẫu xét nghiệm cho 5 triệu người trong thời gian 10 ngày, từ ngày 26/6 đến 5/7, bình quân 500.000 mẫu/1 ngày.

2) Từ 0 giờ ngày 09/7 thực hiện 15 ngày giãn cách xã hội, phong tỏa toàn thành phố lần 2 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.  Lần 1 thực hiện 15 ngày đầu tháng 4/2020 cùng với cả nước. Trong tháng 5 và tháng 6/2021 thành phố đã thực hiện giãn cách xã hội cho một số khu vực theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 10 của  UBND Tp. HCM (nghiêm ngặt hơn Chỉ thị 15, kém chút ít so với Chỉ thị 16).


UBND Tp. HCM đã dựa trên những căn cứ dưới đây (số liệu theo Bộ Y tế, trang tin điện tử về Diễn biến dịch Covid-19):

 

a) Số ca nhiễm mới từng ngày tại Tp. HCM từ 22/6 – 25/6 lần lượt là : 136, 152, 162, 161 ca, phần lớn là những người ở trong các khu cách ly tập trung. Tổng của 4 ngày là 611 F0. Tình hình này được các chuyên gia y tế nhận định là VÔ CÙNG NGUY HIỂM, nên UBND Tp. HCM đã quyết định từ ngày 26/6 – 5/7 lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV2 cho 5 triệu người.

 

b) Số ca nhiễm mới từng ngày tại Tp. HCM từ 5/7 – 8/7 lần lượt là : 641, 710, 766 và 915 ca, phần lớn là những người ở trong các khu cách ly tập trung. Tổng của 4 ngày là 3.032 ca F0. Tình hình này được các chuyên gia y tế nhận định là CỰC KỲ NGUY HIỂM, nên UBND Tp. HCM đã quyết định từ 0 giờ ngày 09/7 thực hiện 15 ngày giãn cách xã hội, phong tỏa toàn thành phố theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Những số liệu trên cho thấy lây nhiễm chéo rất  mạnh trong các khu cách ly tập trung.

Bài viết gồm bốn phần sau:

1.  Những kiến thức cơ bản về virus Corona và vắc xin.

2.  Về hai quyết sách kém khoa học, không hiệu quả.

3.  Có đúng Bắc Mỹ và Châu Âu thua kém Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19?

4.  Kiến nghị 

 

I. NHỮNG KIẾN THỨC CƠ BẢN VỀ VIRUS CORONA VÀ VẮC XIN

 

Thực tế/Sự thật (TT/ST) 1: Virus nói chung được định nghĩa là một THỰC THỂ/VẬT CHẤT PROTEIN (protein entity/matter) có chứa gen di truyền là axit RNA (RiboNucleic Acid). Nếu bám dính trên bề mặt đồ vật bất kỳ (da người, giấy, vải, kim loại, nhựa, gỗ v.v..) sau một thời gian nhất định thực thể này sẽ tự “tiêu hủy”, virus tự “chết”. Virus chỉ sinh sôi nẩy nở phát triển khi vào được hẳn bên trong tế bào ký chủ (host cell, tế bào của  người, của các loài động vật và thực vật).

 

TT/ST  2:  Virus Corona mà cụ thể là SARS-CoV-2 là một thực thể/vật chất protein hình cầu có kích thước khoảng 0,012 micromet. Một đầu tóc hay mũi kim có kích thước khoảng 0,1mm = 100 micromet, lớn gấp gần 10.000 lần con virus Corona.

 

Hình vẽ minh họa cấu tạo của virus Corona

Bề mặt cầu của nó là các GAI GLYCOPROTEIN, ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG. Khi quả cầu này đi vào cơ thể người, các gai này bám dính chặt vào màng tế bào, giúp nó có thể chui lọt vào trong tế bào, theo cơ chế bị cuốn và kéo vào bên trong.

 

TT/ST  3:  Vì Hệ miễn dịch (Immune system) của con người hoàn toàn chưa “quen biết”, chưa nhận ra các gai nguy hiểm này, chưa nhận ra “kẻ lạ” ngay từ đầu, do vậy không kịp ngăn chặn thành công (người gác cổng, bảo vệ nhà máy không nhận biết ra người lạ, kẻ gian để ngăn chặn kịp thời) nên virus đã lọt được vào bên trong tế bào, sinh sôi nẩy nở và phát triển. Hệ miễn dịch của con người là một mạng lưới các quá trình sinh học giúp bảo vệ cơ thể chống chọi lại bệnh tật, các yếu tố tác động có hại từ bên ngoài. Chậm vài ngày sau hệ miễn dịch của cơ thể mới nhận ra kẻ lạ và sản xuất ra các KHÁNG THỂ tấn công virus.

Hiện nay có hai phương pháp khác nhau về bản chất để xét nghiệm SARS-CoV-2.

 

TT/ST  4:  Đó là xét nghiệm nhanh (Test nhanh) là XÉT NGHIỆM MÁU XEM CÓ KHÁNG THỂ CHỐNG SARS-COV-2 trong người hay không. Dương tính có 3 trường hợp: a) Đã nhiễm và đã khỏi. b) Đã được tiêm vắc xin và c) Vừa mới nhiễm trước đó khoảng 1 tuần.

 

TT/ST  5:  Xét nghiệm RT-PCR là phương pháp xét nghiệm dịch họng hầu để XÁC ĐỊNH SỰ HIỆN DIỆN CỦA CHÍNH CON VIRUS trong đó. Xét nghiệm này khá phức tạp, thời gian cho kết quả khá lâu và rất tốn kém.  Xét nghiệm này chỉ cho kết quả chính xác khi thời gian lấy mẫu từ ngày 4 đến ngày 21 sau nhiễm.

 

TT/ST  6:  Tất cả các nhà khoa học về virus SARS-CoV-2 đều thống nhất VÒNG ĐỜI PHÁT TRIỂN của con virus trong cơ thể người  như sau:

Từ ngày 1 đến ngày 4: Số lượng virus trong cơ thể còn rất ít. Nếu lấy mẫu dịch hầu họng nhiều khả năng kết quả khó chính xác. Nếu lấy mẫu máu xét nghiệm test nhanh, chắc chắn cho âm tính giả. Người bị nhiễm hoàn toàn khỏe mạnh.

 

TT/ST  7:  Từ ngày 4 đến ngày 7: Số lượng virus phát triển nhanh, nhiều và đạt đỉnh trong những ngày 10 đến 14. Nếu lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR trong những ngày này cho kết quả chính xác.

 

TT/ST  8:  Từ ngày 7 đến ngày 14: Hệ miễn dịch bẩm sinh của cơ thể đã nhận diện ra “kẻ thù” và sản xuất ra kháng thể để tấn công kẻ thù. Do vậy, nếu lấy mẫu máu trước ngày 7 để làm test nhanh, hầu hết sẽ cho kết quả âm tính giả. Lấy mẫu máu từ ngày 10 trở đi chắc chắn cho kết quả chính xác.

Đối với biến thể có “độc tính” cao các triệu chứng sẽ xuất hiện, như ốm, sốt, ho. Với chủng có “độc tính” thấp sẽ không xuất hiện triệu chứng. Người bị nhiễm vẫn thấy bình thường, cùng lắm mệt mỏi nhẹ.

 

TT/ST 9:  Từ ngày 14 đến ngày 21: Cơ thể người tiếp tục sản xuất ra kháng thể để tiêu diệt virus. Tùy cơ địa của từng người (độ tuổi, thừa cân béo phì, bệnh lý nền v.v..) và tùy thuộc vào “độc lực” của từng biến thể, số lượng virus sẽ giảm đi, hoặc không giảm.

Trường hợp lượng virus giảm đi, người bệnh sẽ cảm thấy bình thường, khỏe mạnh. Trường hợp lượng virus không giảm, chúng lan tỏa ra các cơ quan khác, người bệnh sẽ thấy tăng nặng, đòi hỏi sự can thiệp tích cực của bác sĩ.

 

TT/ST 10:  Từ ngày 21 – 30: Trường hợp nhẹ sẽ bình phục hoàn toàn. Trường hợp nặng phần lớn được các bác sĩ điều trị tích cực chữa khỏi. Virus bị các kháng thể do cơ thể sản xuất ra tiêu diệt hết. Xét nghiệm RT-PCT cho kết quả âm tính đúng. Khi này nếu làm test nhanh chắc chắn cho kết quả dương tính vì các kháng thể còn đầy trong máu (nhưng vô nghĩa, không cần thiết vì các virus đã chết hết rồi).

 

TT/ST  11: Từ vòng đời phát triển của con virus, khả năng lây lan của F0 gây  bệnh cho người khác bắt đầu từ sau ngày 4 đến ngày 21. Đó là 2 tuần “nguy hiểm” đối với cộng đồng nếu F0 được tự do đi lại.

 

VỀ VẮC XIN:

 

TT/ST  12:  Nhờ giải mã được cấu tạo hóa học gai Glycoprotein, các nhà khoa học mới có thể nghiên cứu, chế tạo ra VẮC XIN LÀ MỘT HOẠT CHẤT CÓ CẤU TẠO HÓA HỌC GIỐNG GAI GLYCOPROTEIN, còn gọi là KHÁNG NGUYÊN. Khi vắc xin được tiêm vào cơ thể, tức là đưa KHÁNG NGUYÊN vào cơ thể. Sau một thời gian, hệ miễn dịch của con người dần nhận ra đó là “vật lạ, kẻ lạ” sẽ “sản xuất” ra KHÁNG THỂ để vô hiệu hóa kẻ lạ (KHÁNG NGUYÊN). Cặp đôi kháng nguyên – kháng thể có thể ví như khóa nào chìa ấy, virus nào vắc xin ấy. Sau khoảng 6 – 12 tuần nữa tiêm tiếp vắc xin liều 2, hệ miễn dịch của cơ thể nhanh chóng nhận ra “kẻ lạ” và sản xuất ra kháng thể để vô hiệu hóa kháng nguyên. Như vậy là hệ miễn dịch của cơ thể được “tập dượt” lượt 2 sẽ rất thành thục, nhậy bén khi phát hiện “kẻ lạ”.

 

TT/ST  13:  Khi giao lưu, tiếp xúc với một F0 mà bạn vô tình không biết, một lượng virus nhất định đi vào cơ thể bạn. Hệ miễn dịch sẽ nhanh chóng nhận ra  ngay kẻ lạ và huy động “lực lượng bảo vệ” tấn công (sản xuất ra các kháng thể tấn công virus). Tùy thuộc cơ địa của mỗi người, tùy thuộc vào hiệu quả vắc xin, tùy thuộc vào biến thể của virus (biến tính gai Glycoprotein), virus sẽ bị tiêu diệt hết luôn trong hai ba ngày đầu, hay kéo dài một, hai tuần. Có trường hợp vắc xin thất bại, không bảo vệ được, nhưng vô cùng ít, vô cùng nhỏ.

 

TT/ST  14:  Vắc xin không phải là phép màu bảo vệ chúng ta tuyệt đối 100%. Vắc xin dựng “hàng rào” bảo vệ bên trong, không thay thế được khẩu trang ngăn chặn virus vào qua đường mũi và miệng. Do vậy, khi vào những nơi đông người, còn ít tiêm chủng, khả năng cao tiềm ẩn F0, chúng ta vẫn nên đeo khẩu trang.

 

II. VỀ HAI QUYẾT SÁCH KÉM KHOA HỌC, KHÔNG HIỆU QUẢ

 

TT/ST 15 :  Theo giáo sư Stuart Turville, nhà virus học tại Viện Kirby cho biết “Cứ 100 người tiếp xúc với người bị nhiễm chủng Delta, thì 12 người trong số đó có khả năng bị nhiễm bệnh. Với chủng Alpha, tỷ lệ này là 8-9 người. Nhìn vào quá trình theo dõi 28 ngày sau khi nhiễm bệnh, tỷ lệ tử vong khi mắc các biến thể Alpha là 1,9%. Nhưng cho đến nay, tỷ lệ tử vong khi mắc biến thể Delta được thống kê là 0,3%”.

 

TT/ST  16:  Như vậy là biến thể cũ Alpha rất đáng sợ, có “độc lực” cao gấp 6 lần biến thể Delta, mặc dù biến thể Delta có tốc độ lây lan cao hơn Alpha 1,4 lần (= 12/8,5). Với bằng chứng này tôi có thể coi biến thể Delta là “ngoan hiền” hơn biến thể Alpha.

 

TT/ST  17:  Theo báo cáo cập nhật tình hình đại dịch Covid-19 của WHO, số 47 ngày 6/7/2021, biến thể Alpha đã hiện diện ở 173 nước và vùng lãnh thổ. Biến thể Delta có ở 104 nước và vùng lãnh thổ. Việt Nam đang có cả hai biến thể này.

 

TT/ST  18:  Dựa theo thống kê của giáo sư Stuart Turville, bình quân 1 F0 khỏe mạnh được tự do đi lại, giao lưu tiếp xúc khắp nơi tạo ra 100 F1, từ đó sẽ tạo ra 10 F0’ (mới). Có nghĩa là trong 100 F1 chỉ có 10 F1 có khả năng cao  nhất bị nhiễm. Họ là những người tiếp xúc gần nhất, lâu nhất với F0.  90 F1 còn lại không bị nhiễm, là những người tiếp xúc xa, thoáng qua.

 

TT/ST 19:  Tại Tp. HCM từ 22/6 – 25/6 số F0 lần lượt là : 136, 152, 162, 161 ca, phần lớn là những người ở trong các khu cách ly tập trung. Tổng của 4 ngày là 611 F0. Vậy căn cứ nào, cơ sở khoa học nào, lý do logic nào để chúng ta phải làm xét nghiệm cho 5 triệu người?

 

Căn cứ vào đâu mà UBND Tp. HCM cho rằng 611 F0 trong các khu cách ly tập trung là RẤT NGUY HIỂM đến mức phải ra quyết định làm xét nghiệm cho 5 triệu người ở đâu đó trong thành phố?

 

Giả sử 611 F0 này không ở  trong các khu cách ly tập trung, họ được tự do đi lại khắp nơi thì cũng chỉ tạo ra 611 x 100 = 61.100 F1 thôi, là những người cần được làm xét nghiệm. Vậy tại sao lại phải làm đến 5 triệu người, là những F2, F3, F4 … F10?

Căn cứ vào đâu mà các chuyên gia y tế cho rằng cần thiết, bắt buộc phải làm xét nghiệm cho 5 triệu người vu vơ, ở tận đâu đó, không mảy may liên quan đến 611 F0 này?

 

Có thể Bộ Y tế và UBND Tp. HCM cho rằng vì trong 5 triệu người đó, có thể có những F0 lẩn khuất ở đâu đó mà chúng ta không biết, chưa rõ. Do vậy cần phải làm xét nghiệm để moi họ ra, đem đi cách ly. Nếu không, cứ thế họ reo rắc khắp nơi là rất nguy hiểm. Tính mạng con người là trên hết!.

 

Lý do này, lập luận này là khoa học? Có lẽ đó là lý do duy nhất mà chúng ta có thể nghe được từ phía Bộ Y tế và UBND Tp. HCM. Họ không thể đưa ra được lý do khoa học nào khác nữa để bảo vệ cho quyết định thực hiện xét nghiệm cho 5 triệu người.

 

Theo tôi đó chỉ là một suy diễn cảm tính. Suy diễn  trong lo sợ trách nhiệm của Bộ Y tế “Nếu để vỡ ra là chết!!”. Tốn kém bao nhiêu, vất vả bao nhiêu cũng phải làm!!. Hiệu quả chống dịch không quan trọng bằng an toàn tối đa cho Bộ Y tế và lãnh đạo UBND Tp. HCM. Trái ngược hoàn toàn với quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Chức vụ càng cao, trách nhiệm càng lớn”. Người dân tôn trọng và kính nể quản lý Nhà nước ở sự sáng suốt và tính trách nhiệm.

 

TT/ST  20: Có một qui luật, tôi nghĩ sẽ được nhiều người đồng ý. Đó là những giải pháp, hành động thực hiện trong hoảng loạn, lo sợ hay tức giận phần lớn là không khoa học, không hiệu quả, không giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Trong nhân dân thường có câu “Rối trí sẽ mất khôn”.

 

Tính mạng con người là trên hết!. Đúng vậy, điều này lãnh đạo nước nào cũng nói thế. Quá dễ khi nói câu ấy. Là người dân ai cũng sợ chết. Nhưng lý do này không phải là căn cứ khoa học để Bộ Y tế và UBND Tp. HCM đề ra những quyết sách chống đại dịch Covid-19 không khoa học và không hiệu quả.

 

TT/ST 21:  Tính mạng con người là trên hết!. Đúng vậy! Trong ngày 30/3/2020 Việt Nam có 9 người mắc mới, đưa tổng số nhiễm Covid-19 lên 188, số tử vong là 0. Truyền thông báo chí đã làm cả đất nước hoảng loạn. Bộ Y tế đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 31/3/2020 và thực hiện giãn cách xã hội trên cả đất nước, với tinh thần “tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó, nhà nào ở nhà đó”.

 

TT/ST  22:  Tính mạng con người là trên hết!. Đúng vậy! Sau hơn một năm rưỡi, tính đến 10/7/2021, tổng số ca nhiễm Covid-19 của Việt Nam là 23.815 ca, tử vong là 105. Cả đất nước nhiều tháng ngày liên tục sống trong lo sợ. Phát hiện ra một F0 ở  nơi nào, cả khu vực đó lo sợ và lao đao vì phong tỏa.

 

TT/ST  23:  Tính mạng con người là trên hết!. Đúng vậy! Thế mà đã 10 năm liên tục số người chết vì tai nạn giao thông luôn là rất cao. Riêng năm 2020 toàn quốc xảy ra 14.510 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.700 người, bị thương 10.804 người (Nguồn: thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia). Thế mà truyền thông báo chí thấy bình thường. Bộ Y tế và các lãnh đạo thấy bình thường. Người dân cũng thấy bình thường.

 

TT/ST  24:  Tính mạng con người là trên hết!. Đúng vậy! Thế mà theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2018 Việt Nam có 60.000 người chết liên quan đến ô nhiễm không khí. Năm 2019 và 2020 chắc chắn là cao hơn. Truyền thông, báo chí lặng thinh, đứng ngoài cuộc. Các cơ quan quản lý Nhà nước thấy bình thường, chấp nhận được.

 

TT/ST  25:  Tính mạng con người là trên hết!. Đúng vậy! Thế mà đã 20 năm liên tục số người chết vì ung thư luôn tăng rất cao. Các thôn ung thư đầu tiên thuộc xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Tỉnh là biểu tượng của nền đại công nghiệp thời kỳ kế hoạch hóa tập trung xây dựng XHCN với những điển hình như nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao, nhà máy Pin ắc quy Phú Thọ, nhà máy Giấy Bãi Bằng. Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Mai Ai Trực nói Tôi đến 10 nhà thì 7 nhà có người chết vì ung thư. Hiện nay cả nước đang bị ung thư. Riêng năm 2020 Việt Nam có 182.563 ca ung thư mắc mới và 122.690 ca tử vong vì ung thư. (Nguồn: Thống kê của GLOBOCAN năm 2020). Truyền thông, báo chí thấy bình thường, người dân thấy bình thường, Bộ Y tế và các lãnh đạo chấp nhận được.

 

TT/ST  26: Suy diễn về nguy cơ cảm tính dẫn đến quyết định làm xét nghiệm cho 5 triệu người đồng nghĩa với xem nhẹ, bỏ qua tất cả những cố gắng từ đầu đại dịch cho đến nay chúng ta kiên trì thực hiện. Đó là TRUY VẾT TIẾP XÚC với từng F0 để tìm ra tất cả những F1 và F2. Tất cả F1 đều được đưa đi cách ly tập trung. Trong truy vết tiếp xúc chúng ta cũng thực hiện qui tắc vàng “Thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót”. Do vậy, những F1 “xa nhất” đối với F0 cũng bị gom lại hết.

 

TT/ST 27:  Những lỗ hổng trong truy vết tiếp xúc hay kiểm soát đối với nguồn bệnh nhập ngoại có thể có,  nhưng trong 4 ngày từ 22/6 – 25/6 xuất hiện 611 F0 chưa đến nỗi phải  thực hiện xét nghiệm cho 5 triệu người. Tốt nhất nên làm cho 61.100 F1 là có căn cứ, là hiệu quả. Thực hiện 5 triệu xét nghiệm để 99,9% là âm tính đúng để làm gì?

 

TT/ST  28:  Từ vòng đời phát triển của con virus SARS-CoV-2, khả năng lây lan của F0 gây  bệnh cho người khác bắt đầu từ sau ngày 4 đến ngày 21. Đó là 2 tuần “nguy hiểm” của F0 đối với cộng đồng nếu được tự do đi lại. Ngoài 2 tuần này, đối với những thời gian khác F0 không có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội, là vô hại đối với cộng đồng.

 

TT/ST 29: Trong những ngày từ 22/6 – 25/6 xuất hiện 611 F0 đã được  các chuyên gia y tế coi là rất nguy hiểm. Nếu sau 3 tháng xuất hiện đợt sóng thứ 5 của đại dịch Covid-19, số ca nhiễm mới trong 7 ngày, ví dụ là 1.200 F0, UBND Tp. HCM sẽ đề xuất xét nghiệm hết cho cả 9 triệu người đang sinh sống và làm việc hiện nay? Hy vọng là chúng ta còn đủ vật tư, hóa chất phục vụ 9 triệu xét nghiệm tiếp nữa? Vì gần 5 triệu kết quả xét nghiệm âm tính trước đó hoàn toàn không còn giá trị.

 

TT/ST  30: Trong khoa học, mọi phép đo, xét nghiệm phân tích đều có tỷ lệ sai số nhất định, sai số được phép. Hãng sản xuất dụng cụ test nhanh, hay xét nghiệm RT-PCR phải có trách nhiệm công bố với Bộ Y tế tỷ lệ sai số được phép của thiết bị xét nghiệm này.  Ví dụ tỷ lệ sai số là 5%, có nghĩa là cứ phân tích 100 mẫu, cho kết quả sai là 5 mẫu.

 

TT/ST  31: Quyết định xét nghiệm cho 5 triệu người đồng nghĩa với việc Bộ Y tế và UBND Tp. HCM lấy xét nghiệm đại trà, diện rộng để moi ra, tìm ra các F0 thay vì sử dụng giải pháp truy vết tiếp xúc vô cùng rẻ để sàng lọc, thu gọn lượng mẫu điều tra về cực nhỏ, sau đó mới làm xét nghiệm.  Bộ Y tế đã đề ra khẩu hiệu 5K, trong đó có Khai báo y tế phục vụ cho hoạt động truy vết tiếp xúc rất tốt. Vậy tại sao Bộ lại không tận dụng hoạt động truy vết tiếp xúc để giảm thiểu rất lớn chi phí, có lợi cho đất nước, có lợi cho người dân?

 

TT/ST  32: Lực lượng y tế của Tp. HCM đang bị căng ra, quá tải, phục vụ cho 5 triệu xét nghiệm, nên từ 7/7 Bộ trưởng Bộ Y tế đã phải huy động 10.000 nhân lực từ các tỉnh khác, cả từ ngoài Bắc vào giúp đỡ cho Tp. HCM, để rồi sẽ nhận kết quả, ví dụ 3.000 mẫu dương tính, chiếm 0,06% và 99,94% là âm tính.

Sự quá tải đối với hệ thống y tế là do chính Bộ Y tế và UBND Tp. HCM gây ra cho bản thân. Xét nghiệm tốt nhất, hiệu quả nhất chỉ nên làm đối với các F1. Không lãng phí tiền của, không gây quá tải cho hệ thống y tế.

 

TT/ST  33:  Tại một cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết từ 6h ngày 5/7 đến 6h ngày 6/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật ghi nhận 641 ca dương tính. Trong đó, 106 người phát hiện qua khám sàng lọc tại bệnh viện, 73 người đang điều tra dịch tễ, những ca còn lại trong khu cách ly, phong tỏa. Đến ngày 8/7, TP HCM đã ghi nhận tổng cộng 7.385 ca nhiễm, đứng đầu cả nước; 14.107 người đang cách ly tập trung. Giám đốc Sở Y tế Tp. HCM đã hoảng loạn và kiến nghị lãnh đạo Tp. HCM thực hiện giãn cách xã hội, phong tỏa toàn thành phố từ 0 giờ ngày 9/7 theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.  

 

TT/ST  34:  Trong 7.385 ca nhiễm ấy khoảng 4.000 F0 đã hoàn toàn khỏi bệnh, sạch virus, tại sao lại phải hoảng loạn? 3.385 ca còn lại là mới nhiễm trong tuần là nhỏ, có gì phải sợ?. Đối với các F0 còn “tươi mới” và cả F1 nữa chúng ta đều khoanh lại được vào trong các bệnh viện hoặc các nơi cách ly. Vậy chẳng có cơ sở khoa học nào để Bộ Y tế và UBND Tp. HCM phải sợ cả những F0 cũ rích.

 

TT/ST 35: Chúng ta không nên sợ những ca đã nhiễm, đã khỏi. Chúng ta chỉ sợ những ca nhiễm mới trong tuần nếu vượt quá khả năng chịu tải của hệ thống y tế. Từ 5/7 – 8/7 lần lượt là: 641, 710, 766 và 915 ca. Tổng của 4 ngày là 3.032 ca F0 làm sao có thể đe dọa làm sụp đổ hệ thống y tế Tp. HCM? Ngoại trừ những ca rất nặng phải nằm điều trị 1 tháng, còn thông thường là từ 10 - 15 ngày thôi, sau đó ra viện, nhường giường, nhường chỗ cho bệnh nhân mới. Tại sao Bộ Y tế lại cứ ôm cả những ca F0 nhẹ vào bệnh viện? Điều này là rất trái ngược với Châu Âu.

 

Nguy cơ là có, nhưng còn kèm theo điều kiện nếu. Nếu chúng ta buông lỏng, nếu chúng ta không thực hiện truy vết tiếp xúc, không xác định các F1 để cách ly, F2 để cảnh báo trước v.v.. Từ nguy cơ chúng ta cần đưa ra giải pháp cao về khoa học. Có nghĩa là chúng ta kiểm soát được dịch bệnh với chi phí rất thấp, người dân không phải hy sinh, phải trả giá quá lớn.

 

TT/ST  36:  Như vậy, việc thực hiện xét nghiệm đại trà, diện rộng 5 triệu người để sẽ phát hiện ra 3.000 F0 là sự trả giá vô cùng đắt đỏ, cao khủng khiếp. Giầu có và là cường quốc như nước Mỹ, khi thành phố New York là đỉnh cao về lây nhiễm và chết chóc của thế giới cũng chưa thực hiện xét nghiệm với tốc độ liên tục 10 ngày x 500.000 mẫu/ngày.

 

TT/ST 37:  Từ ngày xẩy ra đại dịch cho đến nay chúng ta kiên định làm công tác TRUY VẾT TIẾP XÚC F1, F2 (danh tính, địa chỉ, điện thoại đều có) đối với từng F0. 100% F0 đều bị truy vết tiếp xúc để tìm ra đầy đủ F1 và cả F2 nữa.  VẬY CHÚNG TA CHỈ CẦN LÀM XÉT NGHIỆM VÀ THỰC HIỆN CÁCH LY CHO F1 NÀY THÔI. Lý luận nào, logic khoa học nào bắt chúng ta phải làm xét nghiệm cho cả 5 triệu người? tất cả họ đều là F2, F3, F4 …. F10 chắc chắn là âm tính đúng. Hữu ích và có căn cứ khoa học chỉ là những xét nghiệm cho F1 để tìm ra được các F0’ mới.

 

TT/ST  37:  Theo thông báo công khai của công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Đồng Nai ngày 8/7/2021 giá xét nghiệm nhanh là 350.000 đồng/mẫu; giá cho xét nghiệm RT-PCR là 1.200.000 đồng/mẫu. Cho rằng Bảo hiểm y tế thanh toán cho xét nghiệm RT-PCR là 734.000 đồng/1 mẫu xét nghiệm, cho xét nghiệm nhanh 238.000 đồng/1 xét nghiệm. Nói chung là vô cùng lãng phí, phải vài ngàn tỷ đồng.

 

TT/ST  39:  Chưa kể chi phí cho hàng vạn cán bộ, nhân viên, sinh viên ngành y huy động bay từ Bắc vào Nam, địa điểm tập trung, xử lý rác thải y tế và 5 triệu người bị gián đoạn công việc, xếp hàng chờ đợi lấy mẫu và giao thông đi lại v.v..

THỰC SỰ LÀ MỘT SỰ  LÃNG PHÍ KINH HOÀNG!.

 

TT/ST 40:  Quyết định thực hiện xét nghiệm cho 5 triệu người đồng nghĩa với việc không tin vào công việc TRUY VẾT TIẾP XÚC XÁC ĐỊNH F1, F2 mà chúng ta bền bỉ thực hiện từ đầu đại dịch cho đến nay.

Quyết định thực hiện xét nghiệm cho 5 triệu người đồng nghĩa với việc coi tất cả 5 triệu người đều là F1. Một quyết định rất vô lý, cảm tính, phi khoa học.

 

TT/ST 41:  Tương tự, LÝ LUẬN NÀO, LOGIC NÀO, BẰNG CHỨNG KHOA HỌC NÀO mà trong ngày 30/3/2020 Việt Nam chỉ có 9 người mắc mới, đưa tổng số nhiễm Covid-19 lên 188 ca, số tử vong là 0 mà cả đất nước đã hoảng loạn? Bộ Y tế đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 31/3/2020 và thực hiện giãn cách xã hội trên cả đất nước, với tinh thần “tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó, nhà nào ở nhà đó”. Cổng thông tin Chính phủ khẳng định tuần cuối cùng của tháng Ba được xác định là tuần mở màn cho 'cuộc tổng tấn công mùa xuân 2020' vào Covid-19, hàm ý so sánh với Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, sẽ đập tan, chấm dứt hoàn toàn Covid-19. Việc chỉ có ở nhà đã được suy tôn lên thành lòng yêu nước. Thời gian này đại dịch ở qui mô toàn cầu còn đang là rất thấp.

 

TT/ST 42:  Tôi nghĩ LÝ DO CHÍNH LÀ VÌ BÁO CHÍ TRUYỀN THÔNG suốt ngày đưa tin, đậm đặc về đại dịch, thảm họa, nguy hiểm chết người đã làm NGƯỜI DÂN HOẢNG SỢ. Nếu Tổng Bí thư được nghe tin như vậy cũng phải sợ và đầy lo âu. Truyền thông báo chí đã xô ngã được người dân, đương nhiên xô ngã cả Bộ Y tế và cả Thủ tướng Chính phủ nữa.

 

TT/ST 43: Chúng ta đã qua đợt sóng Covid-19 thứ hai, thứ ba. Hiện nay đang ở đợt sóng thứ 4 cao hơn đợt 1 rất nhiều. Rất mừng là Bộ Y tế đã không trình Thủ tướng Chính phủ để thực hiện giãn cách xã hội cả đất nước theo Chỉ thị 16. Bộ Y tế đã rút kinh nghiệm việc này, rất hoan nghênh. Nhưng tại sao Bộ không khuyến cáo UBND Tp. HCM chỉ thực hiện giãn cách xã hội, thực hiện phong tỏa ở qui mô nhỏ, theo xóm, cụm dân cư những nơi có F0?

 

TT/ST 44:  Đợt giãn cách xã hội, phong tỏa toàn Tp. HCM lần hai này từ 0 giờ ngày 9/7/2021 thực sự là nỗi kinh hoàng với nhiều triệu người sống dựa vào buôn bán, làm ăn nhỏ lẻ hàng ngày. Là sự mất mát to lớn, đau đớn vô cùng đối với họ. Ngay cả đối với hàng vạn công ty, doanh nghiệp cũng là sự thiệt hại lớn. Qui định đưa ra họ phải tuân thủ, cắn răng chấp hành. Thực sự Bộ Y tế và UBND Tp. HCM đang dồn họ đến cảnh khốn cùng, quá khốn cùng vì nhiều khu vực còn cộng dồn với đợt cách ly trong tháng 5 và tháng 6 theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 10 của UBND Tp. HCM.

 

TT/ST  45:  Theo công bố của Tổng cục Thống kê hôm 6/7/2021, đợt dịch thứ tư này kéo theo 12,8 triệu lao động tại Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực, tăng 3,7 triệu người so với quý đầu năm. Ngoài ra, 1,8 triệu người lâm vào cảnh không có việc và 1,4 triệu lao động đang mong manh do không có việc làm một cách chính thức.

 

TT/ST 46: Giá mà Bộ Y tế có tầm nhìn xa về vắc xin để kiểm soát đại dịch để sớm giảm các biện pháp phòng ngừa khắc nghiệt, thì chúng ta không phải xếp hàng dài chờ đợi để có được vắc xin như hiện nay. Israel và Singapore nhỏ bé không phải vì họ sẵn có tiền đễ mua vắc xin, mà là tầm nhìn của lãnh đạo Bộ Y tế của họ. Từ lâu khi mà vắc xin Pfizer hay Moderna còn chưa được cấp phép lưu hành họ đã tiếp cận, đàm thoại trực tiếp nhiều lần với CEO của hãng, chấp nhận mọi điều kiện của hãng để có quyền được mua sớm nhất. Vắc xin hiện nay trước tiên là vấn đề dân tộc, lợi ích quốc gia. Sau đó mới bán ra ngoài. Đối với thế giới là văn minh xếp hàng. Ai đến trước được phục vụ trước, ai đến sau nếu còn sẽ được phục vụ sau.

 

III. CÓ ĐÚNG BẮC MỸ, CHÂU ÂU THUA KÉM VIỆT NAM TRONG CUỘC CHIẾN CHỐNG COVID-19?

 

TT/ST  47:  Tại trang tin về Covid-19 của Bộ Y tế tính đến hôm nay, 10/7/2021, tổng số ca nhiễm của Việt Nam là 23.815, tử vong là 105, tỷ lệ chết là 0,44%. Theo báo cáo của WHO, tính đến ngày 4/7 toàn Châu Âu tổng số ca nhiễm là 56.235.850, tổng số chết là 1.189.019, tỷ lệ là 2,1%, cao gấp 4,7 lần Việt Nam!!!.

 

TT/ST  48:  Trong đại dịch, tổng số ca nhiễm cũ không phải là căn cứ khoa học để sợ. Chỉ sợ số ca nhiễm mới trong tuần làm quá tải hệ thống y tế mà thôi. Tỷ lệ tử vong mới là quan trọng và đáng sợ. Tỷ lệ tử vong của Châu Âu quá cao. Nếu suy diễn theo cách thông thường, chúng ta có thể dễ dàng kết luận trình độ chuyên môn y tế và điều kiện máy móc, thiết bị của họ quá kém, thua xa Việt Nam. Tuy nhiên, sẽ có rất nhiều người Việt Nam không đồng tình với kết luận này.

 

TT/ST  49:  Nếu suy nghĩ kỹ hơn, sâu hơn chúng ta sẽ tìm được lời giải chuẩn xác và thuyết phục. Đó là người Châu Âu giàu có, chế độ ăn uống dư thừa dinh dưỡng, dư thừa calo; nên phần lớn họ đều bị thừa cân, béo phì; cộng với tỷ lệ nhiều người cao tuổi bị phơi nhiễm SARS-CoV-2. Do vậy tỷ lệ chết của họ cao hơn Việt Nam là hợp lý, không phải trình độ chuyên môn y tế của họ thua kém Việt Nam.

 

TT/ST  50:  Trung Quốc là nước nguồn, khởi phát đại dịch Covid-19. Việt Nam ở sát, liền kề với Trung Quốc. Tại sao Châu Âu và Bắc Mỹ lại thua xa Việt Nam và Trung Quốc trong việc cắt giảm đỉnh các đợt sóng đại dịch, không làm quá tải hệ thống y tế? Nguyên chính là ở chỗ khác biệt về văn hóa; không phải do chất xám và trí tuệ quản lý đại dịch họ thua Việt Nam và Trung Quốc.

 

TT/ST  51:  Người dân Châu Âu và Châu Mỹ không thể hy sinh giao tiếp, vui chơi tụ tập đông người, đi lại làm ăn và buôn bán. Họ không coi chỉ ở nhà chống Covid-19 là lòng yêu nước. Họ cũng không thể hy sinh tiết lộ thông tin cá nhân, khai báo cho truy vết tiếp xúc, như đi đâu, vào giờ nào, gặp ai, ở đâu, làm việc gì, địa chỉ và số điện thoại v.v.. Quyền tự do cá nhân, bảo mật riêng tư của họ đã được luật hóa từ lâu, không dễ nhanh chóng thay đổi bằng quyết định, chỉ thị như Việt Nam và Trung Quốc để phục vụ cho chống dịch. Họ chấp nhận những rủi ro lây nhiễm nhất định trong đại dịch để không bị mất quá nhiều về kinh tế, xã hội và quyền riêng tư. Đó là lý do cơ bản họ thua Việt Nam trong việc ngăn ngừa các ca lây nhiễm, giảm tải đối với hệ thống y tế, giãn cách các đợt sóng dịch. Họ cũng thua xa Triều Tiên cho đến nay chưa có một ca nhiễm Covid-19  nào. Nếu chỉ dựa trên số liệu thống kê, Triều Tiên hiện đang là một đất nước đứng đầu thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

 

TT/ST  52:  Số liệu thống kê là như vậy. Châu Âu và nước Mỹ thua xa Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng họ đang nhanh chóng vượt xa Việt Nam và Trung Quốc trong việc KIỂM SOÁT ĐƯỢC ĐẠI DỊCH (pandemic control). Có nghĩa là họ nhanh chóng đưa được đất nước trở về trạng thái như trước khi có đại dịch; bỏ cách ly, bỏ giãn cách xã hội, bỏ phong tỏa; được tự do đi lại, tụ tập đông người. Việt Nam và Trung Quốc hiện đang huy động tổng lực cho GIẢI PHÁP PHÒNG NGỪA (pandemic prevention) bao gồm xét nghiệm đại trà, cách ly, phong tỏa, be bờ, đắp đập để chắn sóng đại dịch luôn dễ bùng phát bất cứ lúc nào.

 

TT/ST 53: Châu Âu chưa bao giờ ném tiền qua cửa sổ vào những xét nghiệm vô tích sự (cho F2, F3, F4 v.v.. đến F10). Họ cũng không thực hiện gom F1 vào cách ly tập trung. Trong cuộc chiến này họ thực hiện chính sách toàn dân cùng tham gia và tự bảo vệ mình. Chính quyền và hệ thống y tế của họ không làm hết thay dân, không chăm sóc toàn diện cho dân. Họ nâng cao kiến thức và hiểu biết về Covid-19, cung cấp rất đầy đủ, những hướng dẫn chi tiết kỹ thuật để người dân tự bảo vệ mình. Họ khuyến cáo người dân thực hiện giãn cách xã hội. Họ cũng chỉ chấp nhận những F0 nặng mới đưa vào bệnh viện. F0 nhẹ thì xin mời ở nhà, tự cách ly, tự điều trị. Nếu hệ thống y tế quá tải, họ lập bệnh viện dã chiến cũng chỉ để cứu bệnh nhân nặng mà thôi.

 

TT/ST 54:  Thông tin sau đây cho chúng ta hiểu được quan điểm, chính sách, chủ trương của đất nước Thụy Sĩ trong xử lý đại dịch Covid-19: Trần Vũ Kiều Phương (29 tuổi, Kon Tum) du học sinh ngành Tâm lý giáo dục tại Trường ĐH Geneve (Thuỵ Sĩ). Ngày 29/2/2020 sang Pháp chơi thăm bạn thân. Ngày 5/3 bạn ở bên Pháp gọi điện sang cho Phương báo tin là bị dương tính với Covid-19. Khi này Phương cũng thấy sức khỏe của mình có vấn đề. Cô gọi điện đặt lịch hẹn cho bác sĩ riêng để khám và làm xét nghiệm. Tuy nhiên tình trạng của Phương không quá nặng, không ho không sốt và chưa đủ 14 ngày sau tiếp xúc nên chưa được làm xét nghiệm. Ngày 8.3, các triệu chứng bệnh của Phương bắt đầu rõ ràng hơn với những cơn đau nhức cơ thể, đau đầu, đau ngực khó thở, đau cơ bắp. Cô tiếp tục đề nghị mới được bác sĩ đồng ý cho làm xét nghiệm. Kết quả là dương tính với Covid-19. Tuy nhiên cô cũng không được nằm viện mà bác sĩ cho đơn mua một số thuốc cảm cúm, giảm đau thông thường và dặn về nhà cách ly. Sau đó, ngày 2 lần bác sĩ gọi điện hỏi thăm, theo dõi tình hình; nếu thấy Phương tăng nặng sẽ cho vào bệnh viện. Kết quả là Phương đã tự khỏi, chẳng cần thần dược và một ngày nằm viện.

 

TT/ST  55:  Người Thụy Sĩ cho rằng nếu bệnh nhẹ mà ai cũng vào bệnh viện thì họ lấy đâu đủ điều kiện chữa cho những người cao tuổi, có bệnh nặng hơn. Đất nước giầu có vậy nhưng vẫn luôn đặt HIỆU QUẢ CHỐNG DỊCH LÊN HÀNG ĐẦU, không phung phí nguồn lực của xã hội.

 

Người Thụy Sĩ hiện có quan niệm là sẽ chung sống dài lâu với SARS-CoV-2 vì vậy đã bình thường hóa vấn đề Covid-19. Ở đất nước Thụy Sĩ phần lớn người dân có đủ kiến thức để tự bảo vệ sức khỏe của mình, chấp nhận một tỷ lệ rủi ro  nhất định.

 

IV. KIẾN  NGHỊ:

1.  Áp dụng mô hình chống đại dịch Covid-19 của Thụy Sĩ cho Việt Nam.

2.  Thực hiện quan điểm sống chung lâu dài và bình thường hóa vấn đề Covid-19. Coi cuộc chiến chống Covid-19 là “chiến tranh nhân dân”, dân hiểu biết, dân tham gia và dân thực hiện.

3.  Giảm thiểu tần suất và cường độ của truyền thông, báo chí về đại dịch Covid-19. Hiện nay cả nước có 779 cơ quan báo chí đang làm cả  nước hoảng loạn về Covid-19, làm các lãnh đạo bất an.

4.  Khuyến cáo người dân khai thác những thông tin từ cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, cung cấp những thông tin khoa học, kỹ thuật, chuyên môn, hiểu biết để người dân tự bảo vệ mình, tự cách ly, tự điều trị khi bệnh nhẹ.

5.  Coi vắc xin là vũ khí chủ lực để kiểm soát/chiến thắng đại dịch đưa mọi hoạt động của cuộc sống trở lại bình thường  như trước khi có đại dịch. Đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin cho toàn dân. Phấn đấu đến tháng 6/2022 tiêm đầy đủ 2 liều vắc xin cho 70% người trưởng thành. 30% còn lại chủ yếu ở những vùng xâu, vùng xa sẽ hoàn thành vào tháng 12/2022 tùy thuộc vào nguồn cung cấp vắc xin. Từ tháng 01/2023 bắt đầu tiêm chủng cho trẻ dưới 18 tuổi.

6.  Đối với mỗi F0, coi TRUY VẾT TIẾP XÚC LÀ THANH KIẾM THẦN để tìm ra các F1 và F2. Thực hiện qui tắc vàng “thà bắt nhầm còn hơn bỏ xót” để có danh sách đầy đủ các F1 (tên, tuổi, giới tính, địa chỉ nơi ở, số điện thoại). Yêu cầu họ nghiên cứu thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của F1 công bố tại cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, bao gồm cả trách nhiệm cập nhật thông tin cho F2 của họ. CHỈ LẤY MẪU XÉT NGHIỆM ĐỐI VỚI F1.

7.  Thực hiện cách ly F1 theo NGUYỆN VỌNG và điều kiện của gia đình, do vậy có thể tại nhà hay ở nơi tập trung.

8.  Khi thực hiện cách ly tại nhà đồng nghĩa với cách ly toàn bộ nhà  này, coi toàn bộ thành viên của gia đình là F1. Lây nhiễm chéo trong gia đình là chấp nhận được, còn hơn bị lây nhiễm từ người ở đâu, chẳng hề quen biết trong các khu cách ly đông người tập trung. Ngoài cửa nhà có biển báo F1 dưới sự giám sát của chính quyền địa phương.

9.  Sau 1 tuần, cán bộ y tế địa phương đến tận nhà lấy mẫu thực hiện xét nghiệm cho tất cả thành viên trong gia đình.

10.              Vì tỷ lệ các F0 thể nhẹ đang là rất cao, đến 80%, không thể ôm hết họ vào bệnh viện gây quá tải. Nên để họ tự điều trị ở nhà  với điều kiện nhà phải có phòng cách ly riêng, được cán bộ y tế địa phương kiểm tra và đồng ý. Ngoài cửa nhà đặt biển báo F0. Cán bộ y tế địa phương theo dõi, trợ giúp hàng ngày thông qua điện thoại. Khi thấy tăng nặng cần cho vào bệnh viện. Chính quyền địa phương trợ giúp mua nhu yếu phẩm cho gia đình. Khi sạch bệnh, nhà này phải được cán bộ y tế địa phương vào phun thuốc khử trùng.

 

Trân trọng mời bạn đọc tiếp bài “VIỆT NAM KHÔNG CÓ KHOA HỌC, CHỈ CÓ KIÊU NGẠO VÀ CÔNG NGHỆ NGOẠI NHẬP

Xin cám ơn.

Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội, ngày 10/7/2021.

 

P/S. Sáng 15/7/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với 27 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam về phòng chống dịch bệnh. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tính từ cuối tháng 4/2021 đến nay, cả nước đã thực hiện được hơn 10 triệu mẫu xét nghiệm RT-PCR.

 

Theo thông báo công khai của công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Đồng Nai ngày 8/7/2021 giá xét nghiệm RT-PCR là 1.200.000 đồng/mẫu. Như vậy, cả nước trong 2 tháng rưỡi vừa qua đã chi ra 12.000 tỷ đồng cho xét nghiệm, không nhỏ đâu!. Nếu tiếp tục với quan điểm xét nghiệm cho cả F2, F3, F4 … F10 nữa trong tương lai sẽ cần nhiều chục nghìn tỷ đồng nữa.

 

Về nguyên tắc, một xét nghiệm âm tính chỉ chứng tỏ đến thời điểm lấy mẫu người đó không có virus trong người. Ngày hôm sau trở đi là chuyện hoàn toàn khác, tùy thuộc vào việc người đó có chẳng may bị phơi nhiễm với môi trường có mầm bệnh hay không (ví dụ siêu thị, hội họp, trong xe ô tô, đi máy bay…)

 

Theo tôi hãy coi công tác TRUY VẾT TIẾP XÚC LÀ THANH KIẾM THẦN để xác định ra các F1, sau đó chỉ làm xét nghiệm cho các F1 mà thôi.