21/7/2021
Tuy không phải chết vì Dịch, nhưng chết trong thời dịch bịnh thì tang lễ chẳng khác chi “đám ma của người cùi”.
- Chị Tư đó hả?
- Có gì đó Bông?
- Tám Đức chết rồi!
- Ai báo? Vì sao chết? Chết hồi nào?
- Chị Ngào, em dâu của vợ anh Đức báo. Chị ấy nói: “Anh Đức sáng ra nằm ngoài võng một hồi rồi vào trong nằm trên giường chết vào khoảng 10 giờ sáng ngày 17/7/2021 (ngày 8/6 AL).
Đó là cú điện thoại lúc khoảng 11 giờ ngày 17/7/2021 của bà Bông từ Sài Gòn báo cho chị ruột của mình là bà Hoài Thu ở Mỹ Tho.
Tám Đức là ai, có quan hệ gì với bà Bông và bà Thu? – Đức là anh Bông, em Thu, là 1 trong 8 anh chị em cùng cha mẹ của một gia đình làm giày dép ở Chợ Lớn (Sài Gòn). Sau 30/4/1975 coi như phá sàn, cha mẹ lần lượt qua đời, cuộc sống khó khăn, anh chị em ly tán, số thì bàm trụ lại Sài Gòn mua gánh bán bưng, làm tạp vụ; 1 người về quê vợ ở Hậu Giang; 1 người theo kháng chiến rồi định cư ở Mỹ Tho, 1 người về quê vợ ở Bến Tre.
Sau 30/4/1975, Tám Đức vào“Thanh niên Xung Phong” đi phá hoang xây dựng vùng “Kinh tê mới”, sau đó rủ đứa em trai út cùng vào “Thanh niên xung phong” với mình. Khi hết hạn, hai anh em Đức được nhận vào làm bóc xếp ở Thương cảng Sài Gòn. Năm 1985, Cảng Sài Gòn chuyển thành cảng Công-tê-nơ (Container), giảm biên chế, Cảng cho 2 anh em Đức nghỉ việc. Đức lãnh lương 1 lần còn người em đợi đủ 55 tuổi lãnh lương hưu.
Từ đó, Đức về sống ở quê vợ thuộc xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre và qua đời như đã nói trên.
Chuyện “sống ở thác về” như thế là bình thường có gì phải nói?. Có đấy, người chết đã an phận, chỉ thương cho những ngưới sống chẳng những khổ sở trong nạn dịch Covid, còn không đến được đám tang của anh em ruột thịt của mình.
Bà xã tôi là bà Hoài Thu, hiện là chị lớn nhứt trong số anh chị em của gia đình nầy. Hơn một ngày qua, với gương mặt ủ ê, bà Thu mãi mân mê chiếc điện thoại “đi mây về gió” với anh chị em ruột của mình. Cứ hỏi qua hỏi lại:
- Trên đó (Sài Gòn) có đi được không ? – Không đi được vì bị phong toả theo chỉ thị 16 “…Gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh…”.
- Chị có đi được không ? – Cũng không đi được vì tỉnh Bến Tre lập chốt chặn gắt gao phía Nam Cầu Rạch Miễu thuộc lãnh thổ Bến Tre !.
- Bây giờ làm sao hở chị ? – Chị cũng bó tay…!. Thôi thì em có số điện thoại dưới đó, điện nói lý do vì dịch bịnh chúng ta không thể đến được để họ thông cảm và nhờ bên vợ thằng Đức chôn cất nó, tổn phí mình tính sau ?.
Suốt ngày đêm bà Thu âu sầu, luôn dùng điện thoại liên lạc với các em của mình ở Sài Gòn. Bổng nhiên bà Thu hớn hở như được của quí. Bà bấm điện thoại thông minh đưa cho tôi xem hình ảnh đám tang của Tám Đức. Tôi xem ảnh còn Bà đứng cạnh kể khá rạch ròi:
Xã mua cho quan tài / Rễ con riêng của vợ Đức phụ 8 triệu đồng (vợ của Đức trước có đời chồng, có đứa con gái) / Cô Ngào em dâu của vợ Đức cho 1 triệu / Con của Ngào từ bên Mỹ gởi về cho 3 triệu / Dầu không chấp điếu nhưng chòm xóm hùn lại cho hơn 3 triệu / Khi chết, Đức còn trong túi 2 triệu (Công chung khoảng 17 triệu) – Có quan tài do Xã cho và 17 triệu của nhiều người cho cũng tạm đủ chi trong đám tang, người chết cũng yên phận, người sống cũng đỡ đau buốn.
Định thiêu nhưng ở huyện Thạnh Phú không có lò thiêu, không thể chở đến lò thiêu Bến Tre vì phải cách ly phòng dịch, đành phải chôn ở nghĩa địa xã An Nhơn. Việc thiêu xác và chôn cạnh mộ phần cha mẹ theo di nguyện của Đức và mong muốn của gia đình sẽ tính sau khi dẹp được dịch COVID 19.
Bà Thu nói với tôi: “Tôi quá xúc động trước nghĩa cữ của chính quyền xã An Nhơn, nhân thân bên vợ thằng Đức và bà con xóm giềng… nơi đó, họ đã tự nguyện góp tiền, công sức tổ chức lễ tang và đưa Đức đến nơi an nghỉ cuối cùng một cách êm đẹp... Sau khi dẹp được dịch, tôi sẽ bàn với mấy đứa trên Sài Gòn tổ chức ngay chuyến đi xuống đó, trước nói chuyện ơn nghĩa đối với người ta, sau đó thăm mộ và đốt nhang cho thằng Đức, xem như xin lỗi nó”.
Thề là tạm ổn. Bà xã tôi nói thế là phải. Bà vui tôi cũng vui lây. -/-