04 juillet 2021

NGU và BẤT LƯƠNG là hai cái khác nhau

Nguyễn Huy Cường

Một chính phủ biết quan tâm đến hạng cùng mạt trong xã hội không phải do những lãnh tụ của họ vĩ đại mà đơn giản, họ không cầm quyền bằng tính bất lương.

Có những hiện tượng xã hội được điều chỉnh bởi hành vi của người lãnh đạo.

Có những hành vi của người lãnh đạo được điều chỉnh bới sự dốt nát được mang màu sắc khác.

Có những hành vi giống như ngu dốt nhưng ở một góc độ sâu sắc hơn, nó là sự BẤT LƯƠNG.


Bài này tôi bàn về sự bất lương với 03 nút nhấn sau đây:

1. Đà Nẵng của Nguyễn Bá Thanh

Thời ông Nguyễn Bá Thanh cầm quyền ở Đà Nẵng, tôi viết trên trang Yahoo.360 một bài có tựa đề “Luật Nguyễn Bá Thanh”.

Nội dung bài viết đề cập đến một tuyên bố của ông Thanh, đại ý: Con đường dự kiến mở 20 mét, ông thu hồi 50 mét luôn. Không thể để bà con có đất (nông nghiệp) xung quanh rồi đây thành đất “mặt tiền, giàu hú lên được”.

Hình như ông này rất sợ dân…giàu lên.

Nhưng câu chuyện của Nguyễn Bá Thanh sâu sắc hơn, ai cũng thấy là ông tống khứ hết dân ăn xin ăn mày, đánh giày ra khỏi thành phố.

Nhiều người khen đây là một “Sáng kiến” xã hội tuyệt vời, làm…trong sạch thành phố.

Sau vụ này, hồi công tác tại Báo Gia đình VN, tôi để tâm, theo sát những nhóm, những em bé ăn mày để hỏi chuyện thì có nhiều tốp là người vùng Quảng, nhiều người trước đây “hành nghề” ở Đà Nẵng nay dạt ra Quảng Ngãi, Huế, Sài gòn, Nha Trang…chứ nó không bốc hơi hết khỏi mặt đất này. Muốn hết, phải làm nhiều cách khác.

Tôi định lên tiếng nhưng ông này khi ấy lừng lẫy lắm, đang được đôn ra HN để làm “Đại ương” nên tôi ngại. Hôm nay mới nói.

Nó mang màu sắc, nó là sản phẩm của thứ tư tưởng duy mỹ tầm thường và bất lương hạng nặng.

2. Hà nội có một số tuyến đường (như Khâm Thiên) cấm taxi

Vì có quan hệ đủ gần nên hai năm trước tôi định một lúc nào đó tiện sẽ nói với cậu Chung con rằng: Không có cái sách nào ngu và bất lương hơn cái trò cấm taxi cả.

Cái xe ô tô cá nhân có khi cả ngày chỉ phục vụ cho một, hai người nhưng nó chiếm không gian, diện tích đường sá y như chiếc xe taxi thì không cấm.

Cái xe taxi có thể phục vụ 50 đến 100 người trong một ngày thì cấm.

Trong khi nhà nước hô hào hạn chế xe cá nhân, khuyến khích mọi người dùng xe công cộng.

Lượng lượt khách ở Hà Nội, Sài Gòn hàng ngày dùng xe taxi là hơn nửa triệu lượt, cũng có nghĩa là giảm nửa triệu lượt chiếc xe cá nhân vận hành trên đường bằng một lượng xe ít hơn nhiều lần..

Cấm là ngu.

Ở một hình ảnh khác: Một người cần đi cấp cứu, bệnh viện không thể đáp ứng xe cấp cứu ngay. Nhà nghèo không có xe riêng.

Bệnh tình nguy cấp. Gọi taxi thì giờ đó đang bị cấm.

Đến đây thì cái lệnh của HN không còn là ngu dốt nữa mà là Bất lương!

3.Câu chuyện Gò Vấp


Một cốt cán của phường 14 - Gò Vấp - Sài Gòn hôm 23/06 ký một thông báo (xem hình trên) rằng: “Nghiêm cấm các hoạt động thiện nguyện, phát cơm, phát quà và tiền cho những người nghèo, người vô gia cư, khó khăn ngoài đường hay tại nhà”.

Thông báo này nói rằng “nếu ai muốn phát tiền phát cơm thì hãy tới xin hướng dẫn từ Mặt trận tổ quốc” (!)

Và chốt lại thông báo, vị này nói: “nếu ai vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật” (!)

Thông báo này trong tình hình có những người dân mở lòng từ tâm nấu cơm, tiếp liệu đồ dùng thiết yếu như nước uống, rau củ quả cho vùng bị dịch đang khó khăn

Ở câu chuyện này tôi miễn bình luận.

Thưa các bạn.

Khi viết stt trên facebook tôi thường “đụng” loại ý kiến mà tôi gọi là “Luật là luật” . Khi đụng loại ý kiến này tôi thường thua.

Với các vị đó:

- Ông Nguyễn Bá Thanh làm thế là đúng.

- Hà Nội cấm taxi là đúng (đúng nghị định, quy định, nghị quyết nào đó)…

- Gò Vấp cấm tiếp sức vùng dịch khi không qua MTTQ là đúng…

Để xem xét nó, ngoài cách “đo” bằng các quy phạm pháp luật còn có một loại “thước” khác nằm trong những bức ảnh ở trên:

Ở trong công viên bên Canada người ta “chế” cho những cái ghế đá những cái mái che thông minh, khi mưa gió hoặc tuyết rơi có thể nới ra thành cái mái che.


Họ ghi rõ ở đó dòng chữ là những ai có nhu cầu có thể nằm ngủ tạm qua đêm (Find a Home here).

Canada không vì hình ảnh này mà ngưỡng văn minh, uy tín quốc tế thấp hơn Việt Nam.

Một chính phủ biết quan tâm đến hạng cùng mạt trong xã hội không phải do những lãnh tụ của họ vĩ đại mà đơn giản, họ không cầm quyền bằng tính bất lương.

N. H. C.

Nguồn: FB Nguyễn Huy Cường