26 juillet 2021

VỠ TRẬN!

Canh Tranthanh

Không thể nói khác về y tế Tp. Hồ Chí Minh khi đọc tin này trên trang facebook của Thầy thuốc nhân dân, Bác sĩ Trần Sĩ Tuấn, nguyên Tổng biên tập báo sức khỏe và đời sống.

Một bác sĩ bị bệnh mà gọi điện không có đồng nghiệp nào trợ giúp. Vị bác sĩ đã qua đời một mình. Kinh khủng! Bởi có lẽ các bác sĩ, nhân viên y tế cũng quá mệt mỏi. Quá tải rồi...


Nếu Bộ Y Tế không có giải pháp nào khả dĩ, nguy cơ sụp đổ cả hệ thống là nhãn tiền. Thực sự bây giờ là thời khắc khó khăn. Rất khó để khắc phục trong ngày một ngày hai, bởi đây là hậu quả của chiến lược chống dịch sai lầm: quá chú trọng vào phong tỏa, truy vết, cách ly, xét nghiệm...mà không chú trọng đúng mức đến hệ điều trị. Không đầu tư đủ nhân tài vật lực cho hệ điều trị. Giờ đây hệ điều trị của tp. HCM đang quá tải. Thầy thuốc có ba đầu sáu tay mà họ không có máy móc, có giường, có xe cấp cứu...họ cũng đành giơ tay bất lực mà thôi.

Trường hợp tử vong của vị bác sĩ trong tp. HCM gợi nhớ đến mấy ca trên Bắc Giang vừa qua: cô công nhân 38 tuổi, tối còn gọi điện về nhà, sáng hôm sau đã tử vong vì không được cấp cứu kịp thời vì lúc đó Bắc Giang hoàn toàn không có ICU, ECMO! Nhưng chỉ thời gian sau, khi trên đó đã có đủ trang thiết bị, hai nam công nhân cũng 38, 39 tuổi bị covid nặng. Phải dùng ECMO, nhưng cũng chỉ một tuần sau họ đã ra viện, khỏe mạnh...

Nhắc lại chuyện đó để thấy tầm quan trọng của trang thiết bị và con người thầy thuốc vận hành, điều trị trong việc chữa covid. Nhưng cả trang thiết bị và con người đều phải có thời gian chuẩn bị. Không phải ngày một ngày hai mà xong. Cần phải có thời gian. Mà dịch bệnh thì nó bất ngờ đổ đến sầm sập chả cần đợi ai cho phép. Ai đó tỉnh táo thì phải chuẩn bị trước, cho mọi tình huống có thể xảy ra...

Còn bây giờ, chỉ biết cầu trời cho dịch bệnh tại tp. HCM sẽ sớm đi xuống. Cầu trời cho ít bệnh nhân nặng, thì sẽ có đủ giường nằm, máy móc, con người phục vụ. Cầu trời những điều đó sẽ thành sự thật.!


24 tháng 7 lúc 21:32  ·