30 juillet 2021

Lược duyệt 100 năm ngày thành lập ĐCSTQ

Vương Thuyên

I-Lời đầu 

Logo kỷ niệm 100 năm ngày thành lập ĐCSTQ trên báo Nhân Dân TQ

Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) viết lại lịch sử khi làm lễ quy mô kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng vào ngày 1-7-2021 trong khi ngày chính thức là ngảy 23-7-1921 trong khu tô giới người Pháp ở Thượng Hải. Đây không phải là một sự kiện đơn độc mà là một chuỗi dài tráo trở trong lịch sử ĐCSTQ. Trong bài diễn văn đọc trước quảng trường Thiên An Môn ngày 1-7-2021, Tập Cận Bình (TCB) trâng tráo tuyên bố: ''Nhân dân TQ không bao giờ ngược đãi, ức hiếp hay nô lệ hóa các dân tộc khác. Nước chúng tôi chưa bao giờ làm và sẽ không bao giờ làm'' [1]. Trước đó, Nguỵ Phượng Hòa凤和, bộ trưởng Quốc phòng TQ cũng láo xược tuyên bố tương tự: ''TQ chưa bao giờ xâm lược nước khác''. Họ Nguỵ này chắc ít khi đọc sử!.


Ngoài ra, không một lời xin lỗi về thảm hoạ của các chiến dị́ch kinh hoàng của Mao Trạch Đông làm hàng chục triệu người tử vong cũng như cuộc thảm sát trong sự kiện Thiên An Môn. 

Không cần phải đi xa trong lịch sử, ĐCSTQ gần đây đã thô bạo đàn áp người Duy Ngô Nhĩ (Uighurs) bằng cách nhốt cả triệu người trong các cải tạo và cưỡng bức phụ nữ triệt sản, không ngừng khủng bố người Tây Tạng, kiềm chế tự do dân chủ người Hongkong và hăm dọa ''thống nhất'' bằng vũ lực với Đài Loan mà cộng đồng quốc tế mãnh liệt lên án và lấy nhiều biện pháp trừng phạt. Riêng hành động đối xử bạo ngược người Duy Ngô Nhĩ bị cộng đồng thế giới lên án tội diệt chủng.

Trong 100 năm qua, ĐCSTQ đã trải qua 19 lần Đại hội Đảng với lần lượt 14 Chủ tịch hay Tổng Bí Thư Đảng (xem bảng phụ họa). Trong số đó, ba nhân vật nổi bật được ví như ''hoàng đế đỏ'' là Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình (ĐTB) và đương kiêm TBT Tập Cận Bình. Tác giả người Mỹ Harrison E. Salisbury trong quyển sách xuất bản năm 1992, với đề tựa ''The New Emperors'' không ngần ngại ví Mao và Đặng là hai ''hoàng đế'' mới của TQ. Trong những năm gần đây, không ít quan sát viên quốc tế thêm TCB vào danh sách hoàng đế đỏ thứ ba và cũng là người hung hăng nhất với ''giấc mơ TQ''.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày bối cảnh ra đời của ĐCSTQ, các thời kỳ của ĐCSTQ, thời kỳ của ba nhân vật nói trên và viễn tượng ''giấc mơ'' của TCB..

II-Bối cảnh ra đời của ĐCSTQ

ĐCSTQ ra đời vào thời kỳ cực kỳ hỗn loạn. Vào cuối triều Thanh, đất đai TQ bị ngoại bang chiếm đóng và chia ra nhiều khu tô giới: Nga Sô chiếm Đông Bắc Mãn Châu, Nhật Bản ở Sơn Đông, Anh và Pháp ở Thượng Hải và một số nơi khác ở Quảng Châu và Côn Minh. Ngoài ra, nhiều hải cảng TQ buộc phài mở cửa để giao thương sau chiến tranh nha phiến lần thứ nhất 1840-1842.

Sau khi cách mạng Tân Hợi辛亥tháng 10-1911 lật đổ nhà Thanh (1644-1911), Tôn Dật Tiên (孙逸仙, 1866-1925) trở thành tổng thống đầu tiên của Cộng Hoà Trung Hoa. Viên Thế Khải (袁世, 1859-1916), một quan lại cuối triều Thanh thừa cơ tình trạng rối ren để tái lập nền quân chủ nhưng bất thành. Sau khi Viên chết, Lê Nguyên Hồng (黎元洪, 1864-1928) lên cầm quyền ở Bắc Kinh nhưng thực tế là nạn sứ quân do các đốc quân chiếm cứ tranh hùng như thời Xuân thu Chiến quốc. Mỗi vùng đều có một đốc quân chiếm cứ. Trương Tác Lâm张作霖chiếm cứ ba tỉnh Đông Bắc, nhóm An Phúc 安福bao gồm Đoàn Kỳ Thuỵ 段祺瑞, Từ Thụ Tranh 树铮, Nghê Tự Xung 倪嗣冲kiểm soát Bắc Kinh, Thiểm Tây, Sơn Đông, Phúc Kiến, nhóm Trực Lệ直隶bao gồm Trương Huân 张勋, Phùng Quốc Chương 冯国璋, Tào Côn , Tôn Truyền Phương 孙传芳, Ngô Bội Phu 吴佩孚chiếm cứ Giang Tô, Giang Tây, Hồ Bắc. Ngoài ra, còn có nhiều đốc quân kiểm soát nhiều tỉnh khác như Phùng Ngọc Tường 冯国祥vùng Tây Bắc, Diêm Tích Sơn 阎锡山tỉnh Sơn Tây, Triệu Hằng Thích赵恒惕tỉnh Hồ Nam, Lưu Tương 刘湘tỉnh Tứ Xuyên, Đường Kế Nghiêu继尧hai tỉnh Vân Nam và Quý Châu, Lục Vĩnh Đình 陆永廷tỉnh Quảng Tây vv...

Tôn Dật Tiên, sau nhiền lần thất bại, về Quảng Châu dưới sự bảo trợ của Trần Quýnh Minh 陈炯明. Nhưng sự sống chung của ông với họ Trần kéo dài không lâu. Ông kêu gọi các đại biểu của Quốc hội 1912 về Quảng Châu và được họ bầu làm tổng thống vào tháng 4-1921. Ông chủ trương xích lại gần với Liên Xô vì thất vọng với các cường quốc tây phương. Mikhail Borodin (1884-1952), một thành viên của Quốc Tế Cộng Sản (Komintern) trở thành cố vấn chính trị của ông từ tháng 10-1923. Trần Độc Tú, người về sau sáng lập Đảng cộng sản Trung Hoa, được bổ nhiệm bộ trưởng bộ Giáo Dục. Chính từ nơi này mà Tưởng Giới Thạch (蒋介石, 1887-1975), người kế nghiệp Tôn Dật Tiên (Tôn Trung Sơn) thành công thống nhất đất nước năm 1928.

ĐCSTQ ra đời năm 1921 vào lúc nước Trung Hoa có một chính quyền không thực quyền ở Bắc Kinh, một chính quyền bấp bênh ở Quảng Châu và các chính quyền của đốc quân ở các tỉnh. Đại bộ phận quần chúng là nông dân sống trong cảnh nghèo khó. Công nghiệp bắt đầu thành hình với các xí nghiệp vốn nước ngoài và tư sản mại bản. ĐCSTQ lúc ban đầu lợi dụng khủng khoảng kinh tế trong những năm 1928-1930 để kêu gọi công nhân nổi dậy ở thành phố nhưng thất bại. Từ năm 1927 trở đi, Đảng này nương dựa vào nông dân vì bị Quốc Dân Đảng (QDĐ) của Tưởng Giới Thạch càn quét và đưa đến sự tan rã của hợp tác Quốc-Cộng lần thứ nhất ngày 17-7-1927.

III-ĐH thành lập ĐCSTQ từ 23 đến 31 tháng 7-1921 ở Thượng Hải

Từ tháng 8 đến tháng 10-1920, Trần Độc Tú và Lý Đại Chiêu (李大, 1889-1927) chuẩn bị để thành lập ĐCSTQ với sự tập họp của các nhóm cộng sản Bắc Kinh, Thượng Hải, Hồ Nam, Hồ Bắc, Sơn Đông, Quảng Đông và sinh viên ngoài nước ở Pháp và Nhật Bản. Đại hội diễn ra từ ngày 23 tháng đến 31-7-1921 trong một trường nữ học sinh đang nghỉ hè ở 50 đường Wantz trong tô giới Pháp, nay là ở 123 đại lộ Hưng Nghiệp (Xingye, 兴业) Thượng Hải. 

Trường nữ học sinh nơi họp Đại hội lần I của ĐCSTQ nay được tu sửa đẹp thành viện bảo tàng.
Hình khắc bằng đồng trên tường của 13 đại biểu tham dự đại hội 1
 

Tham dự Đại hội có 13 đại biểu đại diện cho 53 đảng viên. 

Trần Độc Tú và Lý Đại Chiêu, dù là những người cổ động sáng lập, vắng mặt. 

13 đại biểu gồm có những người sau:

-Mao Trạch Đông (泽东, 1893-1976) và Hà Thúc Hành (何叔衡, 1870-1935), đại biểu Trường Sa, tỉnh Hồ Nam,

-Đổng Tất Vũ (董必武, 1886-1975) và Trần Đàm Thu (陈潭秋, 1896-1943), đại biểu Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc,

-Lý Đạt (李达, 1890-1966) và Lý Hán Tuấn (汉俊, 1890-1927), đại biểu Thượng Hải,

-Trương Quốc Đào (张国焘, 1897-1979) và Lưu Nhân Tịnh (刘仁静  1899-1987), đại biểu Bắc Kinh,

-Vương Tận Mỹ (王尽美, 1898-1925) và Đặng Ân Minh (邓恩铭, 1890-1930), đại biểu Tế Nam, tỉnh Sơn Đông,

-Trần Công Bác (陈公博, 1892-1946), đại biểu Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông,

-Châu Phật Hải (周佛海, 1897-1948), học sinh lưu học tại Nhật Bản,

-Bào Huệ Tăng (包惠僧, 1884-1979), đại diện Trần Độc Tú.

Ngoài ra còn có thêm hai đại diện của QTCS: HS.Maring (H. Sneevliet, gốc người Hòa Lan) và Nikolsky (Nga). 

Trong ngày cuối cùng, Đại hội phải chuyển đi nơi khác trên một thuyền trên Nam hồ ở Gia Hưng thuộc tỉnh Chiết Giang vì bị cảnh sát và công an khám xét rình mò. 

Mục tiêu của Đại hội là thành lập chính thức ĐCSTQ và mục tiêu của  tranh đấu là "lật đổ chế độ trưởng giả bằng quân đội cách mạng vô sản để thành lập độc tài chuyên chính, huỷ bỏ tư hữu cho đến không còn giai cấp''. 

Đại hội bầu ra một ban lãnh đạo gồm ba người sau:

-Trần Độc Tú: Bí thư,

-Trương Quốc Đào: Trưởng ban Tổ chức,

-Lý Đạt: Trưởng ban Tuyên truyền.

Về 13 đại biểu đầu tiên, ngoại trừ Mao Trạch Đông và Đổng Tất Vũ về sau nắm chính quyền, những người khác bị chết hoặc bỏ Đảng như Trương Quốc Đào, Lưu Nhân Tịnh thậm chí phản Đảng như Trần Công Bác năm 1922 và Châu Phật Hải năm 1924.

Trần Công Bác và Châu Phật Hải lúc ban đầu ra đầu hàng và cộng tác với QDĐ nhưng cuối cùng bị QDĐ hành quyết sau năm 1945 vì hợp tác với chính quyền bù nhìn thân Nhật từ năm 1940 đến 1945 của Uông Tinh Vệ (Wang Jingwei, 汪精, 1883-1944).

IV-Đảng Cộng sản TQ qua các thời kỳ

Như trên đã nói, ĐCSTQ ra đời vào thời kỳ đất nước hỗn loạn nhưng không vì thế mà Đảng đồng tình đoàn kết. Trái lại, đó là một chuỗi dài tranh quyền đấu đá tàn khốc xuyên qua các thời kỳ. Chỉ trong 7 năm từ 1921 đến 1928 đã có đến sáu Đại hội Đảng với ba TBT, một kỷ lục. Lại nữa, ĐCSTQ trong bảy năm đầu bị QTCS của Stalin khống chế. Vào lúc ban đầu, Stalin không đặt nhiều tin tưởng ở ĐCSTQ mà ở QDĐ của Tôn Dật Tiên. Stalin còn ép buộc ĐCSTQ phải hợp tác với QDĐ dưới sự chỉ đạo của đảng này. Bị đặt vào tình thế lưỡng nan, ĐCSTQ cuối cùng buộc phải chấp nhận nhưng đưa ra chỉ thị ''hợp tác với tư cách cá nhân'' ở Đại hội 3 (tháng 6-1923). Cuối tháng 1-1924, Đại hội lần thứ nhất của QDĐ có 165 đại biểu trong đó có hơn 20 đại biểu cộng sản gồm có Lý Đại Chiêu, Lâm Bá Cừ 林伯渠, Đàm Bình Sơn 谭平山, Cù Thu Bạch, Bành Bái 彭湃, Mao Trạch Đông vv..Đại hội bầu ra một Ban Chấp Hành trong đó có 25% thành viên cộng sản. Nhiều nhân vật cộng sản được đề cử ở chức vụ cao như Đàm Bình Sơn làm trưởng ban Tổ chức, Lâm Bá Cừ trưởng ban Nông dân, Mao trưởng ban tạm thời Tuyên truyền. Theo lời đề nghị của ĐCSTQ, hai học viện được thành lập là học viện Nông dân do Bành Bái đứng đầu và học viện quân sự Hoàng Phố (tháng 5-1924) do Tưởng Giới Thạch làm hiệu trưởng và Châu Ân Lai (周恩来, 1898-1976) đảm nhiệm phó Chủ nhiệm khoa chính trị. QTCS có Gallen làm đại diên. Khoá đầu có 10% sinh viên cộng sản. Ba người VN Lê Hồng Phong, Lê Thiết Hùng và Vũ Nguyên Bác (Nguyễn Sơn) là một trong những cựu sinh viên của trường này. Ngoài ra, Đại học Tôn Trung Sơn cũng được thành lập năm 1925 ở Moskva dành cho sinh viên TQ mà hiệu trưởng đầu tiên là Pavel Mif (1901-1939). Tưởng Kinh Quốc (经国, 1910-1988), con của Tưởng Giới Thạch, về sau là tổng thống Đài Loan trong 10 năm (1978-1988), là cựu sinh viên của trường này. Ngoài ra, trong nhiều Đại hội (ĐH) đều có đại diện QTCS chỉ đạo. ĐH đầu tiên tháng 7-1921 ở Thượng Hải có hai đại diện là HS Maring và Nikolsky, ĐH 3 (1923) ở Quảng Châu có HS Maring, ĐH 4 ở Thượng Hải (1925) có Wichinski, ĐH 5 ở Vũ Hán (1927) có đến ba đại diện là MN Roy gốc Ấn Độ, Mikhail Borodin và GN Voitinsky, ĐH 6 ở Moskva (1928) có Bukkharin.

Trần Độc Tú, TBT từ 1921 đến tháng 7-1927 thì bị cách chức ở Hội nghị khẩn cấp họp tại Cửu Giang tỉnh Giang Tây. Họ Trần bị lên án theo ''chủ nghĩa cơ hội''. Thực tế là Trần Độc Tú không lên án sự trở mặt của Tưởng Giới Thạch theo đó Tưởng quay sang truy lùng và càn quét cộng sản trong tháng 4-1927. Tư liệu ĐCSTQ cho biết số người CS bị giết lên đến 26.ooo. Cù Thu Bạch tạm thời lên thay không đầy một năm thì bị Hướng Trung Phát thay ở Đại hội 6 ở Moskva năm 1928. Hướng Trung Phát trên danh nghĩa là TBT nhưng là một công nhân thiếu kinh nghiệm nên thực quyền nằm trong tay Lý Lập Tam (李立三, 1899-1967) trong gần ba năm từ 1928 đến 1930. Lý Lập Tam sau đó bị cách chức với chủ trương kêu gọi quần chúng trong thành phố ''nổi dậy'' nhưng thất bại. Họa vô đơn chí, Hướng Trung Phát và hai lãnh tụ khác Thái Hoà Sâm (蔡和森, 1891-1931) và Uẫn Đại Anh (恽代英, 1895-1931) bị QDĐ hành quyết tháng 6-1931 ở Vũ Hán. Nguyên nhân là do Cố Thuận Chương (顾顺章, 1901-1934), đặc trách an ninh của Đảng bị QDĐ bắt và chỉ dẫn nơi cư trú của họ. Dù vậy, họ Cố cũng bị QDĐ hành quyết năm 1934 ở Tô Châu.

Tiếp theo là thời kỳ xáo trộn ở chóp bu trong hơn 10 năm với ba TBT khác. Sau khi Hướng Trung Phát bị bắt đầu năm 1931, Hội nghị 4 tháng 1-1931 ở Thượng Hải dưới chủ toạ của Pavel Mif, đề cử Vương Minh (Trần Thiệu Vũ) lên thay. Điều đáng chú ý là Vương Minh, một cựu sinh viên Đại học Tôn Trung Sơn (đồng cấp với đại học Phương Đông) được Stalin ''chiếu cố''. Do đó, Vương Minh chỉ làm TBT trong 9 tháng rồi được Stalin đề cử làm đại diện ĐCSTQ bên cạnh QTCS. Tần Bang Hiến, bí danh Bác Cổ 博古, lên thay. Do Tưởng Giới Thạch tiếp tục truy lùng khủng bố người cộng sản nên ban lãnh đạo ĐCSTQ phải chuyển từ Thượng Hải về Thuỵ Kim tỉnh Giang Tây lánh nạn. Chính tại nơi này, một ''Cộng hòa Xô-Viết'' được thành lập tháng 11 năm 1931 do Mao lãnh đạo trước khi buộc phải tháo chạy vào mùa thu năm 1934 mà sau này được gọi là cuộc ''Vạn lý Trường chinh, 万里长征'' hơn 10.000 cây số về căn cứ địa Diên An Thiểm Bắc. Trên đường tháo chạy, Mao triệu tập một Hội nghị ở Tuân Nghĩa tỉnh Quý Châu vào đầu năm 1935 để lấy lại quyền lãnh đạo trên tay Otto Braun, một thành viên của QTCS nhờ sự ủng hộ của Trương Văn Thiên, Dương Thượng Côn (杨尚昆, 1907-1998) và Vương Gia Tường (王稼祥, 1906-1974). Ba người này thuộc vây cánh của Vương Minh còn được gọi nhóm 28 người ''Bôn-Sê-Vích''. TBT Tần Bang Hiến bỏ thăm chống nên bị Trương Văn Thiên thay cho đến tháng 3-1943 thì nhường lại cho Mao. Cũng nên nhắc lại là cuộc ''Vạn lý Trường chinh'' bắt đầu tháo chạy với 100.000 quân nhưng khi về tới Bảo An (gần Diên An) chỉ còn khoảng 8.000 quân. Một người Việt Nam có tham gia là Nguyễn Sơn tên thật là Vũ Nguyên Bác (1908-1956) sau này được cả hai nước phong hàm thiếu tướng (lưỡng quốc tướng).

V-Thời kỳ Mao Trạch Đông (1949-1976)

Sau Đại hội 7 ở Diên An năm 1945 và sau khi chiến thắng QDĐ của Tưởng Giới Thạch năm 1949, Mao trở thành người ''hùng'' của chế độ trong một thời gian dài 27 năm. Dưới thời Mao có 4 Đại Hội là ĐH 7 năm 1945, ĐH 8 năm 1956, ĐH 9 năm 1969, ĐH 10 năm 1973. Chính trong thời kỳ này Mao với đường lối sai lầm đưa đất nước đến tình trạng đói kém và kiệt quệ song song với những cuộc thanh trừng đẩm máu ở chóp bu. Vừa lên cầm quyền được ngoài một năm, Mao đưa ''chí nguyện quân'' tham gia chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) với hậu quả gần một triệu chết và bị thương. ĐH 8 năm 1956 là ĐH thách thức cho Mao. ĐH được triệu tập sau vài tháng của ĐH lần thứ 20 của ĐCS Liên Xô. Ở ĐH này, Khrushchev báo cáo tội ác tày trời của Stalin làm chấn động thế giới cộng sản. Lưu Thiếu Kỳ (刘少奇, 1898-1969) và Đặng Tiểu Bình thừa cơ lên án chủ nghĩa tôn sùng cá nhân và đề xướng chế độ lãnh đạo tập thể. Lưu và Đặng công khai thách thức Mao. ĐTB được bổ nhiệm TBT Đảng và Lưu Thiếu Kỳ lấy chức Chủ tịch nước của Mao năm 1959. Địa vị lãnh đạo của Mao bắt đầu lung lay. Mao phản công bằng những chiến dịch chống hữu khuynh, trăm hoa đua nở, Đại Nhảy vọt, Đại cách mạng văn hoá vô sản làm dân tình điêu đứng. Tác giả Trương Nhung 张戎 (Jung Chang/Zhang Rong) và chồng người Anh Jon Halliday sau nhiều năm nghiên cứu đã đi đến kết luận là các chiến dịch nói trên của Mao đã giết hại 70 triệu người Trung Hoa [2]. Chỉ riêng chiến dịch Đại Nhảy vọt (1959-1961) đã có từ 45-50 triệu người chết vì đói kém. Lý do là Mao bất chấp mọi khuyến cáo cho thành lập ''công xã nhân dân'' buộc nông dân phải vào sống chung tập thể và xây dựng khắp nơi những lò luyện kim ''bỏ tuí'', bỏ phế đồng ruộng mà kết quả là sản xuất ra những thỏi thép vô dụng. Sau chiến dịch Đại Nhảy vọt thất bại, Mao chuyển sang chiến dịch Đại cách mạng văn hoá vô sản kéo dài trong 10 năm (1966-1976) trước khi qua đời trong tháng 9-1976. Trong chiến dịch này, ngoài thất thoát về nhân mạng, vô số các chùa chiền và tượng đài trên toàn xứ bị đập phá vì bị cho là ''cổ hũ''.

Trong thời cầm quyền của Mao, hai cuộc thanh trừng đẩm máu là nhóm ''chống Đảng'' Cao Cương và Nhiêu Thấu Thạch 饶漱石năm 1954 và việc bỏ tù đến chết nhân vật số hai và nguyên Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ. Ông và vợ Vương Quang Mỹ 王光美bị hồng vệ binh của Mao ''đấu tố'' rồi bị bắt năm 1967 và bị cách chức năm 1968 trước khi bị hành hạ trong tù cho đến khi qua đời năm 1969 ở Khai Phong (được phục hồi năm 1980). Nhiều nhân vật cao cấp khác cũng là nạn nhân của Mao như nguyên soái Bành Đức Hoài彭德怀, nguyên Tổng tư lệnh ''chí nguyện quân'' trong chiến tranh Triều Tiên và nguyên bộ trưởng Quốc phòng, đại tướng Hoàng Khắc Thành黄克, nguyên TTM trưởng quân đội và Trương Văn Thiên trong chiến dịch Đại Nhảy vọt năm 1959 hoặc nguyên soái Hạ Long贺龙, nguyên phó thủ tướng, nguyên soái Trần Nghị 陈毅, nguyên bộ trưởng Ngoại giao, đại tướng La Thuỵ Khanh罗瑞卿, nguyên bộ trưởng Công an trong chiến dịch Đại cách mạng văn hoá vô sản vv...

Thế mà, ĐTB sau khi có quyền lực phê phán Mao chỉ ''sai 30%''.

VI-Thời kỳ Đặng Tiếu Bìnb (1978-1997)

Khác với Mao và TCB có quyền lực liên tục, con đường hoạn lộ của ĐTB trải qua nhiều giai đoạn gập ghềnh. Ông nhiều lần bị thất sủng thậm chí bị đưa đi ''cải tạo'' ở Giang Tây hơn ngoài ba năm (1969-1973). Thới kỳ ''vàng son'' của ĐTB bắt đầu ở Đại hội 7 ở Diên An năm 1945 theo đó ông được bầu uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị rôi uỷ viên thực thụ năm 1955. Ở Đại hội 8 năm 1956, ông được đề bạt TBT Đảng. Ông đảm nhiệm chức vụ này đến 1967 thì bị thất sủng vì bị Mao nghi ngờ cùng nhóm với Lưu Thiếu Kỳ mà Mao muốn đánh ngã. Khi Lâm Bưu (林彪, 1907-1971) toan tính đảo chính hụt và tử vong tháng 9-1971 và Châu Ân Lai bắt đầu lâm bệnh, ông được triệu về Bắc Kinh vào đầu năm 1973 đảm nhiệm chức phó thủ tướng rổi được trở lại Bộ Chính trị với chức vụ phó thủ tướng thứ nhất, phó chủ tịch Đảng và TTM trưởng quân đội năm 1974. Chức thủ tướng thay ông Châu ngày càng trọng bệnh được xem như nằm ''trong bàn tay''. Thế nhưng, Mao nghĩ đến ''người con rơi'' Hoa Quốc Phong [3] đương là bí thư tỉnh uỷ Hồ Nam và triệu về Bắc Kinh đảm nhiệm bộ trưởng Công an đầu năm 1975 với mục tiêu thay thế Châu Ân Lai. ĐTB thất vọng lớn. Thảm hại hơn nữa là khi Châu Ân Lai qua đời đầu năm 1976, nhóm Giang Thanh (江青, 1914-1991), vợ Mao, và đồng bọn toan tính soán quyền thay Mao đang hấp hối, vu khống ông đứng sau các vụ bạo động tưởng niệm Châu Ân Lai ở quảng trường Thiên An Môn. Biểu ngữ ''đả đảo thứ phi hoàng thái hậu Từ Hi 慈禧'', ám chỉ Giang Thanh, là động thái chính. Thế là ĐTB bị Mao lột hết các chức vụ đầu tháng 4-1976 với lý do hàm hồ ''phản cách mạng''. Lần này, ĐTB quyết tâm không để đánh ngã một cách dễ dàng vì có hậu thuẩn trong quân đội đặc biệt là từ Tư lệnh quân khu Nam Kinh của Hứa Thế Hữu 许世友và Tư lệnh quân khu Quảng Châu cùa Vi Quốc Thanh韦国清. Tình hình chính trị và xã hội của TQ trong năm 1976 cực kỳ hỗn loạn với nhiều nhóm tranh quyền và việc động đất chưa từng có ở Đường Sơn (Tangshan) gần Bắc Kinh làm nhiều trăm ngàn người chết. Mao không muốn nhóm Giang Thanh cũng như nhóm ĐTB lên cầm quyền khi ông qua đời. Mao trong cơn hấp hối trăn trối với Hoa Quốc Phong đương là nhân vật số hai: ''Chú làm việc, tôi yên tâm''. Chỉ một tháng sau khi Mao qua đời, nhóm 'Tứ nhân bang'' bị xộ khám [4].

Cuộc thất sủng của ĐTB lần này chỉ ngoài một năm. Dưới áp lực của quân đội, ông được phục chức ở Đại hội 11 (tháng 8-1977). Ông tạm thời chia sẻ quyền lực với Hoa Quốc Phong. Khác với Hoa không có vây cánh cũng như không có hậu thuẩn trong quân đội, ĐTB lần lượt áp chế họ Hoa. Ở Hội nghị 3 khoá 11 vào cuối năm 1978, ĐTB tóm thâu quyền lực rồi đề cử Triệu Tử Dương thay Hoa làm thủ tướng năm 1980 và Hồ Diệu Bang thay Hoa làm Chủ tịch Đảng năm 1981 (sau đổi TBT). Hoa được lưu nhiệm ở chức ''phó TBT'' nhưng thực tế là ''ngồi chơi xơi nước''. ĐTB tuy chỉ giữ chức Chủ tịch Ban Quân uỷ trung ương và Chủ tịch Ban Cố vấn nhưng trong thực tế là nhân vật số ''một''. Tuy nhiên, cũng như Mao, ông không may mắn với người ''thừa kế''. Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương là hai người thân gần được ông đề cử ở chức vụ cao cấp với mục tiêu nối tiếp sự nghiệp của ông. Hồ Diệu Bang muốn mở rộng chính trị song song với mở rộng kinh tế trong khi ông Đặng chống mở rộng chính trị. Thế là, Thường vụ Bộ Chính trị chấp thuận, ngày 16-1-1987, đơn xin ''từ chức'' của Hồ Diệu Bang và đề cử Triệu Tử Dương thay. Họ Hồ buồn nản chỉ vài tháng sau thì qua đời. Triệu Tử Dương lên thay chỉ được khoảng hai năm rưỡi thì xảy ra sự kiện Thiên An Môn tháng 6-1989. Do ông muốn thương thuyết với sinh viên để chấm dứt biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn nên Hội nghị 4 khoá 13 ngày 24-6-1989 cách chức ông rồi bị đưa đi quản thúc tại gia cho đến khi qua đời năm 2005. Giang Trạch Dân, bí thư Thượng Hải được ĐTB và phe nhóm bảo thủ đề cử lên thay trong hai nhiệm ky đến tháng 11-2002 rồi chuyển sang cho Hồ Cẩm Đào trong hai nhiệm kỳ kế tiệp đến tháng 10-2012.

Như trên đã thấy, ĐTB là người bảo thủ nhưng phài công nhận ông là kiến trúc sư về phát triển kinh tế TQ với lý luận ''mèo trắng, mèo đen'' của ông. 

Đối với ĐTB, tư bản hay cộng sản không quan trọng, điều quan trọng là làm cho dân giàu nước mạnh. Do đó, ông biến TQ thành một nước tư bản hoang dại và đồng thời kiềm chế mọi khát vọng tự do dân chủ của quần chúng với sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Nhiều tư liệu cho biết có khoảng 10.000 người tử vong trong sự kiện này.

Dưới thời ĐTB và tiếp theo sau, bản chất chế độ TQ không còn gì để gọi là cộng sản. Khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày thành hố sâu với hàng trăm tỷ phú nhất nhì thế giới bằng đô la Mỹ, tham nhũng trở thành hệ thống, quan chức ăn trên ngồi trốc không khác gì với thời phong kiến. Ngày nay, hàng năm có nhiều triệu người muốn gia nhập Đảng không phải vì ''lý tưởng Mác-Lê'' đã lỗi thời mà vì đặc quyền đặc lợi trước mắt. Có chăng là ĐCSTQ lợi dụng cách tổ chức độc tài đảng trị để tránh né phổ thông đầu phiếu trực tiếp hầu thống trị lâu dài đất nước.

Nói tóm lại, di sản của ĐTB để lại cho TQ không nhỏ về mặt phát triển kinh tế nhưng rất ''lùn'' về mặt tự do dân chủ.

VII-Thời kỳ Tập Cận Bình (cuối năm 2012 đến …)

TCB là con của Tập Trọng Huân (习仲勋, 1913-2002) nguyên phó Chủ tịch Quốc hội và nguyên phó thủ tướng (1959-1962) thời Mao. Như vậy, TCB thuộc thành phần ''thái tử Đảng'' như dân gian TQ thường chế giễu. 

Năm 1962, Tập Trọng Huân chẳng may bị Mao trù dập và bị tù trong 16 năm với tội âm mưu ''chống Đảng'' (ông được phục hồi cũng như đa số người bị cải tạo trong thời kỳ Cách mạng văn hoá khi ĐTB trở lại chinh quyền lần thứ hai vào cuối năm 1978). Lý do ông bị tù là có ý đồ muốn phục hồi Cao Cương đã nói trên, một bạn đồng hành cũ nhưng lại là địch thủ chính trị của Mao bị tù rồi ''tự vận'' chết năm 1954. Bốn năm sau, vợ ông cũng bị đày đi lao động ở nông thôn. Sau khi được phục hồi năm 1978, ông được ĐTB bổ nhiệm bí thư tỉnh Quảng Đông trong hai năm 1979-1981.

Do cha bị gán thành phần ''chống Đảng'', TCB cũng bị ảnh hưởng lây. [5] 

Năm 1969. TCB mới 16 tuổi đời (sinh năm 1953) bị đưa đi lao động trong đội ngũ sản xuất ở làng Lương Gia Hà (Liangjiahe) thuộc tỉnh Thiểm Tây. Vừa đến không lâu, TCB bỏ trốn về Bắc Kinh nhưng bị bắt lại và bị đưa về chổ cũ. TCB lần này cần cù lao động trong 7 năm ròng trong điều kiện khắc khổ và cuối cùng được nhận vào đoàn thanh niên cộng sản năm 1972 sau 9 lần bị bác. Năm 1974, TCB được bầu bí thư đội sản xuất và được chính thức gia nhập Đảng. Khác với cha, TCB hiểu rằng chỉ có con đường trung thành tuyệt đối với Đảng và có vây cánh bè phái thì mới được thăng tiến nhanh.

Nhờ cha có quan hệ với bí thư Quân uỷ trung ương Cảnh Tiêu , về sau là bộ trưởng Quốc phòng, TCB được nhận vào làm bí thư ở Văn phòng Quốc vụ viện và Quân uỷ trung ương từ năm 1979 đến 1982. 

Tiếp theo sau, TCB đảm nhiệm nhiều chức vụ cao ở đị́a phương tỉnh Phúc Kiến và Chiết Giang cho đến đầu năm 2007 rồi bí thư Thượng Hải trong 7 tháng trước khi được triệu về Bắc Kinh giữ chức phó Chủ tịch nước ở cương vị uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị ở ĐH thứ 17 (10-2007).

Khi nhiệm kỳ của Hồ Cẩm Đào kết thúc vào tháng 10-2012, TCB được đề cử làm TBT và Lý Khắc Cường 李克thủ tướng vào ĐH 18. Nhưng Bạc Hy Lai 薄熙来, bí thư Trùng Khánh và đồng thời là một ''thái tử Đảng'' cũng muốn tranh giành ''ngôi báu'' vì có vây cánh trong quân đội với hai cựu phó bí thư Quân uỷ Quách Bá Hùng 郭伯雄và Từ Tài Hậu 徐才厚và đặc biệt với Châu Vĩnh Khang周永康, nguyên uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị khoá 17 từng là ''trùm'' Công an và dầu khí với quyền lực rất lớn. Bạc Hy Lai là con của Bạc Nhất Ba (薄一波, 1908-2007), một thời làm phó thủ tướng từ 1956 đến 1966 và phó chủ tịch ban Cố vấn thời ĐTB. 

Không may cho Bạc Hy Lai, vợ ông bà Cốc Khai Lai开来, có dính líu đến vụ giết một thương gia người Anh tên Neil Heywood tháng 11-2011 và bị kết án tử hình treo. Bạc Hy Lai còn bị Vương Lập Quân王立, trước đó là cánh tay mặt, tố giác tham nhũng khi trốn vào Tổng Lãnh sự Mỹ ở Thành Đô. Thế là Bạc Hy Lai bị cách chức bí thư Trùng Khánh ngày 15-3-2012 rồi bị kết án tù chung thân trong tháng 9-2013. Riêng bà Cốc Khai Lai được giảm án xuống tù chung thân. TCB cũng không ''quên'' những người bị cho có liên quan với Bạc Hy Lai trong việc cố tình ngăn chặn con đường tiến thân của ông.

Châu Vĩnh Khang bị bắt ngày 5-12-2014 rồi bị kết án tù chung thân ngày 15-6-2015 trong buổi họp kín về tội tham nhũng và tiết lộ bí mật quốc gia. Quách Bá Hùng cũng bị kết án tù chung thân ngày 25-7-2016. Hai họ Châu và Quách bị tịch thu tài sản và bị khai trừ đảng tịch. Riêng Từ Tài Hậu chết năm 2015 trước khi ra tòa. Thế là các đị́ch thủ lợi hại của TCB đều xộ khám.

Sau khi trở thành TBT vào cuối năm 2012, TCB mở chiến dịch ''đả hổ diệt ruồi'' mà mục tiêu chính, theo các quan sát viên, là tiêu trừ các đối thủ chính trị.

Uỷ ban Kiểm tra kỷ luật trung ương vào cuối năm 2017 báo cáo có 1,34 triệu cán bộ các ngành bị bắt hoặc bị điều tra trong đó có nhiều chục uỷ viên TƯĐ và hơn 100 tướng lãnh cao cấp.

Ở hội nghị trung ương lần thứ VI (tháng 10-2016), TCB thành công áp đặt trở thành ''hạt nhân'' của chế độ mà trước đây chỉ có Mao mới được vinh dự này.

Bước đi thứ hai của TCB là chuẩn bị cho nhiệm kỳ hai vào cuối năm 2017 sau khi đặt để vây cánh ở địa phương. Lần này địch thủ phải loại trừ là Tôn Chính Tài 孙政才người kế nhiệm của Bạc Hy Lai. Tôn Chính Tài là một uỷ viên trẻ nhất của Bộ Chính trị khoá 18. Ông sinh năm 1963 và được xem là người có khả năng thay TCB sau 2022. Vì có ý đồ làm TBT suốt đời nên TCB tìm cách loại trừ họ Tôn trước Đại hội Đảng lần thứ 19 (10-2017) [6]. Khác với trường hợp của Bạc Hy Lai với nhiều vụ tai tiếng, Tôn Chính Tài không làm gì sai trái để bị khiển trách. Dù vậy, người ta vu cáo một cách hàm hồ rằng ông không quyết tâm tiêu trừ tàn dư của Bạc Hy Lai đặc biệt là phải đợi đến cuối năm 2016 mới thuyên chuyển phó bí thư kiêm tỉnh trưởng Trùng Khánh Hoàng Kỳ Phàm黄奇帆, một thân tín của Bạc. Ngày 24-7-2017, Tôn Chinh Tài bị kết tội ''vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng'' cùng nghĩa với tham nhũng và bị cách chức dù chưa có bằng chứng nào cụ thể. Tôn Chính Tài cuối cùng bị kết án, ngày 8-5-2018, tù chung thân về tội tham nhũng 170 triệu Nhân dân tệ (22 triệu €). Vẫn chưa hết, ở Đại hội thứ 19, TCB áp đặt Ban Chấp hành đưa ''tư tưởng'' mình vào điều lệ Đảng cùng đồng thời cố ý không chỉ định người kế nhiệm như điều lệ Đảng quy định. Bước đi cuối cùng của TCB là buộc 3000 ''nghị gật'' huỷ bỏ giới hạn tuổi tác ngày 11-3-2018. Như thế, TCB sẽ vĩnh viễn là người ''cầm lái'' TQ như Mao trước đây.

VIII-Thế giới theo nhãn quan của TCB

Hơn cả Mao lẫn ĐTB, TCB muốn đưa cương vị TQ ra bên ngoài thế giới với chủ trương, năm 2013, ''một vành đai, một con đường, one belt, one road (OBOR), sau đổi thành ''sáng kiến một vành đai, một con đường'' (BRI) năm 2017. Mục tiêu của con đường tơ lụa mới này là đề xuất một kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng bao gồm một đường bộ (một con đường) xuyên qua các nước Trung Á và một tuyến đường biển (một vành đai) nối liền Châu Phi và Châu Âu qua Biển Đông-Ấn Độ Dương. Chương trình này được trị giá 1000 tỷ $ có liên can đến 65 quốc gia chiếm 60% dân số, 75% dầu khí khai thác và 1/3 GDP trên thế giới. Dự trù con đường này sẽ hoàn thành vào năm 2049 để kỷ niệm 100 năm ngày thành lập ''Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa''.

Với chủ trương này, hàng hoá TQ sẽ ''tràn ngập'' thị trường thế giới. Muốn đạt đến mục tiêu này trước hết phải khống chế Biển Đông, con đường vận chuyển dầu khí từ Trung Đông và đồng thời là con đường vận chuyển hàng hóa TQ ra nước ngoài chưa nói đến Biển Đông còn có khả năng chứa đựng nguồn dầu khí dồi dào. Trên đất liền cũng thế, hàng hóa sẽ được vận chuyển theo con đường hoả xa từ Tân Cương xuyên qua các nước Trung Á để đến Ấn Độ Dương mà hai nước thân thiện là Pakistan với cảng Gwadar và Myanmar với cảng Kyaukpyu ở phía Nam bang Rakhine dù cách xa đến nhiều ngàn cây số. Để thực hiện ý đồ bành trướng qua sách lược BRI, TCB dùng chính sách ngoại giao ''bẫy nợ'' như cựu TT Mỹ John Adams (1797-1801) từng nói: ''Có hai cách chinh phục một quốc gia, một là bằng vũ lực, hai là bằng bẫy nợ''. Chinh phục bằng vũ lực ngày nay khó thực hiện, chỉ còn chính sách bẫy nợ. Do đó, TQ cho các nước vay mượn với lãi suất thấp để xây dựng cơ sở hạ tầng như xa lộ, đường sắt, hải cảng, đập thuỷ điện thậm chí những công trình xa xí như xây tượng đài lãnh tụ địa phương (ở Phi Châu). Đương nhiên, những công trình này do kỹ sư và công nhân TQ thực hiện phần lớn với kỹ thuật còn lạc hậu. Nhiều nước bị vỡ nợ buộc phải nhường đất đai cho TQ như trường hợp của Sri-Lanka buộc phải nhường cảng Hambantota năm 2017 cho một công ty TQ ''thuê'' 99 năm. Sự kiện này làm một vài nước thức tỉnh. Thủ tướng Malaixia Mohamed Mahatir khi vừa trở lại nắm chính quyền, năm 2018, ở tuổi 92 cho ngừng chỉ rồi huỷ bỏ đường sắt 620 km nối liền Kuala-Lumpur với Singapore do người tiền nhiệm Najab Razak ký với một công ty TQ với trị giá 20 tỷ $. Ông Najab Razak sau đó bị kết án 12 năm tù vì tham nhũng. Trước đó, TT Myanmar Thein Sein khi vừa lên cầm quyền, năm 2011, cho ngừng chỉ dự án đập thuỷ điện Myitsone trên sông Irrawady do công ty Spic TQ ''trúng thầu'' với vốn đầu tư 3,6 tỷ $. Tuy vậy, cũng có nước chưa thức tỉnh như nước Lào. Truyền thông gần đây cho biết đường sắt Boten từ biên giới Lào-Trung đến thủ đô Viêng Chăn dài 422 km sẽ khánh thành vào đầu tháng 12 năm nay. Đường sắt này nằm trong sách lược BRI nối liền đường sắt từ Côn Minh TQ đến Singapore, bắt đầu xây cất năm 2016 với trị giá 5,9 tỷ $ trong đó có 3,5 tỷ $ vay mượn từ ngân hàng Exim TQ. Trước đó, TQ còn cho Lào vay mượn để xây cất nhiều đập thuỷ điện. Chỉ riêng công trình đường sắt này chiếm gần 1/3 GDP của Lào. Nợ nước ngoài của Lào lên đến 12,6 tỷ $ năm 2020 trong đó có gần 6 tỷ $ với TQ trong khi GDP của Lào chỉ có 19 tỷ $. Hàng năm Lào phải trả nợ 1 tỷ $.  Nước Lào chắc chắn sẽ vỡ nợ và phải nhường đất đai nào đó cho TQ trong tương lai. 

Montegreno, một xứ nhỏ ở Âu Châu cũng đang khốn đốn với khoản nợ 944 triệu $ khi ký hợp đồng với ngân hàng Exim TQ để xây cất một xa lộ dài 170 km trong đó có 41 km do một công ty TQ thầu.  Khoảng đường do công ty TQ xây cất vừa đắc nhất thế giới với 23 triệu $/ km vừa nhiều lần bị trì hoãn. Montegreno đang cầu viện EU giúp đỡ để trả nợ.

Hình biếm họa

Song song với ngoại giao ''bẫy nợ'', TQ của TCB không ngừng gia tăng ngân quỹ quốc phòng đặc biệt là tăng cường lực lượng hải quân.

Theo Viện nghiên cứu quốc tế Hòa bình Stockhom (Sipri), ngân quỹ quốc phòng TQ lên đến 261 tỷ $ năm 2019 không kể các chi tiêu có liên hệ đến quốc phòng. So với ngân quỹ quốc phòng 732 tỷ $ cùng năm của Mỹ, TQ tuy còn kém đến 3,8 lần nhưng trước xa Ấn Độ với 71 tỷ, Nga với 65 tỷ và tất cả các nước Tây phương với khoảng 50-55 tỷ. Điều đáng chú ý là theo Sipri, ngân quỹ quốc phòng của TQ tăng 85% trong giai đoạn 2010-2019 trong khi ngân quỹ quốc phòng Mỹ thụt luì 15%.

Khi đã có phương tiện, TCB cho gây hấn ở Biển Đông với nhiều nước ASEAN trong đó có Việt Nam bằng cách gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc, ngày 12-12-2019, tuyên bố TQ có ''chủ quyền lịch sử'' trên Biển Đông rồi cho hải quân xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nhiều nước và đặc biệt cho bồi đắp hai bãi đá ngầm nhân tạo Subi và chữ thập ở Trường Sa của VN để biến thành sân bay cho phản lực cơ chiến đấu hạ cánh mà nhiều nước trong vùng và cả Hoa Kỳ và Úc đều mạnh mẽ lên án. Mỹ, Anh, Pháp cũng đưa nhiều chiến hạm đi tuần tra trên Biển Đông để cảnh cáo TQ song song với việc tăng cường bộ tứ (Quad) bao gôm Mỹ, Ấn Độ, Nhật và Úc để làm đối trọng TQ ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Tiếp theo đó là những thách thức vụng về gần đây của TCB với Gia Nã Đại, Anh quốc, Úc và Ấn Độ [7]. Chính sách hiếu chiến của TCB đã bị cộng đồng thế giới ngăn chặn và cũng là nguồn tranh cãi trong nội bộ. Giới tài phiệt phần lớn xuất thân từ ''thái tử đỏ'' cho rằng chính sách đọ sức trong thương chiến Mỹ Trung và đối đầu với thế giới của TCB sẽ làm thiệt hại về mặt tài chính trước hết cho họ và cuối cùng cho Nhà nước TQ.

Khi nói đến tham vọng của TCB mà không đề cập đến dịch hạch Covid-19 phát xuất từ Vũ Hán vào cuối năm 2019 là điều thiếu sót. Nguồn gốc còn đang trong vòng điều tra của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhưng TQ không những không thành tâm hợp tác mà còn cáo buộc tổ chức này ''ngạo mạn'' vì WHO đề nghị làm thẩm tra các phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Ngược lại, TQ cho nguồn gốc phát xuất từ thực phẩm đông lạnh nhập từ nước ngoài nếu không nói là từ Mỹ dù không đưa ra bằng chứng nào cụ thể. Cho đến ngày 15-7-2021, Covid-19 đã làm gần 186 triệu người bị nhiễm và hơn 4 triệu người tử vong trong đó có ba nước tổn thất nặng nhất về nhân mạng là Mỹ, Brazil và Ấn Độ. Mỹ có 33,6 triệu người bị nhiễm và 600 nghìn người chết, Brazil có 16,6 triệu và 536 nghìn, Ấn Độ có 31 triệu và 411 nghìn. Trong khi đó, TQ với dân số 1,4 tỷ người thông báo con số lố bịch khó tin là chỉ có 120 nghìn bị nhiễm và 5600 người chết!. Đây là chưa nói tới việc tổn thất kinh tế hàng chục nghìn tỷ $ trên thế giới và việc gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày của nhiều tỷ người.

Điều này không cấm cản TCB lợi dụng đại dịch để làm tuyên truyền về phía các nước đang phát triển đặc biệt đối với các nước ở Phi Châu mà không ít nước có khả năng bị vỡ nợ, bằng cách tặng khẩu trang, thiết bị hô hấp, liều thuốc chích ngừa vv... TCB muốn cho thế giới thấy TQ là nước tiền phong giúp các quốc gia nghèo chống dịch.

IX-Lời kết

ĐCSTQ có lịch sử một trăm năm nhưng đã đem lại gì cho nhân dân TQ? Nếu Mao là người có góp phần phục hồi danh dự cho TQ bị sỉ nhục sau hơn 100 năm bị các cường quốc nước ngoài khống chế và chiếm đóng thì cũng chính dưới thời Mao, dân tình sống trong điêu đứng hơn một phần tư thế kỷ với hàng chục triệu người tử vong vì đói kém và hàng triệu người chết thê thảm trong ngục tù vì bị kết án oan. Kết quả là TQ đi đến tình trạng kiệt quệ và tụt hậu. 

ĐTB tuy đưa đất nước đến giàu mạnh qua con đường tư bản hoang dại nhưng ngưởi dân còn bị kiềm chế mọi khát vọng về tự do dân chủ. Lại nữa, TQ của ĐTB với phương châm phảt triển theo ''màu sắc TQ'' không còn gì để gọi là cộng sản với cả hàng trăm tỷ phú bằng đô la Mỹ. Nó hoàn toàn trái ngược với chủ trương của ĐH lần thứ nhất theo đó mục tiêu là ''huỷ bỏ tư hữu cho đến khi không còn giai cấp''.

TCB với giấc mơ hoang tưởng mà người TQ có câu ''lang tử dã tâm, 狼子野心'' (nuôi tham vọng điên cuồng) khi muốn chinh phục thế giới bằng bẫy nợ và hung hăn với sách lược hiếu chiến sẽ đưa TQ đến thảm hoạ lớn. 

Nhân dịp 100 năm ngày thành lập ĐCSTQ, nhà văn lưu vong Mã Kiến马建, phải cay đắng thừa nhận: ''Người dân TQ đã bị ĐCSTQ bóp nghẹt về mặt tinh thần và bị tước đoạt quyền tự do tư duy, quyền cơ bản nhất của con người. [8]

Đó là ''thành quả'' của 100 năm ngày thành lập ĐCSTQ với 72 năm cầm  quyền (1949-2021).

VT, 25-7-2021.

Chú thích

[1] Le Monde ngày 2-7-2021. Tác giả bài viết Frédéric Lemaître trí́ch lời tuyên bố của TCB: ''Le peuple chinois n'a jamais malmené, opprimé ni asservi d'autres peuples, il ne l'a jamais fait et il ne le fera jamais''.

[2] Mao: The Unknown Story (Những điều chưa biết về Mao), Globalflair Ltd 2005, bản tiếng Pháp Mao, L'histoire inconnue, NXB Gallimard, 2006, 678 trang.

[3] Theo Talawas.org ngày 27-12-2007, một tạp chí Hongkong tháng 5-2003 đưa tin với nhiều chi tiết khẳng định Hoa Quốc Phong là con rơi của Mao với một phụ nữ họ Diêu. Trước ĐH 18 (2012), Hoa thư cho Ban Chấp hành xin đổi họ Mao nhưng không được chấp thuận. Năm 2002, nhân dịp lễ kỷ niệm ngày sinh nhật lần thứ 109 của Mao, Hoa cùng với hai người con gái Lý Mẫn 李敏và Lý Nạp của Mao và Trương Ngọc Phượng 张玉凤, một bí thư riêng của Mao vào cuối đời về Tương Đàm tỉnh Hồ Nam, quê hương của Mao, để tế thọ. Hoa viết: ''Quốc Phong, con trai trung thực kính viếng''.

[4] Sau khi Mao qua đời tháng 9-1976, Hoa Quốc Phong thành công bắt nhóm ''Tứ Nhân Bang'' bao gồm Giang Thanh, vợ Mao, Vương Hồng Văn 王洪文, Trương Xuân Kiều 张春桥và Diêu Văn Nguyên 姚文元.

[5] Xem cùng tác giả: TCB ''Tsar hoàng đế'' mới của TQ, DQVN, ngày 28-3-2018.

[6] Xem cùng tác giả: ''Vì sao TCB hạ bệ Tôn Chính Tài trước Đại hội Đảng'', DQVN, ngày 30-7-2017.

[7] Xem cùng tác giả: ''TCB tứ bề thọ địch trong mùa Covid'', DQVN, ngày 20-8-2020.

[8] Tous les Chinois ont été mentalement incarcérés par le Parti communiste chinois. Tous ont été privés du droit humain le plus fondamenttal: la liberté de pensée, Le Monde ngày 2̀5-7-2021. 

Bảng Phụ hoạ

Các Tổng Bí thư ĐCSTQ

 

Chủ tịch hay TBT Đảng

Pinyin (Phanh âm) và chữ Hán

Năm sinh và chết 

Quê quán

Đại hội

Thời gian đảm trách

1-Trần Độc Tú

Chen Duxiu陈独秀 

1879-1942

Hoài Ninh An Huy

Từ ĐH 1 đến 5

TBT, 7-1921 đến 7-1927

2-Cù Thu Bạch (tạm thời)

Qu Qiubai瞿秋白

1899-1935

Thường Châu, Giang Tô

ĐH 5

TBT, 8-8-1927 đến 7-1928

3-Hướng Trung Phát

Xiang Zhongfa向忠

1880-1931

Hán Xuyên, Hồ Bắc

ĐH 6

TBT, 7-1928 đến 6-1931

4-Vương Minh (Trần Thiệu Vũ, 陈绍禹)

Wang Ming王明

 

1904-1974

Lục An, An Huy

ĐH 6

TBT, 6-1931 đến 9-1931

5-Tần Bang Hiến 

Qin Bangxian秦邦

1907-1946

Vô Tích, Giang Tô

ĐH 6

TBT, 9-1931 đến 1-1935

6-Trương Văn Thiên 

Zhang Wentian张闻

1900-1976

Phố Đông, Thượng Hải

ĐH 6

TBT, 1-1935 đến 3-1943

7-Mao Trạch Đông

Mao Zedong泽东

1893-1976

Thiều Sơn Hồ Nam

ĐH6 đến ĐH 10

CT Đảng, 20-3-1943  đến 9-9-1976, 

8-Đặng Tiểu Bình*

Deng Xiaoping邓小

1904-1997

Quảng An, Tứ Xuyên

ĐH 8

TBT, 1956-1967

9-Hoa Quốc Phong 

Hua Guofeng华国锋

1921-2008

Giao Thành Sơn Tây

ĐH 10 và 11

CT Đảng, 7-10-1976 đến 29-6-1981

10-Hồ Diệu Bang 

Hu Yaobang胡耀邦

1915-1987

Lưu Dương Hồ Nam

ĐH 11 và 12

TBT, 29-6-1981 đến 16-1-1987

11-Triệu Tử Dương 

Zhao Ziyang赵紫

1919-2005

huyện Hoạt Hà Nam

ĐH 12 và 13

TBT, 16-1-1987 đến 24-6-1989

12-Giang Trạch Dân 

Jiang Zemin

17-8-1926

Dương Châu Giang Tô

ĐH 13  14 và 15

TBT, 24-6-1989 đến 15-11-2002

13-Hồ Cẩm Đào

Hu Jintao

21-12-1942

Tích Khê, An Huy 

ĐH 16 và 17

TBT, 15-11-2002 đến 10-2012

14-Tập Cận Bình **

Xi Jinping习近

15-6-1953

Phú Bình, Thiểm Tây

ĐH 18 và 19

TBT, 10-2012 đến 10-2017 rồi từ 10-2017 đến 10-2022

Chú thích 

* Đặng Tiểu Bình tuy là TBT ở Đại hội lần thứ 8 (1956) nhưng chỉ là nhân vật thứ 6 sau Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Châu Ân Lai, Chu Đức 朱德và Trần Vân 陈云.

** Theo điều lệ Đảng, TBT chỉ có hai nhiệm kỳ 10 năm nhưng TCB cho thay đổi Hiến pháp ngày 11-3-2018 về không giới hạn tuổi tác nên có thể tiếp tục vĩnh viễn.