V.Dũng
(KTSG Online) - UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định thu hồi 45,6 héc ta đất của Công ty TNHH Một thành viên Ô tô Vinaxuki Thanh Hóa. Dự án này có mức đầu tư hơn 1.300 tỉ đồng nhưng bỏ hoang từ năm 2013 đến nay. Đây có thể là động thái khép lại hoàn toàn dự án từng được xem là khởi nguồn cho “giấc mơ ô tô Việt” từ hơn một thập niên trước.
Diện tích còn lại của nhà máy sản xuất ô tô Vinaxuki Thanh Hóa đã bị thu hồi. Ảnh minh họa: Nguyễn Dương |
Cụ thể, theo quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa, thu hồi 45,6 héc ta đất của Công ty TNHH Một thành viên Ô tô Vinaxuki Thanh Hóa tại các xã Đại Lộc, Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc. Đây là phần diện tích đất còn lại thuộc khu đất đã được UBND tỉnh cho thuê tại quyết định số 2904/QĐ-UBND ngày 10-9-2012.
Sau khi thu hồi, cho Công ty cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu (công ty Toàn Cầu) thuê đất để tiếp tục thực hiện dự án cụm các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng. Hình thức thuê đất là Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm. Thời hạn thuê đất tính từ ngày ban hành quyết định này đến ngày 26-10-2059.
UBND tỉnh Thanh Hóa giao Cục Thuế xác định đơn giá, xác định số tiền thuê đất, thuế đất phải nộp vào ngân sách nhà nước và thông báo cho công ty Toàn Cầu theo quy định.
Cục Thuế rà soát, xác định chính xác số tiền Công ty TNHH Một thành viên ô tô Vinaxuki Thanh Hóa còn nợ ngân sách nhà nước (tiền thuê đất, các loại thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp…), chủ động thông báo cho công ty này chấp hành.
Cục Thuế Thanh Hóa chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về theo dõi, giải quyết, xử lý dứt điểm các khoản nợ ngân sách nhà nước của Công ty TNHH Một thành viên Ô tô Vinaxuki Thanh Hóa theo quy định của pháp luật và các chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh liên quan.
Công ty cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND tỉnh Thanh Hóa về nội dung cam kết trách nhiệm và các nghĩa vụ liên quan đối với những thỏa thuận với Công ty TNHH Một thành viên Ô tô Vinaxuki Thanh Hóa về việc chi trả chi phí đầu tư vào đất còn lại đến thời điểm thu hồi đất theo quy định.
Được biết dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy ở Thanh Hóa của Công ty cổ phần Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) được cấp phép xây dựng từ năm 2010 với tổng vốn 1.360 tỉ đồng.
Mục tiêu của nhà máy là sản xuất, lắp ráp ô tô tải có tải trọng từ 0,5 tấn đến 45 tấn, ô tô buýt từ 16 chỗ ngồi đến 100 chỗ ngồi, sản xuất phụ tùng ô tô các loại. Khi đi vào hoạt động, nhà máy dự kiến tạo ra những con số đầy hứa hẹn, như sản xuất và lắp ráp 15.000 xe tải/năm, 400 xe buýt/năm.
Nhà máy này đi vào hoạt động năm 2011 nhưng chỉ sau đó 2 năm, nhà máy bắt đầu ngưng trệ rồi bỏ hoang đến nay
Trả lời báo chí hồi năm 2017, ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch HĐQT Vinaxuki, cho hay đầu năm 2011, do khủng hoảng kinh tế, lạm phát tăng cao, Vietcombank - đơn vị tài trợ cho Vinaxuki cắt vốn đầu tư, phá vỡ hợp đồng tín dụng. Dù năm 2010 công ty đã san lấp, xây dựng gần xong 4 héc ta nhà xưởng nhưng phải dừng sản xuất. Điều này khiến cho doanh nghiệp lâm vào tình cảnh lao đao khi thiếu hụt vốn để hoạt động, các dự án vì thế cũng không thể hoàn thiện.
Năm ngoái các ngân hàng lần lượt rao bán khoản nợ lẫn tài sản thế chấp của doanh nghiệp này. Cụ thể, tháng 2-2020, ngân hàng BIDV thông báo đấu giá khoản nợ gần 1.300 tỉ đồng của Vinaxuki. Tháng 4-2020, đến lượt Vietcombank - Chi nhánh Thăng Long đã rao bán phát mại toàn bộ hệ thống nhà xưởng và máy móc thiết bị tại nhà máy Vinaxuki Thanh Hóa với giá khởi điểm 44,2 tỉ đồng. Sau nhiều lần điều chỉnh, giá khởi điểm đã giảm xuống còn 28,2 tỉ đồng.
Việc chính quyền tỉnh Thanh Hóa ra quyết định thu hồi đất nhà máy sản xuất của doanh nghiệp này thì dấu tích cuối cùng của một dự án mang lý tưởng lớn cũng đã biến mất. Như vậy, sau nhiều nỗ lực của ông Bùi Ngọc Huyên, đây được coi là dấu chấm hết cho một thương hiệu ô tô Việt, từng mang tới nhiều hy vọng và cả thất vọng cho giới chuyên môn và cả người tiêu dùng Việt Nam.
Thứ Hai, 28/6/2021, 16:57