25 juillet 2017

CHỚ TIN TÂM MÌNH


“Chớ tin tâm mình’: Là đề mục nói về cái khởi lên của các dục tính trong mình (tài dục, sắc dục, danh dục..) “Biện Chính Phật học” - Thích Chúc Phú – NXB Hồng Đức Chương 26. (tài ở đây là tài sản) 





Dư luận đang sôi nổi trên diện rộng về vụ GS Ngô bảo Châu.



Trên truyền thông lề phải, báo chí nhà nước và một số youtube đã lên án GS Châu, rầm rộ như vào “chiến dịch”, là kẻ phản quốc, đã chống lại “đảng và nhà nước ta’.Dù không nhân danh chính thức là cơ quan tuyên huấn hay đơn vị nào, nhưng cách lên án, đồng thời là phỉ báng, rất gay gắt với khí lực hứa hẹn đầy quyền cước, hẳn là phái chính thống.. 




Rùm beng trên dư luận, vì GS Châu là nhà khoa học có uy tín lớn trong giới học thuật quốc tế, được sự ngưỡng mộ rộng rải của người dân trong nước, đặc biệt là giới trí thức, sinh viên học sinh. Một thời, ông được nhà nước trải thảm khi đón về, với sự vinh danh hoành tráng ít có, và cả sự ưu đãi nhiều mặt, cả về cơ sở vật chất cho ông hoạt động. Chiến dịch công kích đầy hằn học nhằm hạ bệ thanh danh ông đã gây hiệu ứng ngỡ ngàng trong xã hội. Từ sự ngỡ ngàng đi đến sự chiêm nghiệm sâu lắng về bản chất vấn đề. Nó không gây nên cuộc xô xát nhau trên đường phố với máu me tương ứng, nhưng đã giúp sự nhận diện kỹ càng hơn cái chấn thương thầm lặng trong nội tạng của cơ thể đất nước, tiếp tục làm xói mòn rồi bung vỡ các loại ảo tưởng còn vươn lại. Đối thoại có thể thay cho một phần bạo lực, nhưng bạo lực cất lên thì đối thoại im tiếng. Kẻ sĩ xưa nay chỉ có cái tâm và lời nói làm phương tiện nội trị, chứ không biết sử dụng dù là trường đao hay đoản đao.



Lược bỏ bớt những ngôn ngữ đao kiếm và ý tưởng sỏi đá, ý chính rất thanh tao là thế nầy:

Thành quả lao động của anh đã đem lại sự vẻ vang chung cho đất nước, chúng tôi được quyền thay mặt tất cả - thật vinh dự - để vinh danh anh, cấp cho anh chỗ ở khang trang,  phương tiện làm việc hoành tráng, có nghĩa từ đây anh phải nghe theo chúng tôi, và ngợi ca cho đúng hướngchỉ định. Và anh hiểu cho, anh là bình hoa chỉ cần trưng bày trong những ngày lễ lạc, chúng tôi đang mua anh kèm theo quyền lực, và sẽ mua với “rất nhiều tiền”. Ngược lại thì…, khởi đầu như chiến dịch này đây.



Nhưng có nhiều người không chịu nằm trong luật chơi nầy của một đất nước có đại ca Năm Cam làm tiêu biểu. Ngô Bảo Châu là một trường hợp, trong nhiều trường hợp đã qua và hôm nay. Buồn thay, những bước đi của lịch sử sao quá nhiều ngộ nhận đáng lẽ không cần có.



Trong các thứ tội mà người ta kể ra, như sự lên tiếng đồng tình với những người đấu tranh dân chủ, phê phán một số việc làm của nhà nước, thì cái tội lớn nhất của GS Châu là dám “động tới” ông Hồ chí Minh, vốn được xem là điểm tựa thiêng liêng duy nhất, là linh hồn của chế độ, là cái khiêng chống đở cho mọi sai lầm, nên dường như sự “động tới” nầy trở thành điểm nhấn cho cuộc ném đá. Người ta nhân danh và muốn ông Hồ Chí Minh trở thành một thứ mật ngọt để thu hút sinh linh.



Nhưng tất cả hình như không phải thế.



Cái lý do mạnh mẽ nhất là từ đây, anh phải nghe theo chúng tôi, (chứ không ai khác). Mà anh đã không nghe theo. Không có vấn đề tư tưởng hay chính kiến nào ở đây cả, nơi mà đảng là sáng suốt và toàn diện! Họ cho anh vật chất và tước quyền làm người lương thiện của anh. Giới đấu tranh dân chủ cảnh báo anh về sức hút của quyền và lợi đang hiện diện một cách “có phương pháp”(1). Thế mà anh, trong những năm qua, đã ung dung đi giữa hai lằn đạn. Anh nói, đi trên lề, dù lề phải hay lề trái, cũng chỉ là cách đi của bầy cừu. Anh chọn cách đi tự do của trái tim và tinh thần sáng tạo, anh không muốn giam mình trong một loại “trại súc vật” nào, dù là nó ở trời đông hay trời tây.



Vào cái ngày mà phố xá đỏ một màu khẩu hiệu “Bác Hồ sống mãi trong sự nghiệp chúng ta”, anh đã viết thế nầy, rất chơn chất và hồn hậu:

Có quý mến ai thì mong cho họ thoát khỏi vòng luân hồi. Đừng bắt họ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!".



Theo quan niệm của người có niềm tin vào triết lý Phật, siêu thoát là con đường cao cả nhất, tốt đẹp nhất không gì bằng, khi một người chấm dứt cuộc nhân sinh. Tiệt nhiên không có ý gì gọi là xúc phạm. Có chăng là sự sai lầm hay gán ghép của chúng ta đã làm cho chính chúng ta tự xúc phạm? Đôi khi sự tự mình làm xúc phạm để nâng cao mình. Sao lại buột một người, dù là ai, phải lẩn quẩn mãi với cái sựcái nghiệp đáng thương của chúng ta hôm nay? Một thời đại đã vượt qua khỏi ngưỡng cửa giai đoạn thần quyền, không có cái gì để gọi là mãi mãi, là muôn năm. Dù là ngôn ngữ chính trị, nó cũng đã thay đổi trên diện rộng, không ở đâu trên thế giới còn nghe những từ ngữ lạc điệu ấy nữa. Chính ông Hồ Chí Minh ở nửa thế kỷ trước đã từng đùa cợt, sửa chữ “muôn năm” thành “muốn nằm”. Nhưng ông Hồ đã thất bại toàn diện về cái di chúc của mình, và tiếp tục thất bại nữa, “muốn nằm” nhưng vẫn  không được, bởi ý chí “muôn năm” từ hàng hậu bối của ông. Trong chuyến công du sang Nga mới đây, ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang, vẫn muốn quay ngược chiều kim đồng hồ, đã kêu gọi các nhà khoa học Nga sang, cố gắng bằng mọi giá, phục hồi di hài của ông, bất chấp thời tiết khí hậu đã thay đổi.



Hôm nay xem lại cái youtube cũ, tôi nhìn GS Châu ngồi thu mình khiêm tốn trong chiếc ghế bành to ở chùa Hoằng Pháp, trong một buổi giao lưu với trên 3000 thanh niên sinh viên đang dự khóa tu học tại đây, vào năm 2013. Ở anh, toát ra cái trẻ trung, khiêm tốn của sự đơn giản và chân thật, không một chút màu mè thường có của một kẻ có vai vế. Một nụ cười rất tươi và hồn hậu lúc bắt đầu, đã thay vào đó một vẻ buồn rượi ở lúc cuối buổi, khi anh trả lời những câu hỏi của sinh viên về vấn đề giáo dục. Anh nói ngắn gọn, nhẹ nhàng, thoang thoáng, nhưng cái ảm đạm của một nền giáo dục đã bao trùm.



Tôi cảm nhận cái buồn năm ấy và cái buồn năm nay trong anh, cứ theo thời gian mà lớn, như ánh chiều dần lên chứ chiều không xuống.



Không hiểu, trong những ngày rất “chiến dịch” nầy, GS Châu, anh đang nghĩ gì? Tôi chắc là anh khó ở.



Dù thế nào, thì anh cùng nhân dân có chung một sinh mệnh.



Tôi thích cái đề mục trong sách Phật Chớ tin tâm mình. Cái tâm mù mờ, lang thang, lây lất trong cõi nhân gian, từ “vua quan” của thời đại “hùng hục” này, cho đến các tầng lớp thứ dân.                                                                                                                                  Hadinhnguyen, Tháng 7-2017
(1) Lời của Hollande, cựu Tổng Thống Pháp nói với tân Tổng Thống Macron: “ông ấy (Macron) đã phản bội tôi một cách có phương pháp”


HĐN