25 juillet 2017

“Tiếp tục đổi mới ” kinh tế chớ không phải chính trị *



Thiện Tùng




Khi ngổi vào ghế Thủ tướng, Nguyễn Xuân Phúc  đưa ra khái niệm “Chính phủ kiến tạo”. Từ đó dàn đồng ca xúm nhau hò hét “Tiếp tục đổi mới”, “Đổi mới lần 2” ..v.v…Nhưng đổi  mới thứ gì - chính trị hay kinh tế, vẫn chưa “đến mùa” nói rõ.



Tò mò vốn thuộc tính con người, họ thích xem cái che hơn cái khoe. Lối nói úp mở không rõ ràng tác động vào tính tò mò của con người, khiến họ tha hồ đoán già đoán non.  Người viết tham gia cuộc trà đàm, có người hí hửng nói : “kỳ nầy đổi mới chính trị”; người khác bễu môi nói: “Cũng chỉ cải cách kinh tế, nhiều lắm là cắt bỏ cái đuôi định hướng XHCN”. Nói tới nói lui, ý ai nấy giữ, thủ hòa.



Để tránh bị lừa, ngừa nhầm lẫn, không còn cách nào khác, Tùng tôi phải ôn cố truy tân, tìm cho ra nguồn góc của 2 từ “Đổi mới”, một sản phẩm chỉ có ở Việt Nam. 




Đại hội VI của Đảng CSVN (Đảng) còn gọi là Đại hội “Đổi mới”. Nếu dừng lại ở hai từ đổi mới ấy, đố trời mà biết đổi mới thứ gì? Phải đợi đến khi tổ chức thực hiện mới rõ ra chỉ  đổi mới kinh tế - đổi từ kinh tế Xã hội Chủ nghĩa (XHCN) sang kinh tế Thị trường định hướng XHCN. Vậy là kinh tế Thị trường chỉ là phương tiện để thực hiện mục tiêu kinh tế XHCN?. Do kiểu “treo đầu dê bán thịt chó” nầy nên, cho đến nay, chưa nước nào trên thế giới công nhận Việt Nam có nền kinh tế Thị trường thực thụ.



Sau 31 năm “đổi mới” (1986-2017) mà kinh tế VN vẫn trì trệ do “Duy trì thể chế chính trị độc đảng toàn trị và do áp dụng “kinh tế thị trường định hướng XHCN” - một mẫu hình kinh tế lai căn - đầu gà đít vịt, nó không giống cha và cũng không giống mẹ. Thử hỏi, đi  hướng Tây mà mơ đến hướng Đông, hoang đường hết chỗ nói?! . Rốt cuộc cứ dậm chân tại chỗ, như gà con vướng tóc.



Nguyên nhân sâu xa là do mâu thuẫn giữa tồn tại và ý thức, hay nói cách khác mâu thuẫn giữa hạ tầng cơ sở với kiến trức thượng tầng. Nguyên lý: Tồn tại quyết định ý thức, hạ tầng quyết định thượng tấng - tồn tại nào ý thức ấy. Tư bản tồn tại trên nền kinh tế Thị trường, Cộng sản tồn tại trên nền kinh tế XHCN. Đảng CSVN  đã và đang đứng trên nền kinh tế Thị trường - không phải nền của mình, là trái nguyên lý, không thể đứng vững. Chính từ sự mâu thuẫn giữa tồn tại và ý thức ấy, kích hoạt từng chủ thể “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo cảm nghĩ riêng tư – tự thân vận động. Chính từ đó, hiện tượng cát cứ, tự do vô chính phủ xuất hiện lan tràn, ngày một đậm độ, gây đảo lộn mọi mặt đời sống xã hội. Bởi vậy, trong dân gian, đã và đang lan truyền mấy câu văn vần, khắc họa bộ mặt thật của xã hội Việt Nam đương thời:



Chế độ Cộng sản

Kinh tế Tư bản

Hàng hóa nhập cảng

Cán bộ Tư sản

Nhân viên chán nản

Nhân dân di tản.



Sai lầm trong chọn chủ thuyết dẫn đến khủng hoảng mọi mặt đời sống xã hội, các Đảng CS Đông Âu tiến hành Cải tổ toàn diện. Ứng nghĩa với Cải tổ là Pérestroika. Theo thuật ngữ của người Hy Lạp, Pérestroika là “Xây dựng lại cái đã xây dựng không còn phù hợp”. Nhờ chấp nhận Cải tổ toàn diện, bao gồm từ bỏ chủ thuyết Mác-Lê, các Đảng Cộng sản Đông Âu rời vị trí lãnh đạo, lui về hậu trường, vẫn là đảng chính trị hợp pháp, là bộ phận dân tộc, được ứng thí trong các cuộc bầu cử ; nhường chỗ các đảng phái, hội đoàn thay mặt nhân dân dựng lên thể chế chính trị Dân chủ Đa nguyên, Nhà nước Pháp quyền, Xã hội Dân sự. Cải tổ từng mặt là trị cơn, cải tổ toàn diện là trị căn. Nhờ trị căn mà các nước Đông Âu khỏe mạnh hẳn ra, đang tiến về phía trước, bình quân thu nhập đầu người đã hơn gấp đôi Việt Nam. 



Đảng CSVN  không chấp nhận Cải tổ, chỉ chấp nhận đổi mới về kinh tế, giữ nguyên thể chính trị Độc tài Đảng trị. Vì vậy, tồn tại và ý thức trái ngược nhau (mâu thuẫn) gây ra rối loạn về mọi mặt đời sống xã hội – ngay trong nội bộ Đảng cầm quyền cũng bất an ?!. Không còn cách nào khác, đã đến lúc, Đảng CSVN chỉ phải chọn một trong hai giải pháp:



1/ Vì lợi ích toàn bộ: Đổi mới Chính trị, từ bỏ thể chế chính trị Độc tài Đảng trị, áp dụng thể chế chính trị Dân chủ Đa nguyên, Nhà nước Pháp quyền, xã hội Dân sự / Cắt đuôi định hướng XHCN, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” . 



2/ Vì lợi ích cục bộ: Vẫn không đổi mới chính trị / Cắt  đầu “kinh tế Thị trường”, giữ vững “định hướng XHCN” theo mẫu hình Bắc Triều Tiên, phấn đấu đạt cho kỳ được mục tiêu: “Quan giàu, Dân mạt” – “Sống chết mặc Bây tiền Thầy bỏ túi” như hiện nay.



Qua quan sát, người viết thấy, Đảng CSVN chưa chịu “xuống thang”, tiếp tục vì lợi ích cục bộ, không đổi mới chính trị, chỉ uốn nắn, cải cách kinh tế. Bằng chứng là, xuất phát từ miệng của những quan to: “Tiếp tục đổi mới”, “đổi mới lần 2”.v.v…, khiến cho một số người lầm/mơ tưởng rằng Đảng CSVN sẽ đổi mới thể chế chính trị. Nghĩ kỹ xem: Kinh tế đã  đổi mới dù chưa triệt để, nhưng chính trị lâu nay chưa hề thay đổi. Vì vậy, “tiếp tục đổi mới hay đổi mới lần 2” chỉ ứng nghĩa với đổi mới kinh tế chớ đâu ứng nghĩa với đổi mới chính trị?. Người ta nói lặp lờ như thế có phải với dụng ý ru ngủ, đánh lận con đen… để tiếp tục duy trì thể chế chính trị ? .



Dầu xảo biện đến đâu, Đảng CSVN cũng không che giấu cố tật giáo điều, độc tài, bảo thủ. Bằng chứng là:



·         Dầu có dập mật bầm gan, Đảng cũng quyết bám chủ thuyết phản khoa học Mác Lê Mao. Ai xúc phạm đến chủ tuyết nầy bị liệt vào “những phần tử xét lại chống Đảng”.



·         Khi đất nước còn chia cắt, Đảng “đổi mới” kinh tế bằng cách loại bỏ các thành phần kinh tế vốn có, áp đặt mô hình kinh tế XHCN trên khắp miền Bắc Việt Nam suốt 20 năm (1955 -1975), kinh tế không phát triển, nhân dân đói khổ. Trước cảnh tình, về nông nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phú Kim Ngọc khoán chui – gọi là khoán 10, tức là dùng 10% đất của hợp tác xã giao cho từng hộ nông dân canh tác riêng. Thế là ông Kim Ngọc bị xử lý kỷ luật Đảng nặng nhứt. Mãi về sau nầy, khi tĩnh ngộ, Đảng vinh danh ông ấy khi ông đã nằm dưới hoang mồ !.



·         Khi thống nhứt đất nước (1976), Đảng lại chủ trương tiến hành “đổi mới” ở miền Nam - xóa bỏ nền kinh tế thị trường, áp đặt mẫu hình kinh tế XHCN vốn được áp dụng ở miền Bắc. Chỉ trong thời gian ngắn, kinh tế miền Nam đuổi kịp sự lụn bại của kinh tế miền Bắc, nhân dân cả nước cùng đói khổ có nhau, ai chịu không nổi thì trốn chạy ra nước ngoài !. Những vị được dân xem là “cấp tiến” – phần lớn ở miền Nam, chủ trương “xé rào”, quyết xóa bỏ mô hình kinh tế XHCN, khôi phục mô hình kinh tế thị trường vốn có ở miền Nam. Về nông nghiệp: không phải chỉ khoán 10 như Kim Ngọc mà khoán 100 – tức là trả 100% đất lại cho nông dân, vô hình trung là bật đèn cho giải tán HTX nông nghiệp. Về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: làm ngơ cho tư nhân sản xuất kinh doanh. Về lưu thông, phân phối : xóa bỏ việc cấm chợ ngăn sông, giá cả theo thuận mua vừa bán. Trung ương Đảng ngầm xem những người “cấp tiến” nầy là những phần tử chống phá đường lối kinh tế XHCN của Đảng. Họ bị Đảng đì sát ván, không một ai được khôi phục danh dự như Kim Ngọc ! - Là người trong cuộc, tôi có thể liệt kê họ tên các ông “cấp tiến” nầy, nhưng chi cho dài dòng, thêm phiền đọc giả . Khi ông Lê Duẫn thọ bịnh sắp qua đời, ông Trường Chinh tạm thời lên thay, ông Chinh vào miền Nam thị sát, thấy việc “xé rào” của miền Nam, tuy vi phạm đường lối kinh tế của Đảng, nhưng thật sự nó cải thiện được nền kinh tế, từng bước ổn định xã hội. Từ đó, ông Chinh chủ trương viết lại “Báo cáo chính trị” để trình Đại hội VI Đảng CSVN. Kết thúc Đại hội VI, Đảng CSVN đưa nghi quyết “Đổi mới” kinh tế, từ kinh tế XHCN trở lại kinh tế thị trường. Nhưng sợ lạc hướng, mất lập trường, Đảng gắn thêm đàng sau 4 chữ “kinh tế thị trường” cái đuôi “định hướng XHCN” – một đứa con lai đến nay chưa thuần giống được ?!. Công bằng mà nói: Việc đổi mới kinh tế, về “nguyên liệu” do các vị “cấp tiến” cung cấp, ông Chinh “đề”, ông Linh “xướng”.
          Ta đi tới tương lai sán lạn !

Thù địch nào không thể cản đường ta.

        Em cứ áp toàn thân và bám cổ,

        Cuối thế kỷ nầy đâu phải là xa…!.

                      Trương Tuần



Đến nay đã 62 năm (1955-2017), Việt Nam vẫn chưa ổn định thể chế kinh tế, như gà ăn quẩn cối xay, cứ đổi qua đổi lại giữa kinh tế XHCNkinh tế thị trường. Mỗi lần chuyển qua chuyển lại, gắn cho nó cái tên mỹ miều “Đổi mới”.



Viết đến đây bổng dưng tôi nhớ và tiếc thương cố nhân Trần Bạch Đằng, ông là cán bộ Cao cấp Đảng, nguyên Bí thư Sài Gòn+Chợ Lớn thời chiến, nguyên phó trưởng Ban Tuyên Huấn TW Cục miền Nam, là Nhà báo, Nhà Văn, Nhà Chính luận... Năm 1976, sau khi bị TW Đảng “hỏi thăm sức khỏe”, với cái miệng méo bẩm sinh nhưng rất có duyên, ông Đằng nói vui với tôi đại ý: “ Một lần nữa [1] , tao chết vì cái miệng méo nầy, nó đề xuất với TW Đảng: Nên thành lập Liên bang Việt Nam gồm 3 tiểu bang Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ. Bắc VN tiếp tục mô hình kinh tế XHCN, để phần lãnh địa Việt nam Cộng hòa ( từ vĩ tuyến 17 vào đàng trong) tiếp tục áp dụng mô hình kinh tế Thị trường. Đến một thời gian nhứt định nào đó, xem mô hình nào ưu việt chọn và áp dụng cho cả nước”. Qua sự việc cho thấy: Nếu TW Đảng bình tâm suy xét ý kiến của ông Đằng thì nền kinh tế nước nhà không thọ nạn thảm thương, và không phải tốn công đổi cũ lấy mới, đổi mới lấy cũ như… - biết rồi, nói mãi, khổ quá !.  .



Thực tế cho thấy, thời chiến cũng như thời bình, mỗi khi trên nghe dưới, chấp nhận đối thoại, tôn trọng ý kiến phản biện thì hạn chế đến mức thấp nhứt sai lầm trong hoạch định chủ trương, chính sách… Nếu Đảng chấp nhận đối thoại với Dân như ông Võ văn Thưởng nói thì đó là phúc đức cho Dân và cũng là lối thoát duy nhứt cho Đảng. 



Người viết nêu cái nhược, cái xấu vốn có chớ không hề ngụy tạo. Biết rằng “thẳng mực tàu đau lòng gỗ”, nhưng cần những tấm ván phẳng mặt, không còn cách lựa chọn ?!.



24/07/2017

     T.T

 Chú thích

[1] Thời chiến, Khi làm Bí thư Sàigòn Chợlớn , ông Trần Bạch Đằng về Chiến khu họp TW Cục. Trong cuộc họp có ý kiến phê bình ông Đằng: không sử dụng Giai cấp Công nhân làm nồng cốt cho cuộc đấu tranh mà cứ dùng thanh niên, sinh viên, học sinh làm nồng cốt. Ông Đằng nói: “Công nhân bị gã Trần Quốc Bữu khống chế không làm được trò trống gì ! ”. Thế là ông Đằng bị quy tội mất lập trường, rút ông về làm phó trưởng Ban Tuyên Huấn TW Cục miền Nam.