20 décembre 2019

AVG ƠI LÀ CHÍNH PHỦ…


1- Như rứa là hai vị bộ trưởng và một loạt quan chức đã nhận hối lộ, hết có chuyện suy non đoán già, chỉ lạ một điều ở Bộ trưởng Son là khai nhận, rồi phủ nhận, rồi khai nhận. Tội nghiệp cho các nhà báo bao nhiêu năm ê càng “dưới sự quản lý nhà nước” như thế này.

2- Hình như vụ AVG là một đại án mà hậu quả về tài chánh đã được khắc phục trước khi khởi tố, vì bên bán đã hoàn trả toàn bộ tiền cộng với lãi cho bên mua. Không mất là do may mắn, chớ không phải do hệ thống kiểm soát chặt chẽ. Nhưng qua vụ án, một lần nữa cho thấy tiền của dân giao cho nhà nước kinh doanh hiệu quả như thế nào và kinh tế nhà nước có nên giữ vai trò chủ đạo hay không. Không chỉ AVG mà hàng ngàn, hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn, hàng triệu tỷ tiền thuế của dân và tiền vay mượn (cũng lấy thuế của dân để trả nợ) đã, đang và sẽ mang ra phung phí, chia chác tiêu xài. 

3- Bài học lớn nhất từ vụ AVG và các đại án khác, không phải là việc bố trí, sắp xếp, đề bạt và “nâng cao đạo đức” cho cán bộ, mà là việc nhà nước phải rút lui dần khỏi các hoạt động sản xuất kinh doanh. Là nguồn lực lớn lao giao cho các doanh nghiệp nhà nước mang ra phung phí phải chuyển trả dần lại cho dân bằng việc giảm thuế và giảm vay mượn. Biến đầu tư của nhà nước thành đầu tư của tư nhân thông qua giảm nhẹ thuế má là con đường ngắn nhất để đưa đất nước phát triển, cũng là giải pháp hữu hiệu nhất làm trong sạch bộ máy nhà nước. Tiếc rằng bài học đó vẫn chưa được rút ra.

4- Vụ AVG còn cho thấy một nhóm lợi ích lũng đoạn kinh tế nhà nước luồn lách như lươn như chạch. Qua phiên tòa, người ta thấy có một văn bản của Văn phòng Chính phủ thông báo rằng Thủ tướng đồng ý chủ trương mua AVG. Các quan tòa cho rằng văn bản này không có giá trị pháp lý, hàm ý rằng các bị cáo thực hiện việc mua AVG mà không có quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cơ quan điều tra và các quan tòa không phải từ trên trời rơi xuống để điều tra và xét xử vụ án này, các vị được đào tạo và làm việc trên đất nước này lâu nay mà. 
Theo truyền thống hành chính của chế độ ta, một văn bản của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng là "văn bản điều hành" có giá trị thực thi còn hơn là luật. Ai dám không theo ? Không có cái văn bản thần thánh đó ai dám làm ? 
Trong thực tế có rất nhiều trường hợp bắt người này thu thẻ nhà báo của người kia toàn làm theo ý kiến chỉ đạo cả chớ có luật pháp gì đâu. 
Tôi nghe nói, một vị bộ trưởng nọ chậm ra văn bản hậu thuẫn cho chủ trương này còn bị một người có chức vụ cực kỳ cao của Chính phủ nhắc nhở. 
Cựu bộ trưởng Son nói rằng ông nghĩ văn bản kia là văn bản pháp lý, ông đã nói không sai trong thực tế. Vấn đề là khi đưa cả nút ra tòa, người chỉ đạo đã đứng ngoài vòng tố tụng.

5- Tôi nghe nói, cái bộ chậm ra văn bản bị nhắc nhở nói trên, khi ra văn bản thì dựa trên thông tin hoạt động AVG có lời, nhưng chỉ vài tháng sau khi ra văn bản thì được thông tin rằng AVG hoạt động không hiệu quả. Nghe nói Bộ này đã gửi văn bản cho cấp trên đề nghị dừng việc mua lại, nhưng được trả lời rằng tiền đã đưa hàng đã nhận không thay đổi được. 
Tôi cũng nghe nói, sở dĩ từ lãi biến thành lỗ là do lúc ấy MobiFone chủ trương cổ phần hóa. Như rứa nghĩa là răng ? Nó có nghĩa là dùng tiền của dân để mua một món hàng rất mắc, nhưng khi muốn bán lại (cả gói MobiFone) thì tìm cách hạ giá xuống, tạo điều kiện cho ai đó thâu tóm một doanh nghiệp lớn của nhà nước với giá hời. 
Thông tin ở mục 5 này tôi mới nghe nói, chưa có trong tay tài liệu kiểm chứng.
Mới nghĩ tới đó, khi nào nghĩ tiếp sẽ viết tiếp.

HOÀNG HẢI VÂN