Theo BVN, và GDVN
Nguyễn Sinh Phúc (thực hiện)
Rốt cuộc thì những gì tôi đã công bố trên các trang mạng talawas và Bauxite Việt Nam nhiều năm trước đây, bây giờ một cơ quan ngôn luận chính thức được cấp giấy phép là Giáo dục Việt Nam cũng gián tiếp thừa nhận là đúng!
Vậy Đảng và Chính phủ phải đối xử ra sao với những tờ báo “ngoài vỉa hè” như Bauxite Việt Nam, Ba Sàm, Dân quyền, v.v…?
Và
điều đáng tiếc hơn nữa là những nhà yêu nước kiên trì chống bè lũ xâm
lược Trung Quốc tron g nhiều năm như Điếu Cày Nguyễn Văn Hải hiện vẫn
đang ngồi tù, Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh thì đang chờ ngày ra tòa…
Hình
như có những thước đo chân lý, người cầm chịch thiếu hiểu biết hoặc gà
mờ về bạn thù nên bấy lâu đã cầm ngược mất rồi thì phải.
Mai Thái Lĩnh
|
(GDVN) – Trò chuyện với GDVN, nhà thơ Trần Đăng Khoa còn chỉ ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm, ông cũng là cựu binh Trường Sa...
LTS: Nhà
thơ Trần Đăng Khoa – một cựu lính Trường Sa, là tác giả của nhiều
tác phẩm đặc sắc viết về biển đảo đã giành cho Báo Giáo dục Việt
Nam những chia sẻ của mình xung quanh vụ việc Trung Quốc đặt trái
phép giàn khoan 981 tại thềm lục địa Việt Nam, ngang ngược tấn
công làm bị thương và hỏng tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư
của Việt Nam. Ông gọi hành động gây hấn với Việt Nam là "bẩn
thỉu" của một "tên ăn cướp".
Trung Quốc đang nói dối một cách trơ trẽn
Trung
Quốc đã huy động 80 tàu các loại bảo vệ giàn khoan 981 xâm phạm thềm
lục địa Việt Nam. Thậm chí tàu Trung Quốc còn chuẩn bị vũ lực đe doạ
tàu cảnh sát biển và ngư dân Việt Nam. Đã từng là một người lính ở
Trường Sa, khi biết sự việc tâm trạng ông thế nào?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa:
Tôi không ngạc nhiên khi Trung Quốc đưa giàn khoan lấn sâu vào
thềm lục địa Việt Nam và mang cả một đội tàu hùng hậu, trong
ấy có cả tàu chiến, rồi máy bay chiến đấu yểm trợ xâm lấn biển
đảo Việt Nam. Vì sao tôi không thấy bất ngờ? Các bạn có thể
nhìn lại các sự kiện vào năm 1974, 1979 và 1988 thì sẽ thấy
rất rõ mưu đồ của Trung Quốc là muốn gặm dần lãnh thổ Việt
Nam, bao gồm cả đất liền và trên biển.
Hoàng
Sa, Trường Sa luôn là những chảo lửa, không biết sẽ bùng lên lúc
nào. Đây cũng là vùng lãnh hải thiêng nhất và cũng bất an nhất của
nước ta. Nếu đất nước của chúng ta có những biến động thì sẽ bắt đầu từ
vùng sóng gió này.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Cần phải đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Ảnh: Nguyễn Nguyễn
Việt
Nam và Trung Quốc bắt tay nhau, coi nhau như những người bạn
tốt. Giữa ta và nước láng giềng có 16 chữ vàng: “Ổn định lâu
dài, hướng tới tương lai, láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện". Nhưng
dường như người bạn láng giềng đã phản bội điều đó, dối trá
một cách trơ trẽn…
Nhà thơ Trần Đăng Khoa:
Chúng ta đã tôn trọng, thực hiện đúng cam kết, nhưng Trung Quốc luôn
nói một đằng làm một nẻo. Cái bi kịch lớn nhất của nước ta là lại phải ở
bên cạnh một ông bạn nham hiểm và rất xấu tính. Ở các nước khác trên
thế giới, trong đó hầu hết là các nước tư bản, họ sống với nhau rất êm
đềm, hòa thuận. Tôi đi từ Pháp sang Đức, từ Pháp sang Bỉ, hay từ Anh
sang các nước khác, không thấy có biên giới, không thấy hải quan. Cứ đi
thẳng một lèo. Khi nhìn lên biển chỉ đường, thấy dòng chữ khác, mới hay
mình đã sang nước khác rồi.
Ngay cả kẻ thù của
chúng ta xưa như Pháp và Mỹ, mặc dù rất tàn bạo, nhưng họ không chiếm
của ta một mét đất nào. Còn ta với Trung Quốc thì sao? Mang danh anh em
“môi hở răng lạnh”, luôn nêu cao 16 chữ vàng, nhưng họ lấn của ta từng
gốc cây ngọn cỏ. Họ nắn cả dòng chảy của sông suối để nước xói mòn sang
phía ta. Đây là trò rất trẻ con và bẩn thỉu.
Ấy
thế rồi cứ như tằm nhấm lá dâu, cả một vùng đất đai cương giới của ta
nằm gọn trong túi họ. Xin đơn cử: Cửa Ải Nam quan, cột cây số không, nơi
Nguyễn Trãi chia tay cha là Nguyễn Phi Khanh, giờ đã nằm sâu trong đất
Trung Quốc đến hàng chục cây số.
Thác Bản Giốc
vốn từ bao đời là danh thắng của chúng ta, giờ Trung Quốc đã chiếm
một nửa rồi. Rồi Hoàng Sa là của chúng ta, Trung Quốc đã chiếm đóng trái
phép từ mấy chục năm nay.
Và bây giờ, Trung
Quốc lại đưa giàn khoan khủng, được xem như lãnh thổ di động của
Trung Quốc được tàu chiến bảo vệ lấn sâu vào thềm lục địa của ta,
rồi ngang nhiên tấn công các tàu thuyền chức năng của ta, vu vạ ta gây
hấn với họ. Đó là một hành động ngang ngược và bẩn thỉu nhất. Đúng là
một kẻ “vừa ăn cướp vừa la làng”.
Bây giờ,
họ lại đòi ta phải rút hết tàu thuyền về rồi mới đàm phán. Thật là
ngang ngược. Anh là một kẻ cướp. Anh cướp nhà tôi, rồi lại đuổi tôi ra
đường để bàn chuyện sở hữu nhà cửa. Có chuyện ngược đời như thế không?
Đúng ra, Trung Quốc phải rút hết tàu thuyền, di dời giàn khoan phi pháp
ra khỏi khu đặc quyền kinh tế của ta rồi mới bàn gì thì bàn.
Trung Quốc đang tự cô lập mình
Còn
nếu nhìn ở một góc khác thì người nông dân Việt Nam cũng đã
nhiều phen khốn đốn vì thương lái Trung Quốc. Đó là những
chuyện dường như đều đã được tính toán từ trước, ông có nghĩ
vậy không?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa:
Đúng vậy. Như tôi cũng đã có lần nói: Trung Quốc phá ta không từ bất cứ
thủ đoạn nào, kể cả những việc làm rất bần tiện, như cho thương lái
sang ta mua mèo với giá cao, thế là vì cái “giá cao” ấy, mèo gần như
tuyệt diệt, bà con nông dân phía Bắc phải chịu đại dịch chuột hoành
hành, khiến cả mùa màng xiêu điêu.
Rồi họ lại
sang mua móng trâu với giá cao. Cũng chẳng biết họ mua móng trâu làm
quái quỷ gì mà mua với giá cao thế. Ở thời điểm ấy, cả chú trâu to lớn
vật vã mới có 5 triệu bạc, mà chỉ riêng một cái móng trâu cũng đã gần
một triệu bạc rồi. Thế là bà con nhẹ dạ lột móng trâu đem bán. Kết cục
là trâu bò chết hàng loạt, ảnh hưởng nặng đến sức kéo của bà con nông
dân nghèo phía Bắc.
Và rồi còn ghê rợn hơn nữa
là việc Thương lái Trung Quốc hướng dẫn bà con ta làm chè bẩn để
mua với số lượng rất lớn. Làm được bằng nào mua hết bằng ấy.
Họ yêu cầu người làm chè trộn phân lân hoặc nước bùn đất vào búp chè
tươi già, qua công đoạn vò, phơi, được loại chè khô vừa nặng, vừa dẻo,
cánh chè xoăn và xanh. Chè bẩn được đóng bao, đóng gói chở đi kìn kìn.
Họ mua chè bẩn với số lượng lớn như thế để làm gì thì chỉ có trời mới
biết.
Khi Trung Quốc đăng cai Đại hội Olympic,
trước con mắt của bạn bè quốc tế, họ mời ông Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang
sang cùng chứng kiến cảnh họ đốt chè, với lý do chè Việt Nam bẩn không
đảm bảo an toàn thực phẩm.
Vậy thì còn có quốc
gia nào dám ký kết, đặt mua chè của ta? Hậu quả là chỉ sau 6 tháng,
toàn bộ ngành chè xiêu điêu. Hàng loạt doanh nghiệp chè bị phá sản. Mới
đây nhất là hàng ngàn xe dưa hấu thối ủng ở cửa khẩu. Và bây giờ ở cấp
Quốc gia là chuyện giàn khoan. Ôi! Người anh em Trung Quốc, “môi hở răng
lạnh”, người luôn nêu cao “mười sáu chữ vàng” mà lại hiện hình bần tiện
nham hiểm và rúm ró như thế sao?
Thế kỷ 21 mà
chúng ta đang sống đây, hàng hóa của Trung Quốc đã phủ khắp thế giới.
Chẳng cần đến Trường Sa, Hoàng Sa và cả Biển Đông thì Trung Quốc cũng
vẫn là một quốc gia hùng mạnh vào bậc nhất thế giới, vậy thì việc gì
phải vơ váo những thứ không phải của mình. Trường Sa, Hoàng Sa là của
Việt Nam. Đó không phải chúng ta tự tuyên bố, mà chủ quyền đó đã được
chính người Pháp và bạn bè quốc tế xác định từ mấy trăm năm trước.
Trong
bản đồ địa giới, hải giới của Trung Quốc, từ đời nhà Thanh và trước nữa
cho đến năm 1904 cũng không có Hoàng Sa, Trường Sa và cái đường lưỡi bò
ma quỷ. Đấy là những bằng cứ hùng hồn, phủ nhận những trò tháu cáy của
những kẻ tiểu nhân. Trung Quốc đã tự cô lập mình trước cộng đồng quốc
tế, đặc biệt là với các nước trong khu vực, cùng thở chung một bầu khí
quyển Biển Đông.
Trung
Quốc đang sử dụng nhiều thủ đoạn nhằm tranh đoạt lãnh hải
của Việt Nam, bao gồm cả việc chủ động sử dụng vũ lực tấn
công tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư Việt Nam.
Thực
ra, đúng như ông nói, chẳng cần phải Hoàng Sa hay Trường Sa thì
Trung Quốc cũng đã hùng mạnh rồi, nhưng họ vẫn tìm cách xâm
lấn từng mét đất của chúng ta, chẳng khác gì một người hàng
xóm rất giàu có nhưng lại có tính tắt mắt, hay ăn cắp vặt. Tới lúc
ăn cắp không được nữa thì lại định ăn cướp, sẵn sàng đạp lên
mối quan hệ ngoại giao với nước ta, đạp lên cả dư luận quốc
tế. Theo ông những biện pháp đàm phán hoà bình mà nước ta áp dụng thời
gian qua liệu đã đủ mạnh để ngăn chặn ý đồ bành trướng của Trung Quốc?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Tôi
đồng ý với quan điểm của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, rằng
Việt Nam chẳng sợ gì Trung Quốc. Sức mạnh của tình đoàn kết
ở Việt Nam đã từng đánh bại nhiều kẻ thù sừng sỏ. Tuy nhiên,
chọn con đường chiến tranh để giải quyết vấn đề Biển Đông là hạ sách mà
không khéo lại mắc mưu Trung Quốc. Trung Quốc muốn gây hấn với ta, rồi
lấy đó mà răn đe các nước khác. Tôi đồng ý với cách xử lý khôn ngoan
nhất, là phải bình tĩnh, cảnh giác, tỉnh táo, không để Trung Quốc lừa
phỉnh, giành lại và bảo vệ trọn vẹn lãnh thổ bằng con đường hòa bình.
Việc
làm trước tiên là quốc tế hóa biển đông. Đây là vấn đề Trung Quốc ngại
nhất, bởi họ khuất tất. Cần đoàn kết, liên minh với các nước trong khu
vực cùng có quyền lợi ở Biển Đông rồi kéo cả thế giới vào cuộc. Nếu
Trung Quốc không rút giàn khoan ở khu đặc quyền kinh tế của ta, chúng ta
cũng sẽ phải làm như Philippine, kiện Trung Quốc ra tòa án Quốc tế. Nếu
ra tòa, chắc chắn Trung Quốc thua.
Mặt khác,
chúng ta cũng cần thông tin rộng rãi để 1,3 tỷ dân Trung Quốc hiểu vấn
đề Biển Đông thực chất thế nào. Người dân Trung Quốc đang bị bưng bít.
Sẽ rất nguy hiểm khi họ bị chính quyền Trung Quốc xuyên tạc và kích
động, như họ đang rêu rao là chúng ta xâm phạm vùng kinh tế Trung Quốc,
tàu ta đâm tàu Trung Quốc 170 lần… Các nhà cầm quyền Trung Quốc đang
chơi trò đánh lạc hướng dư luận, đẩy xung đột ra ngoài biên giới khi
gặp phải vụ bê bối ở Tân Cương.
Thật có lý
khi một nhà báo đã đề nghị các báo điện tử của ta nên có trang bằng
tiếng Trung Quốc, để giúp người dân Trung Quốc hiểu được thực chất vấn
đề và không bị kích động. Cần lật tẩy những trò bẩn thỉu của giới
cầm quyền Trung Quốc. Ngay trong giới học giả Trung Quốc, cũng có
người hiểu được vấn đề, họ đã yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi
vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tôi cũng
mong rằng, Việt Nam sẽ có những ứng xử mạnh mẽ hơn nữa bằng
con đường hòa bình để gìn giữ chủ quyền thiêng liêng của đất
nước. Như tôi đã nói Trung Quốc vốn rất sợ đưa việc giải quyết
những vấn đề ở Biển Đông ra quốc tế, vì những gì họ hành
động ở khu vực (đặc biệt là với Việt Nam) đã vi phạm Công ước
Liên Hợp quốc và Luật biển 1982. Vậy thì tại sao chúng ta
không tham khảo phương pháp của Philipin: Kiện Trung Quốc ra tòa
án quốc tế? Chúng ta tôn trọng họ, nhưng họ đâu có tôn trọng
chúng ta? Giờ đã là lúc không còn nhẫn nhịn được nữa rồi.
Trân trọng cảm ơn ông!
N.S.P.