22 mai 2014

Hình Tổ quốc giữa Paris lộng gió

Theo Tin Tức

Quảng trường Trocadéro rộng lớn nằm bên tháp Eiffel rực rỡ sắc đỏ. Gần 2.000 người con đất Việt đã tụ họp về đây vào ngày 16/5 vừa qua để cùng phất cao lá cờ đỏ sao vàng và cùng hát vang những bài ca cách mạng.

Khi những lời ca đầy cảm xúc có tính hiệu triệu như tiếng kèn xung trận của bài “Tiến quân ca” và “Hát mãi khúc quân hành” vang lên là cả rừng cờ và biểu ngữ được giương cao, tung bay trong gió làm liên tưởng đến những cơn sóng dội về từ Biển Đông. Một hình ảnh làm trào dâng cảm xúc.

Quốc kỳ Việt Nam đỏ rực trên quảng trường Trocadéro.

Ngay sau khi các hình ảnh và video về cuộc biểu tình lớn giữa Paris chống lại hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc được đưa lên mạng, những dòng bình luận rưng rưng xúc động được gửi dồn dập về các tòa soạn. Bạn đọc viết “Tự hào là người Việt Nam”, “Tổ quốc cần, chúng tôi có mặt”, “Hàng triệu trái tim đều hướng về Biển Đông”, “Tổ quốc thiêng liêng là đất mẹ yêu dấu. Cám ơn đồng bào và bạn bè quốc tế”, “Tôi đã khóc khi xem video này”…

Cuộc biểu tình đã thành công ngoài mong đợi. Số người tham gia đông gấp đôi cuộc biểu tình cách đây 3 năm khi Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh II. Học sinh, sinh viên, kiều bào tại Pháp gọi nhau í ới trên mạng. Họ đến từ Paris, các vùng phụ cận và cả từ các tỉnh xa. Họ gồm đủ các thế hệ, nói giọng của đủ các vùng miền. Tất cả họ tụ họp về đây vì hai tiếng thiêng liêng “Tổ quốc”. Rất đông các bạn bè Pháp đã đến để bày tỏ sự ủng hộ và tình đoàn kết với Việt Nam. Rất nhiều khách du lịch cũng đã dừng bước. Họ đến bên ban tổ chức xin một lá cờ nhỏ và một dải ruy băng bằng lụa có dòng chữ “Tôi yêu Việt Nam”, buộc lên trán rồi đến bên những người biểu tình chụp ảnh lưu niệm.

Hạt nhân lãnh đạo, những trí thức trẻ yêu nước

Cuộc biểu tình thu hút mọi tầng lớp người Việt Nam tại Pháp.

Ý tưởng tổ chức cuộc biểu tình nhằm thể hiện tinh thần yêu nước, kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế đối với cuộc đấu tranh vì chủ quyền của Việt Nam đến từ nhóm “Biển Đông tại Pháp”, một tổ chức tập hợp các trí thức trẻ mang trong mình nhiệt huyết, tinh thần yêu nước và lòng tự tôn dân tộc. Dù công tác và học tập trong những lĩnh vực khác nhau như kỹ sư, giảng viên đại học, nghiên cứu sinh…, nhưng ở họ có một điểm chung đó là tuổi trẻ, tri thức và tình yêu quê hương đất nước.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại cuộc biểu tình, tiến sĩ Lê Trung Tĩnh, một thành viên nòng cốt của nhóm Biển Đông tại Pháp cho biết: “Nhóm được thành lập vào năm 2011, sau cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh II, với mục đích tiến hành một cách lâu dài các hoạt động thiết thực nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Kể từ ngày được thành lập đến nay, nhóm đã phối hợp với một số Hội, đoàn tại Pháp để tiến hành các hội thảo về Biển Đông nhằm đưa ra các chứng cứ pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mời một số học giả trong nước sang nói chuyện về các tranh chấp ở trong khu vực và các hướng tiếp cận để giải quyết”.

Đầu năm 2014, nhóm Biển Đông tại Pháp phối hợp với một số tổ chức tập hợp các trí thức Việt Kiều trên toàn thế giới, đã gửi một lá thư tới Tổng thư ký Liên hợp quốc, trình bày lại sự việc Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa nhân kỷ niệm 40 năm sự kiện này (19/1/1974-19/1/2014) và đề nghị đưa vấn đề chủ quyền của Hoàng Sa ra Tòa án công lý quốc tế. Chỉ 9 ngày sau khi được đưa lên mạng, lá thư của nhóm Biển Đông tại Pháp đã nhận được 16.000 chữ ký ủng hộ của người Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Những ngày qua, khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, anh Lê Trung Tĩnh cũng đã tổ chức viết thư gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước bày tỏ mong muốn Nhà nước ta tiến hành cuộc đấu tranh pháp lý về vấn đề này. Chỉ trong vài ngày, lá thư đã nhận được hơn 3.000 chữ ký ủng hộ trên toàn thế giới.

Về mục đích của lá thư gửi ra quốc tế anh Lê Trung Tĩnh cho biết: “Với các tổ chức và báo chí quốc tế, chúng tôi lên tiếng với tư cách là một người Việt Nam, bảo vệ những giá trị của chủ quyền của Việt Nam, đồng thời cũng với tư cách là một công dân quốc tế, yêu công lý và yêu hòa bình, bảo vệ những giá trị và luật pháp quốc tế, đang bị Trung Quốc xâm phạm. Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn thể hiện Việt Nam là một dân tộc yêu hòa bình và yêu công lý, nhưng quyết không để một tấc đất, tấc biển nào lọt vào tay nước khác một cách phi lý như vậy”.

Còn về mục đích và ý nghĩa của lá thư gửi tới lãnh đạo Đảng và Nhà nước, anh nói: “Chúng tôi không định tạo tiếng vang. Chúng tôi chỉ muốn lãnh đạo Việt Nam biết được lòng dân, biết được những mong muốn của người dân muốn thấy giang sơn toàn vẹn và chúng tôi đề nghị một phương thức giải quyết tình hình hiện nay một cách công bằng và hiệu quả nhất bằng công pháp quốc tế”.

Tại cuộc biểu tình trên Quảng trường Trocadéro, chúng tôi cũng đã gặp các thành viên khác của nhóm Biển Đông tại Pháp, đó là phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Đức Khương, tiến sỹ Nguyễn Hoài Tưởng, và rất nhiều những người khác nữa mà chúng tôi không kịp nhớ tên. Trong những trao đổi vắn tắt, tất cả họ đều đưa ra thông điệp: “Trước hành động xâm lược của Trung Quốc, việc người Việt Nam ở bất kỳ nơi nào trên trái đất phản ứng là rất tự nhiên. Chúng ta cần có sự liên kết cộng đồng để tạo thành sức mạnh nhằm phản đối Trung Quốc và ngăn chặn những hành động tương tự tiếp diễn trong thời gian tới”.   
 
Đông đảo bạn bè quốc tế cũng tham gia.

Biểu tình yêu nước - Cuộc tập hợp thổi bùng hào khí dân tộc

Để cuộc biểu tình có được sức lan tỏa lớn như vậy thì từ những ý tưởng ban đầu của nhóm Biển Đông tại Pháp, một cuộc họp tập hợp các Hội, đoàn trong một tổ chức có tên là Collectif Việt Nam đã được triệu tập nhằm tiến hành các bước chuẩn bị. Ban tổ chức đã phải hoàn thành một lượng lớn công việc, từ ra lời kêu gọi và thông báo trên mạng nhằm giải thích rõ cách hành xử thô bạo, ngang ngược của Trung Quốc, những động thái leo thang, để cộng đồng có những thông tin chính thống, đến việc soạn các tuyên bố đọc tại buổi lễ, các thông điệp, tờ rơi để phát cho mọi du khách.

Ngoài ra, còn rất nhiều công việc khác như đăng ký với chính quyền, chuẩn bị cờ, biểu ngữ, khẩu hiệu... Tất cả phải được hoàn thành trong khoảng thời gian ngắn nhất và với mục tiêu là thu hút, tập hợp được đông đảo quần chúng nhất. Khối lượng công việc khổng lồ đó không thể thực hiện được nếu không có sự chung tay góp sức của hàng trăm thành viên của nhiều tổ chức và sự tham gia của hàng nghìn người, những người gặp gỡ nhau trong suy nghĩ cùng hướng về quê hương, đất nước.
 
Ngày hôm đó, trong không khí sôi động và tràn đầy hứng khởi, từ các cụ già đến các cháu bé, đông đảo những người tham gia đã hô vang trên quảng trường Trocadéro các khẩu hiệu bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp: “Yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan, ngừng các hành động xâm phạm đến chủ quyền của Việt Nam”, “Yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế”, “Việt Nam không muốn chiến tranh”, “Việt Nam yêu hòa bình”... Tại cuộc biểu tình, ban tổ chức đã đọc bức thư của các hội, đoàn Việt Nam tại Pháp gửi Đại sứ Trung Quốc tại Pháp phản đối nước này có hành động vi phạm chủ quyền Việt Nam.

Cuộc biểu tình chỉ diễn ra trong hơn 2 giờ, nhưng dư âm để lại vô cùng mạnh mẽ. Hình ảnh về rừng cờ đỏ trên nền trời xanh biếc trong một ngày Paris nắng vàng rực rỡ cùng với lời ca “Nối vòng tay lớn” đã thổi bùng ngọn lửa yêu nước trong mỗi người Việt Nam có mặt vào thời khắc đó. Cảm xúc đó nhanh chóng được lan truyền đến hàng triệu người dân Việt Nam khác thông qua các báo điện tử và mạng xã hội. Hiệu ứng của cuộc tập hợp là quá rõ ràng, nó cho thấy hồn dân tộc luôn khắc sâu trong tim mỗi người Việt Nam dù ở nơi nào trên trái đất.  

Vào những năm đầu của thế kỷ 20, cũng chính tại Paris và nước Pháp, Nguyễn Ái Quốc cùng rất nhiều chí sĩ yêu nước khác như Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường… đã đi tìm con đường giải phóng dân tộc. Hơn một thế kỷ sau, cũng tại đây, hàng nghìn những người con của Việt Nam đã tiếp bước các bậc tiền bối, tiếp tục đấu tranh cho chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Tinh thần yêu nước của những nhà cách mạng tiên phong đã được truyền lại cho lớp con cháu. Từ hào khí năm xưa đến cuộc biểu tình sôi động nhưng hòa bình vừa qua, rất nhiều trái tim đã được thắp lửa. Rất nhiều các bạn trẻ sẽ tự tin bước tiếp trong cuộc đấu tranh vì công lý, bằng nhiệt huyết tuổi trẻ và bằng vốn tri thức của mình. Họ chính là gạch nối giữa quá khứ và tương lai.


Bài và ảnh: Bích Hà