31 mai 2014

Đi tìm câu trả lời cho bài toán công nghệ Trung Quốc

Theo TBKTSG

Nguyễn Quang A
                  








Ngành xi măng của Việt Nam sử dụng chủ yếu là công nghệ Trung Quốc. Ảnh minh họa.
 
(TBKTSG) - Lựa chọn công nghệ phù hợp là vấn đề tối quan trọng không chỉ nhìn từ khía cạnh kinh doanh mà cả từ an ninh kinh tế quốc gia. Các chuyên gia đã cảnh báo rất nhiều về vấn đề công nghệ Trung Quốc trong đầu tư công và hạ tầng. Đáng tiếc là những cảnh báo này đã bị bỏ ngoài tai.

Với việc nhà cầm quyền Trung Quốc trắng trợn vi phạm chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế khi cắm đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, mới bàn về những hệ quả có thể của những vấn đề này, thì quả là “mất bò mới lo làm chuồng”. Dẫu muộn nhưng các nhà hoạch định chính sách cần tổ chức những nghiên cứu nghiêm túc, rút ra bài học và tìm mọi cách khắc phục và không để những vấn đề nhức nhối như thế tái diễn.
Hai mươi hai năm trước, khi cùng GS. Nguyễn Mại đến thăm một nhà máy của Kobe Steel ở Nhật, có 1.000 công nhân và công suất là 1 triệu tấn/năm, họ nói họ đang đàm phán với Nhà máy Gang thép Thái Nguyên để liên doanh. Khi đó công suất của Thái Nguyên khoảng 100.000 tấn/năm, số công nhân khoảng 10.000 người (tức là năng suất bằng 1% của nhà máy Nhật). Nay Gang thép Thái Nguyên đã được nâng cấp, năng suất lên 0,65 triệu tấn/năm với khoảng 9.000 nhân viên. Nhà máy này được xây dựng năm 1959 với sự giúp đỡ của Trung Quốc.
Hậu quả của việc dùng công nghệ Trung Quốc cần phải được nghiên cứu cẩn thận cho những kịch bản khác nhau và có những cách ứng phó phù hợp.
Còn có thể kể ra bao nhiêu thí dụ khác, từ Nhà máy Phân đạm Hà Bắc, đến hàng loạt nhà máy nhiệt điện, xi măng, bauxite Tân Rai, Nhân Cơ, đến cơ man nào là các dự án hạ tầng cầu, cảng, đường sắt trên cao đều do các nhà thầu EPC Trung Quốc thắng thầu và xây dựng với công nghệ của họ. Ngay cả dự án đường sắt cao tốc, khi bàn người ta đã mời nhiều đại biểu Quốc hội đi thăm đường sắt cao tốc Trung Quốc, trong khi lại nói về công nghệ Nhật, Pháp.
Nếu chủ đầu tư là các doanh nghiệp tư nhân thì họ phải tính toán kỹ và sai lầm về chọn công nghệ họ phải gánh chịu, có khi lụn bại, nhưng đáng tiếc các khoản đầu tư nêu trên phần lớn là của các doanh nghiệp nhà nước, không có động lực kinh doanh và tai họa, nếu có, thì cả dân tộc này phải gánh chịu.
Không đi sâu, nhưng có thể rút ra vài bài học.
Thứ nhất, các khoản đầu tư với công nghệ Trung Quốc thường là những quyết định chính trị hơn là quyết định kinh doanh và được áp từ trên xuống chứ không phải ở bản thân doanh nghiệp. Khoảng trên 20 năm trước, Nhà máy Phân đạm Hà Bắc khi đó đang có kế hoạch mở rộng tương tự như Nhà máy Gang thép Thái Nguyên. Ông Tổng giám đốc Phân đạm Hà Bắc bảo tôi có cho không ông cũng không nhận sự mở rộng dựa trên công nghệ Trung Quốc, chứ đừng nói đến phải trả tiền. Nhưng rồi, nhà máy này cũng đã được mở rộng hệt theo cách của Gang thép Thái Nguyên với công nghệ Trung Quốc.
Thứ hai, ngay cả với các nhà đầu tư nước ngoài cũng phải cẩn trọng. Những điều đáng tiếc xảy ra tại nhà máy thép của Formosa (Đài Loan) tại Vũng Áng cho thấy sự dính líu của tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) với nhiều ngàn công nhân của MCC làm việc, không rõ công nghệ có phải của MCC hay không và trong tương lai MCC có mua lại phần của Formosa hay không?
Chính sách môi trường của Việt Nam khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đưa công nghệ thấp vào Việt Nam để tránh thuế môi trường ở các nơi khác. Những thông tin về biệt khu Trung Quốc ở Hà Tĩnh mà chính quyền địa phương cũng không tiếp cận được ở một địa điểm hết sức nhạy cảm về mặt an ninh quốc gia là rất đáng lo ngại.
Các nhà máy điện theo công nghệ Trung Quốc, thậm chí nhiều khoản đầu tư hạ tầng viễn thông cũng vậy (dùng công nghệ của Huawei). Trường hợp xấu nhất chúng đồng loạt dừng hoạt động (không khó về mặt kỹ thuật) thì sao?
Hậu quả của việc dùng công nghệ Trung Quốc cần phải được nghiên cứu cẩn thận cho những kịch bản khác nhau và có những cách ứng phó phù hợp, đồng thời rút ra những bài học thỏa đáng.
Về lâu dài, cải tổ các doanh nghiệp một cách triệt để (tốt nhất là chuyển cho khu vực tư nhân) và khi đã thuộc tư nhân, các doanh nghiệp sẽ tự định đoạt với tính toán của riêng họ và Nhà nước chỉ phải lo những vấn đề lớn về chính sách công nghệ (khuyến khích các loại công nghệ nào, cấm loại nào) hay chính sách môi trường hay an ninh kinh tế mà thôi.