Theo Tuổi trẻ
TTO - Tuổi Trẻ Online xin giới
thiệu nội dung phỏng vấn thạc sĩ Hoàng Việt - một nhà nghiên cứu lâu năm
về biển Đông - để bạn đọc hiểu rõ các vấn đề về công thư của cố Thủ
tướng Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Chu Ân Lai ngày 14-9-1958.
Bởi vì theo các quy định trong Hiệp định Geneve năm
1954 thì lúc này trên lãnh thổ Việt Nam tồn tại song song hai quốc gia,
từ vĩ tuyến 17 trở ra phía Bắc là VNDCCH, còn từ vĩ tuyến 17 trở vào
phía Nam là lãnh thổ thuộc VNCH. Hoàng Sa, Trường Sa đều nằm ở phía Nam
của vĩ tuyến 17, vì thế về mặt pháp lý cũng như trong thực tế, hai quần
đảo này là đối tượng quản lý của VNCH, và vì thế, những tuyên bố của
phía VNDCCH đối với Hoàng Sa, Trường Sa vào thời điểm này là không có
giá trị pháp lý.
Thứ hai, phía Trung Quốc thường đưa ra lập luận là vì
Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa, Trường
Sa và nay Việt Nam khước từ không công nhận điều đó thì Việt Nam đã vi
phạm nguyên tắc estopel trong luật quốc tế.
Về vấn đề này thì trước hết phải xem xét tính chất pháp
lý của việc công nhận xem nó có đáp ứng đầy đủ các yếu tố của một công
nhận chính thức của một quốc gia liên quan đến một lãnh thổ hay không.
Và như đã phân tích ở trên, công thư do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký này
không cấu thành đầy đủ cho một sự công nhận chính thức của quốc gia về
yêu sách lãnh thổ, cho nên nếu đã không có sự thừa nhận thì làm gì mà vi
phạm estopel.
Và tiếp theo, estopel là một nguyên tắc bắt đầu từ
trong nội luật của nước Anh, sau này được phát triển và công nhận trong
luật quốc tế liên quan đến lãnh thổ. Tuy nhiên, hiểu về estopel là một
điều phức tạp, nó không đơn thuần như các suy luận thông thường là một
quốc gia cứ phát biểu một điều gì là bị ràng buộc bởi estopel. Nói đơn
giản là có những lời hứa cho gì đó của một ai đó, thì người đưa ra lời
hứa đó sẽ bị ràng buộc về mặt pháp lý, tuy nhiên, không phải lời hứa nào
cũng bị ràng buộc pháp lý như vậy.
Estopel cũng được hiểu tương tự như vậy, tức là tuyên
bố về một lãnh thổ sẽ bị ràng buộc bởi estopel. Nhưng như TS Từ Đặng
Minh Thu đã phân tích: Phải đáp ứng được các điều kiện sau thì mới hình
thành một estopel:
-
Lời tuyên bố hoặc hành động phải do một người hoặc cơ quan đại diện cho quốc gia phát biểu, và phải được phát biểu một cách rõ ràng, công khai.
-
Quốc gia nại “estopel” phải chứng minh rằng mình đã dựa trên những lời tuyên bố hoặc hoạt động của quốc gia kia mà có những hoạt động nào đó, hoặc không hoạt động. Yếu tố này trong luật quốc nội Anh - Mỹ gọi là “reliance”.
-
Quốc gia nại “estopel” cũng phải chứng minh rằng vì dựa vào lời tuyên bố của quốc gia kia, mình đã bị thiệt hại, hoặc quốc gia kia đã hưởng lợi khi phát biểu lời tuyên bố đó.
-
Nhiều bản án còn đòi hỏi lời tuyên bố hoặc hoạt động phải được phát biểu một cách liên tục và trường kỳ.
Như vậy, xem xét các điều kiện trên, ta thấy công thư
của Thủ tướng Phạm Văn Đồng khó mà đáp ứng được các yêu cầu để trở thành
một estopel. Vì thế nó chỉ nên được coi như một lời hứa vô thưởng vô
phạt mà thôi.
* Xin cảm ơn ông.
HƯƠNG GIANG thực hiện
Công thư 1958 không hề đề cập vấn đề chủ quyền lãnh thổ
Trong cuộc họp báo quốc tế chiều 23-5, ông Trần Duy
Hải - phó chủ nhiệm UB Biên giới quốc gia - đã lên tiếng về công thư năm
1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Cụ thể, ông Hải nói: “Công thư của cố Thủ tướng Phạm
Văn Đồng là văn bản ngoại giao, nó có giá trị pháp lý về những vấn đề
được nêu trong nội dung, đó là Việt Nam tôn trọng 12 hải lý mà Trung
Quốc tuyên bố. Công thư không đề cập chủ quyền lãnh thổ, vấn đề Hoàng
Sa, Trường Sa nên đương nhiên nó không có giá trị pháp lý trong vấn đề
chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa. Thứ hai, giá trị công thư cũng phải đặt
trong bối cảnh cụ thể. Công thư gửi cho Trung Quốc trong bối cảnh Hoàng
Sa, Trường Sa đang thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa theo Hiệp
định Genève 1954 mà Trung Quốc có tham gia. Do đó, tôi xin nói logic
thông thường là bạn không thể cho người khác cái gì khi bạn chưa có được
(cái đó)”.
|
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên viện trưởng Viện Chiến lược - Bộ Công an:
“Công thư không thể có giá trị pháp lý bằng Hiệp định Geneve”
Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng thật ra là một
bức công điện. Mục đích của nó không liên quan đến việc xác định chủ
quyền. Nên nhớ vào năm 1958, tiềm lực quốc phòng của Mỹ ở thế áp đảo,
gấp 10 lần tiềm lực quốc phòng của Trung Quốc. Tàu chiến của Mỹ suốt
ngày hành trình ở bờ biển Phúc Kiến (Đài Loan), thậm chí chĩa pháo vào
Trung Quốc. Khi Mỹ ép buộc Trung Quốc thì Việt Nam khi đó là đồng minh
của Trung Quốc. Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng do đó chuyển tải
thông điệp là 25 triệu người Việt Nam đứng bên cạnh 650 triệu người
Trung Quốc. Đó là tinh thần thực chất.
Thứ hai, điều 4 Hiệp định Geneve 1954 quy định Việt Nam
Cộng hòa quản lý vùng biển đảo phía nam vĩ tuyến 17, tức bao gồm hai
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là văn bản pháp lý quan trọng nhất
và duy nhất trong thế kỷ 20 khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt
Nam. Phải đặt một công thư bên cạnh một hiệp định quốc tế thì chúng ta
sẽ thấy rõ hiệu lực pháp lý của chúng thế nào. Có thể so sánh thế này:
công thư tương đương như một văn bản cấp xã, Hiệp định Geneve thì như
một văn bản của Thủ tướng chính phủ. Điều đó có nghĩa là chỉ có Hiệp
định Geneve mới có thể phủ định công thư. Do vậy, giá trị pháp lý của
công thư ở mức rất thấp so với Hiệp định Geneve.
H.GIANG ghi
|