Theo Thanh Niên
(TNO) Thảo luận tại tổ sáng nay
23.5 về tình hình kinh tế xã hội, nhiều đại biểu bức xúc về hành vi của
Trung Quốc khi lên kế hoạch, âm mưu cưỡng chiếm biển Đông.
Đại biểu Phạm Văn Cường phát biểu tại thảo luận tổ sáng 23.5 - Ảnh: Anh Vũ |
Với vị trí của một tỉnh vùng biên, ĐB Cường cho biết dù yên tâm với động thái của Đảng, Nhà nước nhưng các cử tri cũng khá lo lắng. Vừa qua phía Trung Quốc có nhiều động thái hoạt động quân sự, dân sự sôi động hơn ở vùng biên khiến người dân không biết thực hư, lo ngại.
Vẫn theo ĐB Cường, ngày hôm kia Trung Quốc đã ép người dân khi nhập cảnh trở lại Việt Nam phải ký vào bản đồ thừa nhận Hoàng sa của Trung Quốc mới cho qua. Dẫn lại bài học từ 1979, ĐB Cường đề xuất phải chuẩn bị mọi phương án, tình huống xấu nhất, không thể bị động, bất ngờ. “Thế mới khó các đồng chí, Trung Quốc thâm nho tới mức độ cực kỳ. Cố tình làm mất uy tín của dân tộc và sỉ nhục mình mới cho về", ĐB Cường bức xúc.
Về vụ phá hoại ở Bình Dương, Hà Tĩnh… ĐB Trần Quang Chiều (Nam Định) cho rằng, công tác nắm bắt tình hình trật tự, an ninh ở mức rất thấp. Lực lượng phá hoại nằm ngay trong thành phố mà không biết. “Chúng ở ngay cùng mình nên không thể đổ trách nhiệm, phải nhận về mình rằng công tác nắm bắt tư tưởng trong người dân, công nhân chưa tốt khiến tình hình vỡ ụp ra trong 1-2 ngày”, ĐB Chiều bày tỏ.
Cơ hội tốt để thoát khỏi lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu Trung Quốc
Liên quan đến kinh tế, tại tổ TP.HCM, Phó trưởng đoàn ĐBQH, ông Trần Du Lịch cho rằng sự kiện biển Đông đã cho Việt Nam cơ hội nhanh chóng thoát khỏi sự lệ thuộc về nguồn nguyên liệu vật tư từ Trung Quốc, tiến tới gia nhập TTP mà qua đó Nhà nước phải có chính sách giúp đỡ doanh nghiệp về nguồn nguyên liệu.
ĐB này đề nghị dành nguồn lực giải quyết bài toán về nông nghiệp một cách tổng thể căn cơ. "Đối với ngư nghiệp, tôi đề nghị tập trung đóng tàu cho ngư dân. Bây giờ các cơ sở của Vinashin không có việc làm, tại sao không huy động vào để đóng các tàu sắt loại 400-500 mã lực, hình thành những đội tàu có bàn tay Nhà nước. Không nên đưa tiền cho ngư dân đóng tàu mà Nhà nước đứng ra làm rồi cho ngư dân thuê lại với giá ưu đãi, đây là cơ hội để giải quyết bài toán về ngư nghiệp”, ĐB nói.
Đồng tình với các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” trong tình hình mới, ĐB Đỗ Văn Đương đề nghị Quốc hội phải tính toán đến những tình huống xấu để cân đối ngân sách cho quốc phòng, tăng cường tiềm lực bảo vệ chủ quyền biển đảo.
“Phải xem lại việc phân bổ ngân sách trong năm 2013 đối với các công trình dự án năm 2014 và 2015. Tôi thấy dự án nạo vét sông Hậu mà chi tới trên 5000 tỉ, có cần thiết ngay không, hay là cần thiết chuyển sang đóng tàu cho ngư dân thuê, thậm chí mượn tàu để cùng lực lượng của ta trấn giữ biển Đông”, ĐB Đương nói.
Anh Vũ - Thái Sơn