(TNO) Trong ngày xét xử 26.5, bị cáo Nguyễn Đức Kiên liên tục nhận và gỡ tội cho đồng phạm, những người từng là cấp dưới của mình.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã nhận hết trách nhiệm, tội về mình trong việc chuyển nhượng 20 triệu cổ phiếu cho Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát, đồng thời xin tòa miễn tội cho hai bị cáo Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến.
Trước đó, phía đại diện Công ty kiểm toán PwC đã được HĐXX triệu tập để làm rõ việc kiểm toán Công ty TNHH Chứng khoán ACBS trong năm 2010. Đại diện PwC trả lời: “Trong quá trình rà soát, chúng tôi phát hiện, ACBS có ký một hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH Đầu tư Tài chính Á Châu Hà Nội (ACI) nhưng không phát hiện vấn đề gì trong hợp đồng này.
Nguyễn Đức Kiên - Ảnh: Hà An
Tuy nhiên, chúng tôi thấy có một khoản tiền đã được tạm ứng cho ACI trong quá trình hợp tác. Khi chúng tôi có hỏi các khoản tạm ứng đó đã được đầu tư như thế nào, thì ACBS cung cấp một bản liệt kê chi tiết các khoản đầu tư của ACI. Bản thống kê cho thấy, ACBS đã đầu tư vào nhiều cổ phiếu ngân hàng trong đó có ACB”.
Vẫn theo vị đại diện của Công ty kiểm toán PwC, ngay sau đó phía PwC đã trao đổi với Lý Xuân Hải và Hải tỏ ra ngạc nhiên và tức giận khi biết thông tin này. Cũng tại thời điểm này phía PwC chưa biết giao dịch đã được thực hiện chưa và cần xem xét tính phù hợp của giao dịch đó.
Hải Yến - Ảnh: Hà An
Tuy nhiên sau khi Lý Xuân Hải trao đổi lại với cấp dưới, thì PwC đã nhận bản danh mục đầu tư trong đó không có việc mua cổ phiếu của ACB nữa. Trước thực tế này, PwC đã khuyên khách hàng tìm hiểu xem khoản đầu tư đó có xảy ra hay không để đánh giá tính hợp pháp, nhưng đã không nhận được câu trả lời.
Trong khi đó, khi được các luật sư hỏi về tội lừa đảo Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát số tiền mua 20 triệu cổ phiếu, bị cáo Kiên khẳng định: "Cho đến khi bị bắt, tôi đã thực hiện thỏa thuận của tôi với anh Long Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát. Thực tế là thỏa thuận cung ứng dịch vụ theo điều 74 luật thương mại gồm các nội dung:
Hợp đồng chuyển nhượng cổ phiếu của bất động sản Hòa phát do ACI đang nắm giữ cho Thép Hòa Phát. Tôi trực tiếp đem 264 tỉ đồng này làm hợp đồng hoán đổi cổ phiếu và thông qua em gái tôi Nguyễn Thúy Hương mua cổ phiếu. Tôi khẳng định, anh Trần Ngọc Thanh, chị Nguyễn Thị Hải Yến không có bất kỳ hành vi gian dối nào trong việc này. Trong quá trình ký và thực hiện hợp đồng sai phạm xuất phát từ các lãnh đạo của Hòa Phát mang tính chất thuần túy nghiệp vụ kinh tế, không phải lừa đảo".
Trần Ngọc Thanh - Ảnh: Hà An
“Anh Trần Ngọc Thanh, chị Nguyễn Thị Hải Yến có lỗi khi thực hiện chỉ thị của tôi. Tôi nhận mọi trách nhiệm để Hòa Phát không chịu thiệt hại nào và anh Trần Ngọc Thanh, chị Nguyễn Thị Hải Yến không phải chịu trách nhiệm hình sự", Nguyễn Đức Kiên trả lời luật sư.
Cũng trong buổi chiều cùng ngày, khi trả lời những câu hỏi của luật sư, bị cáo Nguyễn Đức Kiên cũng đã khẳng định bị cáo Huỳnh Quang Tuấn không liên quan gì đến quyết định của Hội đồng quản trị ACB. Bị cáo Kiên cho biết trong tất cả ý kiến và bản cung của mình đều khẳng định bị cáo Huỳnh Quang Tuấn không tham gia và không liên quan đến các quyết định của Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB. Các cáo buộc đối với Huỳnh Quang Tuấn là không đúng.
Huỳnh Quang Tuấn - Ảnh: Hà An
Theo cáo trạng: Huỳnh Quang Tuấn là thành viên HĐQT Ngân hàng ACB, Phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB, được tham gia cuộc họp của thường trực HĐQT và đồng tình với chủ trương ủy thác cho 19 nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng, dẫn tới việc bị Huỳnh Thị Huỳnh Như chiếm đoạt số tiền hơn 718 tỉ đồng. Cũng theo cáo trạng, Huỳnh Quang Tuấn bị đưa ra xét xử về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Hà An – Hoàng Tuấn