Lý Kiến Trúc: Xin được trở lại với ông Mai Thái Lĩnh. Thưa ông, năm xưa
ông đã thoát ly môi trường đang sống để đi theo cộng sản, bây giờ ông lại từ bỏ
Đảng Cộng sản. Trải qua một quá trình lâu dài và qua nhiều chế độ như vậy, ông
nhận định thế nào về con đường chính trị của Việt Nam hiện nay cũng như con
đường của Đảng Cộng sản sắp tới?
Mai Thái Lĩnh:
Tôi hình dung quá trình đổi mới của Việt Nam là như thế này: Năm 86 có thể coi
là thời điểm Đảng Cộng sản đổi mới, nhưng đáng tiếc là ở Việt Nam cuộc đổi mới
đó - như rất nhiều người, kể cả một số đảng viên cao cấp, đã nói - chỉ là đổi
mới một hướng, là đổi mới kinh tế chứ không đổi mới về chính trị và tư tưởng.
Cái hạn chế lớn là đến khoảng năm 89-90, khi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đi
sang một số nước xã hội chủ nghĩa thấy hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ thì ông
ấy lo sợ và cố tìm cách bảo vệ cái đảng này. Cho nên công cuộc đổi mới bị khựng
lại từ đó. Sự đổi mới này là đổi mới chỉ có một chân, và cái chân quan trọng là
chính trị như tôi đã phân tích trong một số tác phẩm, thì lại không đổi mới.
Như
tôi đã nói, tôi học chủ nghĩa Marx qua hai cách khác nhau. Trước năm 1975 tôi
có học triết học Đông phương, triết học Tây phương, trong đó có cả Marx. Sau
năm 75 tôi lại được học Marx-Lenin ngay trong Trường Đảng. Từ hai cách học khác
nhau đó tôi thấy được cái gốc của vấn đề. Đối với một đảng cộng sản, cái quan
trọng hàng đầu mà người ta cứ nói nhập tâm: chỉ có hai vấn đề, một là chính trị
tư tưởng, hai là tổ chức. Nhiều người, kể cả các học giả Tây phương, khi nghiên
cứu về chủ nghĩa Marx hay chủ nghĩa cộng sản họ không hiểu điều này. Đối
với người cộng sản thì sức mạnh của họ
là do cái đầu. Khi họ nhồi tất cả cái đầu đi về một hướng thì tất cả tạo thành
một sức mạnh, cho nên họ rất sợ cái chất keo này nó rã ra. Về mặt chính trị tư
tưởng và tổ chức, họ lo sợ mất quyền nên không thay đổi. Tôi nghĩ đó là một điều
đáng tiếc cho Việt Nam. Khi mấy anh em ở Đà Lạt chúng tôi phát hiện ra điều này
thì đã xảy ra một cuộc va chạm. Một số vị trong Đảng thực sự có ý thức đối với
dân tộc và có suy nghĩ độc lập thì từ từ họ hưởng ứng chúng tôi, nhưng ngược
lại về phía ban lãnh đạo thì họ rất khó chịu.
Về
con đường của Việt Nam hiện nay, vấn đề thì đã được đặt ra rồi, nhưng đổi mới
theo cách nào vẫn đang còn là khó khăn rất lớn. Hiện nay người ta giả định rằng
trong Đảng có hai xu hướng khác nhau, tạm gọi như thế, một được coi là tiến
bộ-cấp tiến, một bị coi là bảo thủ-giáo điều. Nhưng cái khó nhất ở đây là trong
nội bộ Đảng, cái gì cũng bị bưng bít. Những người bảo thủ-giáo điều không cần
sợ gì cả vì họ đi theo con đường mòn, họ không bao giờ phải chịu trách nhiệm;
lỡ có gì thì họ chỉ bị kiểm điểm sơ sơ rồi cũng hạ cánh an toàn thôi. Còn nếu
anh có tư tưởng đổi mới, tiến bộ mà để lộ ra là anh bị gạt ra ngoài liền. Cho
nên chúng ta không thể phân biệt được trong Đảng ai là thật sự đổi mới, ai
không thật sự đổi mới. Chúng tôi chỉ xác nhận những người sau đây là thực sự
đổi mới: chẳng hạn như ông Nguyễn Hộ hay ông Trần Độ; đó là những người có
quyết tâm đổi mới, còn đối với những người khác chúng tôi thấy rất lờ mờ, không
rõ ràng. Đó là điều rất khó cho người ở bên ngoài Đảng.
Vừa
rồi có một cuộc gặp gỡ trao đổi giữa một số anh em ở đây với một số anh em ở
Sài Gòn (trong phong trào học sinh, sinh viên cũ của Sài Gòn). Có hai vấn đề
được đặt ra. Một là: ở trong Đảng có một bộ phận tiến bộ-đổi mới hay không? Chúng
tôi nghĩ là có, nhưng sức mạnh được bao nhiêu, khả năng chuyển đổi bao nhiêu
thì chúng tôi không rõ. Hai là: mối quan hệ giữa “bên trong” (đấu tranh trong
nội bộ Đảng) và “bên ngoài” (cuộc đấu tranh ngoài xã hội). Bên nào là quan
trọng hơn? Đối với vấn đề này thì giữa chúng tôi không có sự thống nhất. Một số
anh em cho rằng “bên trong” quan trọng hơn, nhưng anh Hà Sĩ Phu, tôi và cả một
số anh em khác nữa thì quan niệm “bên ngoài” mới là quan trọng. Phong trào đấu
tranh ôn hòa bên ngoài phải mạnh thì mới tạo điều kiện cho cánh tiến bộ trong
Đảng phát triển lên, chứ chỉ trông chờ vào bản thân Đảng Cộng sản thì… Cho đến
cái tuổi này (tôi đã gần 70 rồi, còn anh Hà Sĩ Phu thì đã qua cái tuổi ấy), khi
nhìn vào quá trình phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng tôi cảm thấy đừng
hoài công vô ích chờ đợi sự đổi mới từ bên trong. Vì Đảng Cộng sản Việt Nam ra
đời khác với các đảng cộng sản ở Đông Âu. Ở Đông Âu, do áp lực của Liên Xô nên
họ mới bị áp đặt chế độ cộng sản. Hơn nữa, ở các nước đó trước kia đã có một
nhánh gọi là đảng dân chủ-xã hội, sau Chiến tranh Thế giới thứ hai thì các đảng
cộng sản Đông Âu buộc các đảng dân chủ-xã hội phải nhập vào đảng của họ, anh
nào không chịu nhập thì họ đuổi đi hoặc tìm cách đàn áp, cho nên dù sao thì
trong lòng các đảng cộng sản Đông Âu vẫn có sẵn một cái mầm dân chủ-xã hội cũ.
Có nghĩa là yếu tố đổi mới của họ vẫn có trong lòng, cho nên chúng ta mới thấy
sự kiện 1956 của Hungary, sự kiện 1968 của Tiệp Khắc, chứ Việt Nam làm gì có?
Việt Nam mới mon men đến “Nhân văn-Giai phẩm” là bị dập rồi, mà mức độ đổi mới
lúc đó còn rất thấp. Cho nên tôi nghĩ đừng hi vọng Đảng Cộng sản Trung Quốc và
Việt Nam “tự đổi mới”.
Cách
làm việc, thói quen của một đảng cộng sản cũng không có gì là rõ ràng. Cho nên
đối với những ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chúng tôi cũng chưa dám
khẳng định là đến mức nào, và có thực tâm hay không. Còn cần phải có thời gian,
phải chờ thực tế chúng ta mới thấy rõ. Tôi nhớ đã đọc được trên một tờ báo Liên
Xô bằng tiếng Pháp thời kỳ đối mới, ông Thủ tướng cộng sản cuối cùng của Ba Lan
có nói một câu đại ý: đừng nói cái này
là do tôi, tôi là Thủ tướng nhưng tôi chỉ làm những gì mà Bộ Chính trị quyết,
chứ tôi có quyền gì đâu! Trong lúc dầu sôi lửa bỏng như thế ông Thủ
tướng ấy mới nói được, chứ trong tình hình Việt Nam tôi nghĩ ông Nguyễn Tấn
Dũng chưa chắc dám nói hết những gì mình muốn nói. Chúng tôi không chủ trương
ủng hộ riêng một cá nhân nào, nhưng chúng tôi cũng không tuyệt đối từ chối bất
cứ cá nhân nào. Bởi vì bất cứ người cộng sản nào, kể cả những người được đánh
giá là bảo thủ, nếu có những hành động thực tiễn, những quan điểm đúng đắn, làm
được việc tốt thì chúng ta cũng hoan nghênh.
Trong
thông điệp đầu năm,
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có nói về vấn đề đổi mới, nhưng tôi chưa thấy rõ là
“đổi mới thể chế kinh tế” hay “đổi mới về chính trị”. Có thể là vì ở cương vị
của ổng, ổng không dám nói hết. Mà hiện nay có một đề tài sắp tới tôi sẽ viết thêm một số bài để làm rõ
hơn: cánh tả có hai quan niệm đổi mới khác nhau. Quan niệm thứ nhất được gọi là
dân chủ-xã hội (social democracy), quan niệm thứ hai là chủ nghĩa xã hội dân
chủ (democratic socialism). Trước đây hai quan niệm này giống nhau nhưng khoảng
từ đầu thập niên 80 đến nay bắt đầu tách hẳn. Quan niệm dân chủ-xã hội ngày nay
không nói gì tới chủ nghĩa xã hội nữa, mà người ta khẳng định chắc chắn rằng
nền kinh tế vẫn phải là kinh tế thị trường, với chủ nghĩa tư bản, chứ cũng chưa
ai tìm ra cái gì thay thế nó. Vậy chỉ còn cách dùng hệ thống chính trị để điều
chỉnh thế nào cho có được sự công bằng trong xã hội, phân phối một cách công
bằng, phát triển một cách đúng hướng, hạn chế những tác hại của kinh tế thị
trường, chứ nếu thả nó ra thì sẽ xảy ra chuyện này chuyện kia, chứ họ không còn
nói gì tới một thứ chủ nghĩa xã hội nào để thay thế chủ nghĩa tư bản cả. Ngược
lại, phái được gọi là chủ nghĩa xã hội dân chủ thì họ vẫn cho rằng phải xây
dựng chủ nghĩa xã hội để thay chủ nghĩa tư bản, và chỉ khác nhau ở chỗ dùng
phương pháp dân chủ. Như vậy là có sự khác nhau: một bên coi dân chủ chỉ là
phương pháp, một bên lại coi dân chủ là nguyên tắc. Tôi xin nêu ví dụ: tại Đức,
Đảng Dân chủ-Xã hội lâu đời SPD hiện nay trở thành một đảng trung tả (center-left),
tức là nếu nhích thêm một tí nữa họ sẽ giống với Đảng Dân chủ Mỹ. Tôi cứ hình
dung: nếu họ ngả thêm tí nữa sang phía hữu, rồi Đảng Dân chủ Mỹ ngả sang phía
tả thêm tí nữa thì hai anh sẽ giống nhau, nghĩa là Châu Âu và Hoa Kỳ gần giống
nhau. Ngược lại, đảng được gọi là Đảng Cánh tả (The Left), tức là đảng của ông
Gysi vừa rồi phát biểu có phần nào bênh vực ông Putin, lại chính là hậu duệ của
Đảng Cộng sản Đông Đức trước đây, cộng với một bộ phận của Đảng SPD do không
bằng lòng với đảng cũ mà tách ra. Chính đảng này (Đảng Cánh tả) thể hiện một
cách đổi mới mà người ta gọi là Chủ nghĩa Xã hội Dân chủ chứ không phải là Dân
chủ-Xã hội. Dân chủ-Xã hội ngày nay không còn quan niệm như xưa nữa. Thành ra
đọc thông điệp đầu năm của Thủ tướng tôi có cảm giác như vẫn còn nằm trong xu
hướng Chủ nghĩa Xã hội Dân chủ, cho nên tôi cũng chưa biết là đổi mới chính trị
thì đổi đến mức nào. Do đó tôi chưa dám khẳng định. Nhưng cũng xin nói thêm
rằng: nếu đổi mới được theo hướng như thế thì dù sao cũng là một bước đáng hoan
nghênh, tuy thật ra thì cũng chỉ là “đi được nửa con đường” mà thôi.
Lý Kiến Trúc: Tiếp tục đề tài này, xin hỏi ý kiến ông Hà Sĩ Phu, ông nghĩ
thế nào về quan điểm đổi mới của ông Nguyễn Tấn Dũng hiện nay?
Hà
Sĩ Phu: Trước hết tôi đề cập vấn đề giữa lời nói và con người
thật, con người phát ngôn. Hiện nay thế
nào là đúng, thế nào là chân lý thì con đường của toàn nhân loại đã quá rõ. Thứ
hai là con đường của Việt Nam phải trở thành cái gì cũng rất rõ. Tóm lại cái
chân lý để nói cho đúng khách quan thì rất rõ rồi, những người cộng sản có nói
những lời hay nhất thì cũng chỉ mới là nói một phần của chân lý thôi, chưa phải
đã nói đến tận cùng chân lý. Nhưng những câu nói có chút tốt đẹp đó cũng rất
đáng hoan nghênh, bởi vì trong cái hệ thống này trước đây người ta toàn nói ngược
với chân lý, nói ngược với tiến hóa. Bây giờ dám nói thế thì cũng đáng hoan
nghênh quá rồi, nhưng cái điều quan trọng là phải phân biệt lời nói của con người
ấy với thực chất con người ấy.
Ví dụ rất nhiều người
trong cuộc đấu tranh dân chủ hiện nay cứ phải trích lời cụ Hồ. Cụ Hồ cũng có
nhiều câu nói được lắm chứ, ví dụ như câu "nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ". Câu
nói ấy quá mạnh, câu nói ấy nghe được quá, nhưng mà con người thì sao? Nói thế
nhưng cả đời ông Hồ chưa bao giờ tạo điều kiện để thực hiện điều ấy. Để thực hiện
điều ấy, để đuổi được chính phủ thì phải có luật, phải có tổ chức. Nhưng “cụ”
không bao giờ tạo ra những điều kiện đó!
Tóm lại phải soi điều ấy
vào những câu nói tốt đẹp, ví dụ lời nói của ông Nguyễn Văn An, lời nói của ông
Nguyễn Tấn Dũng vừa rồi, rất đáng hoan nghênh, nếu làm được đúng như nói thì tốt
quá. Nhưng tôi cũng nghĩ như anh Lĩnh, xã hội hiện nay bị bưng bít, chẳng những
là bưng bít với nhân dân mà ngay trong Đảng với nhau nữa, họ cũng trói buộc
nhau ghê lắm. Đã ở trong Đảng là phải theo kỷ luật Đảng, đâu có thể khác được,
vì thế cho nên giữa lời nói với thực tế còn một khoảng cách rất xa. Cho nên khi
ta ủng hộ thì phải nhớ đến điều này: tôi ủng hộ câu đó, câu đó là một phần của chân
lý đấy, nhưng tôi không ủng hộ con người đó đâu nhé. Anh nói câu đó nhưng phải
xem anh có phấn đấu tạo điều kiện để làm cái đó hay không, khả năng ấy tôi còn để
ngỏ. Ta khen những câu của ông Nguyễn Văn An trước đây, khen những cái lời phát
biểu đầu xuân vừa rồi của ông Nguyễn Tấn Dũng. Khen là rất đúng, nói những câu
đó là rất đáng mừng, nhưng không được dừng ở đấy mà phải nói luôn rằng, cái đó
nếu mà chỉ nói cho vừa lòng dân thôi thì là nói xạo. Đáng lẽ câu đó nâng con
người anh lên, nhưng nếu chứng minh được rằng anh lại không làm như thế, hoặc
làm ngược lại, thì chính câu nói đó sẽ làm giảm lòng tin đối với anh thôi, chứ
không phải cứ có một câu nói hay đã là tốt đâu. Câu nói hay mà làm theo đó thì
nó nâng uy tín của anh lên thật sự, thậm chí uy tín có thể đến mức độ lật đổ được
phía đối lập bảo thủ, nhưng nếu không thực hiện thì tác dụng lại dội ngược,
nghĩa là anh tạo ra một cái bài PR cho mình, tạo ra một cái hy vọng nhất thời,
nhưng rồi lại tịt, rồi lại làm một phi vụ khác, một cú “nổ” khác, tạo một hy vọng
khác!
Nếu lặp lại cái đó hai,
ba lần thì những lời hay đó sẽ mất tác dụng. Tôi sợ rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng đã lặp lại cái bài đó hai, ba lần rồi. Một lần ông ấy nói rằng phải có luật
để cho nhân dân được biểu tình, cho nên trí thức Hà Nội đã biểu tình ủng hộ Thủ
tướng, nhưng chính cuộc biểu tình đó lại bị đàn áp luôn! Lần thứ hai là về bảo
vệ đất nước bảo vệ biển đảo, ông ấy nói rằng trước đây Miền Nam đã có công giữ
biển đảo thì ta cũng phải kỷ niệm cũng phải ca ngợi, nhưng cuối cùng cũng không
thực hiện được. Thế là lần thứ hai một câu nói rất hay bị hỏng. Lần thứ ba này
có vẻ mạnh mẽ hơn, có lẽ vì đã có một lực lượng nào đấy đứng đằng sau ủng hộ. Chúng
tôi cũng hoan nghênh, nhưng có hoan nghênh được nhân vật ấy hay không thì còn
phải chờ.
Lý Kiến Trúc: Một người cũng rất có uy tín, được biết từ trong nước tới
hải ngoại, là giáo sư Tương Lai, đã có một bài viết khen ngợi thông điệp đó của Thủ tướng. Sau đó lại có một loạt bài phản biện, có vẻ như đả kích
giáo sư Tương Lai. Ông có nghĩ là tính dân chủ đa nguyên đã từ từ nảy mầm ở
Việt Nam như vậy không?
Hà
Sĩ Phu: Những tích lũy về lượng từ nhiều năm nay đã khiến
cho năm 2014 này thành thời điểm có những biến đổi nhiều hơn về chất, nhà cầm
quyền tức là Đảng Cộng sản cũng thấy là không thể cai trị theo kiểu cũ nữa, cho
nên chính trong họ cũng phải xuất hiện nhiều kiểu nói, nhiều cách ứng xử. Nhưng tôi phải nói ngay là mở ra ở mặt này
thì đóng lại ở mặt khác. Ví dụ việc thả ông Cù Huy Hà Vũ, ông Đinh Đăng Định, ông
Nguyễn Tiến Trung..., nhiều người cho rằng đấy là biểu hiện của sự cởi mở,
nhưng đừng nhầm. Đó là ngôn ngữ để nói với Hoa Kỳ, đó là cái quân bài để trao đổi
hàng hóa đối lưu với Hoa Kỳ, chứ bên cạnh việc đó Đảng Cộng Sản luôn luôn nói lại
với dân, rằng đừng tưởng bỏ, đừng tưởng tôi thả như thế là trong nước cứ làm bậy
đâu! Chính lúc đó thì lại có những cú bắt người, đánh người và có người chết
trong đồn công an nữa chứ. Tôi đang được yên tĩnh một hai năm nay thì chính lúc
đó bỗng nhiên bị gọi lên "làm việc lại", và tôi phải ra thông cáo là
tôi cương quyết không "làm việc lại". Rồi ông Phạm Đình Trọng cũng bị
bắt "làm việc lại", gần đây là ông Phạm Bá Hải… Người ta làm thế ở
đây để nói với Hoa Kỳ: anh đòi thả thì tôi thả nhưng anh đừng tưởng bở, tôi
chưa có gì thay đổi đâu.
Thời gian này tình hình
rất phức tạp, cái biểu hiện bên ngoài với cái thực chất bên trong có khi không
phải là một. Phía chính quyền, có khi họ nói rất hay nhưng trong bụng chưa thay
đổi gì cả, đấy là một kiểu. Kiểu thứ hai là có người ở phía dân chủ muốn thay đổi
rất nhiều nhưng lại phải chọn cách nói nội bộ, cách nói ôn hòa. Ngược lại, có
người phê phán tiêu cực rất mạnh nhưng kỳ thực chỉ muốn ủng hộ một phe phái
trong Đảng. Tóm lại là cả hai bên đều dối trá. Anh bảo thủ thì dối trá nói lời
tốt đẹp để mua phiếu hay để được lòng dân, song kỳ thực bên trong những cái chốt
vẫn giữ nguyên không thay đổi gì cả, đấy là cái dối trá của người cầm quyền.
Nhưng phía những người dân chủ cũng có dối trá, tôi gọi là dối trá thôi, nhưng
với phía dân chủ thì đó là phương pháp: ví dụ tôi biết cuối cùng phải đi đến điểm
Y điểm Z này, nhưng khởi đầu mà nói đến điểm Z thì chết ngay, khởi đầu thì cũng
phải nói từ ABC. Cho nên giữa lời nói và thực tế luôn luôn cứ phải đánh dấu hỏi,
mà chỉ có những người trong cuộc mới hiểu đúng, mới phân định đúng. Có hai loại
người trong cuộc, thứ nhất là người cầm quyền, độc tài, họ phân định đúng vô
cùng, dù cho anh có lựa lời nói rất nội bộ rất ôn hòa họ vẫn biết ngay anh có nguy
hiểm cho họ hay không. Trái lại có người nói rất mạnh nhưng họ biết ngay người
này không mạnh hay chỉ đánh mạnh ngoài
da, cái mạnh đó chỉ là cú đấm vào chân vào tay chứ không chọc vào huyệt. Là người
trong cuộc, người cầm quyền họ phân định rất đúng, họ trừng trị ai là họ biết
người đó nguy hiểm. Trái lại có những anh rất hùng hổ, quơ chân quơ tay nhưng họ
vẫn không trừng trị. Loại người trong cuộc thứ hai là những người đã từng lăn lộn
trong công cuộc dân chủ đổi mới của đất nước này, đã từng bị tù tội, đã bị trừng
trị rất nhiều năm. Cái nhìn của người trong cuộc ấy mới không bị lừa, chứ những
người mới còn đứng bên rìa, chỉ căn cứ vào thông tin bên ngoài thì rất dễ ngộ
nhận, giữa cái người ta nói ra với cái thực chất trong đầu thì vẫn chưa có máy
dò để xác định được. Đánh giá đúng một nhân vật phải là những người trong cuộc
ông ạ.
Lý Kiến Trúc: Thưa ông Mai Thái Lĩnh, qua những nhận định của
ông Hà Sĩ Phu, ông có cho rằng những người trong cuộc loại thứ nhất, tức những
người cầm quyền của Đảng, hiện đang chuẩn bị từng bước để tiến tới Đại hội 12, sẽ
đem lại thay đổi lớn nào cho Việt Nam không?
Mai
Thái Lĩnh: Đây cũng chỉ là dự đoán, là hy vọng thôi. Tôi nghĩ
rằng Đại hội 12 có khả năng sẽ phải đặt lên bàn nghị sự một số vấn để mà lâu
nay họ tránh né. Thứ nhất, đường lối ngoại giao xưa nay của Việt Nam là một thứ
chính sách “đu dây”, khi thì ngả sang Hoa Kỳ và phương Tây, khi thì bám vào
Trung Quốc, cứ đu dây giữa hai bên, không có gì là rõ ràng. Nhưng cái chính
sách đu dây, giỏi làm xiếc ấy của Đảng Cộng sản, theo tôi chỉ thích hợp ngày
trước, chứ trong tình hình hiện nay khó có khả năng thực hiện. Tôi mới đọc tin
lúc sáng nay là Trung Quốc đã chuyển cái
giàn khoan khổng lồ của họ, trị giá 1 tỷ đô-la, vào khu vực quần đảo Hoàng Sa
cách bờ biển Việt Nam chỉ có 120 hải lý, tức là nằm trong 200 hải lý thuộc vùng
thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành động này rõ ràng nằm trong
chính sách trước sau như một của Trung Quốc. Và như tôi đã phân tích trong các
bài viết, ngay từ xa xưa cho đến khi họ giành được đất trên đường biên giới
trên bộ, họ đã có cả một kế hoạch chuẩn bị chu đáo từng bước một trong lúc phía
Việt Nam đối phó một cách bị động, không có kế hoạch, không có hệ thống gì hết.
Và bây giờ họ giành từng bước bằng cách đưa giàn khoan tới nơi đó và đương
nhiên có lực lượng quân sự đứng đàng sau. Về phía Việt Nam thì điều đáng nói là
Đảng Cộng sản Việt Nam xưa nay rất giỏi chỉ huy đánh Mỹ, đánh Pháp, đánh bất cứ
đế quốc phương Tây nào, nhưng lại hoàn toàn bất lực trước ông bạn đồng chí
Trung Quốc. Nhất là từ sau khi có thỏa thuận trong Hội nghị Thành Đô, những ban
lãnh đạo các khóa về sau này cứ chấp hành theo những thỏa thuận đó chứ không
dám thay đổi. Vậy thì trong Đại hội này dứt khoát phải giải quyết vấn đề đó.
Thứ hai là về mặt kinh tế. Vừa rồi, sau khi đã mở cửa
phát triển kinh tế một thời gian, nâng được tốc độ tăng trưởng lên - nhưng cũng
một phần là nhờ tiền đi vay - thì bây giờ nước ta bước vào cái ngưỡng gọi là
thu nhập trung bình. Tôi không rành về kinh tế lắm nhưng được biết có một
chuyên gia Nhật Bản phát biểu rằng Việt Nam có thể rơi vào “cái bẫy thu nhập
trung bình”. Theo tôi hiểu, điều đó có nghĩa là khi vượt từ mức thu nhập kém
lên đến mức thu nhập trung bình mà anh làm ăn dở thì có thể trong vòng 40-50
năm sau anh cứ loay hoay mãi trong “cái bẫy thu nhập trung bình” đó chứ không
vượt lên được. Theo chuyên gia kinh tế người Nhật Bản ấy thì việc rơi vào “cái
bẫy thu nhập trung bình” đã trở thành hiện thực rồi. Nếu không có sự chỉnh đốn
thì chúng ta sẽ giậm chân mãi ở đó và có thể sẽ mất một hai thế hệ chúng ta vẫn
là một nước nghèo. Như vậy, phải làm ăn theo cách nào khác chứ không thể như cũ
nữa.
Thứ ba là vấn đề thể chế chính trị. Nhiều người khi
nói về chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Marx thì chủ yếu chỉ nói
về kinh tế. Không phải như thế. Có một tác giả người Mỹ, bà Sheri Berman, viết
về dân chủ-xã hội khoảng 2008, rất giống ý tưởng của tôi trong cuốn Huyền thoại về một Nhà nước Tự tiêu
vong: cái phân biệt giữa những người cộng sản và những
người dân chủ-xã hội chính là vấn đề chính trị chứ không phải vấn đề kinh tế.
Những người dân chủ-xã hội chọn con đường chính trị là một chế độ dân chủ, từ
đó họ mới bắt đầu thay đổi đường lối kinh tế của họ, trong khi những người cộng
sản lại chọn con đường chính trị là chuyên chính vô sản, nghĩa là chọn chế độ độc
tài chứ không chọn chế độ dân chủ, cho nên về kinh tế họ đi theo một hướng hoàn
toàn khác và rơi vào bế tắc. Cho nên chính trị là quan trọng nhất, thay đổi chế
độ chính trị thì sẽ chuyển được nhiều thứ. Nếu chỉ thay đổi kinh tế thì cũng
không giải quyết được gì. Nếu chỉ thay đổi chính trị từng phần hoặc chỉ thay đổi
ở một mức nào đó, cũng không giải quyết được vấn đề.
Ngày xưa, ở Miền Nam tôi có nghe một số giáo sư - nhất
là những người thiên tả, hoặc như nhóm ông Ngô Công Đức - hay nói về “chủ nghĩa
xã hội không-cộng sản”. Họ cũng giới thiệu Thụy Điển, nhưng rất tiếc là không
có ai trình bày rõ Thụy Điển là như thế nào, Bắc Âu là như thế nào. Mãi sau này
tôi mới nghiên cứu lại đề tài đó, và tôi thấy ở các nước Bắc Âu họ giải quyết vấn
đề dựa trên chế độ dân chủ. Nhờ đó mà họ giải quyết được rất nhiều việc trong
đó có vấn đề bảo vệ tổ quốc, bảo vệ chủ quyền. Mặc dù họ là những nước nhỏ, đứng
giữa các cuộc xung đột của các cường quốc, nhưng họ vẫn giữ vững được nền độc lập,
vẫn phát triển được kinh tế, đem lại đời sống tốt đẹp cho nhân dân. Tất nhiên
mô hình của họ bây giờ cũng gặp khó khăn trong giai đoạn toàn cầu hóa này,
nhưng tôi nghĩ rồi đây họ cũng sẽ tìm ra được con đường đi thích hợp, bởi vì họ
dựa trên chế độ dân chủ. Ở một mức độ nào đó, tôi nghĩ Đại hội 12 này cũng phải
đặt vấn đề đổi mới chính trị chứ không thể bỏ qua được.
(Còn tiếp 1 kì)
© 2014 Lý Kiến Trúc,
Hà Sĩ Phu, Mai Thái Lĩnh & pro&contra