"Với
các sự chuyển nhượng lãnh thổ, Thủ tướng không có thẩm quyền quyết định
mà phải là cơ quan quyền lực tối thượng ở Việt Nam là Quốc hội", Thạc sĩ
Hoàng Việt, thành viên Quỹ Nghiên cứu biển Đông kiêm cố vấn học thuật
của Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa nhận định.
- Công thư 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng mà Trung Quốc viện
dẫn cho rằng Việt Nam thừa nhận chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của
Trung Quốc ra đời trong hoàn cảnh nào, thưa ông?
- Công thư do cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ra đời trong bối
cảnh sự can thiệp vào Việt Nam của chính phủ Mỹ ngày càng lên cao. Từ
năm 1956, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở phía Bắc tranh thủ sức mạnh của
quốc tế, tập trung giải phóng miền Nam. Phong trào vô sản quốc tế lúc
này cũng có nhiều tình cảm, trợ giúp cho phía Bắc Việt Nam. Trung Quốc
là một trong những chính quyền thuộc phe Xã hội chủ nghĩa tích cực ủng
hộ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong một văn bản còn lưu lại, chính quyền Trung Quốc tuyên bố Việt Nam
chiến đấu không chỉ bảo vệ lãnh thổ của Việt Nam, mà còn với cả lãnh
thổ Trung Quốc trước sự đe dọa của Mỹ.
Lúc này, trật tự thế giới chia thành hai phe: Tư bản chủ nghĩa do Mỹ
đứng đầu và Xã hội chủ nghĩa do Liên Xô, Trung Quốc đứng đầu. Cộng hòa
nhân dân Trung Hoa được thành lập từ năm 1949 sau khi thắng Quốc Dân
Đảng buộc họ phải chạy sang Đài Loan. Mao Trạch Đông muốn dùng vũ lực để
tiêu diệt chính quyền Quốc Dân Đảng nên đã tấn công các đảo Kim Môn, Mã
Tổ của Đài Loan.
Để đáp lại yêu cầu được hỗ trợ từ phía chính quyền Quốc Dân Đảng theo
quy định đã được ký kết trong Hiệp ước Phòng thủ Mỹ - Đài Loan 1954,
chính quyền tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower đã tăng viện cho các đơn
vị hải quân Mỹ và lệnh cho tàu chiến hỗ trợ chính quyền Quốc Dân Đảng để
bảo vệ tuyến tiếp vận đến Kim Môn, Mã Tổ. Đây cũng là lần đầu tiên
Trung Quốc có xung đột quân sự với hải quân Mỹ.
Tiếp theo là năm 1958, Hội nghị Công ước Luật biển lần thứ nhất của
Liên Hợp Quốc nhóm họp, khi các quốc gia đang tranh cãi về vùng lãnh
hải. Phía Mỹ cho rằng lãnh hải chỉ có chiều rộng 3 hải lý, còn Trung
Quốc và một số quốc gia khác ủng hộ quan điểm lãnh hải có chiều rộng 12
hải lý. Vì vậy, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã đưa ra một Tuyên bố
để khẳng định chiều rộng lãnh hải của Trung Quốc là 12 hải lý. Với tinh
thần ủng hộ “người anh” của mình, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có thư phúc
đáp cho việc đồng ý công nhận “hải phận” - tức lãnh hải của Trung Quốc
là 12 hải lý.
- Vậy công thư 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng có giá trị pháp lý như thế nào?
- Công thư 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng mang
một sự cam kết về mặt chính trị hơn là về pháp lý, đây cũng là một hình
thức mà các nước Xã hội chủ nghĩa thường sử dụng để thể hiện tinh thần
anh em trong phong trào vô sản quốc tế.
Ông Hoàng Việt là thạc sĩ Luật Quốc tế, Đại học Luật TP HCM, nhà
nghiên cứu các tranh chấp trên biển Đông, thành viên Quỹ Nghiên cứu biển
Đông kiêm cố vấn học thuật của Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa. Ảnh: NVCC.
|
Về mặt pháp lý, công thư năm 1958 do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký chỉ là
một tuyên bố đơn phương, nhằm mục đích trả lời Tuyên bố về vùng lãnh hải
rộng 12 hải lý do Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai. Việc giải
thích ý chí của một quốc gia trong một tuyên bố đơn phương cần phải được
diễn giải một cách thận trọng và đối tượng của sự cam kết trong tuyên
bố đơn phương đó phải được xác định chính xác.
Các yêu sách về lãnh thổ trong luật quốc tế, cũng như sự từ bỏ
các yêu sách đó phải được trình bày một cách rõ ràng và không có suy
diễn. Công thư do cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký không chứa đựng bất kỳ
sự từ bỏ rõ ràng nào về chủ quyền với Hoàng Sa, Trường Sa. Nội dung công
thư không thể hiện một sự bắt buộc từ bỏ chủ quyền.
Thêm nữa, với các sự chuyển nhượng lãnh thổ, Thủ tướng Việt Nam
Dân chủ Cộng hoà không có thẩm quyền quyết định mà phải do cơ quan quyền
lực tối thượng ở Việt Nam là Quốc hội quyết định.
Cuối cùng, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không thể quyết định hoặc chuyển
giao một thứ mà mình không có thẩm quyền quản lý theo công pháp quốc tế
và cũng không kiểm soát nó trong thực tế. Bởi theo các quy định trong
Hiệp định Genève năm 1954 thì trên lãnh thổ Việt Nam lúc đó tồn tại song
song hai quốc gia, từ vĩ tuyến 17 trở ra phía Bắc là Việt Nam Dân chủ
Cộng hoà, từ vĩ tuyến 17 trở vào phía Nam là lãnh thổ thuộc Việt Nam
Cộng hoà. Hoàng Sa, Trường Sa đều nằm ở phía Nam của vĩ tuyến 17, thuộc
sự quản lý của Việt Nam Cộng hoà. Những tuyên bố của phía Việt Nam Dân
chủ Cộng hoà với Hoàng Sa, Trường Sa vào thời điểm này là không có giá
trị pháp lý.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã sử dụng công thư này để lu loa rằng Việt
Nam chính thức công nhận chủ quyền của Trung Quốc với hai quần đảo Hoàng
Sa và Trường Sa; rằng khi phía Việt Nam bác bỏ điều này thì Việt Nam đã
vi phạm nguyên tắc Estoppel trong luật quốc tế.
- Estoppel là một nguyên tắc theo đó một quốc gia không có quyền
nói hoặc hoạt động ngược lại với những gì mình đã nói hoặc hoạt động
trước kia. Trung Quốc dùng estoppel để nguỵ biện như thế nào dựa trên
công hàm 1958?
- Estoppel là một nguyên tắc bắt đầu từ trong nội luật nước Anh,
sau này được phát triển và công nhận trong luật quốc tế liên quan đến
lãnh thổ. Tuy nhiên, hiểu về Estoppel là một điều phức tạp, nó không đơn
giản như các suy luận thông thường là một quốc gia cứ phát biểu một
điều gì là bị ràng buộc pháp lý bởi Estoppel mà phải đáp ứng một số yếu
tố nhất định. Tuyên bố về một lãnh thổ sẽ bị ràng buộc bởi Estoppel,
nhưng như TS Từ Đặng Minh Thu đã phân tích: một tuyên bố bị ràng buộc
bởi Estoppel phải đáp ứng các điều kiện:
Lời tuyên bố hoặc hành động phải do một người hoặc cơ quan đại diện cho
quốc gia phát biểu và phải được phát biểu một cách rõ ràng, công khai.
Quốc gia nại “Estoppel” phải chứng minh rằng mình đã dựa trên những lời
tuyên bố hoặc hoạt động của quốc gia kia, mà có những hoạt động nào đó,
hoặc không hoạt động. Yếu tố này trong luật quốc nội Anh - Mỹ gọi là
“reliance”.
Quốc gia nại “Estoppel” cũng phải chứng minh rằng, vì dựa vào lời tuyên
bố của quốc gia kia, mình đã bị thiệt hại, hoặc quốc gia kia đã hưởng
lợi khi đưa ra tuyên bố đó.
Nhiều bản án còn đòi hỏi lời tuyên bố hoặc hoạt động phải được phát biểu một cách liên tục và trường kỳ.
Như vậy, xem xét các điều kiện trên, ta thấy công thư của cố Thủ tướng
Phạm Văn Đồng khó mà đáp ứng được các yêu cầu để trở thành một Estoppel. Vì thế nó chỉ nên được coi như một lời hứa vô thưởng vô phạt, không thể bị ràng buộc về mặt pháp lý.
Việt Nam có nhiều bằng chứng pháp lý - lịch sử để khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Vì
không đủ sức mạnh thuyết phục trong việc cung cấp bằng chứng chứng minh
chủ quyền với Hoàng Sa, Trường Sa nên phía Trung Quốc hay dùng biện
pháp ngụy biện để tuyên truyền theo cách có lợi cho họ. Nếu phía Trung
Quốc chắc chắn về lập luận cùng các bằng chứng để chứng minh chủ quyền
của họ trên Hoàng Sa, Trường Sa thì tại sao Trung Quốc không dám cùng
Việt Nam đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa ra một tòa án quốc tế
để phân xử.
Việt Hoàng