28 mai 2014

Tình hình vùng biển Hoa Đông lại căng thẳng

 Theo RFI  

Máy bay tiêm kích SU-27 của Trung Quốc
Máy bay tiêm kích SU-27 của Trung Quốc
REUTERS

Thanh Phương
Trong khi tình hình tại Biển Đông ngày càng nóng lên do vụ giàn khoan Hải Dương 981, thì tại vùng biển Hoa Đông, căng thẳng Nhật-Trung cũng nổi lên trở lại với vụ phi cơ hai nước suýt đụng nhau trên không phận vùng biển này.


Ngày 25/05/2014 bộ Quốc phòng Nhật tố cáo một chiếc tiêm kích SU-27 của Trung Quốc đã bay sát, chỉ cách máy bay tuần tra OP-3C của Nhật Bản khoảng 50 mét, tại điểm tiếp xúc giữa hai vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc và Nhật Bản. Một chiếc tiêm kích SU-27 khác của Trung Quốc cũng bay sát gần 30 mét một máy bay tình báo điện tử YZ-11EB của Nhật Bản, cũng trong khu vực này.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera tố cáo « các hành động nguy hiểm này có thể gây ra tai nạn », nhất là vì hai máy bay tiêm kích của Trung Quốc có trang bị tên lửa. Tokyo đã gửi công hàm ngoại giao để phản đối Trung Quốc về vụ này.
Nhưng phía Bắc Kinh cũng đã phản ứng mạnh mẽ không kém. Trung Quốc cáo buộc rằng chính hai máy bay Nhật Bản đã xâm nhập vùng cấm bay mà quân đội Trung Quốc và Nga thiết lập trước khi tiến hành tập trận chung. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng như vậy là Nhật Bản đã vi phạm công pháp quốc tế, có thể dễ dàng gây hiểu lầm và có thể gây ra tai nạn trên không. Bắc Kinh yêu cầu Tokyo tôn trọng « các quyền chính đáng của hải quân Trung Quốc và Nga ».
Vụ xảy ra trên biển Hoa Đông khiến người ta nhớ đến vụ một máy bay do thám của Mỹ đụng một chiến đấu cơ Trung Quốc trên hải phận quốc tế ở vùng Biển Đông vào năm 2001. Chiến đấu cơ Trung Quốc đã bị rơi, phi công thiệt mạng, còn máy bay Mỹ đã phải đáp khẩn cấp xuống đảo Hải Nam.
Trên biển, cũng đã từng xảy ra vụ một chiến hạm của Trung Quốc « khoá » radar nhắm bắn một khu trục hạm của Nhật trên biển Hoa Đông vào tháng 1/ 2013.
Quan hệ Nhật-Trung đã xấu đi nghiêm trọng từ hơn một năm qua, do tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Chính là nhằm tăng cường khả năng bảo vệ các đảo có nguy cơ bị Trung Quốc đánh chiếm mà bộ binh Lực lượng Phòng vệ ( Quân đội ) Nhật hiện đang tập trận trên quần đảo Amami, nằm gần khu vực quần đảo Senkaku.
Thứ hai tuần trước, chính phủ Tokyo thông báo một kế hoạch đặt các đơn vị lục quân trên ba hòn đảo của quần đảo Nansei, nằm cách Senkaku khoảng 170 km. Tháng trước, chính phủ Nhật bắt đầu xây một hệ thống radả trên đảo Yonaguni, cách Senkaku khoảng 150 km.
Hôm qua, thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố là vụ mới xảy ra hôm Chủ nhật sẽ không làm thay đổi kế hoạch của chính phủ Tokyo tiến hành thêm các chuyến bay do thám để thu thập tin tình báo ở khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Vụ máy bay Nhật Trung suýt đụng nhau trên biển Hoa Đông ngày 25/05/2014 phản ánh sự căng thẳng ngày càng gia tăng do tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với các nước láng giềng. Nguy cơ xung đột cũng gia tăng theo. Bộ quốc phòng Nhật Bản và Trung Quốc đã từng thảo luận về việc thiết lập một cơ chế liên lạc trên biển để tránh mọi va chạm, nhưng cuộc đàm phán đã bị đình chỉ do tranh chấp chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư.