Nhóm Đà Lạt gặp nhau ngày 22-4-2014 |
Lý Kiến Trúc: Ông
vừa đề cập một động thái mới diễn ra ở Biển Đông, với giàn khoan HD-981 của
Trung Quốc. Theo ông, động thái đó thể hiện ý đồ xâm lược, ý đồ Hán hóa Biển
Đông của Trung Quốc đến mức nào?
Mai Thái Lĩnh: Đầu năm 2001, sau khi vừa thoát khỏi vụ
án “phản bội tổ quốc”, tôi bắt đầu chú ý đến vấn đề này. Rồi có việc anh Bùi
Minh Quốc khi ra Bắc chỉ vì muốn đi xem các cột mốc biên giới mà cũng bị bắt,
đem về quản chế thêm hai năm. Rồi trong dư luận người ta đặt vấn đề “Ải Nam
Quan có mất hay không”, “Thác Bản Giốc có mất hay không”? Khi đi vào nghiên cứu,
tôi mới thấy rõ rằng căn nguyên của chuyện mất đất này chính là do một quan niệm
rất sai lầm của Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ đã có một thời gian tin vào chủ
nghĩa cộng sản. Họ tin rằng biên giới quốc gia không quan trọng bằng biên giới
của phe xã hội chủ nghĩa. Cho nên đối với
đường biên giới phía Bắc giữa Việt Nam và Trung Quốc, họ rất lơ là, mà
chỉ chú ý, chỉ lo đến việc thống nhất đất nước. Tức là chỉ lo đánh vào Miền Nam
thôi, không lo gì đến phía Bắc, cũng không lo gì đến các vùng đảo. Sau năm
1954, “giải phóng” được Miền Bắc, đáng lẽ công việc đầu tiên của một quốc gia
là phải vẽ lại các bản đồ của đường biên giới, hiện đại hóa các cột mốc thì họ
lại không làm. Cho nên sau này, khi đàm phán thì chẳng có bản đồ, Trung Quốc
đưa cái bản đồ nào thì xài cái đó, chứ tôi thấy mấy ông lãnh đạo không đưa ra
được cái bản đồ nào của phía Việt Nam. Theo cuốn sách thời 1979 tố cáo Trung Quốc
thì Việt Nam lại đưa bản đồ cho họ in giùm, thế là họ lại sửa trên cái bản đồ
đó. Như vậy chứng tỏ họ rất lơ là ý thức bảo vệ chủ quyền ở biên giới. Họ cho rằng
cách mạng cứ thắng được ở nơi nào là phe “xã hội chủ nghĩa” mở rộng ở chỗ đó,
đó mới là điều quan trọng, còn biên giới giữa các nước "anh em" với
nhau thì họ không chú ý. Trong lúc đó, phía Trung Quốc lại rất chú ý việc mở rộng
biên giới. Do vậy mà chúng ta bị thua thiệt trong việc đàm phán biên giới.
Trung Quốc lấn chiếm đường biên giới trên bộ, một mặt là để giảm khả năng phòng
thủ của Việt Nam. Mặt khác họ muốn tuyên truyền với nhân dân Trung Quốc rằng
các triều đại ngày xưa chưa lấn được Việt Nam, còn giờ đây “chúng ta giỏi hơn,
chúng ta lấn được Việt Nam”. Bây giờ họ kích động tinh thần dân tộc của người
Trung Quốc lên cao và đi xa hơn nữa, nhất là từ khi họ cảm thấy Việt Nam nhượng
bộ họ ở đường biên giới trên bộ. Sự nhượng bộ đó chính là một khuyến khích rất
lớn đối với người cộng sản Trung Quốc để họ tiếp tục xâm chiếm ở Biển Đông.
Trung Quốc đã
chiếm Hoàng Sa từ 1974. Chính phủ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam đương nhiên có lên
tiếng tố cáo rõ ràng, nhưng chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc thì không
hề có một văn bản nào lên án Trung Quốc. Chưa thấy có ai trưng ra được một văn
bản nào như thế, mà lại có Công hàm của ông Phạm Văn Đồng ngày 14/9/1958. Bản
Tuyên bố của chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về hải phận của Trung
Quốc ngày 4/9/1958 có nói rõ về Tây Sa, Nam Sa; không lẽ chính phủ Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa không nghiên cứu để biết Tây Sa, Nam Sa là cái gì mà cứ ký hay sao[1]? Từ
chỗ đó, Trung Quốc thấy Việt Nam có vẻ nhượng bộ, thế thì họ lấn tiếp. Về cách
mà họ lấn tiếp thì theo tôi thấy, một mặt họ tăng cường lực lượng quân sự để đe
dọa. Mặt khác, họ hợp lý hóa dần dần bằng cách “bây giờ đất đó là đất của tôi,
tôi đưa giàn khoan khai thác ở đó”. Tôi nói giả định như mai mốt họ biến quần đảo
Hoàng Sa thành một thứ như Hong Kong hay Ma Cao chẳng hạn, thế thì người dân
Trung Quốc ở đó có thể xin nhập cảnh vào Việt Nam ngay từ một vùng đất của Việt
Nam. Họ cứ làm như thế, mà Việt Nam thì cứ tuyên bố là bảo vệ tình hữu nghị,
trong khi Trung Quốc chỉ hữu nghị trên giấy tờ, hữu nghị bằng mồm chứ trong thực
tế thì không. Đến bây giờ mà ta vẫn chỉ phản đối họ bằng những câu yếu ớt như
thế thì không giải quyết được vấn đề gì hết.
Mai Thái Lĩnh: Do tin vào chủ nghĩa quốc tế vô sản, những
người lãnh đạo cộng sản Việt Nam các thế hệ trước đã lơ là về biên giới, trong
khi phía Trung Quốc lại đầy chủ mưu. Bây giờ, những người lãnh đạo cộng sản thuộc
các thế hệ sau lại không có can đảm thoát ra khỏi cái di sản đó. Như tôi đã
trình bày trong cuốn Huyền thoại về một Nhà nước tự tiêu vong, chủ thuyết đó
là do Lenin ở vào thế bí, muốn bảo vệ nước Nga nên mới kêu gọi mấy anh nhỏ nhỏ
(các dân tộc bị áp bức) ra sức bảo vệ cái thành trì của phe xã hội chủ nghĩa là
Liên Xô. Thế thì chỉ có lợi cho Liên Xô chứ có lợi cho ai khác đâu. Không một
nước nhỏ theo hệ thống cộng sản nào không lệ thuộc vào một anh lớn, trừ Tito.
Nhưng Nam Tư và Liên Xô là hai nước cách bức nhau chứ không cùng biên giới. Còn
Việt Nam thì lại sát với Trung Quốc, hàng nghìn năm nay bị Trung Quốc xâm lấn. Nếu
các nhà lãnh đạo hiện nay không có can đảm dứt khoát vứt bỏ chủ thuyết cộng sản,
không chịu suy nghĩ lại để ý thức được tinh thần dân tộc thì mất nước là chuyện
dĩ nhiên, bây giờ dù có kêu gào cách mấy cũng không giải quyết được.
Lý Kiến Trúc: Ông
có cho rằng sự kiện giàn khoan là phản ứng của Trung Quốc trước việc vừa rồi ông
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn tổ chức cho Việt kiều đi thăm Trường Sa
để khẳng định Trường Sa là của Việt Nam không?
Mai Thái Lĩnh: Tôi nghĩ, với Trung Quốc thì ông
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn không quan trọng. Họ muốn đối phó với ông Nguyễn Tấn
Dũng hơn, vì Thủ tướng Việt Nam từng tuyên bố trước Quốc hội rằng Hoàng Sa đã bị
Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp, và ông ấy cũng từng có ý định tổ chức tưởng
niệm về Hoàng Sa ở Đà Nẵng hay ở nơi nào đó nhưng không thực hiện được. Bây giờ
thì họ trả lời cho Việt Nam. Họ bảo “Hoàng Sa chính là đất của chúng tôi, bây
giờ chúng tôi đưa giàn khoan dầu tới đó, anh đụng vào nó thì chúng tôi sẽ đưa lực
lượng quân sự tới”, và nếu tiếp tục cái đà này thì họ sẽ không chỉ làm ở Hoàng
Sa mà tiếp tục làm ở Trường Sa..., dần dần họ sẽ lấn chiếm toàn Biển Đông. Còn
Đảng Cộng sản Việt Nam, trước kia trong chiến tranh chống Mỹ, họ luôn nói rằng
thắng lợi thực tế trên chiến trường mới là quyết định chứ không phải trên bàn
ngoại giao. Bây giờ mấy ổng lại đổi ngược lại, bảo rằng ta sẽ không đánh nhau
vì như thế là đụng tới tình hữu nghị, đụng tới hòa bình thế giới, ta chỉ nói tới
vấn đề pháp lý thôi. Từ chỗ lấy sức mạnh trên chiến trường làm chính, nay thụt
lùi thành cái đường lối ngoại giao “chỉ đấu tranh pháp lý” với một anh chàng chỉ
biết dùng vũ lực. Với Nhật Bản, một cường quốc kinh tế, mà Trung Quốc còn muốn tranh chấp thì Việt Nam
là cái gì khiến họ phải sợ? Hơn nữa họ cũng biết rằng, nếu “trị” được Việt Nam
thì chắc chắn Đông Nam Á sẽ rúng động.
Lý Kiến Trúc:
Còn cảm nghĩ của ông trước sự leo thang xâm lược của Trung Quốc ở Biển Đông,
thưa ông Hà Sĩ Phu?
Hà Sĩ Phu: Sự kiện giàn khoan chỉ là một bước tất yếu trong toàn bộ tiến trình
xâm lược Việt Nam của Trung Quốc, khởi đầu từ khi mở cửa biên giới năm 1950
trong cuộc chiến tranh chống Pháp. Toàn bộ cuộc xâm lược rất bài bản đó dựa
trên yếu tố cộng sản, khai thác và tận dụng sự chọn lầm đường của Việt Nam, một
nước nhỏ và lạc hậu mà đi vào quỹ đạo cộng sản ảo tưởng nhưng độc tài, tách khỏi
khối văn minh nhân loại để chui vào vòng tay của hai đế quốc cộng sản là Liên Xô
và Trung Quốc.
Nước nhỏ muốn thoát khỏi tay nước lớn cần đến 5 yếu tố: cần cảnh giác
đề phòng trước, cần giữ khoảng cách, cần phơi bày công khai, cần dựa vào dân và
cần liên kết với các nước lớn khác. Nhưng Đảng CSVN đã cố tình và kiên quyết chọn
cách làm ngược lại tất cả những yếu tố tự cứu ấy, vậy thì ván cờ đã biết trước
kết quả. Kiên quyết đi sâu miết vào tử lộ một cách đầy hứng khởi, nay tỉnh ngộ
cũng đã muộn huống chi còn chưa tỉnh ngộ.
Trong câu chuyện ngắn ngủi này tôi không thể phân tích cặn kẽ những
sai lầm ấy, chỉ xin nêu mấy bế tắc chính:
Muốn thoát Tàu cần phải thoát Cộng, nhưng quyền lực và quyền lợi đã giữ
chặt những người cầm quyền trong vòng kim cô cộng sản, dù họ chẳng còn tin gì
vào chủ nghĩa này. Trong thế tự kìm chân nhau, kẻ nào muốn thoát ra sẽ bị diệt
ngay, trốn khỏi băng ma túy sẽ bị đồng bọn tiêu diệt.
Nhưng giả thiết một điều không thể có, giả thử toàn bộ giới lãnh đạo
Việt Nam
muốn từ bỏ chủ nghĩa cộng sản thì cũng không bỏ được trước vòng kim cô Trung Quốc.
Trung Quốc muốn thôn tính Việt Nam
trong chiến lược êm như tằm ăn dâu thì buộc Việt Nam phải là nước cộng sản. Trung Quốc
thừa sức thực hiện sự ép buộc rất cộng sản, rất “tình nghĩa” đó.
Lối thoát bằng liên minh chiến lược với Hoa Kỳ đã được tính đến từ
lâu, nhưng Đảng CSVN không muốn tự xóa “vinh quang” của mình bằng con đường đó.
Bây giờ có muốn cũng đã muộn. Chẳng những Hoa Kỳ cần một cường quốc Trung Hoa
thứ nhì thế giới hơn một nước Việt Nam
cộng sản rất ít thực tâm, mà Hoa Kỳ cũng không thể thắng Trung Quốc trên địa
bàn Việt Nam ,
khi Trung quốc đã chiếm lĩnh trận địa một cách toàn diện. Liên minh muộn mằn với
Hoa Kỳ nếu có cũng chỉ cải thiện tình hình phần nào mà thôi.
Lối thoát bằng gia tăng quân sự, nhất là mua vũ khí từ Nga, một nước
đang xích lại gần Trung Quốc thì chẳng có ý nghĩa gì ngoài tâm lý tự trấn an. Vả
lại, trong phương sách giữ nước thì chính trị cao hơn quân sự, chính trị sai lầm
thì quân sự cũng vô ích.
Lối thoát theo con đường Putin, một thứ cộng sản biến tướng, độc tài
và tham nhũng? Nếu xuất hiện một Putin tại Việt Nam , Trung Quốc sẽ thừa sức mua hoặc
diệt Putin đó bằng tất cả sức mạnh của mình.
Lối thoát duy nhất là dựa vào lòng yêu nước của dân đứng lên chống giặc.
Nhưng lâu nay Đảng sợ dân hơn sợ Tàu, sợ dân chủ hơn sợ mất nước. Đảng đã tước
vũ khí của nhân dân một cách toàn diện và trở thành đối lập với dân lâu rồi.
Nhân dân đang trắng tay, dễ gì chống cả nội xâm lẫn ngoại xâm đang cấu kết?
Tuy vậy, chỉ có từ nhân dân mới hé ra hy vọng, vì sức mạnh của nhân
dân luôn là một ẩn số, nó dao động từ sức mạnh của một đàn cừu đến một sức mạnh
Phù Đổng, phá hết mọi gông xiềng, không ai có thể biết trước. Sự đột biến của
nhân dân không tách rời sự thức tỉnh của lực lượng trí thức tinh hoa và sức mạnh
của thế giới tiến bộ và các nước lớn văn minh.
Tôi nhìn vụ giàn khoan HD-981 trong bối cảnh như vậy.
Hà Sĩ Phu: Không hiểu sao, ngay trong những ngày Tết Con Ngựa tôi đã linh cảm thấy
một cái gì bất thường, sôi động sẽ đến trong năm 2014, mặc dù phía nhà cầm quyền
vẫn tỏ ra kiên định trong mọi quyết sách và cách ứng xử. Tôi có ra một vế đối
thế này: "Đánh cho dân tộc tan hoang, trận đánh đẹp đáng ghi vào lịch sử".
Có một cái tích là đại tá công an Đỗ Hữu Ca chỉ huy một “trận đánh”, dùng cả
quân đội lẫn công an, bố trí mọi thứ y như một trận đánh địch để đánh vào dân
oan rồi tuyên bố đây là một trận đánh đẹp và đáng ghi vào sách. Tôi nhại luôn
câu đó. Nói về chiến công của Đảng Cộng sản Việt Nam thì đánh Pháp là chuyện nhỏ,
đánh Mỹ thì không đâu vào đâu, đánh Trung Quốc thì đánh xong lại phải xin lỗi,
cũng không phải là chiến công gì ghê gớm, chỉ duy cái chiến công mà tôi cho là
to lớn nhất của Đảng là đánh vào chính dân tộc Việt Nam, sử dụng rồi làm triệt
tiêu tất cả những ưu điểm của dân tộc. Dân tộc nào cũng có phần ưu phần nhược,
nhưng đặc biệt dưới thể chế cộng sản thì những nhược điểm lại được khuếch đại,
còn những ưu điểm bị tiêu mòn. Dân tộc Việt Nam vốn rất nhân ái, sao bây giờ
cái thú tính lại ghê thế, giết nhau như bỡn, ngày nào cũng có hàng chục trận giết
nhau? Hay là, một dân tộc rất yêu nước, thế mà bây giờ cứ sợ nói yêu nước, nói
chuyện yêu nước là “run như cầy sấy”, y như là đi ăn trộm. Tóm lại, ai đã đánh
cho dân tộc Việt Nam
mất hết tất cả những truyền thống tốt đẹp đó? Trước đây Pháp tám mươi năm đô hộ
không đồng hóa được Việt Nam, Tàu một nghìn năm đô hộ không làm mất được cái chất
dân tộc Việt Nam ,
thế mà chỉ có mấy chục năm cai trị của Đảng Cộng sản là mất đến tận gốc! Tôi
xin dùng lại chữ của ông Dương Trung Quốc là"chúng ta ngày nay đã bị mất
gốc hoàn toàn”. Tôi cho rằng
đánh được cho dân tộc Việt Nam
mất gốc hoàn toàn thì đấy là chiến
công đáng ghi vào sử sách nhất và rõ ràng nhất, không ai có thể cãi được là của
Đảng!
Vế đối của tôi tưởng đã là ghê gớm, nhưng cái vế của người ứng đối
cũng sắc sảo không kém. Đó là một nhân vật tên là Mai Xuân Hương, giới thiệu trên trang Ba Sàm, một trang chuyên về chính trị, kinh tế,
ít đi vào văn học. Ông ấy đối rằng: "Tiêu vì chiêu bài giải phóng, lính đánh
thuê sao gọi đấy anh hùng". Tiêu
tức là chết, vì cái chiêu bài giải phóng
Miền Nam .
Một cái Miền Bắc chưa văn minh, lại đánh vào Miền Nam là cái anh ở trong một hệ
thống tuy còn là dân chủ sơ khai nhưng cũng là cái văn minh bình thường của thế
giới, tóm lại là một nền văn minh kém lại đòi giải phóng một nền văn minh cao
hơn. Chính vì thế mà chết, cho nên "Tiêu
vì chiêu bài giải phóng". Nửa thứ hai của vế đối này mới ác: “Lính đánh thuê sao gọi đấy anh
hùng”. Lấy "lính đánh thuê"
đối với "trận đánh đẹp"!
Câu này muốn nói rằng mọi cuộc chiến tranh của ta chẳng qua là đánh thuê, đánh
thuê cho Liên Xô, đánh thuê cho Trung Quốc. Chính ông Lê Duẩn đã công nhận rồi,
ông ấy nói là ta đánh đây cũng là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc! Nhưng có một điều
mà ít người nghĩ tới là cả dân tộc mình đánh thuê cho Đảng Cộng sản Việt Nam ! Bỏ
rất nhiều sinh mệnh, tài sản, công lao vào chiến tranh, để rồi sau đó chiến
công, thành quả có cái gì là Đảng giữ hết chứ dân được gì đâu, được mấy cái ghế
của 14 ông vua và một tập đoàn lợi ích nhóm! Tóm lại nhân dân là lính đánh thuê
với giá rất rẻ cho Đảng. Mà đã gọi là lính đánh thuê, hy sinh trong ngộ nhận
thì không thể gọi là anh hùng, thậm chí khó gọi là liệt sĩ dù cho sự hy sinh đó
là phi thường, là rất đáng cảm phục! Nỗi cảm thương và hối tiếc quá lớn cho dân
tộc ngót một thế kỷ, tất cả nay cần được định danh hết lại cho đúng.Cũng vì thế,
trong những câu đối năm Con Ngựa này tôi đã
dành 3-4 câu để xét lại cái lô-cốt cuối
cùng: Dân Việt nuôi con ngựa Hồ khác nào nuôi “ngựa thành Troy ”?
Mai Thái Lĩnh: Qua việc nghiên cứu và phê phán chủ
nghĩa Marx, khoảng năm 2004-2005 tôi tình cờ đọc được một số tài liệu về ông
Phan Châu Trinh. Bây giờ tôi mới thấy cái nhìn của ông Phan Châu Trinh thật sự
là đúng đắn. Tôi đã có dịp trình bày qua một số bài viết, và sắp tới cũng còn
phải viết nhiều nữa, bởi vì những tài liệu về Phan Châu Trinh hiện còn ít và rải
rác. Nhất là về giai đoạn ông qua Pháp thì rất ít người biết, những người biết
thì lại cố tình diễn giảng nó theo một hướng khác. Ví dụ có người diễn giảng rằng
ông Phan Châu Trinh ở gần ông Nguyễn Ái Quốc mà tại sao không tiếp thu cái tinh
hoa của ông Nguyễn Ái Quốc, nhưng thật ra ông Nguyễn Ái Quốc không thể nào có tầm
tư tưởng bằng ông Phan Châu Trinh được. Ý tưởng đúng đắn nhất của ông Phan Châu
Trinh về vấn đề chủ quyền là: một đất nước chỉ có thể được giữ gìn khi giao nó
cho toàn dân, chỉ có toàn dân mới giữ gìn được một đất nước, chứ không có một
gia đình nào, một dòng họ hay là một đảng phái chính trị nào, dù tập trung quyền
lực trong tay, có thể gìn giữ được.
Lý Kiến Trúc: Xin
chân thành cảm ơn hai ông.
© 2014 Lý Kiến
Trúc, Hà Sĩ Phu, Mai Thái Lĩnh & pro&contra
[1] Tuyên bố của Chính phủ Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Lãnh
hải ngày 4/9/1958
"Cộng hòa Nhân dân Trung
Hoa nay tuyên bố:
(1) Chiều rộng lãnh hải của
nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn
lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất
liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải
đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Ðông Sa,
quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc
Trung Quốc.
(2) Các đường thẳng nối liền
mỗi điểm căn bản của bờ biển trên đất liền và các đảo ngoại biên ngoài khơi
được xem là các đường căn bản của lãnh hải dọc theo đất liền Trung Quốc và các
đảo ngoài khơi. Phần biển 12 hải lý tính ra từ các đường căn bản là hải phận
của Trung Quốc. Phần biển bên trong các đường căn bản, kể cả vịnh Bohai và eo
biển Giongzhou, là vùng nội hải của Trung Quốc. Các đảo bên trong các đường căn
bản, kể cả đảo Dongyin, đảo Gaodeng, đảo Mazu, đảo Baiquan, đảo Niaoqin, đảo
Ðại và Tiểu Jinmen, đảo Dadam, đảo Erdan, và đảo Dongdinh, là các đảo thuộc nội
hải Trung Quốc.
(3) Nếu không có sự cho phép
của Chính Phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tất cả máy bay nước ngoài và tàu bè
quân sự không được xâm nhập hải phận Trung Quốc và vùng trời bao trên hải phận
này. Bất cứ tàu bè nước ngoài nào di chuyển trong hải phận Trung Quốc đều phải
tuyên thủ các luật lệ liên hệ của Chính Phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
(4) Ðiều (2) và (3) bên trên
cũng áp dụng cho Ðài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Ðông
Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc
Trung Quốc.
Ðài Loan và Bành Hồ hiện còn bị
cưỡng chiếm bởi Hoa Kỳ. Ðây là hành động bất hợp pháp vi phạm sự toàn vẹn lãnh
thổ và chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ðài Loan và Bành Hồ đang chờ
được chiếm lại. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có quyền dùng mọi biện pháp thích
ứng để lấy lại các phần đất này trong tương lai. Các nước ngoài không nên xen
vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc”.
Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Thủ
tướng Chu Ân Lai ngày 14/9/1958:
“Thưa đồng chí Tổng lý
Chúng tôi xin trân trọng báo
tin để đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận
và tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân
Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có
trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan
hệ với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trên mặt biển.
Chúng tôi xin gửi đồng chí Tổng
lý lời chào trân trọng”
Xem thêm: "Công hàm Phạm Văn Đồng làm lung lay yêu sách chủ quyền của Việt
Nam", bài viết của Sam
Bateman trên Eurasia Review ngày
15/5/2014, bản dịch của Đoan Trang.
(Chú thích của pro&contra)