Theo Pro&Contra
Economist
Phan Trinh dịch
Giới thiệu của người dịch
Bài này tuy nói về xã hội dân sự Trung Quốc, nhưng cũng gợi ra nhiều điều đáng suy nghĩ về xã hội dân sự Việt Nam. Dù sao, Trung cộng và Việt cộng đều là bạn cùng “tàu”, và có chung nhiều tật.
Chỉ cần nhìn cách Đảng Cộng sản Việt Nam đàn áp dân Việt Nam biểu tình chống Trung Quốc xâm lược trong nhiều năm, rồi đùng cái cho biểu tình ngày 11/5, rồi đùng cái đàn áp trở lại ngày 18/5 là có thể thấy quan hệ giữa Đảng và dân là một thứ “quan hệ bất trắc, luyến ái phập phồng” (dangerous liaison).
Nhưng, ở Việt Nam lẫn Trung Quốc, phập phồng đến đâu thì Đảng cũng phải ngày càng cần dân, nhất là khi Đảng mở mắt thấy mình ngày càng bất lực.
***
Chuyện xã hội dân sự non trẻ trong lòng chế độ cộng sản già nua rệu rã mở ra nhiều nghịch lý. Có những nghịch lý nghe “nghịch nhĩ” đến khôi hài:
Giới bảo thủ trong Đảng thì xem xã hội dân sự là một phần của “diễn biến hoà bình”, âm mưu xói mòn quyền lực Đảng, lăm le lật đổ chế độ.
Ngược lại, giới thực dụng thì hiểu xã hội dân sự không phải là “hang ổ” của những kẻ chống Đảng. Họ biết tuyệt đại đa số các tổ chức phi chính phủ (NGO), tế bào tạo nên xã hội dân sự, chỉ làm những công việc không hề nhạy cảm chính trị, ngược lại còn góp phần ổn định xã hội, một việc Đảng thèm muốn nhưng bất lực, và qua đó giúp duy trì chế độ.
Người chống Đảng cực đoan thì lại bảo: Sao phải giúp Đảng ổn định xã hội? Sao không để chế độ cộng sản mục ruỗng và sụp đổ trước khi xây dựng dân chủ? Họ muốn đánh đổ trước, xây dựng sau.
Ngược lại, người ôn hoà hơn thì chủ trương xây dựng nền tảng dân chủ trước, mở đường cho cộng sản ra đi, và xã hội dân sự chính là nền tảng dân chủ.
Về phần mình, Đảng cũng lắm chiêu, lúc thì chiều, lúc thì chống NGO. Có hai loại NGO: NGO “dịch vụ xã hội” (social services), và NGO “dấn thân” (advocacy). Đảng dễ thân với các NGO làm dịch vụ xã hội, hoạt động trong lĩnh vực tạm gọi là dân sinh, dân trí. Ngược lại, Đảng vẫn nghi ngại, quấy phá, hoặc đàn áp những NGO dấn thân vì dân tộc, dân quyền, dân chủ.
NGO cũng vậy. Có NGO sẵn sàng thân với chính quyền, “đi với ma”, trong khi có những NGO ngoài luồng chỉ thích “đi với Bụt”. Lại có những NGO đi dây giữa hai bờ vực. Đối lại, Đảng có thể vừa mặc áo cà sa vừa mặc áo giấy, và sẵn sàng rung dây, hất cẳng, “nhập kho” người đi dây.
Cũng có thể nói vui rằng Đảng và xã hội dân sự tuy đều có mộng riêng nhưng đang phải nằm chung giường. Cả hai biết mình nhiều lúc phải dằn lòng, phải thương lượng và thoả hiệp với bên kia để đạt mục tiêu riêng trước mắt, nhưng cả hai đều tin tương lai sẽ thuộc về mình.
Nhưng, thực tại thường không tách bạch trắng đen, nên tuy đồng sàng dị mộng, là đồng bào nhưng không đồng chí, vẫn có một số chỗ để hai bên đồng thuận.
Điều đáng buồn nằm ở chỗ đây vẫn là mối quan hệ bất trắc và phập phồng của một cặp múa đôi không cân xứng: Kẻ ngồi trên pháp luật lúc nào cũng có thể giẫm chân hoặc hạ gục người kia bất cứ lúc nào mình muốn.
Chính vì vậy, để xã hội dân sự đúng nghĩa có thể phát triển trong lòng một chế độ còn độc tài, tối thiểu phải có hai điều kiện: Báo chí tự do và tư pháp độc lập.
***
Những nghịch lý vừa nêu, thực ra, mới chỉ là một cách nhìn về quan hệ giữa Đảng và xã hội dân sự ở Trung Quốc, được các phóng viên tờ The Economist ghi nhận, từ vị trí của người bên ngoài. Cách nhìn của người trong cuộc còn mở ra những nghịch lý khác mà một NGO Việt Nam đang gặp. Trong bài “Tâm tư hôm nay mới trải” (BBC Việt ngữ 26/4/2014), chị Huỳnh Thục Vy, thành viên của Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam, cho biết như sau:
“… tôi từng lo sợ rằng: Vì sự an toàn dưới chế độ độc tài, hiện nay các nhóm thuộc đảng phái, phe nhóm chính trị thường hoạt động dưới lớp vỏ xã hội dân sự. Điều này dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm: xã hội dân sự phát triển một cách giả tạo, bị khuynh loát và không có đủ sức đặt nền tảng cho một chế độ dân chủ hậu cộng sản.”
Về tình cảnh trớ trêu, “trên đe dưới búa” của một NGO độc lập tại Việt Nam, chị Vy viết:
“Dư luận viên thì chụp mũ chúng tôi là tổ chức ngoại vi của đảng này đảng khác… Nhiều người đấu tranh khác, vì thiếu thông tin, thì nghĩ chúng tôi là ‘quốc doanh’ vì ‘chưa thấy chúng tôi bị đàn áp gì cả…
Là một tổ chức bảo vệ nhân quyền, chúng tôi bị chính quyền cộng sản thù ghét vì họ nghĩ chúng tôi đang cố tập trung lực lượng xói mòn quyền lực độc tôn của họ. Là một tổ chức độc lập, chúng tôi bị các đảng phái, phe nhóm chính trị đả kích vì chúng tôi không nằm trong phạm vi chi phối và kiểm soát của họ.”
Quả là trong lòng chế độ cộng sản giai đoạn cuối, cả ở Việt Nam lẫn Trung Quốc, chuyện “dân sự” rất dễ bị biến thành “chính sự”, bị chính trị hóa bởi cả Đảng lẫn người ngoài Đảng hay chống Đảng.
—
Dù bị kiềm kẹp về chính trị, một xã hội dân sự giàu sức sống đang tạo được chỗ đứng
Đối nghịch với các ông trùm nhà máy và các xếp lớn cộng sản, vốn thường kết hợp ăn ý và tướng tá béo tốt, thì Tăng Phi Dương (Zeng Feiyang) chỉ có một thân hình gầy yếu. Năm nay 39 tuổi, anh Tăng làm việc trong một căn phòng bít bùng không cửa sổ ở Phiên Ngung, ngoại ô thành phố Quảng Châu, miền nam Trung Quốc, nơi anh điều hành một tổ chức phi chính phủ (NGO) có tên là Trung tâm Hỗ trợ Công nhân Nhập cư Phiên Ngung. Hơn chục năm qua, tổ chức của anh đấu tranh cật lực để bảo vệ quyền lợi công nhân các nhà máy ở Quảng Đông. Và cái giá phải trả là anh đã nhiều lần bị tống cổ khỏi nhiều căn phòng khác nhau, điện nước tại chỗ bị cúp, thường xuyên bị quan chức địa phương và bọn côn đồ tay sai quấy nhiễu. Đùng một cái, mùa thu vừa qua, anh nhận được cuộc điện thoại từ một quan chức vẫn quấy nhiễu mình. Anh Tăng kể lại: “Ông ta hỏi tôi có muốn đăng ký hợp thức hóa tổ chức phi chính phủ của tôi không. Tôi nghe mà giật cả mình.”
Trong ba năm qua, nhiều nhà hoạt động khác trong các NGO chưa đăng ký cũng nhận được những cuộc điện thoại của chính quyền mời đăng ký tương tự. Việc đăng ký NGO từng là một đề tài rất nhạy cảm, dù chỉ là điền giấy tờ thuần túy. Cũng vì vậy mà việc nới lỏng luật lệ đăng ký quả là đang báo hiệu một thay đổi lớn lao. Trung Quốc có hơn 500.000 NGO đăng ký hợp pháp. Cũng cần thận trọng với con số này vì nhiều NGO chỉ là những tổ chức bán chính thức hay đội lốt NGO để moi tiền nhà nước. Trong khi đó, những tổ chức có thực chất muốn cải thiện đời sống người dân thì hầu hết đều hoạt động trong các lĩnh vực không hề nhạy cảm về chính trị. Hiện cũng có khoảng 1.500.000 NGO khác chưa đăng ký, và một số, như NGO của anh Tăng, đang hoạt động trong các lĩnh vực mà nhà nước vẫn cho là đáng ngại.
Các NGO chưa đăng ký đang gia tăng về số lượng và tầm ảnh hưởng. Họ là biểu hiện của những lực lượng xã hội đang sôi sục từ bên dưới ngoi lên trong một hệ thống nhà nước máy móc luôn muốn mọi sự phải đi từ trên xuống. Rất có thể, những tổ chức đó chính là con đường để Đảng Cộng sản điều hướng năng lượng và tài nguyên thuộc xã hội dân sự. Ngược lại, cũng rất có thể các tổ chức đó là phương tiện để chính năng lượng kia thử thách quyền lực của Đảng. Cũng vì hai tiềm năng trái ngược này mà tính pháp lý của các NGO được xem là chuyện lớn. Bà Quách Hồng (Guo Hong) thuộc Học viện Khoa học Xã hội Tứ Xuyên, tỉnh Thành Đô, gọi việc nới lỏng luật lệ đăng ký cho NGO là “thực hiện một phần quyền tự do lập hội”. Tương tự như việc nới lỏng kinh tế tự do vào đầu thập niên 1980 đã mang lại những hiệu quả sâu rộng cho đời sống vật chất, bước tiến mới nhất này cũng có thể mang lại những ảnh hưởng sâu sắc về mặt xã hội.
Thiểu số đáng kể
Những quy định mới về đăng ký chỉ được áp dụng cho một số loại NGO, nhất là những NGO làm dịch vụ xã hội, hỗ trợ cho các đối tượng như người nghèo, người già, người khuyết tật. Các NGO dấn thân vào vận động chính trị sẽ tiếp tục bị soi mói nghi ngờ. Các NGO nhân quyền sẽ tiếp tục bị cấm đoán, cũng như các hội đoàn hoạt động vì lý do tôn giáo, sắc tộc, hay vì quyền của người lao động sẽ vẫn bị cấm. Nhưng, những gì vừa diễn ra cho anh Tăng ở Quảng Châu kể trên cho thấy chính quyền đang tìm cách làm việc với ít nhất là một số các tổ chức đang bênh vực công nhân, mà hoạt động trước đây của họ rõ ràng là bị dán nhãn phá hoại.
Mãi cho đến năm 2012, bất kỳ NGO nào muốn đăng ký để có phép hoạt động đều phải có một cơ quan nhà nước đứng ra làm chủ quản, thường là một cơ quan đang hoạt động trong lĩnh vực tương tự như NGO. Điều này đảm bảo cho nhà nước quyền kiểm soát chặt chẽ mọi NGO, mà Đảng thích gọi là các “tổ chức xã hội” hơn (vì trong tiếng Trung, “phi chính phủ” nghe có mùi như “phản chính phủ”). Các NGO quốc tế cũng chỉ được hoạt động tại Trung Quốc khi tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt.
Điều vừa kể nghe có vẻ khắc nghiệt, nhưng thực ra, đây là một bước cởi mở lớn so với cả một thời kỳ dài trước đó. Năm 1949, khi Đảng Cộng sản lên nắm quyền, họ đã loại trừ bất cứ những gì chen vào giữa quan hệ nhà nước và cá nhân, bất kể đó là các tôn giáo, nghiệp đoàn, hay tổ chức độc lập các loại – không những thế, Đảng còn tìm cách phá nát giềng mối gia đình truyền thống. Nói cách khác, điều mà các nước khác gọi là xã hội dân sự đã bị loại trừ hoàn toàn khỏi Trung Quốc, ít nhất là cho tới khi Mao Trạch Đông chết năm 1976. Những tổ chức duy nhất được phép hoạt động là những đơn vị giả danh là không thuộc nhà nước. Những tổ chức này có một cái tên nghe rất George Orwell [tác giả tiểu thuyết 1984] là “GONGO” (tổ chức phi-chính-phủ do-chính-phủ điều hành – government-operated non-govermental organizations), như Quỹ Phát triển Thanh niên Trung Quốc, Quỹ Xóa đói Giảm nghèo Trung Quốc.
Rồi sau khi các cuộc biểu tình và đàn áp đẫm máu tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 diễn ra, các lãnh tụ Trung Quốc đã phải mở cho dân một chọn lựa khác: Chỉ cần đứng ngoài chính trị là bạn có thể làm gần như bất cứ gì bạn muốn. Tuy hầu hết những thứ tự do được phép nửa vời kia đều thuộc lĩnh vực kinh tế, nhưng không gian dành cho hoạt động xã hội cũng đã được mở rộng.
Dĩ nhiên, có những cấm kỵ lộ liễu. Sự sụp đổ của khối Xô-viết – mà các nghiệp đoàn, giáo hội và tổ chức dân sự ở Ba Lan, Tiệp Khắc và các nước khác góp phần tạo nên – đã càng củng cố suy nghĩ của giới lãnh đạo Trung Quốc rằng phải cấm các NGO tiếp cận với những vấn đề chính trị, hoặc những thứ có thể trở thành vấn đề chính trị. Tuy vậy, các NGO địa phương, hầu hết là những tổ chức từ thiện với phạm vi hoạt động giới hạn, vẫn được phép lớn mạnh trong một số lĩnh vực, với điều kiện họ phải chấp nhận sự kiểm soát của nhà nước thông qua quy trình đăng ký. Các NGO hoạt động bảo vệ môi trường và phòng chống HIV/AIDS là những NGO trong hai lĩnh vực đầu tiên mà nhà nước có thể chịu đựng được. Tuy trên thực tế, các NGO này đã phải đấu tranh kiên trì mới có được tự do hoạt động như đang có, và nhà nước vẫn tiếp tục có nhiều chiêu trò quấy nhiễu.
Không nới không xong
Sau giai đoạn kể trên, hành trình phát triển của các NGO không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Năm 2005, bị đe dọa bởi các cuộc cách mạng “màu” ở Ukraine, Georgia và Kyrgyzstan, lãnh đạo Trung Quốc đã siết chặt các NGO, đặc biệt là với các NGO hoạt động tích cực hơn cả. Nhưng trong những năm gần đây, một lần nữa kiểm soát chặt chẽ đã được nới lỏng, phần lớn là do xã hội có nhiều khó khăn cần giải quyết. Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và một xã hội đa dạng hơn hình thành cũng có nghĩa Đảng không còn khả năng bao cấp cho mọi việc trong đời sống công dân như họ đã từng làm, hoặc nghĩ mình có thể làm. Khi người dân giận dữ vì bất mãn với những chính sách an sinh xã hội bèo bọt thì ổn định xã hội sẽ gặp nguy và chế độ Đảng trị, vốn xây trên ổn định xã hội, cũng sẽ bị thách thức. Việc trung ương đùn đẩy cho địa phương các trách nhiệm chăm lo y tế, giáo dục và các chính sách an sinh xã hội khác cũng chẳng giải quyết được gì, vì chính quyền địa phương không mặn mà hoặc cũng chẳng có tiền để chi trả cho những công việc như thế.
Trong một thập niên vừa qua, sự kiện hàng loạt các NGO chưa đăng ký nở rộ như nấm phải nói là đáng kinh ngạc. Một số được hình thành vì niềm tin tôn giáo: Các bác sĩ theo đạo Thiên Chúa mở phòng khám từ thiện, trám vào lỗ hổng của hệ thống y tế nhà nước, hoặc các nhóm Phật tử đứng ra chăm sóc người già neo đơn. Các nhóm dân sự khác cũng có những hoạt động phong phú, phụ huynh trẻ tự kỷ thì hình thành các hội tương trợ qua internet, người quan tâm đến giáo dục thì mở website đăng địa chỉ trường nghèo trên địa bàn thành phố, và kêu gọi mọi người khi đi qua trường hãy ghé giúp đỡ bằng cách tặng sách vở bút giấy cho học trò. Những hoạt động tự nguyện này cho thấy trong xã hội điều được gọi là “lý tưởng” chưa hề mất đi mà vẫn sống mạnh trong lòng nhiều người, và đó cũng là điều Đảng Cộng sản ngày càng hiểu ra và biết trân trọng. Theo lời kể của ông Hà Kiện Vũ (He Jianyu) tại Trung tâm Nghiên cứu NGO thuộc Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, khi Đảng cử người đi điều tra về hoạt động của các NGO thì họ nhận ra rằng “NGO không phải là hang ổ của những nhà cách mạng muốn đạp đổ Đảng như họ thường nghĩ trước đây”.
Một cú hích quan trọng khiến NGO nảy nở tại Trung Quốc – gấp đôi so với chục năm trước (xem biểu đồ) – dường như chính là cuộc động đất khủng khiếp tại Tứ Xuyên năm 2008, làm chết 70.000 người. Hàng ngàn người thiện nguyện đã tụ về Tứ Xuyên để giúp giải cứu nạn nhân. Người dân bình thường tham gia các hoạt động này nhận ra được hiệu quả của việc họ làm khi tự đứng ra tổ chức và tham gia cứu hộ. Bà Quách Hồng, thuộc Học viện Khoa học Xã hội Tứ Xuyên nhắc đến ở trên, cho biết: “Chúng tôi đều thấy các NGO hoạt động ra sao, và hiểu ra rằng họ làm việc hiệu quả hơn nhiều lần so với chính quyền”. Chính quyền cũng đi đến kết luận tương tự, và nhờ vậy đã cho thêm nhiều NGO đăng ký thông qua các tổ chức nhà nước.
Đàng sau sự nảy nở của các NGO là sự trỗi dậy không thể kiềm chế của tầng lớp trung lưu mới ở Trung Quốc. Giống như Đảng, giới trung lưu muốn có ổn định xã hội. Nhưng một số thành phần trong giới trung lưu cũng thực sự muốn có cơ hội mới để tham gia việc xã hội. Và các lãnh tụ Đảng, hiện không còn bị ý thức hệ cộng sản trói chặt, dần nghiệm ra rằng họ sẽ có lợi nếu biết cách sống chung với những công dân thích hoạt động này, thay vì phải lo trấn áp họ. Giới lãnh đạo Đảng cho rằng: rất có thể việc sống chung sẽ mở đường để xã hội ủng hộ chế độ, một việc mà Đảng dù muốn cũng không còn sức để làm. Vì lý do này, chính quyền đang nới lỏng luật lệ, không chỉ cho phép các NGO đăng ký mà không cần một cơ quan nhà nước làm chủ quản đỡ đầu, mà còn khuyến khích họ ra đăng ký.
Kể từ năm 2011, đã có bốn loại hội đoàn được đăng ký thẳng, không cần đỡ đầu, tại một số tỉnh thành, đó là: các hội đoàn thuộc lĩnh vực công nghiệp, các tổ chức khoa học kỹ thuật, các hội từ thiện và các nhóm làm dịch vụ xã hội. Cuối năm nay, những quy định tương tự được dự kiến sẽ nhân rộng ra trên toàn quốc. Karla Simon, một học giả Mỹ, tác giả cuốn Xã hội Dân sự tại Trung Quốc nói rằng số lượng các NGO có thể sẽ còn tăng gấp đôi chỉ trong một hai năm nữa, khi thủ tục đăng ký ngày càng nới lỏng.
Cũng đáng chú ý là những thay đổi này diễn ra vào lúc đàn áp chính trị đang gia tăng cường độ, đàn áp cả những người chỉ đơn thuần kêu gọi Đảng, vốn coi trời bằng vung, phải tuân thủ những điều khoản được ghi trong Hiến pháp Trung Quốc (do chính Đảng Cộng sản Trung Quốc viết ra). Kể từ khi Tập Cận Bình lên làm Tổng Bí thư Đảng năm 2012, nhà nước đã không ngừng đàn áp những người có tư tưởng tự do. Vào cuối tháng 1/2014, việc kết án ông Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong), một học giả tầm vóc, án tù giam bốn năm, và các vụ quấy nhiễu liên tục những nhà hoạt động khác cho thấy rằng: dù hoạt động ôn hòa và không chống Đảng quá đáng, những người như ông Hứa vẫn không được Đảng chấp nhận. Sắp tới, việc kiểm soát sẽ còn chặt chẽ hơn, vì ngày kỷ niệm 25 năm cuộc thảm sát Thiên An Môn đang đến gần [4/6/1989-4/6/2014].
Đảng hầu như tin rằng họ có thể thúc đẩy NGO phát triển mà không phải nới lỏng kiểm soát chính trị. Có lẽ niềm tin này là phiên bản mới của một nguyên lý Lênin-nít cũ, một cú đổi màu mới của chú tắc kè toàn trị cũ, một lớp vỏ ngụy trang thông minh được gọi là “chủ nghĩa độc tài có tham khảo ý dân”. Hoặc, nói theo bà Jessica Teets thuộc Học viện Middlebury Mỹ, thì chủ trương kia của Đảng sẽ dẫn đến một thực tế là chỗ cho quyền lực thì còn nguyên, trong khi không gian cho bất đồng thì vẫn bị kiềm hãm.
Nhưng, nhiều người làm việc cho các NGO lại nghĩ ngược lại. Họ cho rằng: càng cho phép các hội đoàn xã hội dân sự được tự do bao nhiêu thì lần hồi Đảng cũng sẽ phải thay đổi từ bên trong bấy nhiêu – đây đích thị là “diễn biến hòa bình” mà các tay trùm bảo thủ trong Đảng ra sức chống đối. Mặc dù những chuyển biến dẫn đến cải cách chính trị đúng nghĩa vẫn chỉ cầm chừng, nhưng các nhà hoạt động vẫn cho rằng các luật lệ mới về NGO là một phần của những đợt sóng ngầm có tên là đổi thay xã hội đang bắt đầu xói mòn từ bên dưới dòng sông băng nghìn năm.
Từ “Đảng làm” đến “dân làm”
Mãi đến gần đây, Đảng mới nhận ra rằng NGO có một số ưu điểm mà Đảng không hề có, đó là: NGO có ý tưởng phong phú, NGO có sự hiểu biết thấu đáo về những vấn đề cụ thể tại địa phương vì đã trải qua nhiều kinh nghiệm đau thương, và NGO được cộng đồng địa phương ủng hộ. Thật vậy, giờ đây ít ai tin vào Đảng về bất cứ thứ gì, trong khi hầu hết mọi người tin rằng các NGO có khả năng tiếp cận vấn đề với sự hiểu biết và nhạy bén cần thiết. Chẳng hạn, NGO đối xử với những người dùng ma túy hoặc gái giang hồ nhiễm AIDS như những nạn nhân của một vấn đề sức khỏe cần được giải quyết với sự quan tâm thật lòng và tư vấn tế nhị, chứ không xem họ như những kẻ có tội. Một kế hoạch của Đảng được trông đợi từ lâu về đô thị hóa, vừa công bố vào tháng 3/2014 vừa qua, có nhắc đến nhu cầu “kích hoạt năng lượng” của những NGO như vừa nói. Một trí thức Trung Quốc còn nhận xét: Thách thức giờ đây có hai mặt, không mặt nào kém quan trọng hơn mặt nào. Một mặt là làm sao giúp chính quyền biết cách chuyển giao một số lĩnh vực của chính sách xã hội cho các NGO, và mặt kia là làm sao giúp các NGO có thêm năng lực để hoạt động hiệu quả.
Lòng nhân ái đang quay trở lại như một sức mạnh xã hội, khi người dân ngày càng có ý thức cao hơn. Hiện tượng này một phần được lý tưởng tôn giáo thúc đẩy: Phật giáo và Lão giáo đang trong thời kỳ phục hồi mạnh mẽ, hiện cũng có 80 triệu người theo Thiên Chúa giáo ở Trung Quốc, rất nhiều người trong các tôn giáo kia muốn làm việc có ích cho xã hội. Công việc từ thiện và làm việc phi lợi nhuận đang ngày càng trở nên phổ biến. Một biên tập viên người Mỹ của tập san Báo cáo Phát triển Trung Quốc, tập san có trụ sở tại Bắc Kinh chuyên viết về NGO, ông Shawn Shieh, nhận xét rằng: Việc thiện nguyện và lòng nhân ái đã trở thành câu cửa miệng của tầng lớp giàu có.
Dĩ nhiên, xã hội dân sự vừa thành hình còn đường dài phải đi. Vấn đề lớn nhất là tìm được nguồn tiền để hoạt động. Một số chính quyền địa phương đã đài thọ kinh phí trực tiếp cho các NGO. Chính quyền tỉnh Quảng Đông đã cung cấp 466 triệu nhân dân tệ (75 triệu USD) cho các NGO vào năm 2012; tỉnh Vân Nam cũng chi 300 triệu nhân dân tệ. Những con số này dự kiến còn tăng nhiều. Tuy nhiên, mặc dù nhiều hội đoàn không còn cần một cơ quản chủ quản bảo trợ, họ cũng được nhận tiền công chúng đóng góp, nhưng lại không được phép quyên tiền công khai. Việc quyên tiền hiện vẫn phải thông qua một GONGO trung gian phiền phức, điều này cũng có nghĩa chính quyền vẫn kiểm soát được độ vươn xa của một NGO trong quần chúng, và qua đó kiểm soát cả nguồn thu của họ. Tương tự, việc kiểm soát các khoản tài trợ từ nước ngoài gần đây cũng bị thắt chặt hơn.
Càng kiểm soát cũng có nghĩa tham nhũng càng có cơ hội. Một số chính quyền địa phương đã dựng lên các NGO trá hình để bòn rút những khoản ngân sách mới. Trong khi các NGO thực chất lại hiếm khi nào nghe nói đến các cuộc mời thầu cung cấp dịch vụ mà họ có thể tham gia. Những gói thầu kia thường rơi vào những tổ chức tay trong, các tay trong này lại ký hợp đồng triển khai dự án thông qua các công ty con để hưởng huê hồng.
Tuy vậy, cũng như ở các nước, internet đang thay đổi mọi sự. Các trang vi blog tương tự như Twitter ở Trung Quốc cho phép người cùng chí hướng tụ lại với nhau và thu hút quần chúng ủng hộ cho một mục tiêu chung. Hiện nay, người dân có thể khiếu nại về nhiều điều trên mạng mà không bị xem là phá hoại, mặc dù vẫn có những giới hạn cần thận trọng, chẳng hạn: bạn có thể gửi tin nhắn than phiền về nạn không khí ô nhiễm, nhưng bạn sẽ khó phàn nàn về một nhà máy sai phạm, nếu nhà máy có quan hệ mật thiết với một vị lãnh đạo nào đó. Những người khá giả thuộc tầng lớp trung lưu cũng dùng các trang vi blog để bày tỏ sự giận dữ về những vấn nạn như an toàn thực phẩm, khan hiếm nước sạch, cách đối xử với công nhân nhập cư, tình hình giáo dục và y tế – tức những đề tài cốt lõi của NGO. Tương tự, NGO nào dùng mạng internet để giúp quần chúng biết đến công việc của họ thường dễ dàng thu hút những khoản đóng góp đáng kể, dù họ không chủ động gây quỹ.
Giữa Bụt và ma
Câu chuyện xã hội dân sự đang hình thành không đơn thuần là câu chuyện trắng đen tách bạch, mà có màu xám, ranh giới địch ta mờ nhoà và thiện ác múa đôi, bên nào cũng cần thoả hiệp với bên kia để có đất sống. Người hoạt động trong các NGO rất dễ bị cám dỗ thoả hiệp để được nhà nước cấp tiền hoạt động. Ngược lại, một nhà ngoại giao phương Tây tại Bắc Kinh lại cho rằng: nếu chấp nhận đi đôi với hệ thống thì ta có thể làm được nhiều việc hơn nhiều.
Một tổ chức có tên là Chí Thành (Zhicheng), chuyên hỗ trợ pháp luật cho người nghèo, là ví dụ điển hình cho khả năng đi đôi với hệ thống như vừa nói. Tổ chức này được Đông Lệ Hoa (Tong Lihua), một luật sư xuất thân quê nghèo, thành lập năm 1999, với mục đích ban đầu là bảo vệ quyền lợi cho trẻ em nông thôn. Anh tạo ấn tượng tốt với quan chức địa phương và thuyết phục được họ hỗ trợ. Sau đó, anh Đông chuyển qua tư vấn cho công nhân bị quỵt lương. Anh cho biết: Quan chức chính quyền địa phương vẫn đang để yên cho anh hoạt động, vì mặc dù hoạt động trong một lãnh vực nhạy cảm, anh đang góp phần củng cố, chứ không phá hoại, ổn định xã hội. Anh nói mục tiêu của mình là thúc đẩy những cải cách xã hội và pháp luật từ bên trong hệ thống. Mặc dù đôi khi bị các nhà hoạt động khác chê cười vì quá thân Đảng, anh Đông nói 99,9% việc mình làm là hoàn toàn độc lập. Anh cũng nổi cáu khi được hỏi có phải là tay trong của chính quyền hay không. Anh nói tổ chức Chí Thành đã tư vấn pháp lý miễn phí cho 400.000 người, giúp họ truy lĩnh được những khoản lương còn thiếu và đòi được các khoản bồi thường thương tật lao động, tổng số tiền đòi được lên tới 400 triệu nhân dân tệ [khoảng 64 triệu USD].
Khác với NGO Chí Thành hoạt động trong lòng chế độ, NGO Ích Nhân Bình (Yirenping) lại hoạt động ngoài luồng, đây là một NGO dấn thân, gồm các luật sư tự đảm nhận các ca tố tụng có tính tiền lệ. Một trong những ca gần đây liên quan đến một nữ sinh không được thi trung học toàn quốc chỉ vì em bị mù. Ích Nhân Bình cũng giúp những bệnh nhân viêm gan siêu vi B và AIDS bị mất việc chỉ vì mắc bệnh. Một trong các luật sư của tổ chức, chị Hoàng Nhất Chi (Huang Yizhi) nói có lẽ họ sẽ không tìm cách đăng ký chính thức cho Ích Nhân Bình. Giống như nhiều NGO khác không tìm được cơ quan chủ quản đỡ đầu, hiện tổ chức này đang đăng ký dưới dạng một doanh nghiệp. Cũng theo lời chị Hoàng, nếu đăng ký như một NGO, rất có thể họ sẽ nhận được tiền của chính phủ, nhưng bù lại, họ sẽ phải giới hạn mức độ dấn thân. Sự lưỡng lự này có vẻ phù hợp, vì họ đang rất thận trong khi chọn các ca kiện tụng để theo đuổi, họ cũng chủ trương dấn thân vào những vấn đề lớn hơn, như đòi hỏi công bằng xã hội, một đề tài mà Đảng cho rằng thuộc phạm vi quan tâm của Đảng. Dĩ nhiên, họ phải thận trọng, sao cho không chạm nọc đuôi rồng, không khiến nó nổi đoá quẫy đuôi đập nát.
Không ở trong lòng cũng không nằm ngoài luồng như hai trường hợp trên là anh Mã Quân (Ma Jun). Vốn là nhà báo, năm 1999 anh Mã cho phát hành một cuốn sách rất đáng chú ý về môi trường, cuốn Khủng hoảng nước ở Trung Quốc. Anh Mã điều hành Viện Công vụ và Môi trường (IPE), một tổ chức hợp pháp. Cũng giống như ông Đông nói trên, anh Mã nhìn nhận rằng sự hợp tác với chính quyền là cần thiết. Anh nói “Chúng ta đều đi chung thuyền, và không ai muốn thuyền lật.” Nhưng anh lại không hợp tác nhiều với các GONGO quốc doanh. Khi đang có quá nhiều vụ biểu tình vì vấn đề môi trường, rõ là Đảng hiện ngày càng lo lắng về các cuộc vận động xanh. Trong khi đó, anh Mã lại đang ở vị trí tiên phong trong việc phối hợp hoạt động giữa các NGO liên tỉnh, một điều cấm kỵ khác của Đảng. Đảng luôn e ngại hiện tượng những người cùng chí hướng có cùng một mục tiêu lại có thể liên kết với nhau trên phạm vi cả nước. Vì điều này mà các NGO chưa được phép đăng ký mở chi nhánh tại các tỉnh thành khác nhau. Hiện IPE là một phần của mạng lưới gồm 50 nhóm bảo vệ môi trường được gọi là Liên minh Chọn lựa Xanh, một liên minh có khả năng lên tiếng như một tổ chức duy nhất. Có thể nói anh Mã đang đi dây, điều đáng ngại là dây lơ lửng có thể rung lắc mạnh. Nếu như vài năm trước chính quyền ca ngợi ông Hứa Chí Vĩnh, rồi gần đây kết án ông bốn năm tù như trên đã nói, thì điều gì có thể xảy ra với anh Mã, người bây giờ cũng đang được họ ca tụng?
Một vế khác của câu chuyện là chính quyền cũng đi hàng hai trong cách họ ứng xử với các NGO. Tháng 7/2013, Bộ Môi trường đã tổ chức cuộc hội thảo tại Bắc Kinh và lần đầu tiên có mời những hội đoàn như của anh Mã tham dự. Mười năm trước thì việc này quả là điều không tưởng. Theo lời kể của một người tham dự, và cho rằng đó là một hội thảo gây chấn động, thì quan chức chính quyền đã khuyến khích các NGO mạnh dạn “đối đầu với các thế lực mạnh” – tức những nhóm lợi ích cấu kết chặt chẽ trong vùng. Tuy chấn động như vậy, nhưng cùng lúc, chính quyền vẫn có những nước cờ nhằm hạn chế khả năng của các NGO bảo vệ môi trường trong việc kiện các chính quyền địa phương ra toà. Cũng có một tài liệu Đảng, gọi là Tài liệu Số 9, được phổ biến tới mọi phòng ban các cấp năm 2013, tố cáo các NGO là đang tìm cách làm nảy nở các “lực lượng chống Trung Quốc”. Biên tập viên Shawn Shieh gọi tình trạng này là tình trạng hai mặt kiểu “tâm thần phân liệt”. Ông Tăng Phi Dương, nhà hoạt động bênh vực người lao động nhắc đến ở đầu bài, cũng nói rằng mặc dù được mời đăng ký NGO của mình, ông vẫn bị quấy nhiễu như thường.
Khả năng đi hàng hai của Đảng còn nằm ở chỗ họ có thể siết chặt hoạt động của NGO sau khi cho nới lỏng một thời gian. Giáo sư Trần Kiện Dân (Chan Kin-man) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Dân sự thuộc Đại học Trung văn Hongkong cho rằng các NGO tuy bùng nổ về số lượng nhưng ảnh hưởng lại không nhiều. Ông cũng lập luận rằng phạm vi hoạt động của xã hội dân sự thực ra đang bị thu hẹp. [Giáo sư Dân cũng là nhà hoạt động vì dân chủ cho HK, so với tự do rộng rãi trước năm 1997, khi HK được Anh trả về TQ, không gian dân sự tại HK đúng là đang hẹp dần]. Một số biểu hiện của việc đàn áp chính trị, chẳng hạn như luật chống tung tin đồn, có vẻ như khẳng định lập luận của giáo sư Dân. Tuy nhiên, các quan sát viên khác lại phản biện rằng không nhất thiết cứ phải đối đầu với chính quyền mới có phạm vi hoạt động rộng hơn, mà phạm vi hoạt động rộng hơn có được nhờ thương lượng với chính quyền vẫn là khoản không gian có giá trị. Trong khi đó, nhiều người khác cũng thấy rằng sự phân biệt của Đảng giữa các NGO dịch vụ xã hội và NGO dấn thân sẽ nhoà dần. Một nhân viên NGO nước ngoài ở Bắc Kinh nói “Không thể nào làm dịch vụ xã hội cho người già mà lại không trở nên người dấn thân vận động để đòi những quyền lợi lớn hơn cho người già.”
Đi về đâu, hỡi Hoa?
Một số nhà hoạt động trong các NGO lo rằng khi họ để cho bản thân bị chính quyền điều hướng là họ đang vô tình củng cố quyền lực độc tài của Đảng Cộng sản, vì họ đang góp phần giúp Đảng giải quyết những vấn đề lớn nhất về quản lý xã hội. Vị hội trưởng người Trung Quốc của một NGO, hoạt động trong lĩnh vực nhạy cảm là tài trợ và giúp đỡ những công nhân bị thương tật lao động, kể rằng bạn bè ông bảo: Sao không cứ để cho hệ thống cộng sản “mục ruỗng rồi sụp đổ” thay vì cứu vãn nó. Điều đáng nói là ngay khi NGO của ông được công chúng quan tâm, thông qua bài viết trên các blog, thì chính quyền đã cung cấp vài triệu nhân dân tệ để hỗ trợ công việc họ đang làm. Ông nói “Khi mình tạo được điểm nhấn cho một vấn đề gì đó thì chính quyền sẽ phải nhập cuộc thôi.”
Không rõ là Đảng có thật lòng tin tưởng xã hội dân sự hay không. Nhưng rõ là Đảng xem các NGO như công cụ hữu dụng để đạt mục đích riêng. Nhưng khi chính trị từ trên xuống không giải quyết được những vấn đề xã hội từ dưới lên, và khi có một tầng lớp trung lưu mới muốn tham dự việc xã hội nhiều hơn, thì việc gia tăng vai trò cho xã hội dân sự là điều không thể né tránh. Vì vậy, có thể nói một hợp đồng ngầm đã được hình thành giữa Đảng và xã hội dân sự, trong đó hai bên đều sẵn sàng thoả hiệp để đạt được các mục tiêu ngắn hạn, và cùng lúc cả hai đều hy vọng tương lai sẽ diễn ra theo hướng có lợi cho mình.
Những cấm đoán và bất mãn vẫn còn đầy dẫy. Những thay đổi trong luật lệ đăng ký NGO sẽ chỉ có tác động chậm chạp đối với đời sống hàng ngày của thường dân Trung Quốc. Bên cạnh đó, những vấn đề xã hội và tài chính có thể sẽ còn tăng gấp bội, làm vô hiệu hoá bất cứ nỗ lực nào nhằm xây dựng một xã hội dân sự lớn mạnh hơn. Tuy vậy, bằng cách của mình, các tổ chức phi chính phủ NGO đang bắt đầu trở thành chất keo kết dính xã hội lại với nhau, vào lúc nhà nước thì thoái lui, cấu trúc gia đình thì xáo trộn và những giềng mối quan hệ giữa người với người trong xã hội đang bị giằng xé đến độ có thể rách toạc. Các NGO hiện nay đang được một tầng lớp những người Trung Quốc trung lưu mới ủng hộ, họ là những người có cuộc sống khá giả hơn đại đa số và có ý thức rõ ràng về quyền hạn của mình. Đảng sẽ không thể dễ dàng tiếp tục hất ngược họ trở về đất đen được nữa.
Nguồn: “Beneath the Glacier”, The Economist, 12/4/2014, tường trình từ Bắc Kinh, Thành Đô, Quảng Châu. Các ghi chú trong ngoặc vuông là của người dịch.