Mặc Lâm,
Theo RFA
Những vụ biểu tình bạo
động chống Trung Quốc tại Bình Dương và Vũng Áng
đã gây hệ luỵ cho xã hội, kinh tế và chính trị
Việt Nam. Hầu hết người dân đều không đồng tình
với các vụ đốt phá các hãng xưởng của người
Trung Quốc vì những hành vi phá hoại ấy chỉ gây
thêm khó khăn trong tình hình Trung Quốc lấn
chiếm biển Đông hiện nay. Mặc Lâm phỏng vấn ông
Phạm Thế Duyệt, một lãnh đạo cao cấp, nguyên Bí
thư Trung ương khóa 6, Uỷ viên Trung ương Đảng
nhiều khoá và nguyên Chủ tịch MTTQ Việt Nam để
biết thêm ý kiến của ông.Ông Phạm Thế Duyệt, bờ Hồ Hoàn Kiếm, chụp từ sau đoàn biểu tình vừa diễu hành qua theo chiều của xe cảnh sát thấy trên ảnh, ngày 11-5-2014. Ảnh: Dân Quyền |
Mặc Lâm: Thưa ông như ông đã biết tình hình bạo loạn đã khiến cho việc đối phó với Trung Quốc càng khó khăn hơn. Là một người từng tham gia những quyết sách tối quan trọng của đất nước trong tư cách là một Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương đảng Việt Nam, theo ông thì những hành động này phát xuất từ chủ nghĩa dân tộc cực đoan hay chỉ là tự phát do yêu nước rồi trở thành bạo động khi mà sự bức xúc có điều kiện khách quan khác tác động thưa ông?
Ô. Phạm Thế Duyệt: Điều này phải có ý kiến của nhà nước và cá nhân tôi không đồng tình. Thế nhưng nói về tinh thần yêu nước thì không ai có thể nói là ít hay nhiều, nhưng yêu nước như kiểu ấy thì chỉ có hại thôi. Không ai được phép phá phách, đối xử với những người chủ dù họ là người Trung Quốc đi nữa thì cũng là người. Người ta đã và đang làm ăn với mình thì họ không phải là đối tượng để mà trả đũa. Phải tôn trọng pháp luật, đồng thời đấy cũng là góp phần vào việc xây dựng đất nước, chứ có phải đâu người ta làm gì có hại cho mình. Làm những chuyện ấy là mình vi phạm pháp luật.
Mặc Lâm: Vâng, thưa ông có nhiều người đi theo đoàn biểu tình chứng kiến và phát hiện ra rằng chỉ có một nhóm người thôi, họ xách động và phá phách cũng như đốt những hãng xưởng Trung Quốc, chứ không phải tất cả người dân đều như vậy hết. Theo ông nhà nước cần phải có những biện pháp như thế nào đối với nhóm người này?
Ô. Phạm Thế Duyệt: Tôi tin là công an anh em người ta có trách nhiệm sẽ làm. Đừng có để oan những người người ta không có ý đồ phá phách vì người ta chỉ là những người biểu tình. Ở ngoài Hà Nội, biểu tình rất nhiều người, rất đúng thôi, tôi hoan nghênh những việc như vậy. Biểu thị thái độ phản đối hành động trắng trợn của Trung Quốc, mình phải tỏ thái độ chứ không thể lặng im được.
Thế nhưng những trường hợp nào vi phạm phá phách, tôi tin là số ấy ít chủ yếu là số ít nhưng phải cố gắng làm cho rõ chứ không phải đi xử những người đi biểu tình, làm sao đúng được? Phải xử người có các hành động đốt phá, gây hại cho sản xuất, gây mất tình hữu nghị với những người người ta gắn bó với mình, cùng làm ăn, cái đó thiệt thòi ngay cho mình thì mình phải có cách khắc phục.
Mặc Lâm: Thưa ông, về vấn đề Việt Nam và Trung Quốc thì ông đã chủ trương là phải luôn hữu nghị nhưng hiện nay Trung Quốc vẫn cương quyết giữ giàn khoan ở trên vùng biển của Việt Nam, như vậy thì liệu cái tình hữu nghị của Việt Nam có thể khiến cho họ nghĩ lại vấn đề mà họ đã làm sai không, thưa ông ?
Ô. Phạm Thế Duyệt: Điều mình nghĩ thì đấy là việc của mình, nhưng họ cố ý thì đấy là cái việc của họ. Nhưng mình phải đấu tranh, phải làm cho người ta rõ được những thiện chí và đạo lý, chính nghĩa của mình, cái đó mới là quan trọng. Thế còn mình nói mà người ta không nghe thì đó là việc cũng có thể xảy ra, mà bây giờ đang xảy ra đó chứ, chứ đâu phải không đâu nhưng đấy là việc khác. Thái độ của đồng chí Thủ tướng cũng đã rõ rồi, ta phải có kiên định với việc giữ ổn định đoàn kết hữu nghị và không để xảy ra chiến tranh phía ta. Còn nếu do người ta cố ý chuyện ấy thì chuyện đấy khác, cái gì cũng có giới hạn thôi, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng nói cả rồi.
Mặc Lâm: Thưa ông, xin được một câu hỏi cuối cùng: nếu Trung Quốc vẫn giữ lập trường không nhường Việt Nam, tiếp tục công khai làm cho chủ quyền biển đảo Việt Nam bị xâm phạm thì theo ông nhà nước cần có những thái độ nào thêm sau việc biểu lộ của Thủ tướng Dũng?
Ô. Phạm Thế Duyệt: Chúng ta đã có kinh nghiệm rồi, đối với những cuộc xâm lược trước đây khi đấu tranh bằng ngoại giao 4 - 5 năm mới thắng lợi, chứ đâu phải dễ. Thế thì ta phải tiếp tục làm thôi. Vấn đề là họ chưa có thiện ý thì ta phải đấu tranh tiếp, vạch tiếp, dùng cả thế giới người ta ủng hộ chúng ta, ủng hộ những người đúng. Tôi cho là phải tranh thủ tiếp, đến lúc nào đó thì cũng phải tỏ thái độ bằng tính pháp lý đối với quốc tế. Cá nhân tôi thì chả thể hiểu hết được nhưng việc đó nhiều nước trên thế giới người ta cũng đã làm, phải đấu tranh, phải tính chuyện gây họ hấn hay nổ súng, nếu có thì do người ta chịu trách nhiệm chúng ta không làm những chuyện đó trước. Anh em mình thì quan tâm góp phần xây dựng cho ổn định bằng quan điểm đúng đắn bảo vệ chính nghĩa của mình, kiên quyết tỏ thái độ rõ ràng, không có mập mờ.
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.