19 mai 2014

Sự ngạo mạn nguy hiểm của Bắc Kinh



TT - Nhà bình luận Philip Bowring của tờ South China Morning Post (Hong Kong) cho rằng sức mạnh vượt trội cùng trò “đọc lịch sử kiểu chọn lọc” của Bắc Kinh đang gây ra căng thẳng tại biển Đông.
Tàu Trung Quốc bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép tại vùng biển Việt Nam - Ảnh: Tấn Vũ

Hành vi của Trung Quốc với các nước láng giềng Đông Nam Á hiện tại là hung hăng, ngạo mạn và đầy màu sắc chủ nghĩa sôvanh đại Hán. Vượt quá việc thể hiện lòng tự tôn dân tộc, Bắc Kinh đang khoác cái tên xấu cho chủ nghĩa yêu nước của họ. Người Hong Kong nên hiểu rõ thực tế là gì: đây là một mánh khóe nguy hiểm.


20% bờ biển, 90% diện tích
"Nói theo cách của Trung Quốc thì người Thổ Nhĩ Kỳ có thể đòi chủ quyền ở toàn bộ Ai Cập, còn người Nga có thể lấy toàn bộ khu Trung Á"

Bắc Kinh không chỉ gầm ghè chủ nghĩa bành trướng với Việt Nam và Philippines, giờ cũng khiến Indonesia chuyển từ thái độ cố là một nước trung gian sang trở thành một nước đối thủ khác ở biển Đông. Đã hai lần trong vài tháng gần đây, Indonesia chỉ trích Trung Quốc âm mưu chiếm một phần bán đảo Natuna của mình. Nói “vươn lên hòa bình làm gì” khi gây hấn các nước láng giềng với hơn 400 triệu dân - những nước anh coi là yếu.
Tất cả tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc giờ gói trong đường chín đoạn trải dài hơn 1.000 hải lý kể từ bờ biển Quảng Đông và Hải Nam tới gần Borneo, hòn đảo chung giữa Malaysia, Indonesia và Brunei, và chiếm hầu hết toàn bộ phần biển giữa Việt Nam và Philippines. Phần tuyên bố này chiếm tới hơn 90% diện tích biển Đông dù rằng Trung Quốc (cộng với cả Đài Loan) chỉ chiếm 20% bờ biển.
Tất cả tuyên bố này dựa vào những cơ sở lịch sử mà trên thực tế phớt lờ hết toàn bộ sự tồn tại và lịch sử giao thương hàng hải của các dân tộc khác 2.000 năm trước, trước cả Trung Quốc mở rộng khám phá trên biển xuống phía nam rất lâu. Người Indonesia đã tới châu Phi và thuộc địa hóa Madagascar hơn 500 năm trước cả nhà thám hiểm Trịnh Hòa (thế kỷ 14-15)  của Trung Quốc. Ngoài ra, người dân Đông Nam Á hấp thụ nền văn hóa từ Ấn Độ và Hồi giáo nhiều hơn từ Trung Quốc.
Vụ căng thẳng với Việt Nam hiện tại là do Trung Quốc đưa giàn khoan vào khu vực biển phía đông Đà Nẵng. Trung Quốc lý lẽ là họ sở hữu Hoàng Sa, gần với vị trí khoan hơn là Việt Nam. Nhưng các đảo này Trung Quốc đơn phương xâm chiếm từ năm 1974.
Thực tế có cách để giải quyết các tranh chấp này. Các nước khác như Indonesia, Singapore và Malaysia từng đưa chuyện sở hữu chủ quyền đảo ra tòa án công lý quốc tế và chấp thuận kết quả của tòa. Nhưng cho đến giờ Trung Quốc vẫn không chịu bất kể là nhượng bộ hay là ra tòa trọng tài. Trong khi đó, hợp tác phát triển chung là không thể khi Trung Quốc luôn coi vùng tranh chấp là chủ quyền và coi đó là điều kiện (để đàm phán).

Bịa đặt lịch sử
Với trường hợp các bãi cạn ngoài Philippines, Trung Quốc dựa lý lẽ của mình trên một loạt chứng cứ lịch sử bịa đặt và lấy cớ là mình đệ đơn tuyên bố chủ quyền trước - một lý lẽ yếu khi Trung Quốc không có sự hiện diện liên tục ở đó và Philippines vốn thừa hưởng một hiệp ước giữa hai nước thực dân phương Tây.
Các bãi ngầm và các điểm mà Trung Quốc đòi chiếm nằm rất rõ trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và trong vùng biển mà ngư dân nước này từ lâu hay qua lại. Bãi cạn Scarborough cách Luzon khoảng 200km, cách Trung Quốc 650km.
Những tuyên bố vô lý này có từ thời Quốc Dân Đảng - Tưởng Giới Thạch và chẳng có ý nghĩa gì, kể cả chuyện các nước ngày xưa có thỉnh thoảng cống nạp cho Trung Quốc. Với các nước giao thương xưa, cống nạp là một loại thuế, chi phí phải trả khi giao thương chứ không hề có ý nghĩa là chủ quyền của Trung Quốc. Và nếu Trung Quốc từng có đôi lần là bá quyền ở khu vực thì đó hoàn toàn không phải là vị trí bá chủ (nắm hết chủ quyền) ở đây, vốn bị chi phối bởi biển Malay. Nói theo cách của Trung Quốc thì người Thổ Nhĩ Kỳ có thể đòi chủ quyền ở toàn bộ Ai Cập, còn người Nga có thể lấy toàn bộ khu Trung Á.
Một nước Trung Quốc đang mạnh lên muốn thể hiện sức mạnh và chứng tỏ ai là ông chủ ở khu vực - như Bắc Kinh từng cố chứng minh trong cuộc chiến năm 1979 với Việt Nam - cũng như là nhắc nhở nước Mỹ về điểm yếu của nó. Trung Quốc trong khi đó lại lưỡng lự không muốn đối xử với các nước láng giềng, những người có văn hóa và lịch sử riêng, một cách công bằng.
Lịch sử muốn thể hiện bá quyền của Trung Quốc đã có từ lâu. Đặc biệt là niềm tin vào sự đồng hóa cũng như là việc phải bảo vệ và phát triển tính cách Hán mạnh dưới thời Trung Hoa Dân Quốc (1912-1949). Nhưng quan điểm này từ lâu từng bị phương Tây chỉ trích và từng bị chê trách dưới thời Mao Trạch Đông. Giờ nó đang trở lại ở đại lục, nơi nhiều học giả thấy khó chấp nhận việc con người hiện đại bắt nguồn từ châu Phi và rằng Trung Quốc vì vậy không phải là nguồn gốc duy nhất của loài người.
THANH TUẤN lược dịch