06 juin 2015

Thương lái TQ dụ người Việt lừa nhau: Hưởng lương làm gì?


Bích Ngọc


 Về phương diện quốc gia phải nói đến trách nhiệm bảo vệ an ninh kinh tế, bảo vệ thị trường nội địa của các cơ quan của Chính phủ.

Đại biểu Lê Nam, Phó trưởng đoàn chuyên trách, đoàn Quốc hội Thanh Hóa đã nói như vậy với Đất Việt bên hành lang Quốc hội chiều 4/6 khi bàn về thực trạng quá nhiều vụ thương lái Trung Quốc thông qua đầu nậu là người Việt đặt mua hàng hoá khối lượng lớn nhưng rồi "một đi không trở lại", hay lúc đầu cố tình đẩy giá mua lên cao để kêu gọi đại lý, doanh nghiệp gom hàng, đến khi các đại lý gom hàng số lượng lớn thì bỏ đi hay tìm cách ép giá.


Tình trạng tiếp tay là có

Trên thực tế nhiều ý kiến cho rằng thương lái Trung Quốc sẽ không thể làm được gì nếu không có thương lái Việt tiếp tay trong các vụ mua bán nông sản Việt cũng như hàng loạt vụ việc khác, đại biểu Lê Nam bày tỏ sự đồng tình.

Ông Nam cho rằng: Đúng là không thể nói được là chỉ có thương lái Trung Quốc lừa mà có cả chuyện một số người Việt tiếp tay cho việc tổ chức lừa đảo. Ví dụ như vụ mua hải sản lúc đầu rất nghiêm chỉnh, giá cao nhưng khi người dân nuôi trồng và đánh bắt về nhiều người ta lại không mua nữa. Hay như hàng loạt các vụ mua lá điều, lá ớt, đỉa... đều trong tình trạng tương tự.

Theo ông Nam, đây rõ ràng là những thủ đoạn lừa đảo trong kinh doanh. Thực trạng này diễn ra trong nhiều năm nhưng dường như vẫn chưa thực sự được can thiệp triệt để, thỉnh thoảng lại rộ lên.

Đại biểu Nam dẫn lại câu chuyện mua đỉa đã diễn ra nhiều năm nay và cũng nhiều vụ người dân phải cay đắng thả đỉa ra đồng vậy mà đến nay vẫn có địa phương ‘vấp’ phải tình trạng này.

Rõ ràng là có thực trạng lừa nhau thông qua các nhóm, cá nhân người Việt. Tất cả cũng là vì đánh vào lòng tham của nhân dân.

Việc thu mua đỉa đã diễn ra nhiều năm nên bản thân người dân cũng cần nâng cao nhận thức


Phải làm rõ trách nhiệm

Trước thực trạng này, đại biểu Lê Nam cho rằng, về phương diện quốc gia phải nói đến trách nhiệm bảo vệ an ninh kinh tế, bảo vệ thị trường nội địa của các cơ quan của Chính phủ. Phải xây dựng các chính sách, giải pháp có tầm quốc gia vì thực trạng này đã diễn ra nhiều năm trên cả nước.

"Có thể thấy vùng nào cũng đã từng xuất hiện vậy các cơ quan của Chính phủ có chức năng bảo vệ thị trường nội địa, bảo vệ hàng hóa trong nước, an ninh kinh tế… các cơ quan này phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Phải có biện pháp đặc biệt để chống lại việc này", đại biểu Nam đề nghị.

Thứ hai nữa là chính quyền các cấp trong việc quản lý kinh tế, xã hội và an ninh trật tự trên địa bàn.

"Chính quyền các cấp từ xã đến huyện phải biết họ vào từng xã, lừa dân của anh hết vụ này đến vụ kia mà chính quyền địa phương với bộ máy hàng bao nhiêu con người hưởng lương lại vô can là không được. Từ công an, dân phòng, hội phụ nữ, đoàn thanh niên… đều có. Tức là người ăn lương thì rất nhiều nhưng chịu trách nhiệm thì không rõ", ông Nam nhấn mạnh.

Ngoài ra vị đại biểu này cũng cho rằng bản thân các doanh nghiệp, hiệp hội và các cơ quan có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của nông dân như Hội Nông dân phải tuyên truyền giúp đỡ người dân tránh được bẫy lừa lọc của các thương lái.

Bản thân người dân cũng cần nâng cao nhận thức. Người dân cần cảnh giác hơn, biết tự bảo vệ mình", đại biểu Lê Nam cảnh báo.

Nhìn về sâu xa, ông Nam cho rằng đây là vấn đề chủ quyền quốc gia, trật tự an ninh.

"Do đó cần phải đặt lên bàn của Chính phủ, các bộ chức năng của Trung ương một cách nghiêm túc thì mới giải quyết được", ông Nam nói.

Cũng cùng quan điểm này, song đại biểu Lê Đình Khanh, đoàn Hải Dương nhìn nhận: trong kinh doanh có rất nhiều hình thức để người ta kéo đối tác vào cuộc chơi, nếu dân không tinh thì cán bộ phải tinh.

"Đương nhiên ở địa phương nào thì cũng có cán bộ ở địa phương đó. Do đó về trách nhiệm quản lý nhà nước, vụ việc xảy ra ở địa phương nào thì đương nhiên người lãnh đạo ở địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Để người dân vi phạm pháp luật, làm bậy thì cán bộ nhà nước cũng phải có trách nhiệm", ông Khanh nói.

Bích Ngọc
 
Nguồn: Theo Báo Đất Việt