Sự kiện Đồng Tâm
một lần nữa cảnh báo cho chúng ta rằng pháp luật về đất đai đang có vấn đề.
Đất nông nghiệp với giá thấp có thể được biến thành đất đô thị với giá rất cao chỉ nhờ một quyết định hành chính. Ảnh minh họa: hoahau.tienphong.vn |
Mà vấn đề nằm ngay ở chế định đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Mới nghe, ai cũng thấy một chế định như vậy là hết sức tốt đẹp. Tuy nhiên, làm thế nào hiện thực hóa được sự tốt đẹp này trong cuộc sống? Đây là câu hỏi rất khó trả lời. Về mặt lý thuyết, chỉ có thể nhân và pháp nhân (một cá nhân hoặc một pháp nhân) mới thực thi được các quyền của chủ sở hữu. Toàn dân không phải là thể nhân, cũng không phải là pháp nhân nên chẳng có cách gì để thực thi các quyền của chủ sở hữu cả.
Các quyền chủ sở hữu vì vậy phải giao lại cho Nhà nước. Nhà nước lại
phân chia việc thực thi các quyền chủ sở hữu đất đai cho một số quan chức của
mình. Vì vậy, nói đất đai thuộc sở hữu của toàn dân, nhưng trên thực tế, những
người có quyền thực thi các quyền chủ sở hữu chỉ là một nhóm rất nhỏ bé. Cách
hiện thực hóa chế định đất đai thuộc sở hữu của toàn dân độc đáo này trước đây
không gây ra tranh chấp và bất bình xã hội, vì chúng ta không có kinh tế thị
trường. Đất đai không có thị trường chỉ là phương tiện sản xuất hoặc không gian
vật lý để ở mà thôi. Ngoài ra, kinh tế hợp tác xã với phương thức “bán như cho,
mua như cướp” lại còn triệt tiêu hơn nữa ham muốn có nhiều đất đai làm phương
tiện sản xuất. Khi chúng ta chuyển sang nền kinh tế thị trường, thì đất đai
“bỗng nhiên” trở thành tài sản. Mà tài sản thì không chỉ để ở, để trồng trọt,
người ta còn có thể được hưởng rất nhiều lợi ích khác có được từ đất đai (kể cả
từ vị trí của đất đai). Các
giá trị tài sản của đất đai đã làm cho đất đai trở nên vô cùng quý giá.
Thực ra, trong quá
trình đổi mới và cải cách, các quyền tài sản đối với đất đai về cơ bản đã được
trả lại cho các thể nhân và các pháp nhân nhờ một sáng tạo pháp lý hết sức độc
đáo. Đó là chế định quyền sử dụng đất. Quyền sử dụng đất đã bao hàm gần như
toàn bộ các quyền tài sản đối với đất đai. Trong thời gian qua, ở những mức độ
nhất định, quyền tự do tài sản đối với đất đai đã được bảo đảm. Điều này đã
giúp cho nền kinh tế có những bước phát triển khá ngoạn mục.
Tuy nhiên, các
quyền tài sản đối với đất đai, đặc biệt của nông dân đang bị hạn chế nghiêm
trọng bởi ba quyền năng mà Nhà nước ủy quyền cho một số quan chức thực hiện. Đó
là quyền thu hồi đất, quyền cho phép chuyển đổi và quyền xác định giá đất. Đây
là những quyền năng rất dễ bị thao túng.
Trong khi quyền
thu hồi đất được thực thi vì lợi ích công ít gây ra bất bình, thì quyền thu hồi
đất được thực thi vì “các dự án phát triển kinh tế” thật sự là một vấn đề rất
lớn. Các dự án như vậy chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp và các chủ đầu
tư. Tại sao người dân lại phải giao đất của mình cho những dự án chỉ vì lợi ích
tư, lợi ích nhóm như vậy? Tại sao cũng là chuyện làm ăn cả, người dân lại không
được thương lượng, không được mặc cả?!
Quyền cho phép
chuyển đổi thực chất là một thứ quyền hô “biến”. Đất nông nghiệp với giá thấp
có thể được biến thành đất đô thị với giá rất cao chỉ nhờ một quyết định hành
chính. Điều này khuyến khích mãnh liệt các doanh nghiệp, các chủ đầu tư tìm đủ
mọi cách để được hưởng chênh lệch địa tô ở đây. Thực ra, đất đai chỉ có thể
được chuyển đổi theo sự phát triển tự nhiên của kinh tế và xã hội. Mọi quy
hoạch không đi theo sự phát triển tự nhiên này chỉ có thể gây ra vô tận những
lãng phí. Đó là chưa nói tới việc làm như vậy sẽ tạo ra miếng đất hết sức màu
mỡ cho tham nhũng chính sách.
Quyền xác định giá
đất có lẽ là thứ quyền đang gây ra nhiều khiếu nại, tố cáo nhất. Việc xác định
giá đất chủ yếu chỉ căn cứ vào loại đất (đất thổ cư hoặc đất nông nghiệp) như
hiện nay đang gây ra những bất công vô tận đối với những người nông dân và đang
làm cho toàn bộ chênh lệch địa tô rơi vào túi một vài doanh nghiệp bất động
sản. Từ ngàn xưa, cha ông ta đã hiểu “Thứ nhất cận thị, thứ nhị cận giang”. Giá
đất do vị trí đất xác lập. Đất ở Hàng Đào, Hà Nội đắt vì nó nằm ở trong phố cổ.
Thế nhưng, chúng ta đến thế kỷ 21 rồi vẫn không chịu hiểu điều này.
Một số doanh
nghiệp có thể sẽ phản biện lại rằng do họ đầu tư vào cơ sở hạ tầng nên giá đất
mới lên. Xin lỗi, không có vị trí thuận lợi, đắc địa của đất, giá đất không thể
lên đến hàng chục, hàng trăm lần. Cứ lên Mù Cang Chải mà đầu tư vào cơ sở hạ
tầng đi, xem giá đất có lên hàng chục lần như vậy không! Chúng ta không phản
đối các doanh nghiệp làm giàu từ đất đai, nhưng hãy bảo đảm quyền thương lượng,
quyền mặc cả cho những người nông dân bị thu hồi đất. Giá thị trường bao giờ
cũng chỉ là giá thuận mua, vừa bán mà thôi!
Cuối cùng, một số
người sẽ cho rằng nếu Nhà nước không có quyền thu hồi đất cho các dự án động
lực, thì kinh tế sẽ không thể phát triển nhanh chóng được. Nông dân mà cứ khư
khư giữ đất thì mọi dự án đều sẽ thất bại. Mới nghe, ý kiến này có vẻ không
phải là không có cơ sở. Tuy nhiên, con người ta ai cũng hành xử hợp lý (Đây là
tiền đề quan trọng nhất của kinh tế học, luật học và nhiều chuyên ngành khoa
học xã hội khác). Không ai đầu óc bình thường có lợi hơn mà lại không làm. Các
doanh nghiệp chỉ mua lại quyền sử dụng đất của nông dân khi và chỉ khi điều đó
mang lại lợi ích lớn hơn cho họ. Người nông dân chỉ chuyển nhượng quyền sử dụng
đất của mình khi và chỉ khi điều đó cũng mang lại lợi ích lớn hơn cho họ. Sau
mỗi lần giao dịch thì cả hai bên cùng có lợi chính là bí quyết thần kỳ của
quyền tự do tài sản. Quyền tự do tài sản, chứ không phải là sự sáng suốt nhất
thời của bất kỳ một quan chức nào đó là tiền đề quan trọng nhất để chúng ta có
được sự công bằng, thịnh vượng và giàu có bền lâu.
Nguồn: Theo Tia Sáng