06 mai 2017

Khi quyền lợi người nông dân trên mảnh đất của mình chưa được trọn vẹn


Tư Giang


Những chính sách tích tụ ruộng đất đang được nghiên cứu không thể phớt lờ quyền tài sản, bao gồm quyền về đất đai, của người nông dân. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ


(TBKTSG) - “Phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, đặc biệt là của người dân trong quá trình tích tụ đất đai”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định khi kết luận một hội nghị về tích tụ đất đai tổ chức ngày 14-4 tại Vĩnh Phúc. Ông yêu cầu các bộ, ngành phải xây dựng chế tài bảo đảm quyền bình đẳng giữa doanh nghiệp và người dân trong việc tích tụ ruộng đất. Ngay tại hội nghị này, PGS.TS. Trần Thị Minh Châu, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đã khẩn thiết đề nghị: “Khi đưa ra giải pháp tích tụ đất đai phải đứng trên lợi ích của người nông dân, phải đảm bảo đời sống cho người nông dân”.


Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay cả nước có khoảng 10 triệu hộ nông dân, với 70 triệu mảnh đất nông nghiệp. Diện tích đất bình quân hộ nông nghiệp chỉ khoảng 0,46 héc ta, trung bình được chia thành 2,83 mảnh. Quy mô diện tích đất của hộ nông dân Việt Nam thấp hơn Trung Quốc và thấp hơn rất nhiều so với các nước khác ở châu Á. Tại phiên họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh rằng điểm nghẽn lớn nhất đối với nông nghiệp là đất đai manh mún, phải tích tụ ruộng đất lớn mới thúc đẩy phát triển nông nghiệp.
Cho dù tích tụ đất đai là hướng đi tích cực để hiện đại hóa nông nghiệp, thì người nông dân không thể bị đặt ra rìa của tiến trình đó, như tình trạng họ chịu đựng bấy lâu nay ngay chính trên mảnh đất của mình. Theo Báo cáo Việt Nam 2035 do Ngân hàng Thế giới tài trợ Chính phủ soạn thảo, trong giai đoạn 2001-2010, đã có khoảng 1 triệu héc ta đất nông nghiệp bị chuyển đổi sang đất công nghiệp và nhà ở. Khả năng thu hồi đất vì những mục đích công cộng đôi khi được định nghĩa một cách không rõ ràng, trong đó bao gồm cả mục đích phát triển các khu công nghiệp và khu nhà ở.
Cho dù tích tụ đất đai là hướng đi tích cực để hiện đại hóa nông nghiệp, thì người nông dân không thể bị đặt ra rìa của tiến trình đó, như tình trạng họ chịu đựng bấy lâu nay ngay chính trên mảnh đất của mình.
Một báo cáo khác mang tên “Cơ chế nhà nước thu hồi đất và chuyển dịch đất đai tự nguyện ở Việt Nam” nhận xét thêm, cơ chế chuyển dịch đất đai bắt buộc với giá trị bồi thường về đất được tính theo giá đất do ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định làm cho người bị thu hồi đất thấy rõ mình bị thiệt thòi rất lớn so với giá trị thu được khi họ chuyển nhượng đất đó trên thị trường. Từ đó, tình trạng khiếu kiện của dân về đất đai tăng lên cao, chiếm tới 70% tổng số khiếu kiện của dân, trong đó khiếu kiện về việc bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất chiếm tới 70% tổng số khiếu kiện về đất đai. Trên thực tế, bất công trong thu hồi đất đai của nông dân đã châm những mồi lửa đáng báo động ở nhiều địa phương trên cả nước.
Thực ra, khái niệm “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” lần đầu tiên được nêu ra trong Hiến pháp năm 1980 và được giữ lại trong Hiến pháp 2013. Sau rất nhiều tranh luận về khái niệm này, rốt cuộc quyền của người nông dân được cụ thể hóa tại điều 167 Luật Đất đai 2013, theo đó nông dân “được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất”. Quy định này về câu chữ là khá chi tiết, và toàn diện. Song trên thực tế, quyền tài sản của nông dân liên quan đến đất nông nghiệp rất yếu.
Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, người dân chỉ được quyền chuyển đổi hoặc chuyển nhượng khi đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (điều 188, khoản 1, mục a, Luật Đất đai 2013). Thậm chí, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi không đủ điều kiện còn bị phạt tiền và buộc phải phục hồi nguyên trạng đất đai (điều 13, Nghị định 102/2014/NĐ-CP). Như vậy, cho dù quyền sử dụng đất của người nông dân đã được cộng đồng thừa nhận, họ vẫn không thể biến tài sản đó thành tiền hoặc thế chấp vay vốn để đầu tư sản xuất. Quy định này khiến cho những mảnh đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không thể tham gia vào thị trường đất nông nghiệp. Trên thực tế, rất nhiều thửa đất nông nghiệp chưa bao giờ được cấp giấy chứng nhận.
Bên cạnh đó, hộ gia đình, cá nhân chỉ được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng một xã, thị trấn với hộ gia đình, cá nhân khác và đất phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy xác nhận không có tranh chấp (điều 179, khoản b; điều 190, Luật Đất đai 2013). Như vậy, việc dồn điền, đổi thửa của các hộ gia đình, cá nhân khác xã, phường, thị trấn là không được phép, ngay cả khi có đất cạnh nhau. Hơn nữa, điều 12 Luật Đất đai 2013 cấm nhận chuyển quyền sử dụng đất vượt hạn mức quy định và khi Nhà nước thu hồi đất Nhà nước sẽ không bồi thường về đất đối với diện tích đất ngoài hạn mức.
Luật Đất đai góp phần tạo rủi ro cho giao dịch đất đai và quyền tài sản của công dân. Điều 188, khoản 3 quy định: “Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính”. Như vậy, nếu cán bộ địa chính vì lý do nào đó chưa đăng ký giao dịch đất đai vào sổ địa chính sau khi giao dịch đã diễn ra thì bên nhận chuyển đổi, chuyển nhượng, thuê, nhận thế chấp không được bảo vệ. Quy định này khiến cho cán bộ địa chính có quyền lực lớn trong việc đảm bảo giao dịch đất đai, họ có thể làm chậm giao dịch hoặc tiếp tay cho người có đất chuyển nhượng, thế chấp với nhiều bên khác nhau.
Không chỉ là những hạn chế trong Luật Đất đai, quyền tài sản với đất đai của nông dân còn bị xâm phạm bởi chính các cơ quan nhà nước. Nguyên thứ trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ nhận xét, một quyết định hành chính chuyển mục đích sử dụng đất làm đất đai “đẻ ra tiền”. Đó là nguồn cơn của rủi ro tham nhũng... “Luật Đất đai 2013 cho thấy, chúng ta còn tăng quyền lực nhiều hơn cho cơ quan quản lý. Đó là sai lầm của cách tiếp cận của Luật Đất đai 2013”, ông Võ nói trong một cuộc hội thảo về đất đai gần đây.
Báo cáo Việt Nam 2035 cảnh báo tình trạng chính quyền địa phương gia tăng sử dụng, nếu không nói là lạm dụng quyền hạn về quản lý đất đai. Chẳng hạn việc kiểm soát quá mức giá đất, khiến cho tình trạng hai giá đất được hình thành mà theo đó bảng giá đất do tỉnh ban hành được sử dụng cho một số giao dịch, nhất là khi thu hồi đất từ người sử dụng đất. Mức giá này thấp hơn giá thị trường từ 30-60%. Sự chênh lệch này tạo mối lợi về kinh tế và mối lợi này được một số đối tượng tìm cách tước đoạt và chia nhau, trong đó có cả một số quan chức.
Vạch rõ những mặt yếu kém trong quản lý đất đai cũng là chìa khóa giúp hóa giải tình trạng bức bối bậc nhất hiện nay trong xã hội đang trong ranh giới chờ bùng nổ. Những chính sách tích tụ ruộng đất đang được nghiên cứu không thể phớt lờ quyền tài sản, bao gồm quyền về đất đai của người nông dân. Mức bồi thường cho họ phải phù hợp với giá thị trường. Không thể để tình trạng nhân danh Nhà nước để sử dụng sức mạnh giúp các nhà đầu tư thu hồi đất của người dân.