Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự - Thực thi Dân quyền - Nâng cao Dân trí - Chấn hưng Dân khí - Cải thiện Dân sinh - Xây dựng Dân chủ
04 septembre 2017
Khi cuộc xâm lăng 1979 được chính thức gọi tên trong sử sách
Tài liệu thế giới và trong dân chúng Việt Nam còn ghi nhiều về cuộc xâm lược Việt Nam của Trung Quốc gần bốn mươi năm trước. Với 600 ngàn quân được huy động tấn công qua biên giới, cuộc chiến đã man rợ giết khoảng một trăm ngàn người dân Việt. Kẻ xâm lăng đã thảm sát người Việt ngày 17.2.1979 với nhiều bằng chứng còn ghi lại. Lẽ ra đó phải là một ngày khắc cốt ghi tâm, tại sao có những khảo sát cho thấy nhiều người dân Việt không biết? Mười năm sau đó, Trung Quốc lại tấn công hải chiến chiếm một số đảo và vùng biển do Việt Nam đã quản lý liên tục từ thời các chúa Nguyễn cách nay khoảng 400 năm. Và sau đó là những uy hiếp thường xuyên vùng biển đảo còn lại của Việt Nam. Trong suốt một thời gian dài, tên gọi đúng của cuộc chiến tranh biên giới 1979 vẫn còn dè dặt né tránh. Trong một phát biểu công khai của (nguyên) Bộ trưởng bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh có thể thấy phần nào về sự khác biệt trong nhận thức giữa quan chức và dân chúng. Xin lược trích: “Tôi thấy lo lắng lắm, không biết tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ con đến người già có xu thế ghét Trung Quốc. Ai nói tích cực cho Trung Quốc là ngại. Tôi cho rằng, cái đó là nguy hiểm cho dân tộc”.
Có lẽ tâm lý lo lắng “xu thế ghét Trung Quốc” đã khiến cuộc xâm lược và thảm sát không được nhắc tới trong một thời gian dài trong lúc lòng dân chưa quên. Sự không giống nhau về quan điểm này đôi khi đối đầu trên đường phố và nó gây một sự chia rẽ trong lòng xã hội Việt Nam. Xin đừng nhắm mắt mà hãy nhìn thẳng vào sự kiện có thực này. Thực ra, người Việt không thù ghét người Hoa. Trái lại, người Việt đã hấp thu nhiều yếu tố văn hóa Trung Hoa từ xa xưa, địa phương hóa nó, Việt hóa nó và sống thuận hòa, vui vẻ với nó. Chẳng phải văn học sử cho biết, cho tới thế kỷ thứ 19, nước Việt có hai nền văn chương song song, văn chương bình dân và văn chương bác học đó sao? Văn chương bình dân hoặc truyền khẩu hoặc viết bằng chữ Nôm, văn chương bác học viết bằng chữ Hán. Ca dao đứng kế Kinh thi, Truyện Kiều đứng kế Tỳ Bà Hành. Và lịch sử xây dựng nên mảnh đất tươi đẹp trù phú hình chữ S này có sự góp phần không nhỏ của người Hoa hay người Việt gốc Hoa. Tuy nhiên lịch sử cũng cho biết từ khi Ngô Quyền dựng cờ độc lập, chính quyền Trung Quốc đã trên 10 lần tấn công Việt Nam, trong đó cuộc chiến Trung-Việt năm 1979 được nhắc ở trên là cuộc xâm lăng qui mô lớn gần nhất. Trong những lần đó, người Việt kêu gọi nhau: “Giặc tới nhà, đàn bà cũng đánh”. Như vậy, quí mến, trân trọng nền văn hóa Hoa và người Hoa, và cương quyết chống xâm lược từ phương bắc, đã thành hai mặt truyền thống góp phần tạo nên tính cách của dân Việt. Sử sách ghi lại gần 700 năm trước quân Nguyên-Mông đánh ta. Trong lúc dân quân Đại Việt sục sôi tinh thần chống xâm lăng (Sát Thát) thì Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải cầm tay sứ giặc Sài Thung nói cười ngâm vịnh nơi quán dịch giữa kinh thành. Sau đó, dưới sự thống lĩnh của Trần Hưng Đạo và Trần Quang Khải, quân xâm lược Nguyên-Mông đại bại rút khỏi nước ta. Lịch sử đã xảy ra như vậy bởi vì dân chúng thời đó tin rằng Thái sư Trần Quang Khải thực tâm chống xâm lược, việc cười nói với kẻ địch chỉ là ngoại giao kéo dài thời gian chuẩn bị chống giặc. Nếu lòng dân nghi ngờ, không thể “đoạt sáo Chương Dương độ, Cầm Hồ Hàm Tử quan”. Mạnh mẽ thay sức mạnh toàn dân đoàn kết, yếu ớt thay khi dân chúng và chính quyền nghi ngờ, thiếu hợp tác nhau. Bộ Lịch sử Việt Nam tái bản lần thứ nhất này công khai quan điểm chính thống mới của chính quyền về cuộc chiến. Nhà sử học Trần Đức Cường, Tổng chủ biên bộ sách Lịch sử Việt Nam, tuyên bố: "Trung Quốc đã huy động 600 nghìn quân cùng xe tăng, đại bác... Chúng tôi gọi rõ đó là cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc vào lãnh thổ Việt Nam. Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Việt Nam không chỉ gói gọn trong tháng 2-1979 mà còn kéo rất dài. Cán bộ, chiến sĩ của chúng ta phải hi sinh rất nhiều xương máu. Đến năm 1988 mới thực sự tương đối có hoà bình ở vùng biên giới phía Bắc" (Một Thế Giới, 19.8.2017). Quan điểm đó phù hợp với suy nghĩ của đa số dân Việt. Tôi hoan nghênh tinh thần và thái độ chính thống tiến gần hơn với lòng dân. Còn nhiều khía cạnh khác nữa trong lịch sử và xã hội mà tôi nghĩ quan điểm chính thống và quan điểm của đa số dân chúng cần phù hợp nhau. Khi đó thì ý chính quyền và lòng dân sẽ tiến về một hướng. Chắc rằng chính quyền và dân chúng đều mong muốn điều đó. Chỉ xin nhắc lại rằng để ý chính quyền được gần với lòng dân thì những bài học từ lịch sử và thực tế của xã hội hiện nay dạy rằng phải lấy lòng dân làm mục tiêu định hướng để ý chính quyền tiến về hướng đó. Điều ngược lại, nghĩa là ép lòng dân phải theo ý chính quyền, là không hợp lý, do đó bất khả thi hoặc không bền vững. Nếu được vậy, còn khó khăn nào trên con đường phát triển và bảo vệ nền tự chủ mà dân tộc Viêt Nam đoàn kết không thể vượt qua?
Lê Học Lãnh Vân
Nguồn: Theo MTG