31 décembre 2017

NĂM MỚI, KÍNH CHÚC DÂN TA TRƯỞNG THÀNH!

Thủ tướng Đức Willy Brandt quỳ, tạ lỗi trước Đài tưởng niệm các nạn nhân Ba Lan bị phát xít Đức tàn sát, năm 1945. Cử chỉ đó càng chứng tỏ dân tộc Đức là dân tộc trưởng thành


Các cụ ta thường nói: “Có lớn mà không có khôn”!, “Làm bố trẻ con, vẫn chưa thành người lớn”! hay “Già còn dại”!
Nhà thơ Tản Đà thì từ năm 1927 chơi ngay một câu để đời:
Dân hai nhăm triệu, ai người lớn
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con
”! 


Nghe giật mình! Đau quá! Nhưng ngẫm thì đúng!


Cô giáo Trần Thị Lam thì than:
Đất nước mình ngộ quá phải không anh
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi
”!...


Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì bảo, thế giới chia ra: Các nước phát triển; các nước đang phát triển; các nước chậm phát triển; còn Việt Nam, người ta gọi là nước “không chịu phát triển” có nghĩa là không chịu lớn, khôn, trưởng thành!

Tố Hữu thì tổng kết: “Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”!
Nếu dại đôi lần, mà dám nhìn thẳng vào cái “dại”, thừa nhận mình “dại”, tránh cái “dại” để học “khôn” thì đã trưởng thành; nhưng nếu không biết thừa nhận mình dại, lại cho mình là “đỉnh cao trí tuệ”, rút kinh nghiệm cái “dại” này, rồi lại đến cái “dại” nữa, “dại” mãi! Cứ cái “dại” lặp đi, lặp lại, chứ không chịu học cái “khôn”, liệu có trưởng thành được không?


Về phương diện Tâm lý, có thể chia ra các giai đoạn phát triển của con người với những đặc điểm như sau:

1. TUỔI ẤU NHI (tuổi thơ, trẻ con): Tin vào những chuyện cổ tích, thần thoại; đầu óc đầy những chuyện huyễn tưởng; người lớn nói gì cũng tin, khen gì cũng thích; chê à mếu, tức lên là la hét hay khóc lóc... Chỉ biết học thuộc và lặp lại những điều người lớn dạy, nhiều khi như "cụ non" mà chẳng hiểu gì! Chỉ biết nghĩ xuôi một chiều, chưa biết đặt câu hỏi, lật lại vấn đề... Nhiều khi bị xúi giục làm những chuyện dại dột mà không biết tác hại...

2. THIẾU NIÊN (hay vị thành niên): Dở dở ương ương, lúc thì nói và làm như người lớn, tưởng đã trưởng thành ghê gớm rồi; lúc lại như trẻ con, nói và làm những chuyện phi lý mà hung hăng; thấy hành động kết quả, dễ kiêu căng, tưởng mình là anh hùng; thấy hậu quả xấu, thì đổ tại khách quan, tại trời, tại đất hay tại “bọn nó xúi giục”... Ở thiếu niên đã hình thành thế giới nội tâm với những niềm tin, giá trị, quan niệm riêng, tạo nên sự tự ý thức... Nhưng mức độ chủ quan rất cao, tính tự ái, muốn tự khẳng định, thể hiện mình thái quá nên luôn phản ứng tức thời với bất kỳ ai, bất kể cái gì trái với thế giới chủ quan của mình, không cần suy xét; chưa biết tự đánh giá bản thân một cách khách quan, nên đua theo nhóm, ai về hùa với mình là “chiến hữu”, ai khác mình, quy kết họ là “bọn xấu”!
Sau những trải nghiệm, nếu thiếu niên biết thành tâm, tự rút ra những bài học từ những sai lầm để vượt lên chính mình thì sẽ trưởng thành; còn nếu vẫn chìm đắm trong thế giới chủ quan, ngu tín, tự mãn với nó, thì mãi cũng chưa trưởng thành...


3. NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH (người lớn). Đó là người luôn học hỏi để hiểu mình, hiểu người, hiểu thiên hạ; Đó là người ý thức rõ về hành động của mình; Khi sai thì dám chịu trách nhiệm, dám thừa nhận những sai lầm về tri thức, quan điểm, niềm tin, hành động của mình; dám nhận lỗi, xin lỗi, thành tâm chuộc lỗi... Đó là người biết lắng nghe, suy xét mọi ý kiến dù đúng, sai, ủng hộ hay phản đối mình; biết tranh luận một cách có lý lẽ, với thái độ bình tĩnh, tôn trọng nhau để tiếp cận chân lý... Đó là người biết rằng:
Người khen ta mà khen đúng là bạn ta;
Người chê ta mà chê đúng là thầy ta
”! (Khổng Tử). 


Người trưởng thành, tất nhiên có nhiều mức độ:
- Có những người xuất sắc mà bản lĩnh, lời nói, việc làm của họ tiêu biểu cho sự trưởng thành của cả cộng đồng, dân tộc;
- Có những người giỏi, sự trưởng thành của họ thể hiện độc đáo, nổi trội, có vai trò nêu gương, dẫn dắt cộng đồng, xã hội;
- Có những người khá họ thể hiện nhân cách người trưởng thành một cách rõ nét, có bản lĩnh;
- Phần đông là những người trường thành bình thường. Đó là những công dân, có ý thức rõ về quyền làm người, quyền công dân, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội với Tổ quốc. Họ có quan điểm chính trị rõ ràng, biết đấu tranh cho công lý, công bằng, dân chủ, tiến bộ xã hội; biết bỏ lá phiếu cho ai thực sự có đức, có tài, vì dân, vì nước... Họ không thể chấp nhận sự cai trị độc đoán, tham nhũng, bất công, nguy hại cho dân, cho nước...


4. Còn những người nghĩ một đằng, nói một nẻo; nói một đằng, làm một nẻo để dối lừa người khác, là kiểu gian manh, thuộc phạm trù đạo đức, không bàn ở đây. Cũng có những người đã từng trưởng thành, nhưng bị thần kinh không bình thường hay mắc bệnh tâm thần thì khỏi nói.

Một đất nước có những công dân trưởng thành là đất nước phát triển, xã hội văn minh, con người hạnh phúc và sẽ đóng góp xứng đáng cho văn minh nhân loại.


Kính chúc dân ta trưởng thành!

29/12/2017
Mạc Văn Trang