Thiền Lâm
Việt
Nam – Cali Today News 9.12– Vụ
bắt Đinh La Thăng vào ngày 8/12/2017 đã khiến cho cơ hội để Nguyễn Phú Trọng mở
toang cửa nhà Nguyễn Tấn Dũng là lớn hơn bao giờ hết, kể từ sau đại hội 12 vào
đầu năm 2016.
Đinh La Thăng và Nguyễn Tấn Dũng lại được xem
là mối quan hệ “môi răng”. Nhưng trước đây, không nhiều người biết về câu
chuyện thâm cung bí sử này.
Chỉ tới tháng Tư năm 2017 khi bất ngờ tung
tóe vụ Bí thư thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng bị Ủy ban Kiểm tra trung ương đề
nghị kỷ luật đảng, người ta mới biết rằng Đinh La Thăng là “người của anh Ba
Dũng”, và việc ông Thăng được đưa vào “trấn” tại TP.HCM rất có thể dựa theo một
thỏa thuận ngầm giữa ông Nguyễn Tấn Dũng với ông Nguyễn Phú Trọng ngay trước
Đại hội 12 vào đầu năm 2016.
Mà cuộc đối đầu lịch sử giữa Nguyễn Tấn Dũng
với Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị trung ương 6 vào năm 2012 thì không ai quên.
Mãi cho đến ngày nay…
Một nỗi ám ảnh khôn nguôi đã đặc cách dành
cho Tổng bí thư Trọng từ sau đại hội 12, cho dù ông đã lau được nước mắt trước
đối thủ chính trị số một là ông Nguyễn Tấn Dũng.
Nỗi ám ảnh ấy còn đeo đẳng ghê gớm, đã trở
nên cao trào mất ngủ bằng vụ biến mất cực kỳ thách thức của Trịnh Xuân Thanh,
kể cả khi “Thanh đã về”. Cho dù ông Nguyễn Tấn Dũng đã cam kết trở thành “người
tử tế”, vẫn còn không thiếu kẻ luôn chực chờ gây hậu họa cho ông Trọng.
Cuộc chiến “chống tham nhũng” của tổng bí thư
cũng bởi thế đã dần hóa thân vào ân oán quyền lực và thể diện.
Quyết định bắt Đinh La Thăng được Bộ Công an
thi hành có thể được xem là một thắng lợi lớn của Tổng bí thư Trọng trong Đảng
ủy công an trung ương và khiến nâng cấp quyền lực cho ông.
Không phải đại hội 12. Giờ đây, ván cờ quyết
định sinh – tử mới bắt đầu.
Khỏi phải nói, cũng có thể hình dung ông
Nguyễn Tấn Dũng và “dây” của ông đang ở vào thế nguy biến đến thế nào.
Vào năm 2016 khi Nguyễn Tấn Dũng đã bị hất
khỏi Bộ Chính trị sau đại hội 12 của đảng cầm quyền, người ta vẫn nhìn thấy có
đến vài ba trăm quan chức cùng lẵng hoa chúc mừng cho buổi sinh nhật của ông
Dũng.
Nhưng khi bà Nguyễn Thị Hường – mẹ của cựu
thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – qua đời vào ngày 1/12/2017, đã không một tờ báo lề
đảng nào nói tới, dầu trước đó báo chí nhà nước ra rả đăng tin mẹ của một hoa
hậu qua đời. Cũng chẳng nghe nói về sự hiện diện tại đám tang mẹ Nguyễn Tấn
Dũng của nhiều quan chức Nam Bộ khác, về hưu hay đương nhiệm.
Hiện tượng báo đảng nói riêng và và báo chí
nhà nước nói chung im bặt trước đám tang của mẹ cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
có thể được xem là một chỉ dấu đặc biệt, không chỉ về thói vô cảm chính trị
trong chính trường Việt thời nay, mà còn như một biểu trưng cho thói “ăn cháo
đá bát” hết sức bạc bẽo của giới quan chức mang não trạng chỉ biết “phù thịnh
không phù suy”.
Kể từ quý 4 năm 2016 khi chiến dịch “đánh”
Đinh La Thăng – người được xem là một thủ hạ tin cẩn của Nguyễn Tấn Dũng – khởi
động, dường như Nguyễn Tấn Dũng cô độc hẳn.
Cho đến năm 2017 và đặc biệt cùng với các vụ
việc, vụ đại gia ngân hàng là Trầm Bê – người được dư luận cho là “tay hòm chìa
khóa” của gia đình Nguyễn Tấn Dũng – bị bắt và bị đưa ra truy tố, rồi đến vụ Nguyễn
Thanh Nghị – con trai Nguyễn Tấn Dũng, đang là bí thư tỉnh Kiên Giang – có thể
bị phe đảng của Tổng bí thư Trọng cho “lên thớt” với lý cớ đầu tiên là vụ khách
sạn Hương Biển sai quy hoạch ở ngọc đảo Phú Quốc, và mới đây Đinh La thăng bị
bắt, nghe nói cả một người thân của Nguyễn Tấn Dũng là Lê Thanh Hải – cựu bí
thư thành ủy TP.HCM – còn không còn dám đi chơi golf với ông Dũng nữa.
Có thể phần lớn, nếu không nói là tất cả, đám
quan chức – trước đây như một đám ruồi vẫn bu quanh Nguyễn Tấn Dũng – giờ đây
đang “đánh hơi” được mùi sát khí bao phủ ông Dũng. Phần lớn, nếu không nói là
tất cả, đang tìm cách tránh đi, chạy đi, bay đi càng nhanh càng xa càng tốt.
Bắt Đinh La Thăng – chiến thắng thứ hai của
Tổng bí thư Trọng sau chiến thắng đầu tiên tại đại hội 12, dù khá muộn màng,
vẫn mở toang cánh cửa để ông Trọng có dịp “hội kiến” với cựu thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng.
Cuộc chiến đã hóa thân vào ân oán và thể
diện. Ông Trọng lại không phải người dễ bỏ qua cho kẻ đã xúc phạm ghê gớm mình
trong quá khứ. Đó hẳn là lý do vì sao chỉ cần có đủ điều kiện thời và thế, Tổng
Trọng sẽ lập tức tạo điều kiện để Nguyễn Tấn Dũng chứng minh ông Dũng là “người
tử tế” đến thế nào.
Theo logic đó, phiên tòa xử vụ PVN và Đinh La
Thăng – dự kiến vào vào tháng 2/2018 – sẽ chưa phải cao trào của bản giao
hưởng. Điều gì sẽ xảy ra nếu Thăng – để tự cứu mình – không những “khai sạch”
mà còn tự nguyện trở thành nhân chứng để ông Trọng mở một phiên tòa lịch sử cho
ông Dũng?