Đó là Đặng Sỹ Hùng, nguyên trưởng Phòng Kinh tế Kế hoạch của Công ty PVP Land. Dự án Nam Đàn Plaza và sai phạm của Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng và Đặng Sỹ Hùng (từ trên xuống). |
Sáng 25-12,
nguồn tin từ VKSND Tối cao cho hay đã ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Đặng Sỹ Hùng, nguyên trưởng Phòng Kinh tế Kế hoạch
Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land). Theo nguồn
tin riêng, bị can Hùng 43 tuổi và chết do bệnh lý.
Bị can Hùng
là một trong các bị can trong vụ án “tham ô tài sản” xảy ra tại PVP Land và
Công ty Cổ phần Minh Ngân mà Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã đề nghị VKSND Tối cao
truy tố cùng với các bị can Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng (em trai ông Đinh
La Thăng) cùng nhiều đồng phạm.
Câu kết “hô biến” giá cổ
phiếu hưởng chênh lệch
Theo đó, Cơ
quan CSĐT Bộ Công an kết luận Trịnh Xuân Thanh cùng đồng phạm chiếm đoạt 49 tỉ
đồng trong thương vụ chuyển nhượng cổ phần tại dự án Nam Đàn Plaza với giá thấp
hơn giá thị trường lúc đó. Đến thời điểm hiện tại, gia đình bị can Hùng đã nộp
lại cơ quan CSĐT số tiền hơn 13 tỉ đồng.
Theo cơ
quan điều tra, cuối năm 2009, đầu năm 2010, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam
(PVN) có chủ trương chuyển tất cả công ty đầu tư kinh doanh bất động sản nhập
vào PVC, trong đó có Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam -
PVP Land.
Biết PVP
Land chiếm 50,5% vốn tại dự án Nam Đàn Plaza (ở đường Phạm Hùng, Hà Nội), Lê
Hòa Bình (chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Hòa Bình) tìm cách mua bằng được
dự án Nam Đàn Plaza để có phương án bồi thường căn hộ cho khách hàng đã bị ông
này lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức huy động vốn tại dự án Thanh Hà
Cienco 5.
Nắm điều
này, Đặng Sỹ Hùng đã cùng các cổ đông Công ty Xuyên Thái Bình Dương ký hợp đồng
đặt cọc chuyển nhượng cổ phần với giá 52 triệu đồng/m2 đất.
Sau đó Hùng
đã cùng Nguyễn Ngọc Sinh, tổng giám đốc PVP Land, lập hợp đồng chuyển nhượng cổ
phần với giá 34 triệu đồng/m2 đất (chênh 18 triệu đồng/m2)
rồi nhờ Thái Kiều Hương, phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Vietsan, tác
động để Trịnh Xuân Thanh, chủ tịch HĐQT Tổng Công ty PVC và Đào Duy Phong, chủ
tịch HĐQT Công ty PVP Land, chấp thuận cho chuyển nhượng cổ phần để chiếm đoạt
tiền chênh lệch giá.
49 tỉ đồng
đã bị chiếm đoạt
Tiếp đó, từ
tác động của ông Đinh Mạnh Thắng (em trai ông Đinh La Thăng), phía mua cổ phần
của PVP Land tại dự án Nam Đàn Plaza đã gặp được Trịnh Xuân Thanh. Sau
khi bàn bạc, Đào Duy Phong ký tờ trình để PVC phê bán cổ phần tại Nam Đàn Plaza
với giá thấp hơn thực tế là 34 triệu đồng/m2. Sau đó Trịnh Xuân Thanh
ký nghị quyết HĐQT triển khai việc chuyển nhượng này.
Căn cứ tài
liệu điều tra và lời khai người liên quan xác định Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm
đã chiếm đoạt số tiền 49 tỉ đồng trong tổng số hơn 87 tỉ đồng chênh lệch giá
chuyển nhượng. Trong đó Trịnh Xuân Thanh chiếm đoạt 14 tỉ đồng (đã hoàn trả người
đưa), Đào Duy Phong chiếm đoạt 10 tỉ đồng...
Trịnh Xuân
Thanh, Nguyễn Ngọc Sinh, Đặng Sỹ Hùng, Đào Duy Phong là những người có quyền
quyết định, có trách nhiệm quản lý tài sản là cổ phần của PVP Land tại Công ty
Xuyên Thái Bình Dương.
Ngoài ra,
Thanh còn ký nghị quyết của PVC chấp thuận cho chuyển nhượng cổ phần với giá 34
triệu đồng/m2 đất để cùng các đối tượng chiếm đoạt số tiền chênh lệch
giá.
Thanh đã nhận
số tiền để trong chiếc valy từ Đinh Mạnh Thắng chuyển do Thái Kiều Hương nhờ
tác động. Việc Thanh hoàn trả Thắng để trả cho Hương số tiền đã nhận diễn ra
sau khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án. Tức là tội phạm đã hoàn thành và PVP
Land vẫn bị chiếm đoạt số tài sản trên.
Trịnh Xuân Thanh có luật
sư bào chữa thứ tư
Sáng
25-12, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, luật sư (LS) Nguyễn Văn Quynh
(Hãng luật Hưng Yên, Đoàn LS TP Hà Nội) cho biết: Ngày 22-12, VKSND Tối cao
đã cấp giấy chứng nhận bào chữa cho bị can Trịnh Xuân Thanh, nguyên chủ tịch
HĐQT Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
Đây là LS
thứ tư được cấp giấy chứng nhận bào chữa cho bị can Thanh. Trước đó, cơ quan
điều tra cũng đã cấp giấy chứng nhận bào chữa cho LS Lê Văn Thiệp (Văn phòng
LS Toàn Cầu) và hai LS khác thuộc Đoàn LS TP Hà Nội để tham gia bào chữa cho
bị can Thanh.
Nói về vụ
án này, LS Quynh cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, tôi chưa tiếp cận được hồ
sơ vụ án, trong khi đó đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Với 18.000 bút lục
nhưng dự kiến xử vào ngày 10-1-2018… LS chỉ có 15 ngày vừa chụp hồ sơ 18.000
bút lục, in ấn, nghiên cứu, tiếp xúc bị cáo, thu thập thêm chứng cứ bào chữa...”.
LS Quynh
cho rằng một vụ án đặc biệt nghiêm trọng thế này mà thời gian gấp gáp như
trên thì khó đảm bảo quyền lợi cho những người tham gia tố tụng.
Như Pháp
Luật TP.HCM đã thông tin, bị can Trịnh Xuân Thanh (51 tuổi, nguyên chủ tịch
HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC) bị Cơ quan CSĐT Bộ
Công an khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam về tội cố ý làm trái quy định của
Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng vào tháng 9-2016.
Gần một
năm sau khi bị truy nã, Trịnh Xuân Thanh đã đầu thú vào ngày 31-7-2017. Bị
can Thanh được xác định có sai phạm trong vụ án thất thoát gần 3.300 tỉ đồng ở
PVC và vụ án tham ô tài sản xảy ra tại dự án Thanh Hà - Cienco 5 Land. Đồng
thời mới đây bị can Thanh còn bị đề nghị truy tố trong vụ án tham ô tài sản xảy
ra tại PVP Land như đã thông tin trong bài.
|
NGUYỄN ĐỨC