(GDVN) - Có thể hiểu
trong ý kiến của Tổng Bí thư bao hàm hai ý: Quy trình được sử dụng để “hợp thức
hóa cái sai” hoặc quy trình đúng nhưng cán bộ làm sai.
Có hiện tượng, có cán bộ, công chức - trong đó có cả cán bộ trung cao cấp -
luôn xem quy trình là lá bùa hộ mệnh để biện minh cho một vài việc làm của
mình, dù có bị ý kiến không đồng tình. Thậm chí có người còn xem quy trình như luật trời, bất kỳ ai cũng phải cúi đầu tuân thủ. Vậy quy trình có phải là … luật trời?
Xin trả lời ngay: “Quy trình không phải là luật trời”.
Còn nếu mà có vị “con trời” nào đó cậy quyền ban ra “quy trình” thì cũng nên biết lời dạy của Đức Thánh Trần: “Cái gì Dân muốn thì Trời cũng phải thuận theo”, nói ngược lại là “cái gì Dân không muốn thì Trời cũng không thể ép”.
Trong số hàng nghìn, hàng vạn người cứ đầu năm mới lũ lượt kéo nhau về xin ấn đền Trần, có không ít công bộc của dân.
Không biết những “đày tớ xịn” ấy có biết đến lời dạy của Ngài, nhất là những đày tớ liên quan đến chuyện làm đường giao thông theo kiểu BOT Cai Lậy đang kiên quyết khẳng định đã “làm đúng quy trình”!
Đúng quy trình nhưng không hợp lòng dân thì phải tiếp thu, sửa chữa |
Đầu tháng 11 Thủ tướng dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng, tiếp đó là Hội nghị cấp cao ASEAN tại Manila - Philippines.
Trước khi tham dự những sự kiện “quốc gia đại sự” ấy, ngày 3/10/2017 “Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc tại 146 Quán Thánh, Hà Nội”. [1]
Có thể thấy, trước khi thực hiện hai hoạt động chính trị, ngoại giao quốc tế quan trọng Thủ tướng phải “xử” vụ “146 Quán Thánh”, ngay sau khi kết thúc hai hoạt động đó là vụ BOT Cai Lậy.
Gần ba năm trước, ngày 30/03/2015 trong bài “Quốc gia đội sổ… và báo cáo Thủ tướng” người viết đã đề cập đến khả năng xử lý sự cố của không ít người đang đảm nhận vai trò người đứng đầu.
Câu hỏi đặt ra trong bài viết là: “Đất nước chỉ có một Thủ tướng nhưng có 63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương, 22 cơ quan cấp bộ, liệu rồi đây còn bao nhiêu vụ việc sẽ lại đến tay Thủ tướng?”.
Liệu ba năm sau, tới năm 2020, Thủ tướng có phải tiếp tục chủ trì những cuộc họp giải quyết những vụ việc cỏn con như như BOT Cai Lậy, như vụ việc 146 Quán Thánh chỉ vì cấp Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố không thể giải quyết?
Và nếu những vụ việc “bằng cái móng tay” ấy cứ tiếp diễn nhiều năm nữa, khi mà thế hệ công bộc hôm nay thành ông, bà, thành cụ thì liệu câu thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh” của tác giả Trần Thị Lam có cần phải đổi thành “đất nước mình ngộ quá phải không … cụ?”.
Lâu nay, người dân, các nhà nghiên cứu, truyền thông đại chúng,… đều không hài lòng với lý luận “đúng quy trình” mà không ít người có trách nhiệm luôn luôn khẳng định.
Vậy phải hiểu “thế nào là đúng quy trình”?
Thế nào là đúng quy trình? (Ảnh minh hoạ: Báo Doanh nhân Sài Gòn điện tử) |
“Tại sao vừa qua có dư luận: Cái gì cũng làm đúng quy trình, nhưng cán bộ thì lại không đúng, tức là dùng quy trình để hợp thức hóa cái sai”. [2]
Có thể hiểu trong ý kiến của Tổng Bí thư bao hàm hai ý: Quy trình được sử dụng để “hợp thức hóa cái sai” hoặc quy trình đúng nhưng cán bộ làm sai.
Một khi quy trình được dùng để “hợp thức hóa cái sai” thì rõ ràng quy trình có tồn tại kẽ hở để cho cán bộ lợi dụng, như vậy không phải quy trình nào cũng hoàn toàn đúng?
Quy trình được ban hành là để cho cán bộ thực thi và đối tượng thụ hưởng “quy trình” trước hết là cán bộ, dân chúng chịu tác động của “quy trình” một cách gián tiếp.
Trong một đất nước pháp quyền đúng nghĩa, dân chúng bị điều chỉnh trực tiếp bởi pháp luật chứ không phải quy trình.
Liệu có phải nước ta hiện nay, bên cạnh sự điều chỉnh trực tiếp của pháp luật, dân chúng còn chịu tác động (một cách thụ động) của “quy trình” thông qua hoạt động của cơ quan công quyền tức là của người lãnh đạo và công chức nhà nước?
Thừa thãi đúng quy trình, hiếm hoi nhận trách nhiệm |
Xin nêu vài điều liên quan đến “quy trình”:
Trong công tác nhân sự, đúng quy trình nghĩa là chọn được người vừa có tài vừa có tâm;
Trung thành với dân tộc, với tổ quốc; Có uy tín với quần chúng và có khả năng bắt buộc cấp dưới phải làm tròn bổn phận của mình theo những quy định của pháp luật.
Người lãnh đạo được lựa chọn đúng quy trình phải là người đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm bất kể “nhóm lợi ích” đó giữ địa vị nào trong đời sống chính trị xã hội.
Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh trong bài “Điểm danh 5 đại biểu Quốc hội khoá XIV “rơi rụng” do dính sai phạm” viết:
“Dù mới đi được non nửa chặng đường, tính đến nay đã có 5 đại biểu Quốc hội khoá XIV bị bãi miễn, cho thôi nhiệm vụ, hay tạm đình chỉ nhiệm vụ làm đại biểu Quốc hội”. [3]
Vậy “quy trình” lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội mà chúng ta quen nói là “hiệp thương” liệu có thể nói là không có gì phải bàn luận?
Khi chính quyền địa phương bổ nhiệm con trai một vị Bí thư tỉnh ủy làm giám đốc sở, ông này lý luận rằng:
“Họ không có quy định chuyên viên chính, Thông tư 82 nêu điều kiện tương ứng của chuyên viên chính thôi, đôi lúc báo chí có một số anh em không hiểu.
Từ xưa đến nay không có một văn bản nào của nhà nước quy định phải có chuyên viên chính cả, tôi khẳng định như vậy”. [4]
Rõ ràng trong Quyết định 82/2004/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ ghi Giám đốc sở phải “đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính trở lên” chứ không phải là có bằng (chứng chỉ) chuyên viên chính. |
Phải chăng “tiêu chuẩn đầu tiên” phải là con trai Bí thư tỉnh ủy và phải chăng “quy trình” bổ nhiệm lãnh đạo cấp sở mà Bộ Nội vụ ban hành không có kẽ hở?
Trong phát triển kinh tế, đúng quy trình là không đánh đổi môi trường sinh thái lấy lợi ích kinh tế, không vì lợi ích trước mắt mà hy sinh lợi ích lâu dài;
Bằng mọi cách tránh cho đất nước phụ thuộc kinh tế vào bất kỳ quốc gia hoặc định chế quốc tế nào.
Đúng quy trình nghĩa là dựa vào nội lực chứ không phải đề cao thành tích thu hút được nhiều vốn đầu tư từ nước ngoài.
Kinh tế phát triển “đúng quy trình” nghĩa là người Việt phải đóng vai trò quyết định trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chứ không phải là người làm thuê cho tư bản nước ngoài trên chính quê hương mình.
Một sản phẩm làm ra gắn dòng chữ “Made in Việt Nam” sẽ chẳng có gì đáng tự hào nếu hầu hết linh kiện kỹ thuật cao đều nhập ngoại còn người Việt chỉ làm công việc bắt vít và đóng gói.
Chủ trương phát triển một nền “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” hiện nay có gì khác với thời kỳ xã hội chủ nghĩa cách đây mấy chục năm?
Nếu định hướng xã hội chủ nghĩa là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế thì có cần chắt lọc, áp dụng những đặc điểm của nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung phù hợp với thời kỳ đổi mới?
Ngày xưa, không có chuyện nông sản xuất khẩu đến biên giới phải quay về đổ bỏ ven đường, không có chuyện hô hào giải cứu chuối, dưa hấu, thanh long,… cho nông dân, không có chuyện Chính phủ phải đề nghị nước ngoài “giải cứu” lợn hơi,…
Việc liên tục phải “giải cứu” nông sản có phải là kết quả của nền kinh tế nông nghiệp tự phát, không có kế hoạch, không được quy hoạch khiến nông dân liên tục chặt cây nọ trồng cây kia.
Phát triển nông nghiệp theo kiểu phong trào, hùa theo nhau, không có sự hướng dẫn, can thiệp hợp lý của Nhà nước có phải là do nông dân không thích định hướng hay do “quy trình” cần phải thế?
Đúng quy trình trong giáo dục trước hết phải là xây dựng đội ngũ nhà giáo yêu nghề, sống bằng nghề và trước hết phải có tài năng, đức độ để đào tạo thế hệ tương lai có thể sánh vai với các cường quốc năm châu như lời dạy của Hồ Chủ tịch.
Một đội ngũ nhà giáo sống không phải bằng lương, một bộ máy quản lý giáo dục cồng kềnh, một hệ thống sách giáo khoa năm nào cũng biên soạn lại để phụ huynh phải chi tiền mua mới rõ ràng không thể nói là “đúng quy trình”.
Một hệ thống cơ sở giáo dục đại học phát triển tràn lan, một đội ngũ tiến sĩ được “ấp nở’ đại trà tại các “lò ấp tiến sĩ” được thực hiện theo “quy trình” nào?
Nếu “quy trình giáo dục” đúng thì vì sao giáo dục của chúng ta tụt hậu so với các nước khu vực?
Trong quốc phòng, an ninh, “đúng quy trình” nghĩa là chủ quyền quốc gia phải là tối thượng.
Vì sao người nước ngoài có thể thuê rừng tại các vị trí chiến lược sát biên giới, có thể mua đất xây dựng cơ sở kinh doanh ngay cạnh sân bay quân sự, có thể tự do đi lại khắp hang cùng ngõ hẻm để thu mua từ hoa thanh long đến ốc bươu vàng? |
Số liệu thống kê năm 2016 cho thấy bốn mặt hàng nông sản chính là gạo, cà phê, hạt điều, hồ tiêu xuất khẩu thu về ước tính khoảng 7 tỷ USD [5], trong khi mua 6 chiếc tàu ngầm, như truyền thông quốc tế dự đoán mất khoảng hơn 3 tỷ USD.
Nền công nghiệp quốc phòng của chúng ta phát triển như vậy có phải là “đúng quy trình”?
Nếu cần nói thêm về “quy trình” trong y tế, văn hóa, thể thao,… chắc sẽ không ít điều cần được bàn thảo ở cấp cao nhất.
Người dân không đặt nhiều câu hỏi về “quy trình đúng” mà quan tâm đến chuyện “quy trình” đó có hợp lòng dân không, mọi quy trình không hợp lòng dân, gây bức xúc trong nhân dân đều là quy trình sai.
Tương tự, những quy trình tạo kẽ hở cho cán bộ lợi dụng cũng không phải là quy trình đúng.
Trời có bốn phương Đông - Tây - Nam - Bắc, thiếu một phương thì không thành trời.
Đất có bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, thiếu một mùa thì không thành đất.
Người có bốn đức Cần - Kiệm - Liêm - Chính, thiếu một đức thì không thành người.
Vậy nên nếu người thiếu đi một trong bốn đức “cần, kiệm, liêm, chính” mà ngồi làm quy trình thì làm sao có được “quy trình” đúng.
Thế thì chúng ta nên quan tâm đến quy trình hay luật pháp?
Tài liệu tham khảo:
[1] https://baotintuc.vn/chinh-phu-voi-nguoi-dan/thu-tuong-truc-tiep-chi-dao-giai-quyet-dut-diem-vu-viec-tai-146-quan-thanh-ha-noi-20171003192943828.htm
[2] http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Tong-Bi-thu-Cong-tac-can-bo-cuc-ky-quan-trong/324113.vgp
[3] http://plo.vn/thoi-su/diem-danh-5-dbqh-khoa-xiv-roi-rung-do-dinh-sai-pham-744199.html
[4] http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/ong-le-phuoc-thanh-toi-muon-co-cong-bo-dung-sai-ro-rang-20151005001056459.htm
[5] https://www.gso.gov.vn/Default.aspx?tabid=629&ItemID=15703
Xuân Dương
Nguồn : Theo GDVN