10 juillet 2018

Nỗi đau “ốc vít”!


(Dân trí) - Trao đổi với báo chí trước thềm Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) thông báo: Hiện nay Samsung đã có 200 nhà cung ứng linh, phụ kiện nhưng phần lớn là doanh nghiệp nước ngoài. 




Ông Lộc đánh giá: “Đó vừa là tin vui, vừa là tin buồn”. Vui ở chỗ, việc doanh nghiệp ngoại vào Việt Nam sẽ giúp Việt Nam hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt mất đi cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng khổng lồ của Samsung - ấy là điều đáng buồn.

Các nhà máy của Samsung đóng một vai trò rất lớn trong cơ cấu xuất khẩu của chúng ta. Số liệu gần nhất, trong quý I/2018, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 54,3 tỷ USD thì Samsung đã chiếm tới 15 tỷ USD, tương đương khoảng hơn 1/4.



Không thể phủ nhận ý nghĩa của Samsung nói riêng và các doanh nghiệp FDI đối với nền kinh tế, thế nhưng trong những thành tích được báo cáo, liệu rằng điều mà đất nước chờ đợi hàng thập kỷ mở cửa là lực lượng doanh nghiệp nội, họ đã trưởng thành lên như thế nào? Họ đóng góp được gì và có cơ hội đóng góp hay không?

Ngót nghét hơn 30 năm cải cách, vậy mà cho đến nay, lãnh đạo VCCI vẫn phải ao ước rằng: “giá như 200 doanh nghiệp đó là doanh nghiệp Việt”. Có phải bởi doanh nghiệp Việt quá kém đến mức cái ốc, cái vít, cung cấp linh phụ kiện cho “ông lớn” ngoại thôi cũng không làm được?

Vậy chúng ta làm sao có thể mơ những giấc mơ vĩ đại như sớm đưa đất nước tiến tới “công nghiệp hoá”, làm sao có thể “hoá rồng” hay trở thành “hổ” của châu lục?

Tại một hội thảo từ cách đây 2 năm, ông Lê Thanh Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Trí Cường (Hà Nội) đã giãi bày rằng: “Nhiều người nói, doanh nghiệp Việt không làm được ốc vít. Tôi khẳng định, chúng ta làm được, vấn đề là không bán được”. Thế nhưng, lý do không bán được lại vẫn “muôn thở”: nguyên liệu phải nhập dẫn đến giá thành đội lên.

Rốt cuộc là, ngay cả ở khâu gia công cho các đối tác phát triển, chúng ta cũng chẳng kiếm được bao nhiêu là lợi nhuận. Nôm na, một cái áo theo đặt hàng thì ta chỉ may, trong khi vải, sợi, cúc áo đều nhập.

Theo một thống kê, có khoảng 30 ngành kinh tế - kỹ thuật ở ta cần đến công nghệ hỗ trợ, kể cả có những ngành sản xuất hàng xuất khẩu mang lại kim ngạch hàng chục tỷ USD mỗi năm nhưng lại đang phải nhập khẩu tới 80-85% nguyên liệu.

Trong khi đó, doanh nghiệp Việt còn phải đối mặt với tình trạng nhân lực yếu kém, hệ thống quản lý dưới chuẩn, đặc biệt, thiếu vốn vẫn là rào cản lớn nhất.

Một chủ doanh nghiệp, cũng là một độc giả của Dân trí đã chua chát bình luận rằng: “Cho đến cùng, mèo nhỏ phải chấp nhận bắt chuột nhỏ”. Nghĩa là, với vô vàn cái thiếu đó, đa phần doanh nghiệp Việt mơ mới lọt vào “hệ sinh thái” của các ông lớn ngoại!

GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài từng nói: “Việt Nam có rất nhiều chính sách cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Đánh giá chính sách về lĩnh vực này, Ngân hàng Thế giới nói Việt Nam thuộc hàng đầu thế giới, nhưng về mặt thực thi, chúng ta kém nhất thế giới”.

Câu chuyện có lẽ chính là nằm ở đó: Nói không đi với làm, chính sách không gắn với thực thi. 97% doanh nghiệp Việt Nam vẫn là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, xin hãy nhìn vào thực tế đó! Làm sao nền kinh tế có thể ra khơi bằng những đội “thuyền thúng”?

Điều mà doanh nghiệp cần là những hỗ trợ thiết thực về vốn, về kỹ thuật, về kiến thức quản trị, chứ không phải là những chính sách bỏ ngỏ, những hô hào về thách thức 4.0. Điều mà người dân, đất nước mong đợi và thực sự tự hào là sự lớn lên của doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt, lợi ích cho người Việt chứ không chỉ là những thành tích của “người ngoài”.

Bích Diệp



http://dantri.com.vn/blog/noi-dau-oc-vit-20180705061336677.htm