08 août 2018

Từ vụ gian lận thi cử, xin nêu vấn đề với cấp trên các vị


Lê Học Lãnh Vân: "Tôi tự hỏi nếu hệ thống công chức của Việt Nam gồm những người như các vị cầm cân nẩy mực thì chừng nào nguyên khí mới được dưỡng nuôi và tập hợp, chừng nào trăm triệu dân Việt mới phát triển được đây?"


Tranh minh họa: Đan/ Báo Lao động


Chắc chỉ cần nêu lên những phát biểu này, thái độ này, người ta cũng đánh giá được tinh thần trách nhiệm của các vị lãnh đạo đó trước những sai phạm mà mình phải chịu trách nhiệm, mức độ vô cảm trước những giá trị đạo đức bị xâm phạm, mức độ trơ trẽn của một số quan chức trước các điều lợi mà con mình được hưởng một cách bất chánh từ vị trí của mình. Phải coi dân chúng là trẻ con thì mới dám thốt ra những lời đó. 

 
Ngày 13.7.2018, Salon Văn hóa Cà Phê Thứ Bảy tổ chức buổi tọa đàm "Bàn tròn giáo dục". Tại buổi đó, những người chủ trì, hướng dẫn thảo luận, khách mời... đề nghị phạm vi thảo luận chỉ gói trong những gì chúng ta có thể làm trước mắt để góp sức vào cải tạo môi trường giáo dục. Còn cái “nguyên nhân của những nguyên nhân” thì có lẽ rất nhiều người thấy, nhưng góp ý hoài cũng vậy nên tạm quên nó đi, tạm gác nó lại.

Sau buổi thảo luận vài hôm, tin tức về vụ “nâng, sửa điểm thi” tại Hà Giang bùng phát. Sự bùng phát này chỉ là bùng phát thông tin, chứ sự việc thì, theo dư luận, đã xảy ra rộng khắp và từ lâu rồi.Thật vậy, ít lâu sau một số tỉnh khác cũng bị nghi ngờ và sự việc tại Sơn La đã được khui ra có vẻ còn nghiêm trọng hơn, rồi tỉnh Hòa Bình cũng được đưa vào tầm ngắm.

Mức độ tệ hại của sự việc, cả về bản chất và độ lớn của sự việc đã được nhiều bài báo trên hệ thống báo chí chính thống lẫn mạng xã hội đề cập. Có thể tóm tắt rằng bản chất sự việc là gian lận thi cử, việc gian lận thi cử xảy ra ở mức tập thể, có tổ chức, được sản xuất hàng loạt, với sự tham gia của những cán bộ giáo dục có vị trí cao của Sở GD-ĐT tỉnh. Trong số những bài thi được nâng điểm, có bài của con bí thư tỉnh ủy Hà Giang, vị quan cao nhất tỉnh, cùng với con cái một số chức sắc khác.

Theo tôi, đây là vụ gian lận thi cử ở mức độ chấn động tính lương thiện và lương tâm xã hội của cả nước. Dù cho tới nay chỉ mới phát hiện ở vài ba tỉnh, khủng hoảng này không khu trú trong từng tỉnh mà có tính chất nghiêm trọng ở tầm mức quốc gia. Đạo đức của nền giáo dục quốc gia bị xâm phạm thô bạo và nặng nề, niềm tin của dân chúng với ngành giáo dục vốn đã bị tổn thương không ít, càng bị chà đạp thêm.

Sự việc còn đang được tiếp tục điều tra. Bài viết này thảo luận về các phát biểu đối phó của những quan chức có liên quan.

Ở cấp Sở, có vị cho rằng “sự việc cũng bình thường thôi!”. Có vị cho rằng việc “việc chấm thi đúng với quy trình”.

Chủ tịch UBND Hà Giang thì chỉ đạo cấp dưới trong tỉnh:

a) tuyệt đối tin tưởng sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh ủy, UBND tỉnh,

b) làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục trong cán bộ không tham gia tuyên truyền, bình luận thông tin về vụ việc,

c) tham mưu xử lý, ngăn chặn những nguồn thông tin lệch lạc, trái chiều... có biện pháp xử lý nghiêm với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy chế phát ngôn, phát tán các thông tin sai lệch, trái chiều...

Kế đó là các quan chức có con cháu hưởng lợi trong việc nâng điểm. Ông Triệu Tài Vinh, bí thư tỉnh ủy, có con được nâng điểm, tuyên bố: “Tôi không biết thế nào. Có thể họ lợi dụng việc đó để đưa con lãnh đạo vào tròng thì sao?” Thực là một tấm gương sáng ngời tinh thần cảnh giác cách mạng, luôn tìm thấy quanh mình các thế lực xấu, thù địch hãm hại lãnh đạo.

Và Bộ trưởng bộ Giáo Dục trong thời gian đầu vẫn điềm nhiên hành xử và phát biểu như người đứng ngoài vòng trách nhiệm. Chỉ tới gần đây, khi số các tỉnh có bê bối được lôi ra ngày càng cao hơn, dư luận cất nhiều tiếng phản đối, và có lẽ cũng chịu áp lực của một số đồng liêu, cuối cùng ông cũng lên tiếng tại phiên họp thường kỳ của chính phủ ngày 1.8.2018:

“Trước các sai phạm xảy ra tại một số địa phương, với trách nhiệm của mình, tôi xin nhận trách nhiệm” (Tuổi Trẻ, ngày 2.8.2018). Tuy nhiên, xem các phát biểu và thái độ của ông, tôi không cảm nhận một sự thấu cảm với bức xúc của xã hội về những mất mát thương tổn quá lớn đối với đạo đức ngành giáo dục nước nhà mà ông chịu trách nhiệm.

Chắc chỉ cần nêu lên những phát biểu này, thái độ này, người ta cũng đánh giá được tinh thần trách nhiệm của các vị lãnh đạo đó trước những sai phạm mà mình phải chịu trách nhiệm, mức độ vô cảm trước những giá trị đạo đức bị xâm phạm, mức độ trơ trẽn của một số quan chức trước các điều lợi mà con mình được hưởng một cách bất chánh từ vị trí của mình. Phải coi dân chúng là trẻ con thì mới dám thốt ra những lời đó.

Nghe cách các vị phát biểu và nhìn cách các vị hành xử sau một bê bối được lôi ra trước công luận, tôi đánh giá các vị không có năng lực chính trị của một chính trị gia vì dân, biết sợ dân. Người có phẩm chất chính trị đó luôn tìm cách làm dân thương, dân trọng. Luôn đặt mình dưới sự giám sát của dân, minh bạch trước dân, luôn lắng nghe dân để làm dân hài lòng. Luôn sợ dân buồn, sợ dân không tin. Luôn nâng cao trình độ nhằm đạt thành quả cao nhất trong mục tiêu phục vụ dân. Các vị thì cho thấy điều khác.

Thành quả của ông bí thư Hà Giang là nhiều người trong gia đình ông như vợ, các em ruột, bà con gần gũi đều làm quan to trong tỉnh, là con ông được nâng điểm gian dối. Thành quả của ông bộ trưởng bộ Giáo dục – Đào tạo là các vụ tồi tệ trong bạo lực học đường, trong gian lận thi cử, trong phong chức danh giáo sư bừa bãi cùng nhiều việc khác. Tôi không nhìn thấy trong phát biểu, hành xử của các vị tấm lòng thành bộc bạch, thuyết phục công chúng về tính đúng đắn của mình, trái lại, chỉ thấy nói lấy được mặc kệ dân chúng tin hay không, hài lòng hay không.

Và tôi tự hỏi nếu hệ thống công chức của Việt Nam gồm những người như các vị cầm cân nẩy mực thì chừng nào nguyên khí mới được dưỡng nuôi và tập hợp, chừng nào trăm triệu dân Việt mới phát triển được đây?

Xin được nêu vấn đề với cấp trên của các vị. Tại buổi tọa đàm "Bàn tròn giáo dục" nói trên, có ý kiến rằng kêu gọi cách chức ông bộ trưởng này, ông lớn nọ cũng không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Tôi nghĩ tùy theo cách làm, theo tâm thế của người làm. Nếu cách chức chỉ là “động tác giả” thì cách chức người này cũng có người khác cùng tính cách thay thế.

Nếu cách chức là một quyết tâm, một bước đầu cho sự chấn hưng rộng lớn tiếp theo thì việc cách chức cần thiết bao nhiêu. Cách chức trong tâm thế và tư thế đó mới hy vọng lần lần Việt Nam sẽ giải quyết được cái “vấn đề của các vấn đề”, cái “nguyên nhân của các nguyên nhân”. Không cách chức thì mọi việc cũng như cũ và ngày càng thoái hóa nhanh hơn.

Xin nêu vấn đề với cấp trên của các vị. Tôi luôn tin rằng một chính phủ kiến tạo thực chất cần có những thành viên xứng đáng và xứng danh hơn. 


Lê Học Lãnh Vân