Nguyên tựa: “Faced
With Tough Words From China, Taiwan Rallies Around Its Leader”.
Tác giả bài báo: Chris Horton
The New York Times Jan. 19, 2019
Người dịch: Lam Du
Chỉ
mới vài tuần trước, Tổng thống Thái Anh Văn của Đài Loan vẫn còn phải vật lộn
trên phương diện chính trị. Đảng Dân chủ Tiến bộ (Dân Tiến = Democratic
Progressive Party) của bà đã thua nặng trong các cuộc bầu cử địa phương quan
trọng, gây nguy hiểm cho việc tranh cử tổng thống nhiệm kỳ hai vào năm tới của
bà.
Nhưng
sau đó, bà đã nhận được sự trợ giúp từ một nguồn tưởng như không thể: Tổng Chủ
Trung Quốc đại lục Tập Cận Bình.
Trong
tháng này, trong một bài phát biểu gửi tới người dân Đài Loan, một nền dân chủ
tự trị mà Bắc Kinh coi là lãnh thổ của Trung Quốc, Tổng Chủ Tập Cận Bình đã nói
rằng đảo quốc này “phải được và sẽ phải được” thống nhất với Trung Quốc và cảnh
báo rằng các nỗ lực độc lập có thể sẽ vấp phải sức mạnh quân sự.
Bài
phát biểu của ông Tập đã làm dấy lên mối lo ngại ở Đài Loan rằng bà Thái có thể
đã chấp nhận thách đấu bằng cách mạnh mẽ phản pháo đối với đề xuất của ông Tập,
trong một động thái hiếm hoi đối với sự mơ hồ thận trọng thường thấy của bà.
“Các
giá trị dân chủ là những giá trị và lối sống mà người Đài Loan trân trọng”, bà
Thái nói, “và chúng tôi kêu gọi Trung Quốc hãy dũng cảm tiến tới dân chủ”.
Tỷ
lệ ủng hộ đối với bà Thái đã tăng lên sau bài phát biểu này của bà, theo báo chí
Đài Loan. Bà cũng xuất hiện để khẳng định lại tầm ảnh hưởng của bà trong đảng
(Dân Tiến) của mình, trong tháng này, với việc bổ nhiệm một đồng minh, ông Cho
Jung-tai, làm chủ tịch đảng (Dân Tiến).
Sự
hồi sinh của triển vọng chính trị của bà Thái nêu bật thách thức mà chính phủ
ngày càng độc tài ở Bắc Kinh sẽ phải đối mặt trong việc đưa ra một công thức
chính trị để thống nhất mà sẽ là hấp dẫn đối với nền dân chủ đầy sức sống của Đài
Loan.
Hầu
hết người dân trong số 23 triệu người dân Đài Loan ủng hộ việc duy trì nền độc
lập trên đảo quốc này mà không có bất kỳ một động thái chính thức nào có thể
mang lại phản ứng quân sự từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Đài Loan vẫn có xu hướng chống
lại các mối đe dọa từ Bắc Kinh.
Hans
Ts Tung, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Đài Loan cho biết
rằng phản ứng của bà Thái “được nhìn nhận là rất xứng đáng với cương vị tổng
thống”. Ông cũng nói rằng phản ứng này của bà Thái này cũng đã mang lại cho bà một
sự hỗ trợ lớn hơn từ đảng Dân Tiến của bà, vốn có xu hướng nghiêng về độc lập
(với TQ đại lục).
Đó
là một bước ngoặt đáng chú ý sau khi đảng của bà Thái đã thua trong một số cuộc
bầu cử thị trưởng quan trọng hồi tháng 11 (2018) vào tay đảng đối lập, Quốc dân
đảng, hoặc K.M.T. (viết tắt của chữ the Kuomintang = (国 民 党, phần lớn là do người dân không hài
lòng với cách mà chính phủ của bà xử lý các vấn đề kinh tế.
Những
thất bại đã khiến bà Thái phải từ chức chủ tịch đảng, do dó cũng khiến cho bà
không chắc đã được trở thành ứng cử viên của đảng (Dân Tiến) trong cuộc bầu cử
tổng thống vào năm tới.
Nhưng
việc cực lực bác bỏ bài phát biểu của ông Tập đã giúp bà có được sự ủng hộ của
các cử tri như Li Imte, một cư dân của Đài Bắc. Cô Li cho biết rằng cho tới gần
đây cô vẫn thất vọng vì bà Thái đã không sẵn sàng ưu tiên cho hôn nhân đồng
giới, một vấn đề mà bà đã vận động trước khi bà đắc cử năm 2016.
“Về
việc tình hình Đài Loan thay đổi về phía tốt hơn, tôi thực sự không nghĩ rằng
có một ai đó có khả năng hơn bà Thái Anh
Văn”, cô Li nói.
Những
biểu hiện khích lệ dành cho bà Thái tràn ngập trên các phương tiện truyền thông
xã hội Đài Loan, với một bài viết lan truyền rộng rãi (viral post) đã miêu tả
bà là một người mẹ bảo vệ con mình khỏi một kẻ chuyên đi bắt nạt. Hàng trăm nữ
bác sĩ từ khắp Đài Loan đã đăng quảng cáo trên trang nhất của hai tờ báo địa
phương kêu gọi độc giả ủng hộ bà Thái.
Trong
một tuyên bố chung tuần trước, đại diện của dân Đài Loan bản địa, cũng đã thách
thức điều khẳng định của ông Tập rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc.
“Đài
Loan là vùng đất thiêng liêng nơi mà các thế hệ tổ tiên chúng ta đã sống và bảo
vệ bằng mạng sống của họ”, bức thư của họ viết như vậy. “Đài Loan chưa bao giờ
thuộc về Trung Quốc”.
Bài
phát biểu của ông Tập cũng đã giúp bà Thái giáng một đòn mạnh mẽ vào phe đối
lập Quốc dân đảng vốn ủng hộ mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc và là đối
tác đối thoại được sủng ái của Bắc Kinh.
Trọng
tâm của tranh chấp Đài Loan là cái mà được gọi là Thỏa ước 1992 (the so-called
1992 Consensus, lại nhớ tới hội nghị Thành Đô, mật ước Thành Đô, thỏa thuận
Thành Đô và tâm thế của những người cộng sản Việt Nam – người dịch), một thỏa
thuận bất thành văn giữa Bắc Kinh và chính phủ Quốc Dân Đảng là đảng nắm độc
quyền quyền lực chính trị tại Đài Loan lúc bấy giờ. Thỏa thuận đó cho rằng chỉ
có một Trung Quốc (One China), bao gồm cả Đài Loan, nhưng cả hai bên đều có thể
định nghĩa một Trung Quốc theo cách hiểu riêng của họ.
Đối
với Bắc Kinh, điều đó có nghĩa là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Đối với Quốc dân
đảng, đó là Trung Hoa Dân Quốc (the Republic of China), tên chính thức của Đài
Loan.
Bà
Thái đã từ chối việc tán thành Thỏa ước 1992, khiến chính quyền của ông Tập Cận
Bình đình chỉ các liên hệ chính thức với chính quyền của bà.
Trong
bài phát biểu của mình, ông Tập cũng nói rằng trong trường hợp Đài Loan thống
nhất hòa bình thì Đài Loan sẽ được quản lý theo mô hình chính trị “một quốc
gia, hai hệ thống” mà Trung Quốc đang sử dụng để cai trị Hồng Kông, một lãnh
thổ nơi đang có những lo ngại về việc thu hẹp các quyền tự do dưới quyền cai
trị của của ông Tập.
Các
nhà phân tích nói rằng bà Thái đã khéo sử dụng bài phát biểu của ông Tập Tập để
đánh đồng Thỏa ước 1992 với công thức “một quốc gia, hai hệ thống” của Bắc
Kinh. Điều này đã đặt Quóc dân đảng vào thế phòng thủ bị động do đảng này ủng
hộ Thỏa ước 1992.
Bonnie
Glaser, giám đốc Dự án Quyền lực Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược
và Quốc tế có trụ sở tại Washington, cho biết, “Quốc dân đảng không muốn bị gắn
cho cái nhãn là người bảo vệ phương thức thống nhất (Đài Loan) của ông Tập vì
phương thức này dẫn đến sự xói mòn các quyền tự do ở Hồng Kông”.
Phương
thức “một quốc gia, hai hệ thống” đã được sử dụng ở Hồng Kông kể từ khi nó được
Anh quốc trả lại cho TQ vào năm 1997. Mô hình này cung cấp cho lãnh thổ này
(Hồng Kông) một số quyền tự trị từ Bắc Kinh, cho phép cư dân Hồng Kông được tự
do hơn so với công dân của Trung Quốc đại lục. Nhưng không gian cho hoạt động
ủng hộ dân chủ và tự do ngôn luận tại lãnh thổ này (Hồng Kông) đã bị thu hẹp
trong những năm gần đây.
Tại
Trung Quốc, hôm thứ Tư, Ma Xiaoguang, phát ngôn viên của Văn phòng các vấn đề
Đài Loan cho biết rằng Thỏa ước 1992 và mô hình “một quốc gia, hai hệ thống” là
không giống nhau, không đồng nhất. “Ban lãnh đạo của đảng Dân Tiến đã đánh đồng
một cách cố ý hai khái niệm này, mục đích là để gây hiểu nhầm cho người dân Đài
Loan”, ông Ma nói như vậy khi đề cập đến đảng của bà Thái Anh Văn.
Zhu
Songling, giám đốc Viện nghiên cứu Đài Loan tại Đại học Thống nhất Bắc Kinh,
nói rằng phương thức “một quốc gia, hai hệ thống” đối với Đài Loan sẽ không
phải là sự sao chép của phương thức “một quốc gia, hai hệ thống” mà đã áp dụng ở
Hồng Kông.
Giáo
sư Zhu cho biết rằng “hai hệ thống” có thể được đàm phán. “Làm sao quý vị có
thể biết rằng ‘một quốc gia, hai hệ thống’ là không phù hợp với Đài Loan thậm
chí ngay cả trước khi đàm phán được bắt đầu?”
Nhưng
sự từ chối của bà Thái đối với phương thức “một quốc gia, hai hệ thống” dường
như đã có được sự ủng hộ ở Đài Loan đối với các chủ trương đường lối của đảng
này. Wu Den-yih, chủ tịch của Quốc dân đảng, trong một bài phát biểu vào tuần
trước với các đảng viên đã nói Thỏa ước 1992 là không liên quan gì đến mô hình
“một quốc gia, hai hệ thống” do ông Tập đề xuất.
Wayne
Chiang, một nhà lập pháp thuộc Quốc dân đảng, là cháu của cố Tổng thống Tưởng
Giới Thạch (1887 - 1975), vốn là chủ tịch lâu năm của Trung Hoa Dân Quốc, ca
ngợi sự nhấn mạnh của bà Thái đối với sự cần thiết của Bắc Kinh trong việc tôn
trọng nền dân chủ và tự do của Đài Loan. Vì điều này, ông Tưởng đã bị các thành
viên của đảng và những người ủng hộ Quốc dân đảng chỉ trích tơi bời.
Ông
Wayne Chiang cũng bác bỏ đề xuất của ông Tập. Hồi tuần trước, ông đã nói với
các phóng viên rằng “Đài Loan không phải là Hồng Kông. Phần lớn người dân Đài
Loan nhận thấy rằng không thể chấp nhận mô thức ‘một quốc gia, hai hệ thống’”.
Một
nhà lập pháp khác cũng thuộc Quốc dân đảng, Jason Hsu, thậm chí còn đi xa hơn,
nói trong một cuộc phỏng vấn rằng bài phát biểu của ông Tập cho thấy rằng Thỏa
ước 1992 không còn khả thi đối với đảng của ông như một cách tiếp cận với các
mối quan hệ với Trung Quốc và Quốc dân đảng cần vạch ra một chiến lược mới .
Không
rõ là liệu làn sóng ủng hộ hiện nay đối với bà Thái có sẽ cải thiện được cơ hội
của bà trong cuộc tái tranh cử vào năm tới hay không, biết rằng điều đó không
làm thay đổi được gì nhiều đối với những thách thức trong nước mà bà vẫn phải
đối mặt.
“Câu hỏi đặt ra là liệu sự gia tăng mức ủng hộ
đối với bà Thái sẽ có chỉ là tạm thời hay không”, theo bà Glaser.
Nhưng
bà lưu ý rằng các mối đe dọa của Trung Quốc đối với Đài Loan có xu hướng mang
lại lợi ích cho đảng Dân Tiến, đó mới là điều đáng ngại hơn đối với Bắc Kinh.
“Người
dân muốn có một chính phủ có thể bảo vệ họ khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài khi
họ cảm thấy không an toàn”, bà Glaser nói.
THE END