*** |
Nhiều năm sau này, người trong
vùng vẫn kể về cái đêm con trai cô Dén chết. Đoàn người sơ tán từ thị xã Cao
Bằng, lần rừng về cầu Tài Hồ Sìn, tìm đường xuôi về Bắc Kạn, Thái Nguyên, những
vùng chiến sự chưa lan tới. Gặp một trại lính Trung Quốc, đoàn người bấm nhau
đi thật khẽ. Đúng lúc, từ phía nhà cô Dén có tiếng ọ ọe của trẻ con. Thằng bé
bú no nê và được ủ ấm, đã thức giấc. Cô Dén loay hoay tìm cách để nó thôi khóc.
Ai nấy nín thở, đã có tiếng thì
thào gắt gỏng. Dưới áp lực sống của hàng trăm con người, người mẹ đã bịt chặt
miệng con để nó không còn phát ra tiếng kêu nữa. Thằng bé càng giãy, mẹ nó càng
bịt chặt. Đoàn người vượt qua bản, thằng bé cũng không còn thở nữa. Nó mới hai
tháng tuổi.
Người mẹ ôm chặt con không nấc
lên được tiếng nào. Một ngôi mộ cỏn con được đắp vội bên đường. Những bước chân
nặng nề bước tiếp.
Đó là một khung cảnh biên giới
phía Bắc Việt Nam tháng 2 năm 1979, nơi Đặng Tiểu Bình tuyên bố đang tìm kiếm
"sự bình yên nơi biên viễn".
Ngày 2 tháng 2 năm 1979, trên
khán đài một buổi đua ngựa ở bang Texas, Mỹ, một người đàn ông châu Á thấp bé
mặc bộ đồ Tôn Trung Sơn tối màu tay giơ chiếc mũ cao bồi, cười tươi. Khoảnh
khắc đó, được các hãng thông tấn khắp thế giới truyền tải, trở thành một biểu
tượng ngoại giao. Người đàn ông đó là Đặng Tiểu Bình, Phó thủ tướng Quốc vụ
viện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
27 ngày sau khi quan hệ ngoại
giao Mỹ-Trung được ký kết, 28 tháng 1 năm 1979, chiếc Boeing 707 từ Bắc Kinh
cất cánh, nhắm hướng Washington. Đặng Tiểu Bình bắt đầu chuyến thăm chính thức
nước Mỹ.
Trong tiệc chiêu đãi cùng ngày,
Đặng yêu cầu một cuộc gặp riêng với Tổng thống Jimmy Carter về vấn đề Việt Nam.
Yêu cầu của Đặng được thực hiện ngay hôm sau. Hai mươi vị lãnh đạo đôi bên dành
tròn 7 tiếng cho cuộc hội đàm, từ 10 giờ 40 đến 17 giờ 40. Đặng Tiểu Bình và Jimmy Carter tháng 1/1979. Ảnh: UPI. |
Bàn đến Việt Nam, Tổng thống Mỹ
Jimmy Carter đề nghị chuyển địa điểm sang phòng Bầu Dục. Cuộc họp rút xuống chỉ
còn 8 người. Đặng Tiểu Bình đề cập đến "Việt Nam xâm lược Campuchia"
để tiếp tay cho ý đồ bá chủ của Liên Xô. "Campuchia hy vọng Trung Quốc
giúp đỡ, nhưng chúng tôi quá hiền lành".
Ngày hôm sau, Việt Nam tiếp tục
là chủ đề chính của cuộc hội đàm, lần này, của riêng Đặng và Carter. Trong biên
bản cuộc họp có trích một phát biểu của Đặng: "Trung Quốc phải dạy Việt
Nam một bài học".
Jimmy Carter gọi ý định của Đặng
là một "serious mistake"- sai lầm nghiêm trọng và từ chối giúp đỡ.
Tổng thống Mỹ đích thân đọc một lá thư tay, nêu 8 lý do tại sao Trung Quốc
không nên tấn công Việt Nam tại thời điểm này. Trong đó có "ảnh hưởng đến
hình ảnh về một Cộng hòa nhân dân Trung Hoa yêu chuộng hòa bình".
Đặng trả lời: "Chiến dịch sẽ
giới hạn trong quy mô nhỏ. Chúng tôi chỉ tìm kiếm một sự bình yên nơi biên
viễn".