22 février 2019

Kiến tạo một nền hòa bình ở Afghanistan? Moscow đã học được một số bài học


The New York Times International Edition

Saturday - Sunday, February, 16-17, 2019

Nguyên tựa bài báo:  Making Peace in Afghanistan? Moscow Has Some Lessons

Tác giả bài báo:  Artemy Kalinovsky

Người dịch: Du Lam


Ông Artemy Kalinovsky là giảng viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Đông Âu thuộc Đại học Amsterdam và là tác giả, gần đây nhất, của cuốn sách “Phòng thí nghiệm Phát triển Xã hội Chủ nghĩa: Đời sống Chính trị trong Chiến tranh Lạnh và Công cuộc Phi thuộc địa hóa tại quốc Tajikistan Xô-viết”.Ông cunag là tác giả của cuốn sách “LỜI TẠM BIỆT MỘT LẦN VÀ MÃI MÃI: Liên-Xô rút quân khỏi Afghanistan” (A Long Goodbye: The Soviet Withdrawal From Afghanistan).



Một đoàn xe bọc thép chở quân của Liên-xô vượt qua một cây cầu ở Termez, ngày nay thuộc CH Uzbekistan, trong thời gian quân đội Xô-viết rút lui khỏi Afghanistan vào năm 1988.
 Ngày 15 tháng 2 năm 1989, một đoàn xe bọc thép của Liên-xô đã vượt qua Cầu Hữu nghị từ Afghanistan trở về nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô-viết Uzbekistan. Trong một cử chỉ mang đậm chất sân khấu kịch nghệ (tượng trưng, làm trò – người dịch), Trung tướng Boris Gromov, người đang giám sát công cuộc rút quân, đã xuống xe và đi bộ vài bước cuối cùng để đặt chân lên đất mẹ Liên-xô (lại nhớ tới câu: “Gần đến nước rồi, ba quân cố lên” của một viên đại tướng mang nguyên cả một chiếc ống đồng to vật vã trên người tháo chạy khỏi nước Đại Việt hồi thế kỷ 13 – người dịch). Không còn một người lính Liên-xô nào còn sót lại ở Afghanistan, tướng Gromov nói với các nhà báo đang ngóng cổ chờ như vậy.

Kể từ khi những đội quân đầu tiên xâm nhập vào Afghanistan vào tháng 12 năm 1979, Liên-xô đã cố gắng giúp đỡ chính quyền xã hội chủ nghĩa ở Kabul chống lại một chùm dây rợ các nhóm quân nổi dậy (nguyên văn: “fight off a constellation of insurgents”), nhóm người nổi dậy ấn tượng nhất trong số họ nhận được viện trợ từ Hoa Kỳ và Ả Rập Saudi, được vận chuyển tới thông qua Cơ quan tình báo hỗn hợp của Pakistan (nguyên văn: “working through Pakistan’s Inter-Services Intelligence - ISI”. Cả Trung Quốc cũng cung cấp viện trợ. Đến năm 1989, Liên-xô, rốt cuộc, cũng đã chấm dứt các hoạt động tác chiến tại Afghanistan.

Ba mươi năm sau, chính Hoa Kỳ giờ đây cũng dường như đang tuyệt vọng rút khỏi đất nước này sau một cuộc chiến bầm dập. Và Moscow một lần nữa lại can dự vào Afghanistan, mặc dù lần này họ muốn đóng vai trò là nhà trung gian hòa giải: Vào tháng 11 (2018), Nga đã tổ chức các cuộc hội đàm giữa Taliban, Hội đồng Hòa bình cấp cao và các đại diện của các cường quốc khu vực. Vào ngày 4 tháng 2 (2019), Nga đã chủ trì cuộc gặp của các các đại diện của Taliban và các nhóm khác phản đối chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani để đàm phán thêm.

Hoa Kỳ, và ông Ghani (Tổng thống đương nhiệm của Afghanistan – người dich) nhìn nhận những nỗ lực của Moscow với một sự nghi ngờ. Nhưng việc nghĩ lại về trải nghiệm (kinh hoàng và đau đớn – người dịch) của Liên-xô có thể giúp hiểu được việc Moscow đang toan tính gì - và cả những giải pháp, những lựa chọn nào dành cho Hoa Kỳ và các đồng minh nếu họ suy nghĩ nghiêm túc về nền hòa bình ở Afghanistan.

Mikhail Gorbachev, người lên nắm quyền năm 1985, đã hy vọng rằng ông ta có thể chấm dứt cuộc chiến tranh (của Liên-xô tại Afghanistan – người dịch) bằng cách khiến Hoa Kỳ và các đồng minh của nó chấm dứt sự ủng hộ đối với đội quân thánh chiến (hay mujahedeen, như họ được biết đến với cái tên như vậy) để đổi lấy việc Liên-xô rút quân (ra khỏi Afghanistan). Nhưng chính quyền Reagan chỉ đồng ý chấm dứt hỗ trợ nếu Liên-xô ngừng tất cả mọi viện trợ quân sự cho Kabul. Và Washington đã đòi hỏi việc giải tán của chính quyền xã hội chủ nghĩa (tại Kabul, Afghanistan) là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ một sự dàn xếp nào.

Ông Gorbachev hiểu rằng Đảng Dân chủ Nhân dân Afghanistan không thể tự nó duy trì được quyền lực, nhưng ông hy vọng rằng các nhà xã hội chủ nghĩa (tại Afghanistan) có thể trở thành thành phần nòng cốt của một chính phủ liên minh mới. Cuối cùng, ông tuyên bố rút quân mà không cần chờ đến khi có được một thỏa thuận (bằng văn bản), với hy vọng rằng Washington, Islamabad và mujahedeen sẽ nhận ra sự nghiêm túc trong ý định của Liên-xô và sẽ làm những gì tốt nhất cho Afghanistan.

Nhưng tình hình đã không diễn ra theo kịch bản đó. Vào thời điểm Liên-xô gục ngã (và không bao giờ còn có thể gượng dậy được nữa để thực hiện nốt cái sứ mạng được cho là lịch sử của nó: “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại”  – người dịch) vào cuối năm 1991, cuộc nội chiến ở Afghanistan vẫn không gần hơn với một giải pháp nào so với năm 1989. Vào tháng 4 năm 1992, việc Kabul thất thủ, rơi vào tay các lực lượng đối lập cũng không dẫn đến hòa bình. Thay vào đó, các lực lượng đối lập đã trở mặt, quay súng bắn lại nhau, báo hiệu một giai đoạn mới của cuộc nội chiến không ngừng nghỉ mà sẽ kéo dài gần 40 năm.

Chiến lược của ông Gorbachev có vẻ ngây thơ khi giờ đây có điều kiện để nhìn lại: Liệu người Mỹ có thực sự cho phép một người xã hội chủ nghĩa duy trì quyền lực? Các nhân vật đối lập quan trọng có thể được thuyết phục để tham gia một chính quyền vẫn do kẻ thù không đội trời chung của họ lãnh đạo? Tuy nhiên, việc xem xét những gì diễn ra sau công cuộc rút lui của Liên-xô - sự trỗi dậy của Taliban, vai trò của Osama bin Laden, vòng xoáy nội chiến mới sau cuộc can thiệp do Hoa Kỳ lãnh đạo từ năm 2001 - khó có thể cho phép nhìn nhận năm 1989 là một cơ hội bị bỏ lỡ. Ông Gorbachev không mong đợi một phép màu, những gì mà ông ta kỳ vọng chỉ là Hoa Kỳ sẽ gây áp lực đủ lớn đối với các đồng minh và các khách hàng của họ để đưa họ ngồi vào bàn đàm phán, điều này, đến lượt nó, sẽ giúp ông dễ dàng gây áp lực đối với các đồng minh ở Kabul đi đến một thỏa hiệp.

Kinh nghiệm đó đáng để xem xét khi Hoa Kỳ có kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan. Cuộc đàm phán để biến Afghanistan thành một nền dân chủ tự do đã trở nên nhạt nhòa từ lâu, cũng giống như bất kỳ một ý niệm nghiêm túc nào về việc xây dựng chủ nghĩa xã hội đối với những người Xô-viết vào năm 1989. Nhưng có lẽ vẫn còn một hy vọng nào đó để chấm dứt một vòng xoáy giết chóc. Trong vài năm qua, Nga đã đóng một vai trò chủ động hơn ở Afghanistan. Sự can dự của nó đã được đáp ứng mà không thiếu sự hoài nghi từ Washington, Washington vốn lo ngại rằng, bằng cách nhìn nhận Taliban như một lực lượng hợp pháp, Moscow đang làm suy yếu chính phủ của ông Ghani.

Tuy nhiên, suy nghĩ của Moscow về Afghanistan ngày nay dường như phản ánh cách tiếp cận của nó 30 năm trước. Trở lại thời gian đó, giới lãnh đạo Liên-xô không kỳ vọng vào việc rằng chính quyền (xã hội chủ nghĩa, thân Liên-xô – người dịch) có thể tồn tại mà không có quân đội nước ngoài (Liên-xô) và hy vọng sẽ xây dựng một hình thức chính phủ liên minh nào đó với các đồng minh của nó (Liên-xô) làm nòng cốt. Lần này, Nga không phải là một bên tham chiến, nhưng suy nghĩ thì không khác mấy: Khi các quan chức Nga nói một cách cởi mở, họ không tin rằng Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ có thể ổn định tình hình tại Afghanistan. Chính phủ của ông Ghani sẽ không tồn tại nếu không có quân đội nước ngoài. Điều đáng lo ngại hơn nhiều từ quan điểm của Moscow (và thực sự, cũng là của Washington) là sự hiện diện của Nhà nước Hồi giáo hoặc Al Qaeda. Moscow có thể không thích Taliban, nhưng các quan chức Nga coi sự tham gia của nhóm này vào một chính phủ tương lai là khả năng thực tế duy nhất cho một nền hòa bình bền vững. Và vì rằng Taliban dường như không có thể đi đến một nơi nào đó (để đàm phán), cho nên nó đã tạo ra một ý nghĩa đối với Nga để tạo ra một thiện chí nào đó đối với phong trào này (Taliban).

Tuy nhiên, cái mà chiến lược của Moscow kỳ vọng là rằng Taliban có thể được thuyết phục để trở thành một trong những bên tham gia vào một cuộc dàn xếp, chứ không phải là chủ nhân tuyệt đối của đất nước. Như các cuộc đàm phán gần đây tại Doha cho thấy, Washington không phản đối một kết cục như vậy.

Việc đạt được một thỏa thuận sẽ là một điều khó khăn. Một mặt, lập trường, quan điểm mà  Taliban đã tuyên bố rất giống với lập trường, quan điểm của quân thánh chiến Hồi giáo (the mujahedeen) vào những năm 1980: Họ muốn tất cả các lực lượng nước ngoài phải được triệt thoái và từ chối công nhận chính phủ ở Kabul là hợp pháp. Mặt khác, ý tưởng về việc Taliban trở lại nắm quyền lực ở Kabul rõ ràng là khó tiêu hóa đối với nhiều người ở phương Tây, cũng như đối với nhiều người Afghanistan. Hơn thế nữa, Taliban không chỉ tự mình gây ra vô số sự hủy hoại tại chính đất nước của nó (Taliban), mà hàng ngàn sinh mạng và hàng tỷ đô la đã bị ném vào cuộc chiến đấu với nó (Taliban).

Những người chỉ trích cả hai cuộc chiến do Liên-xô và Mỹ đứng đầu thường nói rằng những người dân Afghanistan nên tự quyết định vận mệnh của mình mà không cần có sự can thiệp của nước ngoài. Điều đó là đúng đắn, nhưng không thể xảy ra: Các cường quốc khu vực và toàn cầu đã can thiệp vào các cuộc nội chiến Afghanistan kể từ cuối những năm 1970 sẽ không để điều đó xảy ra, nếu chỉ vì họ sợ rằng cái mất của mình sẽ là cái được củakẻ khác.

Nhưng thực tế là những tổn thất mà Liên-xô phải hứng chịu trong những năm 1980 và Hoa Kỳ và các đồng minh kể từ năm 2001 chỉ là một phần nhỏ của những gì mà người dân Afghanistan đã phải hứng chịu trong suốt 40 năm qua. Nga và Hoa Kỳ - và Trung Quốc, Iran, Pakistan và Ấn Độ - đều hy vọng sẽ định hình tương lai của Afghanistan. Trở lại năm 1989, việc đưa các bên tham chiến ở Afghanistan đồng ý với một thỏa thuận hòa bình đã là đủ khó khăn rồi. Tiếp đó, sự ganh đua, tham vọng và sự ngờ vực kéo dài giữa các cường quốc bên ngoài đã phá hủy mọi triển vọng hòa bình đã được tạo ra bởi cuộc rút quân của Liên-xô. Lần này, các quốc gia khác cần phải tận dụng mọi cơ hội có được để bảo đảm một nền hòa bình cho Afghanistan.

THE END