Diễm Thi, RFA
Người dân các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam rời bỏ nhà cửa trước cuộc
xâm lược của Trung Quốc vào ngày 23/2/1979.
|
Hôm 17/2/2019, trên các trang mạng xã hội xuất hiện bức thư của 100 nhân
sĩ, trí thức và các tổ chức xã hội dân sự gửi Tổng thống Mỹ. Bức thư nêu lên
vai trò của Hoa Kỳ đối với thế giới và nhân dân Việt Nam, và nhắc lại tuyên bố
của Tổng thống Mỹ trong Thông điệp Liên bang năm 2019 rằng “Giờ đây, chúng ta
phải bước đi mạnh bạo và can đảm vào chương mới của cuộc phiêu lưu vĩ đại của
nước Mỹ, và chúng ta phải tạo nên một tiêu chuẩn sống mới cho thế kỷ 21”.
Cựu Đại tá công an Nguyễn Đăng Quang, từng làm việc tại Bộ Ngoại giao, cũng
là người tham gia soạn thảo lá thư, cho biết mục đích ra đời của lá thư:
“Nhân dịp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sắp sang Việt Nam họp Thượng đỉnh
với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên (27 và 28/2/2019), lá thư này ra đời không chỉ
để Tổng thống Mỹ biết (vì ông đã thừa hiểu), mà chính là để dư luận thế giới,
đặc biệt dư luận Việt Nam, dư luận Trung Quốc và cả châu Á hiểu rằng, trước
nguy cơ Việt Nam bị xâm lược biển đảo, thì Hoa Kỳ là đồng minh tự nhiên của
Việt Nam.”
PGS-TS Ngôn ngữ học Hoàng Dũng nói với RFA rằng trên danh nghĩa thì lá thư
được gửi cho Tổng thống Mỹ, nhưng thực chất không phải gửi cho cá nhân tổng
thống mà là gửi cho người đại diện Hoa Kỳ để lên tiếng với thế giới nguyện vọng
thoát Trung của người Việt Nam:
“Chúng tôi cũng không mong ông Trump làm gì được cho Việt Nam. Tất cả các
nguyên thủ quốc gia khi quyết định việc gì thì họ đều đặt quyền lợi quốc gia
của họ lên trên, chứ không vì lá thư mà họ thay đổi, nhưng qua lá thư chúng tôi
muốn nói với công luận quốc tế và với người dân Việt rằng chính phủ Việt
Nam đang lơ lửng giữa hai xu hướng: Một là ngày càng chịu ảnh hưởng của Trung
Quốc, và xu hướng thứ hai là muốn thúc đẩy càng nhanh càng tốt chuyển động
thoát Trung.
Khi ông Trump và ông Kim Jong-un gặp nhau ở Việt Nam thì đây là thời điểm
tốt để chúng tôi khẳng định lại là người Việt Nam thấy việc thoát Trung ngày
càng cấp bách.”
Ông dẫn chứng sự lúng túng của chính phủ Việt Nam trong mối quan hệ với
Trung Quốc qua cách ứng xử vụ tưởng niệm 40 năm cuộc chiến biên giới phía Bắc
vừa qua, là một mặt bật đèn xanh cho báo chí viết những bài khá mạnh mẽ về cuộc
chiến ngày 17/2/1979, nhưng mặt khác thì lại giới hạn càng lúc càng chặt.
Lá thư của
chúng tôi nhấn mạnh nguyện vọng của người Việt Nam là phải thoát Trung. Cái đó
phải nói to ra cho thế giới biết và để thức tỉnh một bộ phận quan chức cũng như
người dân để họ thấy đã đến lúc phải nói lên nguyện vọng đó. - GS. Hoàng Dũng
Cuộc Hội thảo cấp quốc gia về Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc do viện
Hàn lâm Khoa học Việt Nam tổ chức hôm 15/2/2019 tại Hà Nội đã không dám nói đó
cuộc chiến tranh xâm lược, mà cũng không dám nêu tên Trung Quốc xâm lược. Trong
buổi hội thảo tuyệt nhiên không có nhân vật chính trị cấp cao nào xuất hiện.
Còn tại chuyến thăm nghĩa trang liệt sĩ hôm 17/2/2019 thì lại đưa một quan chức
cấp cao nhưng đã rời khỏi chính trường đến dâng hoa, thắp hương, đó là nguyên
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Giáo sư Hoàng Dũng kết luận ‘Họ sợ!’ và nói
thêm:
“Họ sợ hãi người dân nên phải ứng xử một cách vô văn hóa, đi ngược lại
truyền thống dân tộc khi đem xe chở rác chắn ngang lối vào tượng đài Đức Trần
Hưng Đạo, rồi cẩu lư hương đi chỗ khác….
Tất cả những điều đó cho thấy chính quyền Việt Nam đang rất lúng túng, tiến
một bước lùi hai bước.
Và điều đó càng cho thấy cái thư của chúng tôi nhấn mạnh nguyện vọng của
người Việt Nam là phải thoát Trung. Cái đó phải nói to ra cho thế giới biết và
để thức tỉnh một bộ phận quan chức cũng như người dân để họ thấy đã đến lúc
phải nói lên nguyện vọng đó.”
Một điều xuyên suốt trong lá thư rất dễ nhận thấy là mối đe dọa từ
Trung Quốc. Lá thư nhắc lại cuộc chiến Việt Nam mà ‘hậu quả đau đớn nhất chính
là việc một nước Trung Hoa trở nên hùng hổ, đang trắng trợn mở rộng cuộc xâm
chiếm vùng biển và các đảo của Việt Nam trên biển Đông, đe doạ quyền tự do hàng
hải của mọi quốc gia trên vùng biển quốc tế, thách thức uy quyền của Hoa Kỳ ở
châu Á-Thái Bình Dương.’
Cựu Đại tá Công an Nguyễn Đăng Quang khẳng định:
“Mục đích chính của những người tham gia ký tên thư này nói lên một điều là
lợi ích của Hoa Kỳ và lợi ích của Việt Nam lúc này ở Biển Đông, mở rộng ra là
Châu Á - Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương có cùng lợi ích là ngăn chặn sự bành
trướng bá quyền của Trung Quốc, nên Việt Nam và Mỹ có thể là đồng minh với nhau
trong vấn đề này. Khởi đầu là đồng lợi ích rồi có thể tiến tới là đồng minh về
đối ngoại, sau này có thể mở rộng thành đối tác chiến lược toàn diện, chứ không
phải chỉ là đối tác toàn diện như hiện nay.”
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng Bí thư Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội vào ngày 6 tháng 11 năm 2015. AFP |
Tại phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ ngày 12/2/2019, đô
đốc Philip Davidson, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương phát
biểu rằng “Chúng ta phải chấp nhận một sự thật rằng tình hình Biển Đông đang
thay đổi một cách nhanh chóng và chúng ta sẽ cần một cách tiếp cận mới. Điều
này đòi hỏi chúng ta phải cân nhắc với một vài địa điểm Mỹ chưa đặt căn cứ quân
sự tại khu vực này. Chúng tôi đang bàn bạc với các đối tác và đồng minh về khả
năng thiết lập những cơ sở này”.
Việt Nam là một trong những nước có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với
Trung Quốc, là nước nhỏ nằm bên cạnh Trung Quốc và luôn chịu áp lực, đe dọa từ
Trung Quốc. Lá thư cũng nêu lên rằng nhân dân Việt Nam ngày càng nhận thức rõ
rằng nguy cơ bành trướng, xâm lược của Trung Hoa Cộng sản hôm nay là sự tiếp
nối tham vọng đế quốc hàng ngàn năm của các triều đại phong kiến Trung Hoa. Ông
Nguyễn Đăng Quang nhận định Việt Nam phải có sự chuẩn bị từ trước chứ không để
“nước đến chân mới nhảy”:
Vấn đề là phải
chuẩn bị từ trước, để khi Việt Nam có nguy cơ bị xâm lược, hay bị xâm lược thì
Việt Nam và Mỹ đã là đồng minh của nhau. - Cựu Đại tá Nguyễn Đăng Quang
“Nếu Mỹ đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam thì rõ ràng Trung Quốc sẽ không dám
xâm lược Việt Nam, nhưng điều đó lại không phù hợp với chính sách “ba không”
của Việt Nam là “Không cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam; không
là đồng minh quân sự của bất kỳ quốc gia nào; và không đi với nước này để chống
nước kia.”
Thế nhưng cái “không” thứ ba có thể thay đổi, nghĩa là để bảo đất nước,
chống xâm lược thì buộc VN phải liên minh, tìm kiếm đồng minh với một nước thứ
ba để bảo vệ Tổ quốc một khi VN bị một nước nào đó mạnh hơn xâm lược hay đe dọa
xâm lược!
Vấn đề là phải chuẩn bị từ trước, để khi Việt Nam có nguy cơ bị xâm lược,
hay bị xâm lược thì Việt Nam và Mỹ đã là đồng minh của nhau.”
Mối đe dọa từ Trung Quốc là điều mà bất cứ người Việt Nam nào cũng nhận
thấy, vì nó từ hàng ngàn năm qua rồi. Là người dân Việt Nam, cũng là một nghệ
sĩ nổi tiếng luôn ủng hộ cho dân chủ, nhân quyền và thoát Trung, nghệ sĩ Kim
Chi cho biết khi tham gia ký lá thư gửi cho Tổng thống Mỹ, bà không quá kỳ vọng
nước Mỹ sẽ làm gì đó, bởi “người Mỹ họ thực dụng lắm. Cái gì có lợi cho họ
thì họ làm, chứ không vì dân chủ nhân quyền của Việt Nam mà họ làm tất cả đâu.”
Bà cho biết bà chỉ nghĩ đơn giản là bây giờ làm bất
cứ điều gì để thúc đẩy tiến trình quan hệ Việt Nam với quốc tế tốt hơn, đi gần
với dân chủ hơn là bà làm, và đây cũng là dịp để Hoa Kỳ thấy rằng người dân tin
cậy ở sự hợp tác trong công cuộc đòi nhân quyền và thoát Trung ở Việt Nam.