Tháng 2/1979, sứ
quán Việt Nam tại Bắc Kinh luôn trong tình trạng bị cắt liên lạc, an ninh bao
vây, cán bộ đi đâu cũng bị theo dõi.
"Họ nói sẽ
dạy cho chúng tôi một bài học. Vậy hãy để xem họ dạy thế nào. Chúng tôi không
nhận bài học ấy và sẽ chiến đấu đánh đuổi họ về nước".
Sau 40 năm, ông
Lê Công Phụng (nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, từng giữ chức Bí thư thứ
ba Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh năm 1979) vẫn nhớ câu trả
lời của lãnh đạo sứ quán trước câu hỏi của phóng viên quốc tế. Người này khi đó
đã hỏi quan điểm của Hà Nội về việc Trung Quốc đòi "dạy cho Việt Nam một
bài học" trong cuộc họp báo được tổ chức giữa lòng Bắc Kinh, ngày
18/2/1979 - một ngày sau khi hơn 600.000 quân Trung Quốc tràn sang biên giới
Việt Nam.
Ông Lê Công Phụng. Ảnh: Viết Tuân |
Sáng 17/2, vài
chục phút sau khi quân Trung Quốc bắt đầu tràn qua biên giới, sứ quán bị an
ninh vây chặt. Tất cả các đường liên lạc với bên ngoài bị cắt.
"Chúng tôi
không bất ngờ khi Trung Quốc đánh Việt Nam, nhưng hơi bất ngờ về thời điểm cuộc
chiến xảy ra.", ông Phụng nhớ lại giây phút nhận tin tức từ nhà gửi sang.
Giây phút ấy, không ai lo lắng cho bản thân đang ở nơi nguy hiểm "giữa
lòng địch" mà chỉ hướng về Tổ quốc. Ai cũng bồn chồn.
Sứ quán họp bàn
lên phương án hành động. Tại cuộc họp, Đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh nhận định, rất
ít khả năng Trung Quốc tấn công sứ quán bởi phải tuân thủ các công ước quốc tế
về ngoại giao. Nhưng ông yêu cầu gấp rút triển khai hai nhiệm vụ "cốt
tử" là bảo vệ cán bộ và tài liệu. Đồng thời, sứ quán phân công người trực
chiến, canh gác ngày đêm. Cán bộ được yêu cầu hạn chế ra ngoài để đảm bảo an
toàn. Nếu có việc cần thiết thì vẫn hoạt động bình thường nhưng hết sức thận trọng,
không để an ninh Trung Quốc kiếm cớ gây sự.
Hôm sau, ông Phụng cùng lãnh đạo Đại sứ quán
Việt Nam ở Bắc Kinh tổ chức họp báo lên án tội ác chiến tranh của Trung Quốc.
Rất đông phóng viên báo chí, hãng thông tấn, cán bộ sứ quán các nước tham
dự, trong đó có Nhân dân nhật báo và Tân Hoa xã.
"Trung
Quốc ồ ạt đưa quân tấn công biên giới phía Bắc Việt Nam là hành động xâm
lược", cán bộ ta đưa ra thông điệp trong buổi họp báo. "Việt Nam
không gây hấn với Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc đã đặt nhân dân Việt Nam vào thế
buộc phải cầm súng chiến đấu. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc sớm nhận ra sai lầm
và rút quân, chấm dứt chiến tranh".
Cán bộ sứ quán
đã nói với báo chí thế giới, rằng lịch sử của Việt Nam trải qua nhiều cuộc
kháng chiến. Từ thời phong kiến, Trung Quốc đã nhiều lần xâm lược Việt Nam,
nhưng đều bị đánh bại. Việt Nam không bao giờ gây hấn với nước láng giềng,
nhưng khi bị xâm lược thì sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ tổ quốc.
Những ngày sau
đó, chính quyền Bắc Kinh gia tăng áp lực lên sứ quán Việt Nam khi xúi giục sinh
viên một số nước châu Phi đến biểu tình, gây ồn ào trước cổng sứ quán. Ông
Phụng được cử ra giải thích. Mất nhiều thời gian để ông thuyết phục các sinh
viên Châu Phi rằng sự thật không phải như Trung Quốc tuyên truyền. Khi đó họ
mới chịu ra về, thú nhận là chưa biết gì về cuộc chiến mà chỉ nghe người khác
kêu gọi đi biểu tình.
Trong những
ngày chiến tranh diễn ra trên biên giới, mọi trao đổi về trong nước và ra bên
ngoài đều phải dùng tín hiệu Morse. Ông Phụng nói, đó là những ngày cả sứ quán
sống trong tiếng "tạch tè" ngày đêm. "Sau thời gian đó, tôi bị
sụt mấy cân", ông kể.
Trái ngược với tình cảnh bị bao vây, cắt liên lạc ấy, ở bên kia bán
cầu, sứ quán Việt Nam tại Cuba hừng
hực khí thế đoàn kết của Chính phủ và người dân nơi đây.
Ông Nguyễn Văn
Đào, tùy viên Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba năm 1979 nói: "Suốt cuộc đời
làm ngoại giao, chưa khi nào tôi sống trong sự căng thẳng nhưng ngập tràn tình
đoàn kết quốc tế như vậy".
Chiều tối
16/2/1979 theo giờ Cuba (sáng 17/2 giờ Việt Nam), ông Đào đang đi bên ngoài thì
nhận được cuộc gọi trở về sứ quán gấp. "Họ đánh ta rồi",
ông Trần Hữu Súy, Đại biện lâm thời sứ quán Việt Nam tại Cuba thông báo ngắn
gọn khi bắt đầu cuộc họp lúc 10h đêm.
Ông Nguyễn Văn Đào. Ảnh: Viết Tuân |
Sau đêm thức
trắng, ông Đào ra cổng sứ quán đi phát tài liệu thì gặp "cảnh tượng không
nói nên lời". Hàng nghìn người dân Cuba đứng kín các ngả đường quanh sứ
quán. Đoàn người hô vang khẩu hiệu: "Đoàn kết với Việt Nam",
"Phản đối Trung Quốc xâm lược"...
"Tôi cảm
nhận rõ sự phẫn nộ của từng người dân Cuba, bởi họ cho rằng Trung Quốc tấn công
Việt Nam là sự phản bội không thể tha thứ", ông Đào kể.
Chiều 21/2, tại
Thủ đô La Habana, hàng chục nghìn người dân Cuba đã tuần hành.
Khi quân Trung
Quốc nổ súng trên biên giới Việt Nam cũng là lúc cả đất nước Cuba sôi sục. Ông
Bùi Ngọc Hải, thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Cuba ngày ấy thuật lại. Trên
lễ đài ở trung tâm thành phố, bên cạnh quốc kỳ Việt Nam và Cuba là bức ảnh chân
dung Chủ tịch Hồ Chí Minh khổ lớn, cùng câu nói nổi tiếng "Không có gì quý
hơn độc lập, tự do".
Tại đây, Fidel Castro đã có bài hùng biện
không chuẩn bị trước. Ông vẫn mặc bộ quân phục như thường thấy trong các
sự kiện quan trọng, bước lên lễ đài trước sự tập trung của hàng chục nghìn
người.
Bằng giọng hào
sảng, Chủ tịch Cuba nói hành động xâm lược của Trung Quốc là sự phản bội.
Nhà cầm quyền Bắc Kinh âm mưu gây chiến từ lâu. Nhưng họ lại lừa dối nhân dân trong
nước và thế giới, vu cáo Việt Nam xâm lược, còn Trung Quốc chỉ "phản kích
tự vệ". Họ xúi giục quân đội Pol Pot xâm lược biên giới Tây Nam Việt Nam
nhưng lại dùng chiêu bài đánh biên giới phía Bắc Việt Nam để ủng hộ cách mạng
Campuchia...
Kết thúc bài
phát biểu kéo dài gần hai giờ, Chủ tịch Cuba kêu gọi nhân dân tiến bộ thế giới
hãy nhận thức rõ âm mưu của Trung Quốc và đoàn kết với Việt Nam. "Khi
Fidel hô "Nhân dân Việt Nam nghìn lần anh hùng muôn năm" thì hàng
chục nghìn người dự mít tinh đồng thanh hô "muôn năm" và bắt đầu cuộc
tuần hành", ông Bùi Ngọc Hải nhớ lại.
Cùng ngày 17/2,
khi chiến sự xảy ra, Đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Hà Văn Lâu đã trao bức
thư của Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh cho Tổng thư
ký và Chủ tịch Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, nêu rõ tình hình đặc biệt nghiêm
trọng do nhà cầm quyền Trung Quốc gây ra trên toàn tuyến biên giới phía Bắc
Việt Nam.
Ngày 24/2, tại cuộc họp Hội đồng bảo an Liên
Hợp Quốc, Đại sứ Hà Văn Lâu có bài phát biểu về cuộc xâm lược công khai và quy
mô lớn của Trung Quốc.
Ông khẳng định,
đây không phải là cuộc chiến tranh biên giới mà là cuộc chiến tranh xâm lược,
ngày càng ác liệt và có nguy cơ mở rộng.
Đại sứ Hà Văn
Lâu tố cáo, từ năm 1974, Bắc Kinh đã chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đưa
ra đòi hỏi vô lý về những hòn đảo khác của Việt Nam ở Biển Đông. Từ năm 1978,
Bắc Kinh dụ dỗ, cưỡng ép hàng chục nghìn người Hoa về nước và kích động những
người còn lại ở Việt Nam gây bạo loạn. Nhân lúc Việt Nam gặp khó khăn nhiều
mặt, Bắc Kinh đã dùng Pol Pot đánh Việt Nam...
"Đây là
cuộc chiến tranh xâm lược hoàn toàn trái với đạo lý và nguyện vọng của nhân dân
Trung Quốc. Bắc Kinh đang mạo hiểm lao vào cuộc chiến tranh phi nghĩa",
Đại sứ Hà Văn Lâu nói trước các thành viên Hội đồng bảo an.
Viết
Tuân