Diệu Hằng (*)
Hai nhà độc tài: Maduro - Nguyễn Phú Trọng |
Sự kiện nhân dân Venezuela nổi dậy cùng với Đảng Dân Ý của ông Juan Guiado lật đổ chế độ độc tài Maduro mấy ngày qua đang là sự kiện nóng hổi lôi kéo sự chú ý cả toàn thế giới. Dù là chính phủ lâm thời của ông Juan Guiado vẫn chưa được ổn định vì sẽ còn đối mặt rất nhiều khó khăn trước mắt, nguy cơ khó khăn nhất là sự "giãy chết'' của cựu Tổng thống độc tài Maduro, chắc chắn là Maduro sẽ tìm mọi cách gây biến động và Chính phủ ông Juan Guiado phải đối phó mọi mặt, nhưng bù lại, họ có sự trợ giúp từ Quốc Tế, cụ thể là Hoa Kỳ. Khó khăn kế tiếp là Juan Guiado tiếp nhận một đất nước đã bị tàn phá về kinh tế nặng nề, việc sắp xếp các phe phái chính trị và kiến thiết lại quốc gia sẽ không dễ dàng cho ông.
Nhưng dù sao, kiến thiết quốc gia vẫn sẽ dễ dàng hơn là quá trình lật đổ cả một chế độ độc tài, những khó khăn đó họ còn vượt qua được thì việc kiến thiết quốc gia họ sẽ cùng nhau xây dựng lại nhanh chóng mà thôi. Tuy chưa chính thức nhưng chúng ta vẫn chúc mừng cho Venezuela sẽ có một tương lai tươi sáng.
VIỆT NAM THÌ SAO?
Rất nhiều người nhìn về Venezuela rồi tự nhiên so sánh với Việt Nam, sự so sánh hiển nhiên bởi vì trong mỗi con người Việt Nam, họ khao khát điều đó, khao khát tự do, dân chủ.
Ở đây, chúng ta nhìn thấy sự khó khăn của Việt Nam so với Venezuela thế nào?
Nhìn bề ngoài, có lẽ đa số sẽ nghĩ hiện tình ở Việt Nam dù sao cũng tốt hơn Venezuela, ít nhất kinh tế Việt Nam vẫn chưa kiệt quệ đến nỗi người dân phải bới thùng rác tìm thức ăn, ít nhất Chính trị Việt Nam vẫn chưa xảy ra bạo lực khắp nơi, ít nhất Việt Nam vẫn chưa xảy ra tình trạng hàng triệu người phải di dân sang các nước lân cận,...
Đúng vậy, nhìn bề ngoài thì như thế, có vẻ Việt Nam chưa khánh kiệt như Venezuela. Thế nhưng, người viết nói rằng, Việt Nam so với Venezuela sẽ khó khăn nghiêm trọng hơn nhiều, nguy hiểm hơn nhiều thì quý vị nghĩ sao? Và tại sao như vậy?
Muốn hiểu rõ những điều này, chúng ta hãy nhìn vào cơ chế chính trị của hai quốc gia.
Thứ nhất, đối với Venezuela, mặc dù suốt gần hai trăm năm kể từ khi độc lập, đã trải qua các chế độ chính trị không thật sự là dân chủ nhưng họ vẫn duy trì được đa đảng, vẫn duy trì đảng đối lập, mặc dù đảng cầm quyền độc tài, nhưng ít nhất, người dân của họ cũng đã có ý thức về dân chủ, có ý thức đấu tranh chống độc tài. Còn ở Việt Nam, Miền Bắc đã trải qua hơn 73 năm và Miền Nam hơn 43 năm dưới ách cai trị của cộng sản, chỉ có độc đảng cầm quyền, lại bị tuyên truyền, nhồi nhét ý thức hệ của cộng sản, mặt khác, phong trào đấu tranh dân chủ bị đàn áp triệt để cho nên hầu như người dân Việt Nam đã muốn tê liệt và mất ý chí đấu tranh. Đây là yếu tố quan trọng nhất làm cho công cuộc đấu tranh ở Việt Nam rất khó khăn.
Thứ hai, sự tê liệt của Venezuela chủ yếu là do tê liệt về kinh tế hơn là về chính trị. Bởi vì đảng cầm quyền Venezuela độc tài và tham tàn, cho nên họ duy trì chính sách thâu tóm quyền lợi kinh tế, bóp nghẹt sự phát triển kinh tế tư nhân, nạn tham nhũng tràn lan làm cho kinh tế lâm vào khủng hoảng, thời kỳ thịnh vượng của họ chẳng qua phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ rất lớn. Venezuela duy trì đường lối kinh tế xã hội chủ nghĩa và kết cục chúng ta đã thấy. Còn Việt Nam, về kinh tế, cũng duy trì đường lối độc tài, thâu tóm quyền lợi kinh tế quốc gia về cho đảng cầm quyền, lại thêm sự độc tài toàn trị về chính trị làm cho nhân dân Việt Nam phải chịu nhiều tầng áp bức, nghèo nàn về kinh tế, ngạt thở về chính trị làm cho sự nhận thức u tối đi.
Thứ ba, ý thức và tư tưởng rất quan trọng cho sự phát triển và phát huy tiềm năng của con người, thế nhưng dưới chế độ cộng sản, ý thức và tư tưởng hầu như bị triệt tiêu, chúng giáo dục công dân đi theo một đường lối duy nhất do chúng đưa ra, nhồi nhét công dân trở nên u tối, có lẽ công dân venezuela vẫn còn may mắn hơn công dân Việt Nam vì họ không bị nhồi sọ để trở nên vô cảm, thờ ơ với chính trị.
Thứ tư, Venezuela giống như hầu hết các quốc gia Nam Mỹ, là một quốc gia theo Công giáo Rôma. Ảnh hưởng của Giáo hội Công giáo ở nước này có từ thời thực dân Tây Ban Nha. Theo ước tính của chính phủ, 92% dân số trên danh nghĩa là tín hữu Công giáo Rôma, và còn lại 8% là Tin Lành, các tôn giáo khác, hoặc vô thần. Chúng ta có thể thấy, gần 100% công dân các quốc gia này có tôn giáo rất phát triển, vậy nên công dân họ được giáo dục tốt, có đức tin và đạo đức cũng sẽ không suy thoái như cộng sản chủ trương vô thần. Đạo đức là một đức tính quan trọng để chấn hưng Nhân Khí cho mỗi quốc gia.
Thứ năm, một yếu tố cực kỳ nguy hiểm mà Venezuela không bị như Việt Nam đó là sự xâm lược, muốn đồng hóa giống nòi của Trung cộng. Lịch sử dân tộc đã chứng minh, Trung Quốc không bao giờ từ bỏ dã tâm chiếm lấy và đồng hóa Việt Nam vì chúng cho rằng Việt Nam là một phần của chúng và Việt Nam phải thu về mẫu quốc. Đây là dã tâm muốn diệt tận gốc giống nòi Lạc Việt và đồng hóa trở thành Hán Trung. Người viết đã khóc khi đọc qua những tài liệu lịch sử ghi chép về sự dã tâm của Trung Quốc muốn diệt chủng nòi Việt của chúng ta. Nếu quý vị có tinh thần Dân Tộc, quý vị sẽ thấy, sự nghèo đói, sự ô nhiễm môi trường, sự đàn áp cướp bóc, ...tất cả điều gây đau khổ cho nhân dân, nhưng tất cả những điều đó nó không là gì so với sự diệt chủng giống nòi Lạc Việt của chúng ta. Và Trung Quốc vẫn đang làm điều đó dưới sự tiếp tay ngu dốt của ĐCS. Vậy nên, tình hình của chúng ta nguy cấp hơn so với các quốc gia khác.
Quý vị có thể nhìn thấy, Việt Nam thật sự đang đối mặt khó khăn hơn bất cứ quốc gia cộng sản nào, thế nhưng có thể nói tinh thần đấu tranh của người Việt Nam lại kém cỏi nhất. Bởi vì tầng lớp đáy tầng chiếm hơn 70% dân số nhưng kiến thức chính trị của họ rất thấp, bởi vì nghèo nàn làm họ phải bươn chải kiếm sống, lại thêm sự nhồi nhét đường lối của CS làm cho họ thờ ơ tìm hiểu về chính trị. Tầng lớp trung lưu trí thức chiếm tỷ lệ ít hơn (khoảng 20%) có tư tưởng tìm hiểu chính trị nhưng họ cũng chưa dứt khoát bày tỏ quan điểm của họ. Còn lại là đảng viên đảng CS. Việt Nam ví như con sóng ngầm dữ dội đang bị kiềm nén chứ không phải yên bình như bề ngoài giả tạo của nó.
Những khó khăn là vậy, hiểu được nó để xác định được chúng ta cần làm gì là chính yếu, và làm như thế nào. Vạn sự điều có lối đi, mọi con đường đều sẽ đến La Mã. Muốn bớt gian nan thì tìm đường thuận lợi mà đi, không tìm được thì phải đi con đường khó khăn hơn, còn nếu không muốn đi thì mọi con đường sẽ đóng lại.
Không có gì cao xa cả, vạn vật trong vũ trụ đều có quy luật vận hành của nó, quan trọng là thấy được nó, hiểu được nó và muốn đi theo sự vận hành của nó hay không là do chúng ta!
26/01/2019.
Diệu Hằng (*)
* Nữ Bác sĩ Diệu Hằng vừa bị chính quyền cộng sản Việt nam bắt giam vì bài viết này.