Tùng Dương
(GDVN) - Nhiều người rỉ tai nhau, muốn nhanh chỉ cần dúi chút tiền cho cán
bộ, họ sẽ làm trọn gói mọi thủ tục.
Tình trạng tham nhũng vặt đang
trở nên phổ biến nhất là ở các cơ quan công quyền, người dân và
doanh nghiệp cứ phải chi một chút thì công việc mới thông, tất cả những vấn đề
đó đều có nguyên nhân bắt nguồn lệch chuẩn văn hóa.
Trước thực trạng này, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc
trao đổi với Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt
Nam, kiêm viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn nghệ dân gian Việt Nam.
|
Ông Sơn chia sẻ: “Trong truyền thống, những người có chút chức tước hay làm
quan đều tự cho mình là cha mẹ dân, thời phong kiến người dân nếu gặp lính lệ
gác cổng, một chức nhỏ nhất thời bấy giờ cũng phải cúi chào và dúi cho chút
tiền thì mới được vào gặp quan lớn.
Trong cơ chế thị trường hiện nay thì nạn tham nhũng vặt trở nên phổ
biết, nó ăn sâu vào tiềm thức đến mức người ta tự cho mình cái quyền được tham
nhũng.
Người dân lên Ủy ban nhân dân phường để kê khai thủ tục hành chính như xin
xác nhận hộ khẩu, sửa chữa nhà, xin kinh doanh…nhưng hầu như nhân viên của Ủy
ban luôn hướng dẫn không đầy đủ.
Họ cứ hẹn đến bổ sung giấy tờ này rồi lần sau lại thiếu giấy tờ khác, đi
lại cả chục lần vẫn thiếu giấy tờ, chưa kể họ còn đòi hỏi những loại giấy tờ
hoàn toàn không cần thiết và tìm mọi cách với mục đích để người dân đi lại
nhiều lần thì dễ vòi vĩnh.
Điển hình ở những nơi như văn phòng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở
các quận, huyện, cơ quan thuế, hải quan, bộ phận một cửa ở Ủy ban nhân quận,
phường, xã…
Muốn nhanh thì chỉ cần dúi chút tiền cho cán bộ là xong, họ sẽ giúp trọn
gói và tuyệt nhiên không thấy nhắc đến bổ sung những loại giấy tờ thiếu trước
đó mà vẫn xong việc”.
Nhiệm vụ của những cán bộ đó là phục vụ dân mà sao họ lại đòi hỏi phải quà
cáp, rồi đổ lỗi cho thu nhập thấp để coi sự vòi vĩnh ấy là bình thường?
Thực tế là cán bộ hiện nay không chịu làm việc, cấp trên nói gì thì
cấp dưới nhất nhất tuân theo, việc này ảnh hưởng rất nhiều bởi chế độ phong
kiến xưa kia.
Nếu như ở những xã hội phát triển, cấp trên nói nhưng cấp dưới phải suy
nghĩ, nếu đúng thì họ nghe theo nhưng thấy việc đó sai và không có lợi cho dân,
cho nước thì chắc chắn họ sẽ phản biện lại. Việc đó dẫn đến xung đột về tâm lí,
sẽ gây khó chịu cho cấp trên.
Ngay như ở gia đình, bố nói con phải nghe, việc đó đã không còn hợp với xã
hội hiện nay, tùy những việc người con sẽ nghe.
Lí giải về vấn đề này, Tiến sĩ Sơn nói: “Lớp trẻ hiện nay được học hành tốt
hơn với kiến thức sâu rộng thì rõ ràng là những việc mà cha mẹ nói không đúng
chúng sẽ không nghe theo. Đó là thể hiện tính dân chủ, là bình đẳng, là tư duy
mới, cha mẹ không thể áp đặt suy nghĩ của mình vào lớp trẻ”.
Khi mà xã hội phát triển thì càng cần có sự bình đẳng nhưng chúng ta lại
không du nhập những cái đó, cũng như các thầy cô giáo không thể cứ dạy theo tư
duy cũ, thầy cô phải là người chuyển biến nhận thức trước rồi truyền lại cho
học sinh.
Vì không thay đổi tư duy nên áp đặt, cho mình là thầy cô thì có quyền áp
đặt, không tôn trọng dẫn đến quát mắng, thậm trí là đánh học sinh và những
chuyện như vậy đã và đang xảy ra đến mức báo động.
"Xã hội vẫn nặng tâm lí ban phát, xin cho và tự cho mình cái quyền như
vậy là báo hiệu văn hóa đi xuống. Về mặt nhận thức trong một xã hội chuyển đổi
nhanh như vậy thì mọi người đều có quyền bình đẳng, có quyền được tôn
trọng", ông Sơn nói.
Cách thầy đồ đánh học sinh thủa xưa nó nó mang tính ước lệ, cớ sao các thầy
cô hiện nay lại biến những áp lực, bực tức cá nhân rồi trút lên đầu học sinh?
Đó là bạo lực học đường chứ không phải là phương pháp giảng dạy.
Giáo viên đánh học sinh nhưng lại dọa các em không được về mách với bố mẹ,
trước hết là từ căn bệnh thành tích của ngành giáo dục, là sức ép phải đạt giáo
viên dạy giỏi, lớp suất sắc, phải đạt danh hiệu trường chuẩn, sở giáo dục phải
có thành tích… tất cả những cái đó vô tình tạo nên áp lực dây chuyền rồi đổ hết
lên đầu học sinh.
Cơ chế thị trường (DQ: xin hiểu là cơ chế thị trường định hướng XHCN) nó làm cho đạo lí ngày càng mờ nhạt, con người ta buộc
phải bon chen, giành giật, ích kỷ đặt cái lợi lên hàng đầu nên những hành vi
đẹp như nhường chỗ cho trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi ngày càng hiếm.
Ta cho mình cái quyền đã mất tiền mua chỗ thì làm sao mà nhường được, tôi
đã xếp hàng tới lượt thì tôi phải mua chứ vì tôi cũng rất bận, tôi mua vé thì
tôi phải được ngồi…
|
Những người tham gia giao thông khi đèn đỏ khi còn 5 đến 7 giây, họ cố đi
cho bằng được cũng chỉ vì bị dồn nén, tính nôn nóng, không kiềm chế của nhiều
người trong xã hội hiện nay.
Hành vi đi lùi xe trên đường, ngồi ăn trên đường cao tốc… rồi tự chụp ảnh đăng
mạng xã hội, xuất phát từ cái tính muốn hơn người, oai, thể hiện rằng ta đây
dám ngồi ở những khu vực cấm. Tất cả những cái đó thể hiện văn hóa đang bị
xuống cấp và coi thường pháp luật.
Trong thời đại hiện nay không thể cứ đổ hết mọi nguyên nhân cho cơ chế thì
trường mà chúng ta phải ngay lập tức xây dựng một chuẩn đạo đức mới, đã hơn 30
năm chuyển đổi cơ chế nhưng chúng ta vẫn chưa xây dựng được cái chuẩn này.
Chuẩn mực cũ không còn phù hợp trong khi chuẩn mực mới thì chưa có dẫn đến
tự phát và định hướng sai về chuẩn văn hóa.
Lợi ích cá nhân càng cao nên dẫn đến nhiều suy nghĩ, hành vi sai trái như
tham nhũng vặt, đánh học sinh, đánh bác sĩ, ra đường hơi va trạm cũng đánh
nhau, thập chí giết nhau.
Vấn đề này phải bắt đầu từ giáo dụng, giáo dục đây là từ trong mỗi gia đình
phải dạy theo chuẩn mới và từ những hành vi nhỏ nhất.
Dạy cho trẻ em quyền dân chủ, được tôn trọng suy nghĩ cá nhân và cho con
hiểu quyền của con đến đâu, không được lấy quyền làm cha mẹ để bác đi những suy
nghĩ đúng đắn của con.
Đây là văn hóa ứng xử trong thời đại hiện nay, từ gia đình bình thường nhất
cho đến các doanh nghiệp, các cấp lãnh đạo phải thay đổi cơ cấu ứng xử mà cái
gốc của thay đổi là dân chủ nhưng phải có kỉ cương.
Nhiều người dân thiếu ý thức giữ vệ sinh nơi công cộng là do lệch chuẩn văn hóa. Ảnh: Tùng Dương. |
Nói như vậy không phải cơ chế thị trường là xấu, nó như một cơ sở hạ tầng
chi phối tất cả nhưng ở đây chúng ta chưa xây dựng được thượng tầng văn hóa,
lối sống phù hợp với hạ tầng của nền kinh tế thị trường..
Muốn có chuẩn mực mới thì phải đầu tư vào văn hóa, đề cao giá trị văn hóa
chứ không phải chỉ hô hào như hiện nay.
Thứ nhất về đầu tư cho văn hóa được thống kê trong hơn 30 năm nay rất thấp,
vào những năm đầu thế kỉ XX chúng ta hô hào phải trích 1,8% ngân sách đầu tư
cho văn hóa nhưng thực tế không có.
Tất cả các sở văn hóa miền núi phía Bắc theo ông Sơn thống kê khi còn làm
Giám đốc sở Văn hóa tỉnh Lào Cai cho thấy từ năm 2001 đến 2012 thì không có một
sở nào được 1,8%.
Thứ hai là thiết chế văn hóa, ngày xưa những khu đất đẹp nhất của tỉnh,
huyện…đều là hiệu sách văn hóa, thư viện, bảo tàng, trung tâm phục vụ văn hóa
nhưng nay hầu hết những khu đất vàng đó trở thành khu ở của quan chức địa
phương.
Thứ ba là cán bộ, để đào tạo được một cán bộ chuyên trách về văn hóa là rất
khó, ngoài kiến thức chuyên môn lại đòi hỏi có cái tâm, lòng say mê, nhưng thu
nhập thực tế lại quá thấp thì làm gì có cán bộ nào đam mê.
Chúng ta đều nhận ra thực trạng xuống cấp văn hóa nhưng thực chất đó là
xuống cấp chuẩn văn hóa hay còn gọi là giá trị đích thực của văn hóa, nó được
thể hiện rõ nhất ở những người đi xin hoặc đi mua chữ đầu năm, hầu hết là xin
chữ lộc chứ rất ít người xin chữ phúc.
Những người đi lễ thì đều cầu khấn xin cho làm ăn buôn bán phát tài, trúng
quả chứ ít người cầu xin có phúc.
Chữ Phúc mới là quan trọng, có Phúc thì mới phát triển bền vững, vậy nên
văn hóa hiện nay phải trở về giá trị như một chữ Phúc, có vậy mới mong xây dựng
được chuẩn văn hóa mới.
Các nhà nghiên cứu phải hiểu rõ cái chuyển đổi của cơ chế thị trường tác
động đến thượng tầng văn hóa, về nếp sống như thế nào, từ đó sẽ xây dựng bảng
giá trị chuẩn văn hóa mới để đưa vào sách giáo khoa, và áp dụng cho toàn xã
hội.
Tùng Dương
http://giaoduc.net.vn/Van-hoa/Ich-ky-voi-vinh-va-nhung-hanh-vi-lech-chuan-van-hoa-post195976.gd