Năm 1979,
tôi vừa lên 10 tuổi, sống cùng cả gia đình ở khu tập thể 38 Trần Phú - nơi ở
của nhiều Tướng lĩnh của Bộ Quốc phòng và nhiều chỉ huy các quân binh chủng
thời điểm đó.
5g sáng ngày
17 tháng 2…Điện thoại bàn trong khu tập thể nhà tôi đồng loạt đổ chuông rền rĩ.
Tiếng chuông đánh thức tất cả chúng tôi, từ người lớn đến trẻ nhỏ.
Chưa đầy 15
phút sau, bác Đặng Kinh (Trung tướng - Phó Tổng Tham mưu trưởng BQP), bác Lê
Thanh Hải (Cục trưởng Cục Cơ yếu) và tất cả chỉ huy của các quân binh chủng đã
quân phục chỉnh tề, vội vã bước ra khỏi nhà khi trời tờ mờ sáng.
Mẹ tôi nhìn
theo bóng dáng bác Đặng Kinh, điềm nhiên nói:
- Vậy là lại
chiến tranh rồi!
Chiến tranh
biên giới nổ ra, đồng bào biên giới sơ tán khỏi vùng chiến trận.
Thật ra, cho
đến năm 1979, trong khu tập thể nhà binh chúng tôi chưa hề có khái niệm hòa
bình. Bố mẹ chúng tôi vẫn thường xuyên được điều động vào Biên giới Tây Nam -
nơi mà chúng ta cũng đang có một cuộc chiến khác với quân Khmer Đỏ.
Ở Hà Nội,
gia đình những cán bộ, tướng lĩnh cấp cao như gia đình tôi luôn hiểu rằng,
chiến tranh sớm muộn gì cũng sẽ nổ ra ở Biên giới phía Bắc. Chúng ta có thể bất
ngờ về thời điểm, chứ không hề bất ngờ về cuộc chiến đó. Nhưng cả đời mình,
chưa bao giờ tiếng chuông điện thoại lại có thể gây tác động mạnh đến mọi giác
quan của tôi và ám ảnh tôi như sáng hôm ấy.
Dù tin tức
về chiến tranh chưa được phát đi chính thức trên các báo đài, dù những ông bố
trong khu tập thể của chúng tôi rời khỏi nhà buổi sáng hôm đó trong nghiêm
trang và vội vã mà không hề nói một lời, nhưng với những người phụ nữ và những
đứa trẻ như tôi, thì chiến tranh đã bắt đầu bằng tiếng chuông điện thoại đó.
Vào buổi
sáng ngày 22.2.1979, ba tôi rẽ qua nhà, thông báo ngắn gọn với mẹ con tôi rằng
ông sẽ lên chiến trường Lạng Sơn.
Chiều hôm
trước, Đại tướng Văn Tiến Dũng và Tổng tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn đã gọi ba
tôi về từ Học viện Quân sự cao cấp, nơi ông đang làm Phó Giám đốc, trao cho ba
tôi quyết định bổ nhiệm ông làm Tư lệnh Quân đoàn 5 (sau đổi tên thành Quân
đoàn 14), Tư lệnh Mặt trận Lạng Sơn.
Ba tôi với
Đại tướng Lê Trọng Tấn có một mối thâm tình đặc biệt. Nơi nào chiến trường khốc
liệt nhất, Đại tướng Lê Trọng Tấn sẽ nghĩ đến ba tôi. Còn với ba tôi, Tướng Lê
Trọng Tấn là người anh, là "đại ca" - người mà dù bảo ông nhảy vào
biển lửa ông cũng nhảy vào.
Ngay khi
nhận được mệnh lệnh, ông chỉ về qua nhà 30 phút, bình thản từ biệt mẹ con tôi
như thể đó chỉ là một ngày đi làm bình thường. Một chiếc xe của Bộ Quốc phòng
đã chờ sẵn ngoài cửa, đưa ba tôi lên Lạng Sơn - nơi cuộc chiến ở biên giới Việt
- Trung khốc liệt nhất.
Tư lệnh Hoàng Đan ở mặt trận Lạng Sơn cùng với các cố vấn quân sự Liên Xô. |
Ở Lạng Sơn,
quân Trung Quốc dùng chiến thuật biển người khi tràn sang biên giới Việt Nam.
50.000 quân của chúng ta (trong đó chủ yếu là bộ đội địa phương, quân du kích
và các đơn vị làm kinh tế vừa chuyển sang chiến đấu) đã phải chiến đấu chống
lại 180.000 quân địch, nên chỉ sau vài ngày, 3 sư đoàn của ta ở Lạng Sơn đều
tơi tả.
Vì địch quá
đông, nên khi ba tôi lên đến Lạng Sơn thì TX Lạng Sơn vẫn đang cầm cự, nhưng
việc mất TX Lạng Sơn có thể chỉ còn là ngày một ngày hai.
Lạng Sơn
cách Hà Nội chỉ 150km. Ai cũng hiểu, nếu Trung Quốc vượt qua được đèo Sài Hồ,
chiếm tỉnh Lạng Sơn thì có nghĩa rằng sẽ khó còn gì ngăn cản chúng tiến về Hà
Nội. Và lẽ dĩ nhiên Thủ đô Hà Nội sẽ rơi vào tình trạng chiến tranh.
Ba tôi được
cử lên làm Tư lệnh Mặt trận đúng lúc ngặt nghèo đó, với nhiệm vụ bằng mọi giá
giữ Lạng Sơn, ngăn chặn nguy cơ chiến tranh lan về Hà Nội.
Một buổi
sáng ngay khi vừa đặt chân lên Lạng Sơn, ông ngồi trong chiếc xe bọc thép chỉ
huy K63 đi thẳng lên khu vực tiền duyên để khảo sát các phương án phản
công. Chiếc xe bị trúng đạn chống tăng nổ tung...
Chỉ một vài
tiếng sau, tin xấu nhanh chóng được báo về, lan khắp Bộ Quốc phòng, lan sang cả
khu tập thể 38 Trần Phú.
Tất cả mọi
người đều nghĩ rằng ba tôi đã chết. Nhưng vì chưa phải thông tin chính thức,
nên không một ai dám thông báo với gia đình tôi.
Suốt cả
ngày, bầu không khí của cả khu tập thể vô cùng căng thẳng. Không một ai cười
nói với mẹ con tôi như mọi ngày. Hàng xóm thậm chí tránh nhìn mặt chúng tôi.
Nhưng là con nhà lính, tôi mơ hồ hiểu rằng chắc hẳn đã có chuyện không hay xảy
ra cho ba mình.
Buổi chiều
khi mẹ tôi đi làm về, tôi hiểu bà đã biết tin. Bà im lặng một cách đáng sợ suốt
bữa cơm tối. Nhưng cả buổi tối, chúng tôi chỉ cắm cúi ăn cơm, cố gắng tránh nói
với nhau về chuyện đó chừng nào có thể.
Lúc 8 giờ
tối, điện thoại nhà tôi réo lên từng hồi. Không một ai trong gia đình tôi chịu
đứng lên nghe điện thoại, vì không ai đủ can đảm và cũng không ai muốn mình
người phải nghe tin tức khủng khiếp đó đầu tiên.
Cuối cùng
tôi - bé nhất nhà, đứng bật dậy, lãnh lấy trách nhiệm đó... Nhưng ở đầu dây bên
kia không phải ai xa lạ, mà chính là giọng ba tôi giòn giã. Tôi hét lên
"Ba, ba, ba..." và mọi thứ vỡ òa.
Ba tôi kể,
sáng hôm đó, sau khi bị trúng đạn, tất cả mọi người trên xe đều hy sinh. Chỉ có
mình ba tôi may mắn thoát chết. Ông thoát được ra ngoài, đi bộ về Sở Chỉ huy,
tiếp tục chỉ huy chiến đấu. Đến 8g tối mới nhớ ra là cần gọi điện về nhà. Tôi
vẫn nhớ ông cười rổn rảng trong điện thoại, nói với mẹ tôi điều ông vẫn hay
nói: "Bọn Tàu sao giết nổi tôi".
Sau chuyến
khảo sát chiến trường hút chết đó, ba tôi báo cáo về Bộ Tổng Tham mưu. Để bảo
vệ Lạng Sơn, Bộ Tổng Tham mưu đã lệnh cho Quân đoàn 2 - Binh đoàn Hương Giang
đang làm nhiệm vụ truy quét quân Khmer Đỏ tại Kampot, Kampong Som (Campuchia)
lập tức rút quân về nước, chi viện cho Mặt trận Lạng Sơn.
Với sự giúp
đỡ của Phi đội máy bay vận tải An-12 của Liên Xô, việc không vận toàn bộ Quân
đoàn 2 từ Campuchia về nước đã diễn ra thần tốc. Đến ngày 4.3, Quân đoàn 2 đã
có mặt ở Bắc Giang, tập kết sau lưng Quân đoàn 5, chuẩn bị sẵn sàng cho việc
phản công. Pháo phản lực BM-21 cũng được điều lên Lạng Sơn. Xe tăng, các đơn vị
chủ lực, pháo nhiều nòng và các đơn vị hỏa lực đều đã sẵn sàng chiến đấu.
Đêm 4.3, Bộ
Tư lệnh Quân đoàn 5 thông qua và bắt đầu triển khai phương án mở chiến dịch
phản công. Sáng ngày 5.3, Chủ tịch Tôn Đức Thắng ký sắc lệnh 29-LCT lệnh tổng
động viên trong cả nước. Nhưng cùng ngày hôm đó, Trung Quốc bất ngờ tuyên bố
rút quân.
Sau Lệnh Tổng động viên, thanh niên cả nước đăng ký tòng quân. |
Nửa đêm hôm
đó, sau khi tin tức từ chiến trường báo về, Bộ Tổng Tham mưu đến tận số 6 Hoàng
Diệu (tư gia của gia đình TBT Lê Duẩn - PV) để xin ý kiến chỉ đạo về việc phản
công. Tại đây, ông Lê Duẩn đã nói một câu hết sức bình thản nhưng vô cùng bất
ngờ: "Nếu Trung Quốc đã rút quân thì không lý do gì phải mất mát thêm binh
lính nữa". Câu chuyện ấy cũng giống như Lê Lợi và Nguyễn Trãi khi xưa đã
tha cho 10 vạn quân Minh. Vì thế, ngày 7.3, Việt Nam lên tiếng "cho phép
Trung Quốc rút quân trong hòa bình".
Ba tôi luôn
nói, cuộc chiến năm 1979 không phải là một cuộc chiến quá ác liệt. Quân Trung
Quốc đông nhưng không mạnh, nên tổn thất mà địch gây cho ta không nhiều. Ở
chiến trường, kể cả lúc địch chiếm TX Lạng Sơn, ông chưa bao giờ lo sợ về việc
địch sẽ chọc thủng được phòng tuyến này để tiến về Hà Nội. Sau này, nhiều nhà
nghiên cứu lịch sử quốc tế cũng thừa nhận, việc Trung Quốc rút quân vào ngày
5.3 chính là vì e ngại việc Quân đoàn 2 trở về yểm trợ cho Lạng Sơn và việc Chủ
tịch nước Tôn Đức Thắng đã kêu gọi Tổng động viên Toàn quốc sẽ khiến họ không
thể dễ dàng rút lui khỏi cuộc chiến trong danh dự.
Nhưng Chiến
tranh biên giới Việt - Trung không phải chỉ gói gọn trong đợt tấn công tháng
2.1979. Đó là cả một cuộc giao tranh dài suốt nhiều năm trời sau này, cả trên
chiến trường lẫn trên mặt trận chính trị - ngoại giao.
Tuy Trung
Quốc tuyên bố rút quân, nhưng tất cả đều hiểu chiến tranh sẽ không kết thúc ở
đó. Ba tôi vẫn ở lại chỉ huy mặt trận Lạng Sơn. Tết năm 1980, cả gia đình tôi
lên biên giới, đón Tết cùng ba giữa chiến trường. Tôi vẫn nhớ, tiếng pháo giao
thừa năm ấy là những tràng súng dài ngay sát vành đai biên giới.
Thực tế đúng
như những gì chúng ta dự đoán, suốt nhiều năm sau này, Trung Quốc liên tục gây
chiến khắp các tỉnh biên giới Việt - Trung.
TBT Lê Duẩn thăm Mặt trận Lạng Sơn – nơi Tướng Hoàng Đan đang làm Tư lệnh mặt trận. |
Ngay sau khi
Trung Quốc rút quân và bắt đầu những hoạt động gây hấn trường kỳ, TBT Lê Duẩn
có ra một chỉ thị khiến một số người thắc mắc về ý nghĩa chiến lược: "Các
đơn vị quân đội phải ra sát đường biên tổ chức trận địa, phải đánh địch ở trên
trận đầu, tuyến đầu, biến tất cả các huyện vùng biên thành pháo đài".
Ba tôi phân
tích, cách bố trí quân như thế gây băn khoăn cho một số người, vì họ cho rằng,
chúng ta sẽ không có chiều sâu chiến dịch, không có thời gian để tổ chức phòng
ngự khi địch tấn công. Cho nên kể cả trong giới Tướng lĩnh quân đội, việc có
người thắc mắc với chỉ thị này của TBT Lê Duẩn là điều có thể hiểu được.
Nhưng ba tôi
thì khác. Ông bảo, nếu dùng tư duy của một nhà quân sự, ông đương nhiên sẽ chọn
cách lùi lại để tạo ra chiều sâu phòng ngự cho cả trận chiến.
Nhưng ông
vẫn ủng hộ TBT Lê Duẩn trong quyết định này. Vì ông hiểu mong muốn của ông Lê
Duẩn: Cố gắng bằng mọi cách để chiến tranh sẽ chỉ xảy ra ở các huyện biên giới
chứ không vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam. Sau một giai đoạn chiến tranh dài
hơn 30 năm, tất cả mọi nơi trên đất nước này đều cần một khoảng thời gian
hòa bình quý giá để xây dựng và phát triển đất nước. Nên những nhiệm vụ khó khăn
nhất, gian khổ nhất, những người lính như ông sẽ đảm nhận. Bởi thân làm người
lính, là phải chấp nhận hy sinh để đất nước được bình yên.
Hơn 40 năm
trận mạc dạy cho ba tôi một bài học rằng ở mỗi vị trí khác nhau, người ta sẽ có
góc nhìn khác nhau về chiến tranh.
Năm 1972, ba
tôi là sư đoàn trưởng sư 304. Giai đoạn 1 và giai đoạn 2, Sư 304 lập công xuất
sắc ở quảng Trị. Nhưng đến giai đoạn 3 thì rất khó khăn, ngày nào cũng phải
căng mình dưới bom đạn B52, tổn thất nặng nề.
Hồi đó, Sư
304 liên tục được yêu cầu tấn công ra đường 1, lần nào đánh ra là quân lính hi
sinh lần đó. Nhưng lệnh tấn công vẫn tiếp tục đưa tới. Ba tôi nói với các cấp
chỉ huy: "Quân lệnh như sơn! Nhưng tôi vẫn phải nói hai điều: Là Sư đoàn
trưởng chỉ ở cấp chiến dịch, tôi muốn chống lệnh này. Nhưng tôi sẽ đánh, vì ở
vị trí của tôi, có thể tôi không có cái nhìn bao quát, nên không thể quyết định
được việc có nên đánh hay không".
Mãi sau này
ba tôi mới hiểu rằng, việc đàm phán ở Hiệp định Paris đẩy mình vào tình thế bắt
buộc Việt Nam phải có vị thế trên chiến trường. Đó là lý do ta phải đánh, dù
biết là khó tránh tổn thất.
Một trong
những trận đánh của ba tôi trong giai đoạn Chiến tranh Biên giới mà nhiều người
vẫn chỉ trích cho đến giờ chính là trận đánh ở Bình Độ 400 (hay còn gọi là cao
điểm 400, mà Trung Quốc gọi là Pháp Tạp Sơn) ở huyện Cao Lộc, Lạng Sơn.
Cao điểm 400
chỉ là một cao điểm nhỏ, chỉ rộng vài trăm mét và chỉ đủ cho vài trung đội
phòng ngự. Đây cũng không phải điểm có ý nghĩa chiến lược về mặt quân sự, nhưng
cả ta và Trung Quốc đều giành giật với nhau từng tí. Dù điểm để 2 bên
đánh nhau chỉ có một đại đội. Nhưng trong khi Việt Nam phải huy động đến cấp sư
đoàn (thời điểm nhiều nhất lên tới 1 vạn quân), thì Trung Quốc sau khi bị tiêu
diệt hết một sư đoàn chủ lực, đã có lúc phải huy động đến cả sư đoàn dự bị (mà
cao điểm nhất lên tới gần 3 vạn quân).
Tôi vẫn nhớ
một bài thơ viết về trận đánh đó:
Tư lệnh Hoàng Đan trận này cầm quân
Ông bảo rằng: Sống chết thời, vận số!
Cả Trung đoàn ào ào như thác lũ
Bình độ 400 bình địa trận người!
Những chàng trai sống chết trận này ơi!
Mưa đổ xuống ông Trời tuôn nước mắt
Ơn nhớ mãi thân này đi giữ đất
Người trở về ăn, sống, ở ra sao?
Có nhiều
người sau này đã thắc mắc, cho rằng trận Bình Độ 400 là trận chúng ta không cần
hao quân tổn sức như thế. Nhưng đó là trận đánh mà dù không có ý nghĩa về
mặt vị trí chiến lược quân sự, nhưng lại có ý nghĩa lớn về mặt chiến
thuật. Đó là một bài kiểm tra về ý chí, là sự thử thách về quyết tâm của mỗi
bên.
Ba tôi
sau này giải thích với tôi rằng: "Chúng ta phải đánh để cho Trung Quốc
hiểu rằng, hễ chúng mà bước chân vào đất mình, thì sẽ phải trả giá đắt. Điều đó
sẽ khiến địch không bao giờ dám mở một cuộc chiến xâm lược khác.
Bởi chỉ một
điểm nhỏ đến như thế mà chúng ta đã đánh cho quân Trung Quốc thiệt hại đến mức
này, thì quân Trung Quốc sẽ hiểu rằng nếu họ dám đánh mình và tiếp tục
đánh sâu vào đất mình, thì cái giá họ phải trả sẽ là cái giá mà họ không cách
nào chấp nhận được".
Một trong
những trận đánh mà tôi thích nhất trong lịch sử chiến tranh của loài người là
trận đánh của 300 chiến binh Hy Lạp ở con đèo Thermophylae chống lại 10.000
quân Ba Tư. 300 chiến binh Hy Lạp đã hi sinh, nhưng quân Ba Tư cũng đã trải qua
nỗi kinh hoàng thực sự mà không dám tiếp tục cuộc tấn công Hy Lạp. Bài học mà
họ nhận được là: Chỉ với 300 chiến binh, mà người Hy Lạp đã khiến đội quân
10.000 người của Ba Tư chao đảo, thì họ không dám nghĩ đến điều sẽ xảy ra nếu
họ nếu đi sâu hơn vào đất Hy Lạp.
Lịch sử quân
sự đã có những cuộc chiến tranh lớn, mà chỉ sau một trận đánh, thế trận đã thay
đổi khi đội quân bên kia biết rằng mình không thể thắng được nữa và rút quân.
Những điều
này, phải ở những vị trí nhất định trong cuộc chiến đó, phải nắm rõ về chiến
lược quân sự, về chiến thuật mới có thể nhìn thấu đáo…
Nhưng điều
đó không có nghĩa là ba tôi không thương lính của mình. Hồi chiến tranh biên
giới Việt - Trung nổ ra, Đài Phát thanh thường phát đi phát lại một câu:
"Vậy là một lần nữa, lịch sử lại chọn đất nước ta để thử thách".
Có một hôm,
tôi chứng kiến ba tôi nghe đài rồi đấm mạnh tay xuống bàn: "Lịch sử là gì
mà làm lính tôi khổ thế?".
Tôi hiểu ba
mình!
Ba tôi là
Tướng trận. Ông ở khắp các chiến trường trong suốt hơn 40 năm quân ngũ, hết
chiến dịch này đến chiến dịch khác: từ Điện Biên Phủ đến Hồ Chí Minh, từ Quảng
Trị đến Tây Nam rồi Biên giới phía Bắc. Rất nhiều người lính của Ba tôi cũng
như thế. Họ hầu như không có lấy một ngày được nghỉ ngơi trong hòa bình, kể cả
sau khi đất nước thống nhất mùa xuân 1975. Như những người lính Quân đoàn 2,
vừa tuần trước còn ở Campuchia truy đuổi quân Khmer Đỏ, tuần sau đã có mặt ở
Biên giới phía Bắc để sẵn sàng chống quân Trung Quốc.
Đất nước của
ta đã phải chịu cảnh chiến tranh quá lâu. Nhưng với những người lính, chiến
tranh còn lâu hơn thế và mòn mỏi hơn thế rất nhiều...
Ba tôi nóng
nảy và cứng rắn. Ông yêu tôi nhưng cả đời mình, tôi chưa từng được ông ôm. Ngày
ông nội tôi mất, ba tôi không khóc. Vậy mà có một lần, khi đứng ở Nghĩa trang
Trường Sơn, trước mộ của một người lính của ông đã hi sinh ở Quảng Trị, tôi
thấy ba mình đã khóc - lần đầu tiên và duy nhất trong đời.
Ba tôi hay
nói, đời làm Tướng trận của ông, ông buồn nhất là khi các sĩ quan dưới quyền
lên báo cáo: "Thưa Thủ trưởng, trận này mình tổn thất nhỏ". Ông luôn
dặn dò: "Không có một tổn thất nào là nhỏ khi nói về những người lính đã
ngã xuống. Mỗi một người lính hi sinh, họ là con, là chồng, là cha trong một
gia đình. Đó là những mất mát không thể bù đắp…".
Năm 1984,
Trung Quốc quay trở lại gây chiến ở chiến trường Vị Xuyên, với mục đích gây sức
ép cho ta ở mặt trận Campuchia. Lúc này, ba tôi đã được rút về làm Cục Phó Cục
Khoa học Quân sự. Chỉ huy mặt trận Vị Xuyên lúc ấy là một vị Tướng khác.
Ngày
12.7.1984, các đơn vị chủ lực của sư đoàn 312, 316 và 356 được lệnh dàn quân
đánh với quy mô lớn. Tổn thất vô cùng kinh khủng. Chỉ trong một đêm, chúng ta
mất 600 lính, bị thương vong 1.200 người. Sư đoàn 356 mất sức chiến đấu.
Nên ngày 12.7 đến bây giờ vẫn được coi là ngày giỗ trận của lính Vị Xuyên.
Ngay sau đó,
ba tôi được Đại tướng Lê Trọng Tấn ra lệnh quay lại Biên giới phía Bắc, làm Tư
lệnh mặt trận Vị Xuyên.
Lên đến Vị
Xuyên, chứng kiến thương vong khủng khiếp của những người lính, Ba tôi chỉ nói
với những người chỉ huy trận đánh trước một câu duy nhất: "Các anh đánh
thế này, thì mẹ Việt Nam anh hùng đẻ không kịp đâu".
Những nụ cười lính giữa chiến trường Vị Xuyên |
Vì cùng một
điểm cao như vậy ở Vị Xuyên, không thể nào chúng ta lại đi đọ pháo rồi dàn hàng
ngang ra xung phong để đánh nhau với quân Trung Quốc được.
Việc đầu
tiên ba tôi làm khi lên đến Vị Xuyên là thay đổi toàn bộ cách đánh trước đó.
Không cho quân dàn hàng ngang đấu tay đôi với Trung Quốc nữa, ông yêu cầu bộ
đội quay trở về chiến thuật thời Điện Biên Phủ.
Ông lệnh cho
bộ đội đào hầm để tránh pháo kích của địch; đào hào sát đến tận công sự địch,
sử dụng tất cả các hang hốc để bố trí lực lượng, rồi tổ chức những nhóm nhỏ cấp
trung đội, tiểu đội để tấn công bất ngờ.
Thực tế là
những tổn thất về con người từ đó đến năm 1985 cộng lại cũng không nặng nề bằng
vài tuần đầu của chiến dịch.
Sau này khi
ba tôi đã qua đời, có một năm tôi tham dự ngày gặp mặt các CCB Sư đoàn 356, họ
ôm tôi khóc, nói với tôi bằng giọng nói giản dị, bỗ bã đúng chất lính: "Ba
mày mất rồi nên giờ tao chỉ biết nói với mày, là ngày đó nếu Tư lệnh Hoàng Đan
không lên, thì chúng tao chắc chắn không bao giờ gặp mặt mày. Cứ đánh như cũ
thì bọn tao cũng chết thôi".
Cái ôm giản
dị đó khiến tôi cảm động đến tận sâu thẳm lòng mình.
Ba tôi có
cách thương lính không giống một ai.
Ông bị đau
khớp, chân đi tập tễnh, nhưng ở mặt trận Vị Xuyên, ông cứ thế chống gậy, nhúc
nhắc đi dưới làn mưa bom bão đạn trước con mắt tròn xoe của lính tráng để vào
tận hang Làng Lò, cách công sự địch vỏn vẹn 100m, chỉ để ngồi với lính, đích
thân cuốn thuốc lá cho lính hút, rồi hỏi:
-Bây giờ các
cậu muốn gì nhất?
Lính của ông
trả lời:
- Báo cáo
thủ trưởng, thủ trưởng cho chúng em xin tí văn công. 6 tháng trong hang không
nhìn thấy mặt đàn bà rồi…
-Được! Các
cậu sẽ có văn công, sẽ gặp đàn bà!
Bộ đội Việt Nam nơi tuyến đầu biên giới. |
Lính tráng
cứ tưởng ông hứa rồi để đó vậy thôi, Nhưng 3 ngày sau, trinh sát cõng ông Hoàng
Chè, đoàn trưởng văn công và ca sĩ Ánh Tuyết, cùng một cậu đánh đàn vào tận
hang Làng Lò biểu diễn cho lính nghe.
Lính của ba
tôi sau này hay kể, giữa trận địa đạn pháo bay vèo vèo trên đầu, ba tôi thường
lấy vỏ thùng đạn, kê ngay lên nóc hầm và ung dung ngồi hút thuốc. Ông bảo với
lính:
-Sống chết
thời, vận, số. Một khi số đã tới thì dù có trốn trong công sự, đạn pháo cũng
tìm được.
Ông hay tếu
táo với lính, rằng nếu ông chết, thì ít ra con trai ông – là tôi cũng được cộng
một điểm khi đi thi đại học.
Giữa chiến
trường, câu nói đùa mà thản nhiên như không của ba tôi làm binh lính cười rầm
rầm, chen nhau ngồi cạnh suýt xoa:
-Cụ cho con
ngồi cạnh cụ. Ngồi cạnh cụ là vạn thọ vô cương.
Nhờ những
giờ phút như vậy, những người lính như ba tôi đã đi qua những cuộc chiến tranh,
đi qua bom đạn mà bớt đi nhiều phần sợ hãi, dù trong số họ, có người đi gặp cái
chết, có người may mắn hơn sẽ được trở về cạnh gia đình mình.
Ba tôi là
một trong số những người may mắn ấy. Ông còn may mắn hơn ở chỗ, 43 năm đi khắp
các chiến trường, chỗ nào pháo nã nhiều nhất thì ông ở đó, nhưng kì lạ là ông
chưa từng một lần bị thương. Sau này ông hay nói: "Ông bà thì nhân từ, mẹ
mày thì bao dung, nên cả đời ba đi chiến trường mà không một vết sẹo".
Năm 2003, ở
tuổi 76, ba tôi qua đời sau một cơn đau tim khi đang chạy xe máy ngoài đường và
ra đi thanh thản.
Những năm
cuối đời trước khi ba tôi mất, tôi từng hỏi ông một câu:
-Ba đã mất
bao nhiêu người lính suốt cuộc đời mình?
Ông nghĩ một
lúc lâu rồi trả lời:
-Ba không
tính chính xác được. Nhưng có lẽ dưới quyền ba, ba đã mất 30.000 quân.
Ba bảo,
trong mọi cuộc chiến đó, chúng ta đều ở thế yếu, nên tổn thất là điều không
tránh khỏi. Nhưng trong sâu thẳm, tôi hiểu ông luôn nghĩ về những người lính mà
ông đã mất đi mỗi ngày trong suốt cuộc đời mình.
Vì đời ông
đã có lần suýt phải ra Tòa án binh vì bất tuân lệnh cấp trên, bởi biết nếu đánh
thì lính của mình sẽ chết.
Đời ông,
cũng có những lúc nhìn đồng đội mình, binh lính của mình phơi thi thể trên
chiến hào, mà chỉ biết nghiến chặt răng tiến lên phía trước…
Thế nên, năm
2015, khi xây dựng chiến lược về xuất khẩu phần mềm cho FPT Software, tôi đã hạ
bút đặt quyết tâm: "F-Soft sẽ phải có 30.000 nhân viên vào năm 2020".
Hiện nay tôi
đã có 16.000 nhân viên. 3 năm nữa tôi sẽ có 30.000 nhân viên như tôi đã tự hứa
với mình.
Có rất nhiều
người hỏi tôi về con số 30.000 đó, và tôi trả lời: "Tôi muốn tự đặt cho
mình một thứ vừa là trách nhiệm, vừa là sứ mệnh, vừa là thử thách. Ba tôi đã
mất đi 30.000 lính suốt đời binh nghiệp của ông. Là con trai ông, tôi sẽ có
nhiệm vụ đưa 30.000 bạn trẻ ra nước ngoài, cùng làm việc và cạnh tranh với
những tập đoàn hàng đầu. Đó thực chất cũng là một "cuộc chiến" khác:
cuộc chiến góp phần thay đổi số phận của dân tộc này.. 30.000 nhân viên của tôi
sẽ không phải cầm súng, không phải đổ máu và phải trả giá bằng sinh mạng của
mình. Vì tôi tin, bàn tay cầm đũa ăn cơm được thì cũng gõ bàn phím được. Bàn
tay bóp cò súng được thì cũng bấm chuột được. Đất nước này không cần thêm
bất kì cuộc chiến tranh nào nữa".
Kỷ niệm 40
năm Chiến tranh Biên giới phía Bắc 1979, tôi muốn dành bài viết này, để hồi
tưởng về ba mình, về những người lính, về những trận đánh mà ông đã kể cho tôi
nghe suốt cuộc đời mình.
Ba tôi –
Thiếu tướng Hoàng Đan, là Tư lệnh của Mặt trận Lạng Sơn và Mặt trận Vị Xuyên,
hai chiến trường khốc liệt nhất của cuộc Chiến tranh Biên giới phía Bắc suốt 10
năm trời…
(Ghi theo
lời kể của ông Hoàng Nam Tiến – con trai Thiếu tướng Hoàng Đan)
Nội dung:
Tô Lan Hương
(ghi)
Ảnh:Getty
Images, Sputnik
Thiết kế:
Đỗ Linh
Theo Trí Thức Trẻ15/2/2019
http://ttvn.vn/doi-song/cai-dam-tay-dau-don-cua-tuong-hoang-dan-trong-chien-tranh-bien-gioi-lich-su-la-gi-ma-lam-linh-toi-kho-the-82019142235656774.htm