Maduro là Tổng thống độc tài của nước Venezuela. Guaido là
Tổng thống (TT) lâm thời, ông sẽ tổ chức một cuộc bầu cử tự do để
bầu TT mới. Hai ông đại diện cho hai khuynh hướng chính trị khác nhau.
Maduro xem trọng xã hội chủ nghĩa (XHCN), người dân dù thiếu thốn,
cực khổ cũng phải hy sinh để bảo vệ XHCN. Guaido xem trọng người dân
Venezuela, sự no ấm, hạnh phúc của nhân dân quan trọng hơn một chủ
nghĩa nào đó.
Venezuela nằm ở Nam Mỹ châu, rộng khoảng 910 ngàn km², gần ba
lần VN. Có dân số là 32 triệu người.
Nicolas Maduro sinh năm 1962, xuất thân là tài xế xe buýt, sau đó
hoạt động chính trị. Trong cuộc bầu cử TT năm 2013, ông đắc cử với
50,6% số phiếu. Phe đối lập tố cáo có gian lận bầu cử và đòi kiểm
phiếu lại nhưng không được.
Năm 2015, dân chúng bầu cử Quốc Hội (QH), phe đối lập chiếm đa
số trong QH. Juan Guaido sinh năm 1983, xuất thân trong một gia đình trung
lưu, tốt nghiệp kỹ sư công nghiệp, ông đắc cử vào QH trong dịp này. Một
ngày sau bầu cử QH, Maduro thay đổi Tòa án tối cao với các quan tòa
theo phe ông ta, mục đích là sẽ từ chối các luật do QH đưa ra.
Trong 6 năm Maduro làm TT, 3 triệu người Venezuela đã rời quê
hương đi tị nạn ở các quốc gia lân cận. Ở vùng đất mới, họ phải
làm bất cứ việc gì để sinh sống, và họ vẫn chọn ra đi, cho thấy sự
bất mãn cùng cực của nhân dân đối với chính quyền.
Giữa năm 2018 có cuộc bầu cử TT. Maduro ra ứng cử và gây khó
khăn cho các lãnh tụ đối lập không thể ứng cử. Phe đối lập tẩy chay
cuộc bầu cử. 40% dân chúng đi bầu trong dịp này và Maduro đắc cử với
67% trong số đó. QH cho rằng Maduro không được bầu lên bởi đa số dân
chúng nên cái ghế TT vẫn còn trống, theo Hiến pháp Venezuela thì Chủ
tịch QH (ông Guaido) sẽ làm TT lâm thời và tổ chức cuộc bầu cử TT
mới.
Các quốc gia Tây phương như Hoa Kỳ, Canada, Anh, Pháp, Đức, và
ở Nam Mỹ như Ba Tây, Argentina, Colombia đã công nhận ông Guaido là TT lâm
thời của Venezuela. Nước Nga, Tàu và vài nước khác như Cuba, Thổ nhĩ
kỳ thì vẫn xem ông Maduro là TT.
Lúc viết bài này thì tình hình đang nghiên ngửa, chưa biết ai
thắng ai, quân đội sẽ ủng hộ bên nào, hay sẽ đứng giữa ?
Bối cảnh của Venezuela có nhiều điểm giống VN, chúng ta có
thể tìm hiểu. Maduro và đảng Xã hội thống nhất đi theo định hướng
xã hội chủ nghĩa, độc tài để bảo vệ XHCN. Nó cũng có tham nhũng
như VN. Venezuela có nhiều dầu hỏa, hàng năm bán được 40 đến 80 tỉ mỹ
kim (tùy theo giá dầu). Số tiền đó không được sử dụng cho đất nước
và nhân dân, phần lớn bị bọn tham nhũng trong chính quyền lấy làm
của riêng, ăn xài phung phí. Do đó nền kinh tế đi xuống, lạm phát tăng
cao, nhân dân bị thiếu thực phẩm để ăn, bệnh viện bị thiếu thuốc men.
Chính trị thì độc tài, kinh tế thì tồi tệ. Kết quả là nhân
dân bất mãn với chính quyền, nhiều cuộc biểu tình phản đối chính
quyền Maduro đã diễn ra với hàng triệu người tham gia. Nhân dân đòi
bầu cử tự do để chọn người có tài có đức phục vụ đất nước, thay
thế băng đảng Maduro độc tài và tham nhũng.
Cách đây hàng ngàn năm, con người đã xuất hiện trên trái đất,
rồi có chử viết, sau đó có triết học, chủ nghĩa. Con người có
trước, chủ nghĩa có sau, con người làm ra chủ nghĩa để phục vụ con
người. Ngày nay ta nói nhân dân là mục đích, là cứu cánh, chủ nghĩa
là phương tiện để phục vụ nhân dân. Có một số người học không đến
nơi đến chốn, bắt nhân dân phục vụ cho chủ nghĩa, như vậy là sai. Nếu
phải chọn một trong hai, nhân dân hay chủ nghĩa, thì hãy chọn nhân dân.
Trần Mai Trung