Hugo Chavez |
1 -
Đảng nào đang cầm quyền ở Venezuela ?
2 - Chủ
nghĩa Bolivar của Hugo Chavez là gì ?
3 - Kế
hoạch “ Chủ nghĩa xã hội Bolivar “ của Chavez là gì ?
4 -
Thất bại của mô hình “ Xã hội chủ nghĩa thế kỷ 21 “ của Hugo Chavez và những
nguyên nhân.
5 -
Simon Bolivar là người thế nào ?
6 -
Hugo Chavez là người thế nào ?
7 -
Nicolas Maduro là người thế nào ?
8- -
Juan Guaido là người thế nào ?
_____________________________________________________
1 -
Đảng nào đang cầm quyền ở Venezuela ?
Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Venezuela là đảng đang cầm
quyền ở Venezuela ( tiếng Tây Ban Nha là Partido Socialista Unido de Venezuela
PSUV ) (*). Đó là một chính đảng cánh tả, theo học thuyết Chủ nghĩa xã hội thế
kỷ 21 của Hugo Chavez và tư tưởng Simon Bolivar. Ngày thành lập đảng là
24/3/2007. Trụ sở đảng tại thủ đô Caracas. Trước đây người đứng đầu đảng là
Hugo Chavez. Nay là Nicolas Maduro, có 29 thành viên trong Ban lãnh đạo. Ý thức
hệ của đảng này là một tập họp gồm 3 thành phần : Chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21 +
Chủ nghĩa Bolivar của Hugo Chavez ( Chavismo Biliviarianism ) + Chủ nghĩa
Marx-Lenin.
(*) - Theo Bách khoa toàn thư Wikipedia
2- Chủ
nghĩa Bolivar của Hugo Chavez là gì ?
Từ khi Hugo Chavez lên làm Tổng thống, Chủ nghĩa Bolivar có vai
trò quan trọng không chỉ ở Venezuela mà còn ở cả Mỹ La tinh. Ban đầu Chavez
chọn một con đường thứ ba giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Đến năm
2005, Chavez cho rằng Xã hội chủ nghĩa là con đường duy nhất để vượt qua chủ
nghĩa tư bản và Chavez đặt tên nó là con đường mới : Chủ nghĩa xã hội
thế kỷ 21 (*). Chavez áp dụng những tư tưởng của nhà cách mạng thế kỷ
19 Simon Bolivar vào những chính sách của chính quyền Chavez và gọi nó là một
phần của cách mạng Bolivar. Nó bao gồm Hiến pháp 1999, việc đổi tên nước
Venezuela thành Cộng hòa Bolivar Venezuela.
Chủ nghĩa Bolivar của Chavez gồm 6 điểm chính :
+ Chủ quyền kinh tế và chính trị Mỹ La tinh, chống chủ nghĩa đế
quốc
+ Dân chủ có tham gia của người dân vào cơ sở chính trị thông
qua phiếu bầu của người dân và trưng cầu ý dân ( participative democracy ).
+ Kinh tế tự lập cánh sinh
+ Thấm nhuần một nền đạo đức quốc gia có tinh thần yêu nước vào
con người.
+ Phân phối công bằng tài nguyên thiên nhiên
+ Loại bỏ tham nhũng.
(*) - Theo Bách khoa toàn thư
3- Kế
hoạch “ Chủ nghĩa xã hội Bolivar “ của Chavez là gì ?
Năm 2012 Chavez cho công bố bản kế hoạch có tên là “ Chủ nghĩa
xã hội Bolivar “. Nó chính là mô hình xã hội chủ nghĩa thế
kỷ 21 của Hugo Chavez (*), bao gồm những mục tiêu cụ thể, chi tiết cho
từng ngành ( như củng cố ngành chăn nuôi, tăng cường sản xuất lương thực, khai
thác dầu mỏ, sản xuất công nghiệp, xây dựng hệ thống chính quyền cơ sở ). Bản
kế hoạch cũng đề ra mục tiêu tăng cường sức mạnh quân sự, tham gia thúc đẩy một
thế giới đa cực … nhằm xây dựng chủ nghĩa xã hội thành một
xu thế tất yếu, không thể đảo ngược. Nó đưa ra những chương trình kiểm soát
của chính phủ đối với các hoạt động kinh tế và quốc hữu hóa những công ty, tập
đoàn thuộc các ngành kinh tế mũi nhọn như ngành dầu hỏa, ngành xi măng, thép.
Đến nay kế hoạch “ Chủ nghĩa xã hội Bolivar “ của Hugo Chavez đã
bộc lộ là nguyên nhân dẫn đến những chính sách kinh tế sai lầm, triệt tiêu sức
cạnh tranh của nền kinh tế và đi tới khủng hoảng toàn diện như hiện nay.
(*)- Trích Bách khoa toàn thư
4- Thất
bại của mô hình “ Xã hội chủ nghĩa thế kỷ 21 “ của Hugo Chavez (*)
Mới chỉ 3 thập niên trước Venezuela là một quốc gia giàu có phát
triển không kém Tây Ban Nha, là vùng đất hứa của những người nhập cư từ bỏ Châu
Âu để tìm nơi lập nghiệp mà nay đã lâm vào cảnh đói kém. Sống trên giếng dầu
lớn thứ nhì trên thế giới nhưng người dân lại không có xăng để dùng. Đó là hồi
kết của mô hình “ Xã hội chủ nghĩa thế kỷ 21 “ của Tổng thống Hugo Chavez. Vì
sao như vậy ?
Chín
tầng địa ngục
Trong mô hình “ Xã hội chủ nghĩa thế kỷ 21 “ của ông Chavez vế
phát triển xã hội được ưu tiên hàng đầu. Hugo Chavez huy động đến 43% ngân sách
nhà nước trong những năm cầm quyền để phát triển các chương trình xã hội ( y tế,
giáo dục, nhà ở cho người nghèo ). Venezuela là điểm tựa cho Cuba, Nicaragua và
nhiều nước Mỹ La tinh khác nhờ vả để được cấp dầu hỏa với giá rẻ hữu nghị.
Nhiều chính trị gia, kể cả ở Tây Âu kỳ vọng Chavez mở ra một con đường mới để
noi theo. Nhiều nước ở Mỹ Latinh ngưỡng mộ mô hình này.
Đến năm 2007 thì ông bạn Venezuela hào phóng này lao đao. Người
dân Venezuela lo kiếm cơm từng bữa. Một chục năm sau đó người Venezuela thiếu
đủ thứ, từ thuốc men y tế đến lương thực. Sống trên các giếng dầu mà lại thiếu
cả xăng và điện.
Sau gần 20 năm thực hiện chiến lược phát triển đất nước của Hugo
Chavez, Venezuela đang ngập sâu trong khủng hoảng kinh tế, xã hội và chính trị.
Đất nước bị chia rẽ chưa từng thấy.
Trên mặt trận chính trị, khủng hoảng bắt đầu từ cuối 2015, khi
phe đối lập giành được đa số trong Quốc hội. Phe đối lập đòi ông Nicolas Maduro
từ chức Tổng thống. Từ tháng 9/2015 có tới 80% người dân đòi thay đổi chính
quyền. Để giữ ghế Tổng thống, Maduro đã đưa ra biện pháp lập một Quốc hội lập
hiến để vô hiệu hóa Quốc hội do phe đối lập kiểm soát với thành viên do Marudo
chỉ định. Tối cao Pháp viện thân với Maduro đã phủ quyết tất cả các quyết định
của Quốc hội. Kể từ ngày 18/4/2017, khủng hoảng Venezuela bước sang bước ngoặt
mới. Trong một cuộc biểu tình tuần hành chống Maduro, lực lượng an ninh đã giết
3 người. Chưa đầy 3 tháng sau, tính đến 10/7/2017 đã có gần 100 người biểu tình
bị giết.
Trong địa hạt kinh tế và xã hội, trên1/4 dân số Venezuela không
có việc làm. So với năm 2015, GDP giảm 18,6%. Lạm phát năm 2016 là 800%. Lạm
phát năm 2017 là 8.000%. Lạm phát cuối năm 2018 là một triệu phần trăm.
Giấc mơ
về con đường mới đã tan vỡ và đâu là nguyên nhân ?
* Trưng thu đất của nông dân và sai lầm trong chính
sách kinh tế.
Chính sách tịch thu đất đai của nông dân để phát triển các Hợp
tác xã nông nghiệp đã dẫn đến hậu quả một phần giới canh nông có kỹ thuật phải
bỏ nước đi nước khác. Venezuela có đất đai màu mỡ phì nhiêu nhưng nông nghiệp
không được phát triển. Giới tiểu nông đua nhau bán đất để lên thành phố kiếm
sống. Có rất nhiều người bị tịch thu đất đai. Khi Chavez lên cầm quyền, từ đầu
những năm 2000 ông ta đã chủ trương dẹp bỏ các hoạt động tư nhân để thành lập
các tổ hợp tác. Chính sách tịch thu đất của nông dân được tăng nhanh trong
những năm 2008-2009. Chavez đã gây ồn ào với việc khánh thành những hợp tác xã
nông nghiệp có máy móc mua của Iran, từ máy cầy đến máy gặt và hệ thống tự động
vắt sữa. Nhưng nông dân không được đào tạo sử dụng máy nên chỉ sau một thời
gian ngắn, hàng trăm hợp tác xã bị bỏ trống, nông dân bị đói vì không còn đất
canh tác. Nhiều nông dân phải bỏ xứ, sang Colombia hay Costa Rica để kiếm sống.
Chiến lược kinh tế của Chavez chỉ dựa vào một lĩnh vực là dầu
khí. Venezuela chỉ sản xuất một mặt hàng là dầu hỏa xuất
khấu để bảo đảm tới 76% ngân sách quốc gia. Chính quyền của Chavez
không biết dùng nguồn thu từ bán dầu để mở mang các ngành khác như công nghiệp
chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thực phẩm, lọc dầu và hóa dầu.
* Sai lầm trong quan hệ thương mại.
Chavez đã xa rời cộng đồng Andean-CAN ( gồm 10 nước thành viên )
để xích lại với khu vực MERCOSUR, từ đó tách khỏi 2 nhà cung cấp truyền thống
cho Venezuela là Colombia và Equador, trong khi nông nghiệp không phải là chủ
lực kinh tế của Venezuela, thường phải nhập khẩu lương thực, thực phẩm của
Colombia và Equador. Liên minh mới với MERCOSUR đưa tới hậu quả là phải nhập
hàng của Brazil và Argentina, phải vận chuyển xa hơn, chi phí tốn kém nên giá
thực phẩm, ngũ cốc, lúa mì, bơ sữa, thịt bò đều phải tăng. Trong những năm
1980, nền kinh tế Venezuela phụ thuộc đến 75% vào dầu hỏa. 25% còn lại gồm
nhiều lĩnh vực ( công nghiệp hóa chất, nhựạ, công nghiệp xe hơi ). Dưới thời
Chavez chỉ duy nhất ngành dầu lửa là trụ được, các ngành khác bị chết dần vì
hàng sản xuất ra không bán được trong khu vực Andean. Cả Chavez và Maduro đều
quyết định đóng của biên giới với Colombia nên càng khó khăn trong thương mại.
* Năng lực quản lý kém cỏi.
Venezuela là quốc gia may mắn vì được thiên nhiên ưu đãi mọi thứ
: có bờ biển dài, nhiều sông ngòi, ruộng đất phì nhiêu. Xưa kia đã có những
nông trại lớn nhưng ngày nay tất cả đều đóng cửa vì thiếu phân bón và thiếu các
phương tiện để tiếp tục khai thác, chăn nuôi. Venezuela là xứ nuôi bò và gia
súc nhưng chỉ sau 2 thập niên, từ khi Chavez cầm quyền Venezuela phải mua thịt
bò của Uraguay và Argentina với giá cao.
Hugo Chavez đã sai lầm trong hàng loạt chính sách kinh tế,
từ trưng thu đất để lập hợp tác xã, đến quốc hữu
hóa các nhà máy, các công ty khai thác quặng mỏ, dẫn đến hàng loạt các
công ty, tập đoàn nước ngoài rút vốn khỏi Venezuela. Gần đây các hãng nước
ngoài cung cấp hàng cho Venezuela đều ngưng giao dịch vì Venezuela không còn
khả năng thanh toán. Venezuela còn nợ rất nhiều các công ty của Colombia, Chile,
Argentina, Nga và Trung Quốc. Tất cả những điều đó giải thích vì sao hiện nay
người dân Venezuela thiếu đủ mọi thứ.
* Tự mình giết con gà đẻ trứng vàng
Đây là sự điên rồ của chế độ Hugo Chavez. Venezuela đang nắm giữ
nguồn dự trữ dầu hỏa lớn thứ hai trên thế giới, có thể đem lại 96% ngoại tệ cho
quốc gia, bảo đảm 76% ngân sách nhà nước.. Họ có khả năng cung cấp mỗi ngày 50
triệu thùng dầu nhưng mỗi ngày chỉ sản xuất được 1,8 triệu thùng. Có nhiều lý
do để giải thích :
Thứ nhất là thiếu vốn đầu tư, vì chính sách quốc hữu hóa, các
tập đoàn dầu khí mạnh của Italia, Anh, Hà lan đã rút khỏi Venezuela. Dầu mỏ của
Venezuela là loại dầu đặc, khó khai thác, cần đầu tư lớn vào lĩnh vực lọc dầu
nhưng thiếu vốn đầu tư nên không làm được. Một nửa sản lượng dầu thô phải xuất
sang Mỹ để lọc dầu.Thứ hai là chính sách quốc hữu hóa cho phép Nhà nước của
Chavez thâu tóm tập đoàn dầu khí lớn nhất nước, thải hàng loạt những kỹ sư giỏi
và có kinh nghiệm về ngành dầu khí, thay vào đó bằng những người trung thành
với chủ nghĩa xã hội Bolivar của Chavez, bất kể có hay không có năng lực. Do
thiếu đầu tư, thiếu người có kỹ thuật và kinh nghiệm, chỉ trong một thời gian
ngắn, phần lớn nền công ngiệp dầu khí là con gà đẻ trứng vàng của Venezuela đã
bị xuống cấp thảm hại.
Mô hình “ Xã hội chủ nghĩa thế kỷ 21 “ của Hugo Chavez đã giúp
nhiều người nghèo ở Venezuela thoát nghèo trong một thời gian trước khi xảy ra
khủng hoảng, bằng cách trợ cấp miễn phí từ nguồn tiền bán tài nguyên dầu mỏ của
quốc gia, nhưng đến nay mô hình này đã hoàn toàn thất bại. Tầng lớp người nghèo
vốn có truyền thống ủng hộ Chavez và Maduro nay cũng chống lại Maduro. Các quốc
gia cánh tả ở Mỹ La tinh đã xa lánh mô hình này. Cuba là đồng minh thân thiết
thì hướng dần về Mỹ,
(*) Trích Tạp chí kinh tế Pháp đăng trên RFI 18/7/2017
5-
Simon Bolivar là người thế nào ?
Simon Bolivar sinh ngày 24/7/1783 tại Caracas Venezuela. Ông là
nhà cách mạng nổi tiếng người Venezuela, lãnh đạo các phong trào giành độc lập
của Nam Mỹ đầu thế kỷ thứ 19. (*)
Simon Bolivar sinh trong một gia đình quý tộc, gốc xứ Basque Tây
Ban Nha. Thuở nhỏ, sau khi học tiểu học ở Caracas, Simon Bolivar theo học thầy
Andres Bello người Venezuela về khoa học nhân văn, lập pháp, triết học. Năm 17
tuổi, Bolivar gia nhập tiểu đoàn du kích ở Aragua. Tại đây Bolivar được phong
quân hàm thiếu úy. Năm 1799 Bolivar sang Madrid Tây Ban Nha học tiếng Pháp,
nghiên cứu lịch sử, văn học cổ điển và đương đại và tập luyện nghệ thuật hùng
biện. Năm 1805, tại Rome, Bolivar thề nếu chưa giải phóng được Nam Mỹ khỏi ách
thực dân Tây Ban Nha thì không ngừng nghỉ.
Simon
Bolivar với sự nghiệp giải phóng Nam Mỹ
Năm 1806 Bolivar trở về nước. Năm 1808 Bolivar tham gia quân đôi
kháng chiến ở Nam Mỹ. Cuối năm 1810 Bolivar lại trở về Venezuela. Tháng 5/1811,
cơ quan lập pháp Venezuela ra tuyên ngôn độc lập, Bolivar gia nhập quân đội và
được phong hàm đại tá. Năm 1812, thành phố Puerto Cabello thất thủ vào tay Tây
Ban Nha. Bolivar đến Cartagena de India. Tại đây, Bolivar viết Tuyên ngôn
Cartagena. Bản tuyên ngôn định hình những lý tưởng chính trị của Bolivar..
Tháng 5/1813 Bolivar dẫn đầu một đội quân, bắt đầu chiến dịch
giải phóng Venezuela. Ngày 23/5/1813 đội
quân của Bolivar tiến vào thành phố Merido. Nhân dân ở đó gọi
ông là “ người giải phóng “. Ngày 6/8/1813 đội quân của Bolivar tiến vào
Caracas. Bolivar tuyên bố thành lập nền Cộng hòa Venezuela thứ hai. Tháng
6/1814 nền Cộng hòa sụp đổ vì thua trong trận đánh La Puerta. Bolivar sang
Nueva Granada, chỉ huy quân đội quốc gia Colombia, tiến vào Bogota. Tháng
5/1815,sau những xung đột quân sự và chính trị với chính quyền thành phố
Cartagena, Bolivar từ bỏ binh quyền để tránh rơi vào nội chiến rồi lánh sang
Jamaica. Tháng 9/1815 đội quân hùng mạnh của Tây Ban Nha tiến vào Venezuela.
Bolivar đến Haiti tìm nguồn tài chính để tiếp tục chiến đấu. Tổng thống Haiti
đã cho Bolivar vay tiền. Tháng 6/ 1816 đội quân viễn chinh của Bolivar đã chiếm
được Carupano và Bolivar đã ra sắc lệnh giải phóng nô lệ. Tháng 7/1817 đội quân
Bolivar chiếm được thủ phủ Angostura của vùng này và thành lập một nhà nước mới,
lập ra bộ máy chính quyền. Tháng 10/1817 Bolivar ra sắc lệnh về “ Luật phân
phối của cải quốc gia “. Năm 1818 Bolivar suýt bị quân đội bảo hoàng giết.
Tháng 6/1818 Bolivar trở về Angostura. Khi đó đại diện ngoại
giao Mỹ và đội quân tình nguyện của Châu Âu đã đến đây. Ngày 15/2/1819 Bolivar
triệu tập Nghị viện Venezuela đệ nhị ở Angostura và đệ trình dự thảo Hiến pháp.
Sáng lập Đại Colombia, tiến về Caracas.
Ít lâu sau, Bolivar mở chiến dịch giải phóng Nueva Granada. Ngày
7/8/1819 đội quân của Bolivar đã giành chiến thắng trong trận đánh quyết định
Boyaca rồi tiến vào Bogota. Theo đề nghị của Bolivar, Nghị viện đã ban hành
Hiến pháp Cộng hòa Đại Colombia. Đại Colombia do Bolivar sáng lập gồm các nước
cộng hòa
Venezuela, Colombia, Ecuador và Panama. Ngày 24/6/1821, đội quân
Bolivar đã giành thắng lợi trong một trận đánh có ý nghĩa khai sinh ra nền độc
lập của Venezuela rồi tiến vào giải phóng thành phố Caracas.
Giải phóng Ecuador
Năm 1822, cánh quân của Bolivar và cánh quân của tướng Antonio
Jose de Sucre cùng tiến công giải phóng Ecuador và đến 24/5/1822 thì Ecuador
được giải phóng rồi hợp nhất vào Đại Colombia.
Giải phóng Peru
Đầu tháng 9/1823 Bolivar đến Callao. Khi đó Lima đã mất vào tay
quân đội bảo hoàng. Ngày 10/2/1824, Nghị viện Peru phong Bolivar là Tổng tài
với quyền lực tuyệt đối. Tháng 8/1824 quân đội của Bolivar đã đánh bại quân đội
vua Tây Ban Nha. Tháng 12/1824, quân của tướng Sucre đã tiêu diệt nốt quân đội
nhà vua. Chiến tranh giành độc lập kết thúc. Tại Nghị viện Peru ở Lima, Bolivar
tuyên bố từ bỏ quyền lực tuyệt đối đã được giao. Nghị viện Peru đã vinh danh
Bolivar và quân đội. Bolivar rời thủ đô Lima, đến Arequipa, El Cuzco và những
tỉnh Thượng Peru. Dưới sự bảo trợ của Bolivar, những tỉnh này đã thành lập một
quốc gia và đặt tên là Cộng hòa Bolivar tức Bolivia ngày nay. Năm 1826 Bolivar
đã soạn thảo Hiến pháp cho quốc gia này.
Đại Colombia phân hóa
Năm 1826, tướng Jose Antonio Paez lãnh đạo cuộc nổi dậy chống
chính quyền trung ương ở Bogota. Ngày 5/7/1827 Bolivar nhậm chức Tổng thống
Cộng hòa Đại Colombia. Ngày 25/9/1828 Bolivar thoát chết sau một vụ ám sát. Sau
đó ít lâu, Bolivar lại phải tiến hành một chiến dịch chống lại đội quân của
Peru đang đe dọa Ecuador. Năm 1830 Bolivar trở về Bogota để thiết lập Hiến pháp
nhưng Venezuela công khai đòi trở thành một quốc gia độc lập. Lúc này sức khỏe
của Bolivar đã suy sụp. Ông từ bỏ chức vụ Tổng thống. Ngày 10/12/1830 Bolivar
viết bản di chúc gửi nhân dân rồi mất vào ngày 17/12/1830 tại Santa Marta
Colombia. Thi hài của ông được chuyển về Caracas, Venezuela,
Tư
tưởng Simon Bolivar gồm những gì ?
Simon Bolivar đã cống hiến cả cuộc đời với tư tưởng công bằng,
tự do và bình đẳng. Ngoài ra tư tưởng Liên Mỹ của Bolivar cũng thường được nhắc
đến. Tư tưởng Liên Mỹ là nền hòa bình trên cơ sở một khối liên kết thống nhất
cho các quốc gia Châu Mỹ. Tư tưởng này của Simon Bolivar đưa đến việc các quốc
gia Châu Mỹ đã ra tuyên ngôn tại Nghị viện Panama về một nền hòa bình trong tự
do, bình đẳng giữa các quốc gia và giải quyết mọi bất đồng bằng phương pháp hòa
bình, kiên định sự hợp tác đôi bên cùng có lợi.
Tư tưởng Bolivar đã được vinh danh : UNESCO đã lập ra giải
thưởng Simon Bolivar trao tặng 2 năm 1 lần cho những người có đóng góp quan
trọng thực hiện lý tưởng của Bolivar. Đồng tiền của Venezuela được gọi là đồng
Boliva.
(*) Trich từ Bách khoa toàn thư
6- Hugo
Chavez là người thế nào ?
Hugo Rafael Chavez Frias sinh ngày 28/7/1954 trong một gia đình
nghèo tại làng Sabaneta, bang Barinas, Venezuella. Chavez là Tổng thống thứ 47
của Venezuela. Ông giũ chức Tổng thống liên tục từ 1999 đến khi mất vào năm
2013. Chavez là nhà lãnh đạo đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Venezuela PSUV,
theo ý thức hệ chính trị của Chủ nghĩa Bolivar và Chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21.
Chavez là quân nhân chuyên nghiệp và chính trị gia.(*)
Gia đình Chavez có nguồn gốc thổ dân da đỏ lai gốc Phi và Tây
Ban Nha. Thuở nhỏ, sau khi học tiểu học, Chavez được chuyển đến thành phố
Barinas để học trung học. Năm 17 tuổi Chavez theo học Học viện khoa học quân sự
ở thủ đô Caracas. Khi sống ở Caracas, Chavez chứng kiến nhiều gia đình thuộc
tầng lớp lao động nghèo khó. Điều này tạo cho Chavez quyết tâm góp sức tạo ra
công bằng xã hội. Chavez chịu ảnh hưởng lớn bởi cuộc đời và hoạt động của nhà
cách mang thế kỷ 19 Simon Bolivar. Năm 1975 Chavez tốt nghiệp học viện quân sự,
được phân công làm một sĩ quan thông tin tại một đơn vị chống phản loạn. Tại
đây, tình cờ Chavez thu được một số tài liệu Marxist, trong đó có những tác
phẩm của Marx, Lenin, Mao Trạch Đông. Chavez đã cất giáu các tài liệu này để
đọc. Năm 1977, đơn vị của Chavez đóng quân ở Anzoategui, chiến đấu với Đảng Cờ
đỏ, một nhóm Marxist-Hoxaist. Chavez bắt đầu có cảm tình với Đảng Cờ đỏ.
Sau âm mưu đảo chính cựu Tổng thống Carlos Andres Perez vào năm
1992 không thành công, Chavez tham gia thành lập Phong trào Cộng hòa thứ 5
thuộc phái tả. Năm 1998, Chavez được bầu làm Tổng thống với lời hứa sẽ giúp đỡ
người nghèo. Những cải cách của Chavez đã gây ra nhiều tranh cãi kể cả trong
nước và ở nước ngoài, có cả khen ngợi và chỉ trích. Năm 1998, thắng cử Tổng
thống lần đầu, Hugo Chavez được nổi tiếng bởi chính sách ủng hộ chủ nghĩa xã
hội và tái phân phối của cải xã hội. Trong 10 năm đầu cầm quyền, chỉ số GDP của
Venezuela tăng gấp đôi. Năm 1999 số người cực nghèo chiếm 23,4%, 10 năm sau chỉ
còn 8,5%. Tuy vậy, tháng 4/2002, Chavez đã bị đảo chính lật đổ với lý do yếu
kém về khả năng điều hành kinh tế. Nhưng sau đó, Tướng lục quân Efrain Vasques
đã đưa Chavez trở lại nắm quyền. Chavez bị cáo buộc đã dung túng cho nạn tham
nhũng, đưa những nhân vật quân sự thân quen quản lý bộ máy ngân sách nhà nước,
tạo điều kiện cho tham nhũng phát triển. Tư pháp chưa được cải cách có hiệu quả,
Ông đã chỉ định nhiều kẻ bất tài vào các cương vị quản lý hành chính.
Đường lối kinh tế sai lầm, phụ thuộc vào dầu mỏ, giá trị đồng tiền ngày càng
giảm. Tháng 2/2002, hàng triệu người thuộc mọi tầng lớp biểu tình, diễu hành
trên đường phố thủ đô chống Hugo Chavez. Chính quyền đã triển khai lực lượng an
ninh và quân đội ngăn chặn. Phe đối lập rút lui sau 2 ngày chiếm dinh Tổng
thống. Sau cuộc biểu tình này quân đội không còn xem thường sự phản đối của
người dân và ông Chavez đã lên tiếng kêu gọi hòa giải.
Ngày 7/1/2009, Ngân hàng trung ương Venezuela công bố tỉ lệ lạm
phát là 25,1%. Người tiêu dùng đi chợ ngày càng thấy khó khăn. Ngày 8/1/2009
Chavez phải cho phá giá đồng tiền Boliva. Kinh tế giảm sút đã gây áp lực tài
chính với chính phủ. Trong khi đó các chương trình trợ cấp của Chavez dựa vào
dầu mỏ giá rẻ ( dưới 0,1 đola / 1 gallon xăng ) đã làm cạn kiệt dần nguồn dầu
mỏ của Venezuela. Các doanh nghiệp tư nhân không tăng mức đầu tư vì lo bị quốc
hữu hóa, sung công tài sản, càng làm nền kinh tế thêm khó khăn, trì trệ, tỉ lệ
lạm phát ngày một cao. Đời sống thêm khó khăn. Người dân đã tổ chức những cuộc
biểu tình phản đối mạnh hơn. Nhưng Chavez vẫn còn được nhiều người thuộc lớp
nghèo ủng hộ nên giữ được quyền lực Tổng thống, bằng cách đưa hàng tỉ đola từ
nguồn thu bán dầu tài trợ những chương trình trợ cấp miễn phí cho người nghèo,
mà theo giáo sư kinh tế và khoa học kinh doanh Michael Pendold Becerra thì đó
là sự bao cấp chính trị cổ điển, nhằm “ mua phiếu bầu và lòng dân “. Phe đối
lập còn phê phán ông Chavez thực hiện hệ thống gia đình trị, đưa cha ruột, 3
người anh,1 con rể vào các vị trí Thống đốc bang, Thị trưởng thành phố, Thứ
trưởng Bộ điện lực,Bộ trưởng Bộ Năng lượng. Các tổ chức ân xá quốc tế, tổ chức
nhân quyền chỉ trích ông Chavez đã cho người quấy rối, đe dọa các chính trị gia,
các nhà báo đối lập.
Hugo Chavez mất ngày 5/3/2013 vì bệnh ung thư. Thi hài ông được
đặt tại Viện bảo tàng quân sự Caracas.
(*) Trích Bách khoa toàn thư
Nicolas
Maduro là người thế nào ?
Nicolas Maduro sinh ngày 23/11/1962 trong một gia đình thuộc
tầng lớp lao động ở thủ đô Caracas Venezuela, con của một người lãnh đạo công
đoàn. Trong tuổi thiếu niên, Maduro học trung học tại trường Jose Avalos ở
ngoại ô Caracas nhưng chưa tốt nghiệp. Maduro bắt đầu ra làm việc với nghề tài
xế xe buýt cho công ty Caracas Metro vào những năm 1970-1980. Maduro gia nhập
Liên hiệp Xã hội chủ nghĩa và thành lập một tổ chức công đoàn ở công ty này.
Tháng 12/1993 Maduro gặp Hugo Chavez và từ đó trở thành một nhân vật quan trọng
trong phong trào Bolivar do Chavez khởi xướng và sự nghiệp chính trị của Maduro
nhanh chóng thăng tiến. Năm 1977 Maduro tham gia thành lập Phong trào Cộng hòa
thứ năm, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch tranh cử Tổng thống của Hugo
Chavez. Maduro đã từng lái xe chở Chavez đi tranh cử Tổng thống. Chavez rất tin
cậy Maduro vì Maduro đã đấu tranh cứu Chavez ra khỏi nhà tù sau cuộc đảo chính
Tổng thống Carlos Andres Perer bất thành vào năm 1992. Năm 1998 Maduro là đại
biểu Thượng Viện. Năm 2000, Maduro là đại biểu Quốc hội. Tháng 12/2011 Maduro
được Chavez chỉ định là ứng viên của PVSU đồng thời là Thống đốc bang Carabbo
El Universel. Ngày 10/ 10/2012 Maduro được Chavez bổ nhiệm làm Phó tổng thống.
Ngày 13/10/2012 Maduro được nhận thêm chức Bộ trưởng ngoại giao. Cảm thấy bệnh
ung thư đã trở nên nặng, khó thoát khỏi, ngày 8/12/2012 Chavez đưa ra ý kiến
ủng hộ Maduro thay ông làm Tổng thống. Ngày 5/3/2013 Chavez chết, Maduro lên
làm Tổng thống lâm thời. Sau cuộc bầu cử ngày 12/4/2013, Maduro chính thức là
Tổng thống thứ 48 của Venezuela và là người lãnh đạo đảng xã hội chủ nghỉa
thống nhất thay Hugo Chavez. Khẩu hiệu tranh cử của Maduro là “ Chavez trường
tồn, Maduro Tổng thống “. Maduro là người thực thi rất trung thành đường lối
cai trị đất nước của Hugo Chavez. Khi còn sống, Hugo Chavez nhận xét “ Maduro
là nhà cách mạng nhiệt thành và thuần khiết “ nhưng ngay cả những người theo
chủ nghĩa Chavez cũng không tin lời nhận xét đó của ông Chavez là đúng. Phe đối
lập thì đánh giá Maduro không có năng lực quản lý kinh tế và năng lực quản trị
đất nước nên Venezuela ngày càng dấn sâu vào khủng hoảng. Ngày 20/5/2018 Maduro
tái đắc cử Tổng thống lần thứ hai nhưng phe đối lập và nhiều quốc gia Mỹ Latinh
cho rằng đây là cuộc bầu cử gian lận. Tháng 1/2019, phe đối lập đã tổ chức biểu
tình tại thủ đô Caracas với gần một triệu người tham gia, kêu gọi Marudo từ
chức.
(*) Trích báo Dân trí 6/8/2018 “ Tổng thống đi
lên từ tài xế xe buýt “.
Juan
Guaido là người thế nào ?
Juan Guaido sinh ngày 23/1/2009 trong một gia đình trí thức bình
dân tại một thị trấn ven biển La Guaira cách thủ đô Caracas khoảng 32 km, nơi
có Cảng và một sân bay quan trọng nhất của Venezuela. (*)
Guaido có cha là phi công dân sự, mẹ là giáo viên. Gia đình
Guaido sống sót sau một nạn đói kinh hoàng ở quê nhà đã giết chết gần 30.000
người vào năm 1999. Guaido đã tốt nghiệp kỹ sư công nghiệp tại trường đại học
Catolica Andres Bello ở Caracas. Guaido còn có 1 bằng tốt nghiệp của trường
kinh doanh ở Caracas và 1 bằng về hành chính công của Đại học George Washington
( Mỹ ). Guaido có nhận thức về chính trị ngay từ khi học đại học. Năm 2009
Guaido cùng một nhóm nhà lãnh đạo trẻ và chính trị gia Leopoldo Lozep thành lập
một chính đảng có tên là Voluntad Popular – Popular Will, một đảng dân chủ xã
hội, thành viên của Hiệp hội các đảng dân chủ xã hội thế giới ( Socialist
International ). Đảng này đã lên tiếng phản đối tình trạng vi phạm nhân quyền
và lạm dụng quyền lực của Tổng thống Hugo Chavez. Hiện nay đảng có 14 ghế trong
tổng số 167 ghế của Quốc hội. Freddy Guevara, một nhà lãnh đạo đối lập nhận xét
“ Guaido là một chiến binh lạc quan, khiêm tốn và chân thành, hòa hợp được với
mọi người “. David Smolansky, một nhà lãnh đạo đối lập khác đã bị chính quyền
Maduro trục xuất, đang lưu vong ở Mỹ nhận xét :” Guaido thuộc một thế hệ can
đảm, lớn lên dưới chế độ độc tài “. Guaido đã có lần bị thương do trúng đạn cao
su của lực lượng an ninh trong cuộc biểu tình 2017. Năm 2011 Guaido gia nhập
Quốc hội. Năm 2015 Guaido là người lãnh đạo cơ quan lập pháp của Venezuela. Năm
2016 Guaido được bầu là người đại diện của bang Vargos. 5/1/2019 Guaido được
bầu là Chủ tịch Quốc hội. 23/1/2019 Guaido tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm
thời của Venezuela.
(*) Trích từ các báo Luật khoa, Tintuc 24 h, BBC, Soha.vn
23/1/2019.
Lê Ninh