(Tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh đang nằm tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên. Ảnh : Độc Lập, Báo Thanh Niên) |
Ngày này 40 năm trước , lợi dụng nước ta cạn kiệt sau chiến tranh và ngặt
nghèo trong vòng bao vây cấm vận, nhà cầm quyền Trung Quốc đã huy động một đội
quân xâm lược hùng hậu nhất trong lịch sử với 60 vạn quân cùng pháo binh và
thiết giáp với sự hỗ trợ của không quân và hải quân, đồng loạt tấn công toàn
tuyến biên giới phía bắc nước ta. Dù kẻ xâm lược bị quân và dân ta đánh bại
phải rút về nước, nhưng hàng vạn đồng bào ta đã bị chúng sát hại vô cùng man
rợ. Hàng triệu gia đình tan nhà nát cửa rơi vào cảnh lầm than, hàng vạn chiến
sĩ ta đã anh dũng hy sinh. Để giữ được nước, máu của chiến sĩ và đồng bào ta đã
nhuộm đỏ cả một vùng biên giới, hàng ngàn liệt sĩ đến giờ vẫn chưa tìm được hài
cốt.
Mặc dù Trung Quốc tuyên bố rút quân xâm lược, nhưng chúng vẫn chưa từ bỏ dã
tâm về lãnh thổ và biển đảo, nên cuộc chiến bảo vệ đất nước ở biên giới và hải
đảo vẫn diễn ra dai dẳng hơn 10 năm sau đó. Máu của chiến sĩ và đồng bào ta
tiếp tục đổ. Chúng ta cần có hòa bình để người dân được bình an làm ăn sinh
sống và xây dựng đất nước, nên các nhà lãnh đạo nước ta đã cùng nhà cầm quyền
Trung Quốc thương lượng để bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Đó là điều
cần thiết để người dân hai nước làm ăn buôn bán, giao lưu hợp tác cùng có lợi.
Dân ta không “bài Hoa”, không kỳ thị với người dân Trung Quốc, dân ta cần có
môi trường giao thương làm ăn thuận mua vừa bán với dân Trung Quốc và tôn trọng
mối quan hệ hợp tác hòa bình giữa hai nhà nước. Nhưng xương máu thì không thể
quên. Nhưng dã tâm của Trung Quốc về lãnh thổ về biển đảo thì không thể không
biết.
Bởi vậy người dân có quyền yêu cầu các nhà lãnh đạo nhớ đến xương máu của
đồng bào chiến sĩ mà cảnh giác. Hoàng Sa đã mất trắng, Trường Sa đã mất một
phần, biển đảo đang bị uy hiếp, điều đó ai cũng thấy. Nhưng có thứ ta đang mất
và có nguy cơ mất mà mắt thường khó nhận ra. Đó là gì ?
Đó là việc Trung Quốc liên tục can thiệp vào chủ quyền của nước ta. Vay
tiền của Trung Quốc để làm đường sắt đô thị Hà Nội phải chấp nhận nhà thầu của
Trung Quốc, mua thiết bị của Trung Quốc, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc quản
lý tài sản công. Giá thầu cao, thiết bị đắt so với chất lượng, nói là vay ưu
đãi nhưng chi phí lại cao hơn nhiều so với vay thương mại, để cho Trung Quốc áp
đặt chỉ định thầu và chỉ định mua sắm chính phủ, không mất chủ quyền thì là cái
gì ? Và điều lạ lùng là trước đó việc xây dựng Sân vận động quốc gia Mỹ Đình dù
không phải là tiền vay của Trung Quốc nhưng vẫn bị Trung Quốc khống chế áp đặt
phải chấp nhận nhà thầu của Trung Quốc, trong khi phương án của nhà thầu này
được đánh giá là kém nhất trong các công ty tham gia dự thầu. Đây chỉ là vài
dẫn chứng có thể nhìn thấy. Đã có quá nhiều công trình dự án vay vốn của Trung
Quốc để đẩy gánh nặng nợ nần cho con cháu và tự rước thòng lọng cho Trung Quốc
điều khiển.
Đó là việc sơ hở trong chiến lược phòng thủ. Bờ biển Đà Nẵng là yếu địa
phòng thủ quốc gia, nhiều vị trí quan trọng đã giao cho doanh nghiệp Trung Quốc
làm dự án. Một loạt nơi khác dọc bờ biển từ Nam chí Bắc cũng giao đất vô tội vạ
cho doanh nghiệp trong nước làm dự án. Theo luật doanh nghiệp và luật chứng
khoán thì các công ty Trung Quốc có thể âm thầm thâu tóm các doanh nghiệp được
giao đất dọc bờ biển thông qua việc mua cổ phần. Với các dự án giao đất dọc bờ
biển tính cho đến bây giờ, một số nơi đã giao thẳng cho doanh nghiệp Trung Quốc
như ở Đà Nẵng và nhiều nơi khác doanh nghiệp Trung Quốc có thể thâu tóm trong
tương lai, nếu điều đó xảy ra thì các vị trí phòng thủ bờ biển nước ta sẽ bị
Trung Quốc khống chế. Nước Mỹ từng chặn đứng phi vụ Trung Quốc thâu tóm cảng
biển mặc dù việc Trung Quốc đến đây thâu tóm đất đai chẳng ảnh hưởng gì đến an
ninh nước Mỹ, nhưng người ta vẫn lo xa. Còn nước ta, mưu đồ độc chiếm Biển Đông
của Trung Quốc đang diễn ra trước mắt và Trung Quốc hàng ngày hàng giờ đang đe
dọa chủ quyền biển đảo nước ta. Để cho Trung Quốc khống chế các vị trí phòng
thủ bờ biển, nếu chiến tranh xảy ra không tiếp tay cho giặc thì là cái gì ?
Việc cho phép chinh quyền địa phương thu hồi đất của dân giao cho doanh nghiệp
làm dự án kinh tế quy định tại điều 62 Luật Đất đai cũng đang gián tiếp tiếp
tay cho Trung Quốc làm việc này mà chính quyền trung ương không thể kiểm soát
được. Đừng viện dẫn kinh tế thị trường, kinh tế thị trường không có nghĩa là
đuổi dân đi để lấy đất giao cho doanh nghiệp, kinh tế thị trường không có nghĩa
là mang rừng mang bờ biển ra giao cho tư nhân.
Chúng ta không thể biết Trung Quốc đang cài cắm nhân sự, mua chuộc quan
chức ở những cơ quan nào của Trung ương và địa phương, nhưng nhìn những gì lộ
ra trên bề mặt không thể không thấy bất an. Chỉ hy vọng cơ quan tình báo quốc
phòng có thể phăng ra các thủ phạm và cảnh báo với Chính phủ những mưu đồ sâu
xa không phải ai cũng nhìn thấy của Trung Quốc.
Không cảnh giác, không tăng cường phòng thủ bờ biển và sức mạnh quốc phòng
đi đôi với việc cởi trói cho dân làm ăn phát triển kinh tế nhanh hơn để củng cố
quốc lực thì việc mất nước hiện nay dễ hơn nhiều so với 40 năm trước. Nếu vậy
thì xương máu của hàng vạn chiến sĩ và đồng bào đổ ra trên biên giới trở thành
vô nghĩa. Máu người không phải là nước lã.
Trên đây xin nói thẳng những gì người dân và cựu chiến binh như tôi có
quyền và có trách nhiệm phải nói. Tút này không hoan nghênh các còm men “bài
Hoa” và chống Nhà nươc.
HOÀNG HẢI VÂN